1979 - Có một người Nhật ngã xuống vì Việt - TopicsExpress



          

1979 - Có một người Nhật ngã xuống vì Việt Nam: PHÓNG VIÊN TACANO - MỘT NHÂN CHỨNG QUẢ CẢM... Takano tên họ đầy đủ là Takano Isao, sinh năm 1943 ở Kobe, tốt nghiệp Khoa Tiếng Việt, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1971. Năm 1978 anh quay lại Việt Nam với tư cách là phóng viên báo Akahata (cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Nhật Bản, hiện là một tờ báo lớn, có uy tín) lấy tài liệu về cuộc chiến biên giới Việt-Trung, ngã xuống ngày 7/3/1979 ở Lạng Sơn, để lại vợ con đang ở Nhật Bản. Là nhà báo nước ngoài duy nhất hy sinh trong cuộc chiến này, người Việt Nam nhớ ơn anh, khi: “Anh đến với quê tôi trong những ngày lửa khói” - những ngày gian nan, vất vả, đói khổ và bị thế giới cô lập (do bộ máy tuyên truyền phản động của Bắc Kinh và phương Tây về việc ta đưa quân tình nguyện sang giúp CamPuChia khỏi họa diệt chủng).. Ngày 7.3.1979, trong lúc chụp ảnh để đưa tin về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, anh đã ngã xuống vì đạn bắn tỉa của quân đội Trung Quốc từ bờ bên kia sông Kỳ Cùng... Cái chết của anh bấy giờ đã dấy lên làn sóng phẫn nộ trong nhân dân Việt Nam, đặc biệt là giới báo chí, văn nghệ. Cảm phục trước sự hy sinh cao cả của nhà báo Takano, nhạc sĩ Phó Đức Phương đã viết ca khúc "Takano, nhân chứng quả cảm”. Tính đến nay, đây có lẽ là ca khúc duy nhất ở Việt Nam viết về một nhà báo cụ thể - lại là nhà báo nước ngoài. Bài hát là một khúc mặc niệm, khúc tráng ca. Day dứt, nao lòng. Hào hùng, xúc động. Giai điệu đậm chất dân gian, với sự kết hợp tài tình những luyến láy của dân ca Nhật Bản và làm điệu hát then của dân ca Việt Nam: "Xin hát về người con của đất nước tuyết trắng Fuji hùng vĩ. Anh đã đến quê tôi trong những ngày lửa khói, tâm hồn anh tươi thắm như hoa anh đào hé nở. Vinh quang thuộc về anh, người chiến sĩ đã hy sinh vì chân lý. Dòng máu ấm tình người, anh dâng hiến cuộc sống. Ngược không gian anh đi, băng suốt thời gian anh đi, ngàn giông tố gian nguy anh không hề ngơi nghỉ. Ôi! Isayo Takano! Đến với dòng sông nơi anh ra đi ngày ấy… Ôi! Isayo Takano! Chiều nay tôi đứng đây nghe lưng trời gió nổi! Ôi! Isayo Takano! Chặng đường anh qua hôm nay hoa đang nở thắm! Ôi! Isayo Takano! Gửi tới quê anh mối tình lắng sâu lòng tôi! Chân lý rồi sẽ toàn thắng, tình anh còn mãi nồng thắm, đẹp thay tuổi xuân Takano! Chân lý ngời sáng đường ta, tình anh vượt muôn trùng xa, bạn ơi có nghe chăng một bài ca: Takano!” Cuối thập niên 70 và đầu những năm 80 của thế kỷ trước, thanh niên Việt Nam và cả thiếu niên chúng tôi, thường cùng nhau hát vang những bài ca giàu tình yêu nước giữa không khí các cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam rồi biên giới phía Bắc. Bên cạnh những giai điệu hừng hực khí thế đấu tranh lúc bấy giờ như "40 thế kỷ cùng ra trận", "Không được đụng đến Việt Nam", “Những đôi mắt mang hình viên đạn”, "Bài ca biên giới", "Lena Belicova" và ca khúc "Takano, nhân chứng quả cảm".. Tiếc là không thể tìm thấy ở đâu bản ghi âm "Lena Belicova" và "Takano - nhân chứng quả cảm" nữa. Bạn nào có xin chia sẻ nhé! ------------- Phần mộ Takano hiện vẫn ở nghĩa trang Hoàng Đồng - Lạng Sơn và được hương khói thường xuyên...
Posted on: Fri, 21 Jun 2013 04:07:16 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015