ASEAN ‘chòng chành’ giữa dòng xoáy ngoại giao trên - TopicsExpress



          

ASEAN ‘chòng chành’ giữa dòng xoáy ngoại giao trên Biển Đông 25/08/2013 Khi Trung Quốc liên tiếp có những động thái hăm dọa trên Biển Đông thì cũng là lúc các quốc gia ngoài Đông Nam Á “nhảy vào cuộc chơi”, mà trong đó nổi bật là Mỹ và Nhật Bản. Những toan tính ngoại giao cùng những nước cờ ẩn ý của ba nước Trung-Mỹ-Nhật đang thách thức sự thống nhất của toàn khối ASEAN khi không chỉ có lợi ích trên biển bị giành giật. Mỹ bước đi thận trọng Sau buổi làm việc với người đồng cấp Trung Quốc Thường Vạn Toàn trong tuần vừa qua tại Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel ngày 29/8 tới đây sẽ có chuyến công du tới Philippines – nước đang có những tranh chấp quyết liệt với Trung Quốc trên Biển Đông. Theo thông báo từ Bộ Quốc phòng Philippines, ông Chuck Hagel sẽ trao đổi với Tổng thống Aquino, Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin và Ngoại trưởng Albert del Rosario về hiệp định khung sẽ mở đường cho lực lượng vũ trang Hoa Kỳ tăng cường sự hiện diện trên khu vực. Đây là bước đi được đánh giá là tái khẳng định chiến lược xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương của chính quyền ông Obama. Ngay trước đó, lãnh đạo quân sự hai bên đã đồng thuận về việc đảm bảo sự tự do hàng hải trên Biển Đông, trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng quyết đoán khi áp đặt chủ quyền bao trùm lên khu vực. Tuy nhiên, Philippines không phải là điểm đến duy nhất trong chuyến công du ASEAN lần này của người đứng đầu Lầu Năm Góc. Trước đó, ông Chuck Hagel còn tới thăm Malaysia, Indonesia và đặc biệt là Brunei – nước đang nắm giữ cương vị Chủ tịch ASEAN. Ngày 25/8, tại Malaysia, người đứng đầu Lầu Năm Góc đã tái khẳng định sự lập trường của Washington đối với giải pháp hòa bình nhằm giải quyết tranh chấp của các bên trên Biển Đông. Trong khi, chuyến thăm Brunei dự kiến sẽ nhận được nhiều sự chú ý bởi ông Hagel sẽ dự cuộc họp thường niên với Bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN trong ngày 28/8 và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) một ngày sau đó. Theo hãng tin PTI (Ấn Độ), vấn đề Biển Đông sẽ là một trong những điểm nóng được bàn luận trong các sự kiện trên. Hãng tin Kyodo đưa tin nhiều khả năng Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera cũng sẽ có buổi làm việc với ông Hagel bên lề ADMM+. Tại đó, hai bên dự kiến sẽ bàn về những hợp tác an ninh trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng bành trướng trên biển. Đáng lưu ý, cũng tại ADMM+, ông Hagel sẽ gặp lại Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn khi mà trước đó tại Washington, dù có đề cập tới việc đẩy mạnh hợp tác quân sự, song ông Thường tuyên bố Bắc Kinh quyết bảo vệ những “lợi ích cốt lõi” và “quyền lợi hàng hải” của họ. Nhật “chơi bài” trên ASEAN Trong khi đó, chính quyền Tokyo đã vạch những “nước cờ” khác nhau khi bắt tay một số thành viên của ASEAN. Điều này có thể thấy phần nào trong chuyến công du Malaysia, Singapore, Philippines của ông Abe hồi cuối tháng 7 vừa qua. Tờ Japan Times nhận định rằng những tuyên bố của Thủ tướng Nhật khi tới thăm từng quốc gia ASEAN, và ngay cả việc chọn lựa các điểm đến, cũng đang thể hiện rõ chiến lược của nền kinh tế thứ 3 thế giới tại Biển Đông. Theo đó, Philippines – nước đang không ngần ngại đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế nhằm vạch trần sự phi lý của “đường lưỡi bò” – đã nhận được sự ủng hộ và lời khẳng định tăng cường hợp tác trên mọi lĩnh vực từ kinh tế tới an ninh của Thủ tướng Nhật. Cũng phải nhắc lại rằng, Manila đang nằm trong mối quan hệ đồng minh tay ba với cả Tokyo và Washington. Còn với nước luôn giữ quan điểm trung lập trong vấn đề Biển Đông nhưng lại giữ một vị thế địa-chính trị rất quan trọng như Singapore, Tokyo đã dùng kinh tế nhằm thắt chặt tình bang giao. Song, trong chuyến đi tới “đảo quốc sư tử”, ông Abe đã “tình cờ” gặp Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden – điều được giới phân tích bình luận rằng sẽ tạo sự thuận lợi nhất định cho Tokyo khi muốn tìm tới sự ủng hộ từ Singapore bởi Mỹ vốn là đối tác chiến lược lâu đời của quốc gia này. Cuối cùng là Malaysia – nước sẽ giữ cương vị Chủ tịch ASEAN trong năm 2015. Ông Abe đã mang tới rất nhiều cơ hội thương mại, kinh tế, cũng như hứa hẹn về nguồn vốn đầu tư từ Nhật. Cùng với đó, khi mà trong tương lai gần, Kuala Lumpur sẽ chèo lái con thuyền ASEAN, ông Abe cho rằng cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á cần bắt tay với Tokyo trong việc giải quyết các bất đồng trên Biển Đông. Trung Quốc cùng chiêu bài “bẻ gãy bó đũa” ASEAN Mới đây nhất, ngày 22/8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có buổi làm việc với người đồng cấp Campuchia Hor Namhong sau loạt động thái hứa hẹn đầu tư vào lĩnh vực phát triển thủy điện. Ngay sau đó, ông Hor Namhong đã kêu gọi ASEAN cần đoàn kết với Trung Quốc hơn nữa khi Bắc Kinh hứa hẹn sẽ bảo vệ Phnom Penh trước những lợi ích “bên ngoài”. Trước đó, Ngoại trưởng Vương Nghị đã có chuyến công du được cho là để hoàn tất một vòng Đông Nam Á khi ghé thăm nốt Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và Lào, song không có Philippines. Song, giới học giả Đài Loan trên hãng thông tấn CNA cho rằng: đây chỉ là một trong hai “gọng kìm” của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông. Với gọng kìm thứ nhất, Bắc Kinh đang dùng chính trị, ngoại giao để phân hóa nội bộ ASEAN và hướng các quốc gia trong khu vực vào các hợp tác chiến lược, cũng như các quan hệ kinh tế. Có thể thấy rõ điều này khi Bắc Kinh đã tìm cách can thiệp vào ASEAN thông qua Campuchia vào năm ngoái và tác động lên Brunei, Thái Lan, Indonesia và Singapore trong năm nay. Trong khi đó, gọng kìm thứ hai của Trung Quốc nằm ở hàng loạt động thái bành trướng sức mạnh quân sự trên Biển Đông. Điều đó cho thấy, chính sự di chuyển trong các hoạt động ngoại giao dồn dập của cả Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ đang khiến cho sự thống nhất của ASEAN trở nên lung lay. Cũng từ đó mà ADMM+ tới đây tại Brunei với mục tiêu tìm kiếm một cấu trúc an ninh bền vững lâu dài cho khu vực không khỏi khiến nhiều người tỏ ra quan ngại sẽ không đạt được kết quả như mong đợi. Hơn nữa, một kịch bản ASEAN mất đi tình đoàn kết, thiếu tính trung lập và giảm vai trò trung tâm là điều rất dễ xảy ra bởi các nước này không muốn phải đưa ra một sự lựa chọn nào tổn hại tới lợi ích của chính mình, học giả Ralf Emmers thuộc Đại học Công nghệ Nam Dương tại Singapore bình luận trên tờ Jakarta Post.
Posted on: Sun, 25 Aug 2013 17:48:30 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015