Bai viet that cam dong cua Tieu Quyen khi khong tham gia hop lop - TopicsExpress



          

Bai viet that cam dong cua Tieu Quyen khi khong tham gia hop lop duoc nhung dop gop tu xa...... Omely Phan Các bạn lớp Anh khóa 12 tổng hợp đang trong những ngày hội ngộ sau 25 năm kể từ ngày nhóm lớp. Quyên không tham dự được nên đóng góp bằng những góp nhặt kỷ niệm, mong làm đậm đà thêm những giây phút đáng trân quý này. Vẫn còn nhiều mẩu kỷ niệm chưa được viết xuống, Quyên sẽ viết thêm sau này để hoàn chỉnh hơn. Nếu Tuấn hoặc các bạn có hứng thú và thời gian thì cứ viết tiếp. Hy vọng những mẩu chuyện này giúp châm ngòi nổ cho những kho kỷ niệm chất chứa trong lòng tất cả chúng ta bấy lâu. Thương chúc Anh K12 có những ngày hội ngộ tuyệt vời. Nhớ là có ăn uống, hát hò, nhảy nhót, kể chuyện tiếu lâm thì đừng quên những cô hồn xa xứ như mình đây nhé. Luôn ngóng về các bạn... TUỔI (THƠ) SINH VIÊN DỮ DỘI Cái thời tụi tôi, sau khi vượt qua kỳ thi đại học, muốn được chấp nhận vào học thì trước hết là phải chứng tỏ mình “đủ cân đủ lạng”. Tôi thì không đủ cao để mọi người phải ngước nhìn, nhưng cũng không đủ thấp đến nỗi luôn phải nghển cổ để ngước nhìn người khác. Cụ thể là tôi cao chẳn chòi 1,5m và cân nặng tròm trèm 40kg. Nói chung là “chuẩn không cần chỉnh”, người được nặn theo đúng mẫu catalogue! Thế nhưng hình như ông trời cũng thích đa dạng hóa sản phẩm hay sao ấy, ông cho ra đời một version khác. Để qua một bên cái khái niệm đẹp, xấu, nội dung, chất lượng. Cái version này tốn nhiều công và nguyên vật liệu hơn, bởi vì cái kích thước “khủng” của nó. Lớp tôi hân hạnh tuyển được lô sản phẩm đặc biệt này – gồm Thiện Bảo, Thu Huyền, Mỹ Linh và Uyên Hà. Không hiểu mấy đồng chí này ăn nhằm cái thức gì mà sổ sữa đến thế, chân thì cứ gọi là dài tới nách, chẳng bù cho tôi, còi y như ổ bánh mì quá lửa. Nhưng dù có còi thì tôi vẫn vượt qua được cái ải “đủ cân đủ lạng” một cách hiên ngang, dễ dàng, chẳng phải thập thò, lo lắng như anh Chính. Anh Chính hồi đó có một tầm vóc hết sức khiêm tốn – bề dài, bề rộng, bề sâu đều ở mức “đáng e ngại” như nhau. Anh kiên nhẫn đợi cho tụi tôi cân đong đo đếm trước rồi lặng lẽ bước lên bàn cân. Tụi tôi xì xầm nghi ngờ anh Chính có độn thêm cục chì bự mới cân nặng vừa đủ mức quy định. Ca’I nhóm tụi tôi lúc nào cũng ồn ào, nói chuyện tơn tớt, liú lo. Thấy anh Chính hiền lành, ít nói nên tụi tôi định ăn hiếp. Ai dè lúc vào học chung rồi mới biết, tuy nhỏ người nhưng khả năng “quậy” thì không nhỏ chút nào. Một vài tháng đầu sau khi nhập học tụi tôi được lãnh học bổng bằng gạo và dầu hỏa (nếu tôi nhớ không lầm). Thu Huyền được hân hạnh giao chức “lớp phó đời sống”, hàng tháng liên hệ với ban đời sống của sinh viên để biết ngày kêu tụi tôi đi nhận khẩu phần. Lãnh gạo tháng đầu tiên về, lặc lè bỏ lên xe đạp, rướn người đạp xe lên dốc cầu Tràng Tiền, dù mệt nhưng cũng hãnh diện vì là lần đầu tiên trong đời nhận được học bổng sinh viên. Thế nhưng ôi thôi, gạo này không thể nào ăn nổi, nó cũ và bốc mùi mốc quá trời, mỗi lần vo gạo là mọt nổi lên làm thành một váng đen trên mặt nước. Đứa nào cũng lắc đầu ngao ngán. Thế là sau đó một hiệp ước thương mại được ký kết ngay với cô phát gạo – tụi tôi không cần mang gạo về mà bán ngay cho cô phát gạo, cầm tiền mặt về xài cho nó linh hoạt. Dĩ nhiên giá thu mua thì phải rẻ hơn giá bên ngoài thị trường nhưng chúng tôi đâu thèm so kè chi cho nó mệt, gả được cục nợ đi và lấy tiền về đi ăn hàng, uống café là thấy đời sướng như tiên. Về sau chúng tôi được nhận học bổng bằng tiền mặt theo ba mức dựa trên kết quả học tập của từng học kỳ. Ít lâu sau khi vào trường tụi tôi được nhà trường đưa đi lao động xã hội chủ nghĩa ở Hương Thọ, Bình Điền. Trời lúc đó đã đầu đông nên bắt đầu se lạnh. Tụi tôi cọc cạch đạp mấy cây số hầu hết là đường dốc, qua khỏi bến đò cạnh Lăng Khải Định, có những đoạn tụi tôi hoàn toàn dắt bộ vì dốc cao quá. Cả lớp chia ra từng nhóm nhỏ rồi cùng kèm nhau đi. Trời đã muốn sụp tối mà cả bọn vẫn còn loanh quanh đi tìm nhà của gia đình cho tụi tôi tá túc. Giữa lúc đó thì xe của Bích Hảo bị xẹp lốp. Tôi cũng chẳng nhớ làm sao mà cuối cùng tụi tôi cũng tìm đến được nơi tập kết. Cả lớp tôi hồi đó có khoảng 22 mạng, vậy nhưng không ai chịu đi qua ở những nhà dân khác mà tập trung vào một nhà duy nhất. Ngôi nhà tụi tôi ở lại là một nếp nhà nông thô sơ điển hình – mái tranh, vách đất, cửa phên, nền đất nện, có chuồng gà, chuồng heo. Đặc biệt ở trước mặt nhà có lối dẫn xuống bến sông, nơi mà anh chị chủ nhà và những hộ dân xung quanh vẫn thường xuống giặt giũ, tắm rửa. Đoàn trường giao cho lớp chúng tôi trồng cây con phủ hết một ngọn đồi nhỏ. Lớp tôi có 6 nam, còn lại toàn phe “chân yếu tay mềm”. Con trai lớp tôi đã làm một nghĩa cử cao đẹp mà cho đến tận bây giờ tụi con gái vẫn rất lấy làm cảm kích. Phe con trai biểu phe con gái cứ việc ở nhà nấu nướng, thêu thùa, giặt giũ, để mấy anh rảnh tay rảnh chân mà ra mặt trận chiến đấu. Được lời như cởi tấm lòng, tụi con gái thong dong ở nhà tán dóc, việc nấu ăn thì đã có lớp trưởng Phương Nhi chỉ đạo và đứng bếp. Tôi nhớ hình như ngày nào cũng có món đậu phụng rang dầm nước mắm. Thực tình tôi không nhớ nhiều chi tiết xung quanh lần đi lao động này. Nhưng dù có quên hết thì tôi cũng không thể không nhớ một vài câu chuyện nhỏ mà tôi chắc chắn là tất cả các bạn trong lớp đều nhớ. Trước hết là cái tên “Ông Bèn”. Buổi tối sau khi ăn uống xong tụi tôi ngồi trạo miệng và mọi người thay nhau kể chuyện vui. Ông Duy kể câu chuyện xảy ra trong một lớp học: Cô giáo đang dạy trong tiết học lịch sử:”Nguyễn Huệ sau khi đánh thắng quân Thanh, ông bèn lên ngôi vua và lấy niên hiệu là Quang Trung”. Nhìn thấy Tí đang ngủ gục, cô kêu: Tí, ông nào lên ngôi vua? Tí dụi mắt: Dạ ông… Bèn. Nghe ông Duy kể, cả tụi bò lăn ra cười và cũng từ đó tụi tôi gán chết tên ông Bèn cho ông Duy. Ông Bèn kể về mặt tuổi tác thì lớn nhất lớp, là con trai Quy Nhơn trắng trẻo, môi đỏ hồng, khiến không ít nàng thầm yêu trộm nhớ. Tụi con gái tuy gọi là đi lao động xã hội chủ nghĩa nhưng không hề cầm tới cái cuốc. Buổi sáng phe con trai xuất trận, đến trưa đạp xe về ăn cơm. Vừa ăn mấy ông kể lại là ra tới chỗ trồng cây, cuốc một hồi nóng người quá nên mấy ông đồng lòng cởi hết đồ, chỉ chừa lại cái quần đùi trên người. Cái thời đói cơm rách áo đó, ông nào cực chẳng đã mới dám khoe mấy bộ xương di động. Thấy mấy chàng lớp Anh văn “thiên nhiên” quá, mấy em Nga văn ở ngọn đồi bên cạnh kẻ thì xấu hổ, chỉ thỉnh thoảng nhìn trộm, kẻ thì cười ré lên, đấm lưng nhau thùm thụp. Cô Bình và thầy Hồng đi quanh đôn đốc công việc, thấy tụi con gái biến mất, hỏi đến thì phe con trai kiếm cớ bao che, hứa là sẽ hoàn thành công việc được giao. Mấy ông con trai dở trò ăn gian, cô thầy dặn là trồng cây này cách cây kia 1m, thì mấy chàng chơi tới 1m3, 1m5, bởi vậy mới làm xong được hết diện tích được giao. Buổi chiều mùa đông, trời sập tối nhanh và se se lạnh. Phe con trai giống như những chú lùn trở về sau một ngày làm việc vất vả trong những hang núi, người ngợm lấm lem, bùn đất bám từ đầu đến chân. Dù muốn làm biếng cũng không được, mấy cụ trâu đành phải đi tắm. Anh nào cũng mơ đến cái phòng tắm ở nhà, nơi mẹ hiền nấu giúp sẵn nồi nước nóng để hòa vào nước lạnh mà tắm cho ấm. Làm gì có chuyện đó ở đây, thế là… bến sông, thẳng tiến! Cả thảy là sáu chàng ngự lâm pháo thủ: anh Chính, anh Duy, Tuấn, Hoằng, Bảo, và Đạm – sắp thành một hàng, không ai dám nhảy xuống nước trước, người này cứ đùn cho người kia, miếng thì cứ la bai bải: “Tau nói là tau không lạnh, tau nói là tau không lạnh”. Hô khẩu hiệu quyết liệt thế nhưng ai nấy cứ giẫm chân tại chỗ. Tình thế cấp bách vì càng đứng đó lâu, trời càng tối và lạnh hơn, thế là mấy chàng nhấm nháy nhau hội đồng xô Đạm xuống nước trước rồi cả bầy nhảy ùm theo sau. Mấy ông con trai cười sặc cười sụa kể lại cho bọn con gái nghe, làm tụi tôi cười chảy cả nước mắt nước mũi. Đạm chỉ học chung với tụi tôi năm đầu tiên, sau đó không hiểu sao Đạm bảo lưu một năm và học chung với khoá sau của tụi tôi. Đạm hiền lành và ăn nói rất trẻ con, thích chơi với tụi con gái hơn vì mấy ông con trai quỷ quái của lớp tôi cứ bày ra đủ trò để trêu chọc Đạm. Mấy ông cứ kêu “Đạm Chại” riết rồi chết tên luôn. Sau tiết mục quây quần kể chuyện tếu sau bữa cơm, tụi tôi lục tục đem mền gối ra trải và bắt đầu tiết mục “kể chuyện đêm khuya”. Chuyện đông, chuyện tây, chuyện trên trời dưới đất, chuyện xưa chuyện nay đều được buôn dưa lê. Tụi tôi trải tấm nilon trên nền đất nện, nằm cạnh nhau gần như sắp cá, phần vì nhà chật, phần vì nằm gần nhau cho đỡ lạnh lúc sương xuống. Anh Chính, Bảo, Thu, An, Nhi, Giao, anh Duy thường chơi thân một nhóm với nhau và lúc ngủ cũng chui vô nằm chung mền (không biết có chuyện gì xảy ra không nhỉ?) Anh Chính còn đặt bày e ngại:”Coi chừng chí Đặng Dung bò qua thăm chí Hàn Thuyên”. Sáng ra cái mền “vía” của tôi toẹt ra làm hai nửa không hề khoan nhượng. Thủ phạm cũng lại là cái ông Chính ốm nha ốm nhách đó. Anh í còn thẹn thò phân trần:” Vì cái mền của Quyên bị rách sẵn một chỗ, ngón chân cái của anh móc vô đó nên mới ra nông nỗi. “ Bây giờ tụi tôi mà có dịp về lại Hương Thọ thì “cũng không xác định được "chuồng heo" và "bội gà" nằm ở đâu” (lời anh Chính) vì hai mươi lăm năm qua đã có biết bao nhiêu vật đổi sao dời. Một lần khác tụi tôi được phân công đi trực đêm và chốt cái chòi ngay cạnh cổng chính của trường. Tụi tôi thức hầu như trắng đêm, nửa đêm vẫn còn ôm đàn ra hát, rồi vét hết tiền lẻ trong mấy cái túi lủng ra cầu Kho rèn mua bánh mì về ăn dặm cho đỡ đói. Ăn lửng bụng lại bật nhạc lên chỉ cho nhau học dancing. Sáng mai ra cả bầy ngủ gà ngủ gật trong tiết lịch sử đảng, thầy nói cái chi cũng gật đầu liên tục. May mà có mấy bạn lớp nga văn làm bình phong, chứ không cũng bị thầy hỏi han tận tình. Vào ngày phụ nữ của năm học thứ nhất, ngày 8-3, mỗi o con gái trong lớp được mấy anh tặng một bông hoa tươi và một tấm thiệp. Không thể tả được sự xúc động và biết ơn của cả bầy con gái đối với mấy anh con trai hào hoa phong bạch điến. Tự nhiên thấy mình may mắn được lọt vào cái lớp toàn đàn ông ga-lăng, hiểu tâm lý phụ nữ tối đa. Mãi về sau khi một ít bụi thời gian đã phủ lên cái sự kiện đáng nhớ đó thì anh Tuấn nhà mình, trong một lần vui miệng, đã hé mở cái bí mật tày trời của đám con trai. Té ra tiền mua hoa đâu phải tiền túi của mấy ổng. Tiền đó là tiền của khoa gởi về cho chị em phụ nữ để kỷ niệm ngày đặc biệt trong năm của phe tóc dài. Mấy ông con trai chỉ để dành ra một ít để mua hoa và mua thiệp, còn lại tiền mấy ông rủ nhau đi coi ciné và chè chén hết trọi. Biết được cái sự thật phủ phàng đó chị em đau như hoạn, tức cành hông nhưng đành ngậm hột thị vì có mà “bắc thang lên hỏi ông trời”. Là sinh viên ngoại ngữ, tụi tôi phải học một ngoại ngữ hai song song với ngoại ngữ chính. Chúng tôi chỉ có một chọn lựa – tiếng Nga, ngôn ngữ của Pushkin. Suốt mấy năm tụi tôi học tiếng Nga trong một cuốn sách duy nhất “Ruxki i a dứk đờ li a vờ xuô” (Tiếng Nga dành cho mọi người) mà tụi tôi vẫn thường đọc trại đi là “Ruxki day dứt”. Lúc học đến bài “Mama i football”, thầy Hồng hỏi đề bài nghĩa là gì, Tuấn bật ra không cần suy nghĩ: “Con cáo và chùm nho”. Tiếng Nga thiệt là rắc rối với sáu cách chia động từ. Còn nhớ một lần thầy Hồng hỏi Tuấn nhà ở đâu, Tuấn trả lời nhà em ở trên đường Hùng Vương. Nếu chia đúng cách thì Tuấn phải thêm chưa “e” vào cuối chữ Vương, nhưng bắt Tuấn đi lao động ở Hương Thọ còn dễ hơn bắt anh chàng phải nhớ mấy cách chia trong tiếng Nga. Tuấn trả lời với giọng không mấy tự tin “ I a rư vu na Hung Vuong gà”. Thầy Hồng lắc đầu, thế là Tuấn làm tiếp luôn: “Hung Vuong gù, Hung Vuong gừ, Hung Vuong gè”. Thầy Hồng ngao ngán, chỉ muốn buột miệng than “ngu lâu khó đào tạo”. Chuyện “xoá mù tiếng Nga” của Tuấn chưa dừng lại ở đó. Ở kỳ thi học kỳ hai, cuối năm 3, sau trọn một năm vật lộn với Ruxki day dứt, Tuấn tự tin bước vào phòng thi vấn đáp. Chẳng biết nội vụ giữa hai thầy trò thế nào mà lúc bước ra khỏi phòng thi mặt mày Tuấn hớn hở, tươi roi rói. Tụi tôi nhào tới Tuấn hỏi dồn dập: “Thầy hỏi mi cái chi? Mi trả lời được hết à?” Tuấn mặt mày rạng ngời : “Tau nói chi ra thầy cũng khen là pờ-lô-khờ hết, rứa chắc là tau ít nhất cũng phải được 8, 9 điểm”. Nghe đến đó cả bọn nhìn Tuấn thương hại: “Khơ-ra-shồ mới là good, còn pờ-lô-khờ là bad, răng mà mi dốt tiếng Nga dữ rứa không biết”. Tuấn thiếu đường bật ngữa: “Rứa à! Rứa mà tau tưởng ngược lại, hèn chi tau có nhiều pờ-lô-khờ hơn là khơ-ra-shồ”. Một bận, gần cuối tiết học tiếng Nga, còn khoảng 15 phút gì đó, thầy Hồng tuôn ra một tràng dài dằng dặc . Cả bọn ngơ ngác nhìn nhau, tụi tôi đưa mắt qua mấy “chuyên gia tiếng Nga” như Phương Thảo, Ngọc Anh, Uyên Hà, Bích Phượng, để cầu cứu. Mấy chuyên gia gặp phải câu tiếng Nga dài hơn 5 chữ, căng thẳng suy nghĩ còn lung hơn là mở kíp bom hẹn giờ, sau một hồi cũng đành thúc thủ. Thầy Hồng cười lém lỉnh: “Tôi cho mấy anh chị về sớm mà mấy anh chị cũng không hiểu à?” Nghe đến đó, tụi tôi ré lên sung sướng nhưng không quên thòng cho thầy một câu: “Lần sau thầy nói tiếng Việt cho dễ hiểu chứ nói tiếng Nga nghe nổ lốp đốp, va lốp cốp tụi em tưởng thầy nói cái gì nghiêm trọng lắm.” Thầy Hồng là thầy giáo trẻ mới ra trường được một vài năm, thầy chỉ hơn tụi tôi vài tuổi, còn độc thân, tính tình phóng khoáng nên chẳng bao giờ để bụng tụi tôi điều gì. Biết là tụi tôi không thích học tiếng Nga và hầu như gần hết lớp chỉ học tiếng Nga để đối phó nhưng thầy không vì thế mà làm khó làm dễ tụi tôi mặc dù lúc đó khoa tiếng Nga rất mạnh và có nhiều quyền sinh sát hơn khoa tiếng Anh. Thầy đối xử với chúng tôi như một người anh đi trước. Càng gần gũi thầy, tụi tôi càng nhận ra điều đó rõ hơn. Thoạt đầu chúng tôi cũng giữ một khoảng cách nhất định với thầy Hồng vì thầy là người đàng ngoài, lại còn dạy tiếng Ruxki day dứt. Khi chúng tôi đến nhà thăm thầy nhân một dịp gì đó, tụi tôi láu táu kể về kế hoạch đi chơi lăng sắp đến. Thấy thầy có vẻ quan tâm, chúng tôi mời thầy cùng đi, nhưng trong bụng cầu mong thầy từ chối. Ai dè thầy vui vẻ đồng ý ngay và hỏi mấy giờ thì gặp nhau. Thầy đưa ra khái niệm giờ tiến, giờ lùi mà từ cha sinh mẹ đẻ đến giờ và mãi về sau này tôi chưa nghe ai nhắc lại lần thứ hai. Để trả đũa thầy về cái vụ “mời đưa” mà thầy lại chịu đi, mấy thằng con trai lừa thầy xách cái bình ác quy nặng chình chịch. Thầy Hồng vui vẻ xách đồ theo phân công, không hề kẻ cả. Hoá ra nhờ có thầy đi chơi mà cả lớp càng vui hơn, thầy cùng đi cho đến tận tiết mục cuối cùng – bánh lọc nhà lá. Cả lớp vào ăn cái quán bánh nhỏ xíu, ăn nhiệt tình như bị giam đói mấy tháng, bánh luộc không kịp làm chị chủ quán la con rối rít. Dịp đi chơi đó là dịp khó có thể nào quên. Thời gian đó Tuấn cứ đèo queo trêu chọc Uyên Hà. Cái mặt cu cậu tỉnh rụi lúc nói những câu tỏ tình trắng trợn: - Tuấn nói hoài mà Hà không tin, Tuấn yêu Hà thiệt đó hoặc - Hồi đêm Tuấn nằm mơ thấy Hà đó. Yêu tới độ nằm mơ mà Hà còn không tin, rứa chừ Tuấn làm chi cho Hà tin? Thoạt đầu Uyên Hà cứ giãy nãy : - Cái ông ni chơi kiểu chi kỳ thiệt đó, giỡn kiểu nớ người ta nghe tưởng thiệt bây giờ. Tuấn chỉ chờ có thế: - Thì Tuấn nói thiệt chứ bộ giỡn à. Trời ơi, yêu đơn phương thiệt là khổ sở! Đỉa đeo cũng không dai bằng Tuấn, cu cậu giỡn suốt mấy tháng liền. Thật ra vì cái cách phản ứng của Uyên Hà quá dễ thương, quá con gái nên Tuấn cứ có hứng chọc tiếp. Những lúc như thế tụi tôi đế thêm vô, làm ra vẻ như biết rõ tấm tình của Tuấn lắm: “Tuấn thương Hà thiệt đó Hà ơi, hắn hay tâm sự với tụi này lắm.” Chọc Hà một thời gian khá lâu rồi mà mỗi lần thế Hà vẫn đỏ mặt, nhiều lúc làm vẻ mặt giận dỗi, nhưng chỉ được chút xíu Hà lại quay ra cười. Lớp tôi lúc đầu có cả thảy khoảng 22 bạn, nhưng sau một thời gian ngắn thì An, Thu đi Mỹ. Hết năm thứ 2, Mỹ Linh cũng đi, Đạm thì lui học với khoá sau nên quân số ổn định chỉ có 18 bạn. 18 bạn chia thành năm nhóm, mỗi nhóm có lịch trình sinh hoạt, ăn chơi riêng, nhưng khi cả lớp gặp nhau thì tất cả đều chơi rất hoà đồng, không có sự chia rẽ, mất đoàn kết. Tôi rất may mắn được học chung với một một tập thể tuyệt vời. Ngay cả thầy cô cũng nhận ra điều đó, rất ủng hộ và đối xử thân mật với cả lớp. Học đến năm thứ năm, nghĩ đến chuyện sang năm phải ra trường, không còn dịp để gặp nhau, cả lớp đều ngậm ngùi và ước gì được học chung với nhau thêm một năm nữa. Chắc hẳn các bạn không quên kỷ niệm với thầy Sung, vị thầy vắn số. Một lần thầy Sung đến trễ khoảng dưới 15 phút. Cả bọn nhấp nha nhấp nhổm đứng ngay tại cửa lớp, đếm từng giây trôi qua, đến phút thứ 10 thì cặp đã sẵn sàng trong tay, hai nhóm ham chơi nhất hè nhau đi ra, đúng lúc đó thì thầy xuất hiện từ đàng xa, mấy nhóm kia cũng vừa rời lớp nhưng đã quá chậm rồi, cả bọn tránh thầy bằng cách leo cầu thang lên tầng trên. Hàng lang trống quá nên thầy thấy tụi tôi từ xa. Thầy đi theo sau lưng cả bọn, vừa lùa cả bầy vào lớp, thầy vừa nhỏ giọng la cái bầy ham chơi y như la mấy đứa con hư: “Mấy anh chị lớn rồi mà chi chi á!” Sở dĩ thầy không dám to tiếng vì cả hành lang đang yên lặng, lớp nào cũng ngồi học nghiêm túc, chỉ có lớp tôi tự nhiên đi rảo rảo làm mất trật tự công cộng. Vào ngồi học lại mà ấm ức chi lạ, cứ ước chi mình cao chạy xa bay chỉ một vài phút trước khi thầy đến. Đời sinh viên không thể nào đúng nghĩa nếu không có chuyện cúp cua đi chơi. Thường thì tụi tôi chỉ cúp cua môn lịch sử Đảng, tiếng Việt, hoặc tiếng Nga. Giờ tiếng Việt và lịch sử Đảng thì dễ chuồn hơn vì lớp tiếng Anh học chung với lớp tiếng Nga. Các bạn Nga văn rất siêng học nên sẽ là một cái bình phong rất tốt. Nhưng giờ tiếng Nga thì tụi tôi phải học riêng. Hai nhóm ham chơi nhất gần như thỏa thuận với nhau là nếu nhóm này cúp cua thì nhóm kia phải ở lại lớp chịu trận. Một bận, cả hai nhóm đều dành nhau cúp cua, nhóm tôi đến phiên phải ngồi lại học. Đến lúc nhóm kia di tản hết rồi mà thầy vẫn chưa đến, thế là tụi tôi ngó trước, ngó sau, kiếm đường chuồn ngay. Cả bọn lấp ló sau chân cầu thang dẫn lên câu lạc bộ, canh thầy đi vào lớp rồi là chạy ào ra lấy xe đạp. Bốn đứa đạp xe ra là kiểm tra ngân sách liền, sau khi yên tâm có 5 ngàn cho 4 ly cà phê và một ổ bánh mì không, bốn đứa trực chỉ café Phong Lan. Lúc đó mới có hơn 7 giờ sáng, đạp xe ngang quán thấy quán vẫn chưa mở, chủ quán đang đứng thắp hương, lâm râm khấn vái, họ vừa quay lưng vào thì tụi tôi cũng vừa an vị. Bốn đứa chiếm cái bàn gần cái máy cassette , chỗ có cái chòi tròn ở ngay giữa quán. Câu chuyện mới đầu còn uể oải, thế rồi càng lúc sự râm ran càng tăng, đứa này giành đứa kia nói, chuyện tiếu lâm từ đời tú huy tú huýt nào cũng lôi ra mà kể. Cái bụng thì đói réo rắt, vì nguyên cả buổi sáng chỉ có một ly café đen đậm đặc và một mẩu bánh mì tí xíu. Quán Phong Lan có khu vườn rộng thật lý tưởng, mùa hè yên tĩnh và mát rượi. Mặc kệ Khánh Ly hát từ bài này sang bài khác, có khi tua lui tua tới mấy lần một cuốn băng, mặc kệ bao nhiêu lượt khách vào rồi ra, bốn đứa vẫn còn ngồi đồng ở đó. Tụi tôi không phải lo cơm áo gạo tiền, đầu óc vô tư lự, ngoài mấy tiếng học ở trường và chút ít giờ học bài ở nhà, tụi tôi chỉ mong được tụ tập với nhau và quậy. Trước khi tốt nghiệp tụi tôi còn một đợt thao tập quân sự. Nào lăn, lê, bò, toài, nào băng bó, cứu thương, nào bắn, nào nghi thức,... không thiếu món gì. Cả lớp tụi tôi luôn tìm cách ngồi cuối hàng, để mấy bạn nga văn ngồi phía trên làm bình phong. Mấy cái kho truyện tiếu lâm di động của lớp - Bảo, Tuấn, anh Chính, anh Duy, kể cả Hoằng - được dịp phát huy hiệu quả. Cả bọn ngồi cười rúc rúc, mặc cho mấy đồng chí huấn luyện cứ ra rả: "Tôi cơ cấu đồng chí ở vị trí này, tôi thiết kế đồng chí ở vị trí kia." Ngày tập bắn đạn thật, tụi tôi lên trường bia. Tôi bắn 3 viên đạn thì hai viên vào gần tâm, được 19 điểm, còn viên đạn thứ ba chu du cái cõi mô mà không hề thấy bóng dáng của hắn trên tấm bia. Đến lượt Thu Huyền, chị chàng đường hoàng nằm xuống chiếu, và bắt đầu ngắm mục tiêu. Ngắm một hồi mãi không chịu bắn, đồng chí Trung huấn luyện nhắc nhở thì chị chàng mếu máo, đưa tay quệt nước mắt. Té ra là Huyền sợ mà không dám xin miễn, thế là chị Châu, sinh viên anh văn trường sư phạm, người chuyên đóng vai "stunt" nhảy vào bắn cho Huyền ba viên đạn với số điểm gần như tuyệt đối. Một tháng tập quân sự trôi qua cái vèo, tụi tôi nuối tiếc vì biết là sau đợt tập quân sự đó, mỗi người sẽ thực sự mỗi nẻo, khó mà có dịp được ngồi lại với nhau đông đủ. Hai mươi lăm năm kể từ ngày cả lớp bắt đầu gắn kết nhau như một khối, cứ tưởng rằng không có gì có thể ngăn cản mình bươn bả đi tụ họp, thế mà bao nhiêu thứ dây dợ ràng buộc đã đặt tôi bên lề cuộc chơi. Buồn và tiếc! Những dịp như thế này sẽ là những cột mốc quan trọng trong cuộc đời của tụi mình. Mai sau nhìn lại những tấm hình hội ngộ không có mặt mình trong đó tôi sẽ thấy đau lắm. Mong các bạn có những ngày hội ngộ thật đẹp, thật khó quên. PPTQ, PORTLAND july 2013
Posted on: Sat, 10 Aug 2013 14:26:07 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015