Bài này nên đọc VIỆT NAM QUỐC SỬ DIỄN CA 1 LỜI - TopicsExpress



          

Bài này nên đọc VIỆT NAM QUỐC SỬ DIỄN CA 1 LỜI MÀO ĐẦU Chào các cháu thân mến. Ông là Thái Bá Tân, Còn gọi Ông Tân Béo, Nghề - làm thơ, viết văn. Trước ông cũng dạy học, Nhưng lâu rồi, hôm nay Ông có chuyện muốn nói Với các cháu thế này. Người ta bảo các cháu Ngại môn Sử, đúng không? Thế thì thật đáng tiếc, Vì môn ấy, theo ông Là môn rất bổ ích, Dễ học và cực hay. Ông ngày bé, thú thật, Mê học nó hàng ngày. Vì sao? Vì học nó Như một chuyến đi xa, Ngược thời gian, tìm hiểu Lịch sử của nước nhà. Mà chuyến đi vui lắm, Chẳng tốn kém một đồng. Ông sẽ dẫn các cháu, Ta cùng đi, thích không? Vừa đi ông vừa kể, Bảo đảm không ai buồn. Kể bằng thơ dễ hiểu. Nếu cần, ông thề luôn. Sẽ lâu và xa đấy. Bốn nghìn năm cơ mà. Bốn nghìn năm lịch sử Đất nước Việt Nam ta. Ông sẽ theo trình tự Kể từ những ngày đầu Nhân dân ta dựng nước Rồi kể tiếp về sau. Suốt bốn nghìn năm ấy Tổ Quốc ta thân yêu Trải qua bao biến cố. Nhiều lắm, nhiều, rất nhiều. Nhiều triều đại tiếp nối. Nhiều chiến thắng vẻ vang. Nhiều anh hùng, hào kiệt. Nhiều trang sử huy hoàng… Tất cả những cái ấy Ta phải biết, đúng không? Biết để hiểu đất nước, Tự hào về cha ông. Lần lượt ông kể hết. Hơn thế, dọc đường đi Ông kể xen cổ tích, Toàn truyện hay, li kỳ. Hoặc có thể là truyện Các danh nhân, anh hùng. Nước ta, người như thế Thì ôi, nhiều vô cùng. Các cháu đồng ý chứ, Sao cứ phải chờ lâu? Làm gì là làm tới. Nào, chúng ta bắt đầu. 2 VŨ TRỤ VÀ TRÁI ĐẤT Đã bao giờ các cháu Tự hỏi mình câu này: “Từ đâu ta có được Thế giới như hôm nay?” Một câu hỏi thú vị, Được đặt ra từ lâu. Bây giờ ông sẽ nói, Từ sơ khai, ban đầu. Mười bốn tỉ năm trước, Có một cái Big Bang, Tức là Vụ Nổ Lớn, To lắm, thật kinh hoàng. Cái Big Bang lớn ấy Làm vũ trụ nở ra, Tạo nên các thiên thể, Như Trăng, Sao, Thiên Hà… Mười tỉ năm sau đó Trái Đất mới ra đời, Như một hành tinh nhỏ Bay xung quanh Mặt Trời. Mặt Trời về thực chất Chính là một Ngôi Sao, Vì nó tự phát sáng, Lơ lửng trên trời cao. Thiên thể bay quanh nó Được gọi là Hành Tinh, Tự chúng không phát sáng, Như Trái Đất chúng mình. Mặt Trời có tất cả Tám Hành Tinh khác nhau. Rất khác về kích thước, Tính chất và sắc màu. Đó chính là Sao Hỏa, Sao Mộc, Hải, Thiên Vương, Các sao Thổ, Kim, Thủy Và Trái Đất thân thương. Trong số tám “Sao” ấy, (Chính xác là Hành Tinh, Vì do ta gọi chệch) Có Vệ Tinh của mình. Vệ Tinh là gì nhỉ? Là thiên thể bay quanh Một Hành Tinh nào đó. Tất nhiên bay rất nhanh. Ngoài Vệ Tinh nhân tạo, Trái Đất có Mặt Trăng, Một Vệ Tinh tuyệt đẹp, Ta quen gọi Chị Hằng. Chị Hằng không tỏa sáng. Hấp thụ ánh Mặt Trời, Đêm, Chị phản chiếu lại, Làm say lòng loài người. Theo các nhà khoa học, Trái Đất của chúng ta Hình thành từ mảnh vỡ Của Mặt Trời văng ra. Đến lượt mình, Trái Đất Cũng có một miếng văng, Cùng thời gian, cô lại Và rồi thành Mặt Trăng. Vậy, như ông đã nói, Sau cú nổ kinh hoàng, Ta gọi Vụ Nổ Lớn, Tây thì gọi Big Bang, Tỉ tỉ Sao xuất hiện, Phân bố ở khắp nơi. Mỗi Sao là một Hệ. Ta thuộc Hệ Mặt Trời. Nhiều Hệ gộp nhau lại Thành một chùm Thiên Hà. Ngân Hà là tên gọi Thiên Hà của chúng ta. Vũ Trụ nó lớn lắm. Lớn vô tận, vô cùng, Đến mức ông cũng chịu, Không thể nào hình dung. Cùng với sự lớn ấy Là khối lượng khổng lồ Các Thiên Hà, các Hệ Đủ kích thước nhỏ to. Có chuyện này thật lạ, Thoạt nghe tưởng chuyện cười, Rằng Sao trong Vũ Trụ Cũng sinh, chết, như người. Theo các nhà khoa học, Năm tỉ năm nữa thôi Mặt Trời ngừng phát sáng Và sẽ chết, than ôi, Trái Đất ta, thật tiếc, Cũng chết theo, tuy nhiên, Từ giờ đến lúc ấy Còn lâu, đừng buồn phiền. Cũng có thể khoa học Giúp chúng ta “dọn nhà” Sang sống ở nơi khác Trong Vũ Trụ bao la. Vậy là hết lo nhé, Ngoài lo học thành người. Nhất là học môn Sử. Tuyệt đối không được lười. Tiếp đến ông sẽ nói Một đề tài rất hay, Là do đâu xuất hiện Sự sống như ngày nay. Giờ thì như đã hứa, Để các cháu nghỉ ngơi, Ông kể một câu chuyện, Một bài học ở đời. Chuyện về một cậu bé Lười đọc sách, tiếc sao. Rồi các cháu sẽ hiểu Chuyện kết thúc thế nào. Đúng, đọc sách cần lắm. Mà phải đọc hàng ngày. Nào, lắng nghe ông kể. Câu chuyện ấy thế này. 3 SỰ SỐNG TRÊN TRÁI ĐẤT Người ta đã ước tính Có hàng tỉ Thiên Hà, Tỉ tỉ ngôi sao sáng Trong Vũ Trụ bao la. Tỉ tỉ sao sáng ấy Có thể có hành tinh, Tức là có sự sống Như Trái Đất chúng mình. Tiếc, đến nay, sự sống Chưa tìm thấy nơi nào. Có thể ta đơn độc Giữa nghìn nghịt trời sao. Có thể là như vậy. Có thể không, hãy chờ. Ông thì nghĩ là có. Để rồi xem, bây giờ Ngắn gọn và dễ hiểu, Bây giờ ông điểm qua Việc hình thành sự sống Trên Trái Đất chúng ta. Hơn bốn tỉ năm trước, Ông nói rồi, nhớ không, Đã hình thành Trái Đất, Một khối lửa rực hồng. Khối lửa ấy lắng xuống. Các chất nhẹ nổi lên, Thành quả cầu rất nóng, Có bề mặt màu đen. Rồi quả cầu ấy nguội, Thành đất, đá nhấp nhô. Các núi lửa hoạt động, Liên tục phun bụi tro. Chính trong bụi tro ấy Có nhiều khí, về sau Hình thành nên khí quyển Bao quanh quả địa cầu. Rồi đại dương xuất hiện, Bốn tỉ năm trước đây Nhờ xuất hiện hơi nước Và mưa lớn nhiều ngày. Từ trên cao xuống thấp, Nước chảy mạnh từng dòng, Dần dần ăn lõm đất Và cuối cùng thành sông. Nửa tỉ năm sau đó Có sinh vật đơn bào. Thêm hai tỉ năm nữa Phát triển thành đa bào. Rồi xuất hiện động vật, Gồm các loài giản đơn, Lúc đầu sống dưới nước, Rồi thành phức tạp hơn. Năm trăm triệu năm trước Có loài cá đầu tiên. Một thời gian sau đó Có cỏ trên đất liền. Các cháu chú ý nhé: Cá xuất hiện trước cây. Cá bò lên đất cạn, Thành động vật sau này. Trước hết thành bò sát, Lúc đầu sống lưỡng cư, Cả dưới nước, trên đất, Cứ tiến hóa từ từ. Trong các loài bò sát, Có một loài rất to, Là khủng long tiền sử, Bằng mấy chục con bò. Hai trăm triệu năm trước, Tổ tiên xưa của Người Là động vật có vú Mới có mặt trên đời. Chim thì mãi sau đó, Khoảng năm mươi triệu năm. Hoa thì còn sau nữa, Nếu ông nhớ không nhầm. Loài khủng long, ta biết, Tuyệt chủng đã từ lâu, Sáu lăm triệu năm trước, Còn chưa rõ do đâu. 4 LOÀI VƯỢN CỔ Hàng chục triệu năm trước, Trên trái đất chúng ta Có một loài vượn cổ, Thường sống trong rừng già. Hàng ngày đi bắt thú Hoặc tìm kiếm thức ăn, Loài vượn này thích ứng Với việc đi bằng chân. Hai chi trước giải phóng Để cầm nắm, bẻ cây, Hàng triệu năm phát triển, Rồi dần dần thành tay. Thế là Người tối cổ Cuối cùng đã hình thành. Đứng thẳng lưng, tay ngắn, Chân to chắc, bước nhanh. Họ sống thành từng tốp, Trên dưới vài chục người. Ban ngày đi bắt thú Hay hái hoa quả tươi. Còn ban đêm họ ngủ Trong hang, trong lều thô Dựng bằng cành cây lớn, Phủ cỏ hoặc lá khô. Họ đã biết dùng lửa Để nướng chín thức ăn; Làm công cụ bằng đá Giúp cho việc đi săn. Bốn mươi nghìn năm trước, Loài Người tối cổ này Cuối cùng có hình dáng Giống con người hiện nay. Họ sinh hoạt theo nhóm, Khoảng vài chục gia đình, Có họ hàng gần gũi, Gọi là Người Thông Minh. Đó là các thị tộc, Làm, ăn chung với nhau Trong chế độ nguyên thủy, Cái buổi ấy ban đầu. Thế là ông kể hết Sơ lược về quá trình Phát triển của Trái Đất Đến con người thông minh. Hiện các nhà khoa học Chưa nhất trí với nhau. Nhiều điều còn tranh cãi, Mà chắc còn cãi lâu. Tiếp đến ông sẽ nói Về xã hội loài người Thời xã hội nguyên thủy Vốn tồn tại một thời. 5 XÃ HỘI NGUYÊN THỦY Trong xã hội nguyên thủy, Mọi người sống với nhau, Không khái niệm đẳng cấp, Sang hèn hay nghèo giàu. Cùng chung sức làm việc, Không tranh giành miếng ăn. Không khái niệm bóc lột. Không ghen ghét, thù hằn. Vào thời tối cổ ấy Thức ăn còn chưa nhiều, Lại sống cùng thú dữ, Quả khốn khó nhiều điều. Cùng với sự tiến hóa, Con người đã khôn dần, Biết chế tạo công cụ, Kiếm được nhiều thức ăn. Họ biết nuôi gia súc, Trồng ngũ cốc, rau xanh, Lấy vỏ cây dệt vải, Làm đồ gốm, đồ sành. Tuy nhiên, công cụ đá Dẫu tiến bộ rất nhiều, Nhưng năng suất lao động Chẳng hơn được bao nhiêu. Sáu nghìn năm về trước, Con người tìm thấy đồng, Cùng các kim loại khác Rồi học cách gia công. Họ chế tao nông cụ, Các vật dụng trong nhà, Cả các đồ trang sức, Xẻ gỗ để dựng nhà. Nhờ có công cụ mới, Họ khai phá đất hoang, Săn bắt nhiều dã thú, Sản xuất, trao đổi hàng. Rồi hàng hóa, lương thực Được làm ra cuối cùng Vừa nhiều vừa đa dạng, Vượt quá mức tiêu dùng. Số lượng dư thừa ấy Được những người thông minh Hay khỏe mạnh chiếm giữ Làm của riêng cho mình. Họ ngày càng giàu có, Không cùng làm, cùng ăn, Mà trở thành bóc lột, Và thế là dần dần Một giai cấp xuất hiện, Sống bằng bóc lột người. Xã hội cũ tan rã, Xã hội mới ra đời. * Cái xã hội nguyên thủy, Dạng xã hội đầu tiên, Đại khái là thế đấy, Như ông vừa kể trên. Mai, trước khi kể tiếp, Về lịch sử nước nhà, Ông sẽ điểm ngắn gọn, Kiểu cưỡi ngựa xem hoa, Một số quốc gia cổ, Cả Đông và cả Tây. Các cháu đồng ý chứ? Thôi, tạm dừng hôm nay. À mà khoan, gượm đã, Có chuyện ngụ ngôn này, Ông kể cho các cháu, Bảo đảm là rất hay. Ông Esop viết nó Cách đây ba nghìn năm, Một nô lệ Hy Lạp, Nếu ông nhớ không nhầm. Các cháu lắng nghe nhé, Vừa hay vừa thông minh. Nghe xong, phải cố gắng Rút bài học cho mình. HAI CON DÊ QUA CẦU Có một con Dê Trắng Và một con Dê Đen Đi qua chiếc cầu nhỏ, Hai con từ hai bên. Chẳng may, cầu thì hẹp, Sông phía dưới lại sâu. Ai cũng tranh đi trước, Quyết không chịu nhường nhau. Dê Trắng nói: “Anh bạn, Anh phải nhường tôi đi.” Dê Đen đáp: “Ngược lại. Nhường ư? Anh nói gì?” Cả hai con cứ bước, Không ai chịu nhường ai, Rồi húc nhau ghê gớm, Rồi rơi xuống cả hai. Từng có chú Dê Trắng Và Dê Đen, buồn sao, Nay ở khúc sông ấy Không có chú Dê nào. * Dê hay Người cũng vậy, Đi đường phải nhường nhau. Nếu có chậm một chút, Cũng chẳng chết ai đâu. 6 CÁC QUỐC GIA CỔ ĐẠI Vào cuối thời nguyên thủy, Cư dân sống rất đông Ở những vùng đất lớn Dọc theo các dòng sông, Như sông Nin Ai Cập, Sông Dương Tử, Trường Giang, Trung Hoa thời cổ đại. Ở Ấn Độ - sông Hằng. Ti-grơ, Ơ-phơ-rat, Hai sông nặng phù sa, Ở khu vực Tây Á, Còn gọi là Lưỡng Hà. Nhờ nông cụ cải tiến, Đất rộng và phì nhiêu, Nông nghiệp phát triển mạnh, Năng suất cao hơn nhiều. Đặc biệt là lúa gạo, Cả khoai sắn, rau, dưa. Chăn nuôi cũng phát triển, Đã có phần dư thừa. Vậy là có chiếm hữu - Có người không đủ ăn, Có người thành giàu có, Giai cấp hình thành dần. Năm nghìn năm về trước, Lần đầu tiên, quốc gia Hình thành ở Ai Cập, Trung Quốc và Lưỡng Hà. Ở các quốc gia ấy Dân sống bằng nghề nông, Nhưng họ không có ruộng, Chỉ là người làm công. Sau mỗi mùa thu hoạch Họ phải nộp, trung bình, Một phần ba sản phẩm Cho chúa đất của mình. Ngoài ra phải lao dịch, Tức là làm không công Cho nhà giàu, quí tộc, Và cho cả cộng đồng. Bọn nhà giàu, quí tộc Không làm việc chân tay, Vì có người hầu hạ Suốt cả đêm lẫn ngày. Đó là các nô lệ, Vốn là những tù binh, Những người nghèo bị ép Bán sức để nuôi mình. Đứng đầu lớp quí tộc Có ông vua, ông này Nắm hết mọi quyền lực Trong mọi việc hàng ngày. Hơn thế, vua tự nhận Là thánh thần, hơn người. Trung Quốc là Thiên Tử, Nôm na là con trời. Còn ở nước Ai Cập Vua là Pha-ra-ông, Tức là “ngôi nhà lớn”. Các cháu thấy kỳ không? Để giúp việc vua ấy, Một bộ máy chính quyền Do quí tộc nắm giữ, Suốt từ dưới lên trên. Chúng bắt dân đóng thuế, Bắt đi lính, bắt phu, Xây cung điện, ai chống Sẽ bị giết, bỏ tù… * Vậy là ông đã nói Ngắn gọn trong mấy dòng Về ba quốc gia cổ, Tất cả đều Phương Đông. Giờ các cháu nghe tiếp Về hai nước Phương Tây, Rô-ma và Hy Lạp, Được hình thành thế này. Có hai bán đảo nhỏ Ở miền Nam châu Âu, Nhô ra Địa Trung Hải. Ở nơi ấy, từ lâu, Hơn ba nghìn năm trước Hình thành hai quốc gia, Là Hy Lạp cổ đại Và nhà nước Rô-ma. Đất ở đây không tốt Như các nước Phương Đông, Nên người dân buộc phải Tìm giống và chọn trồng Nhiều cây lưu niên phụ, Như ô-liu và nho. Chúng không cần nhiều nước, Nhưng quả mọng và to. Đặc biệt hai nước ấy Không chỉ giỏi nghề nông, Còn giỏi nghề làm rượu Và nhiều nghề thủ công, Như nghề luyện kim loại Làm công cụ, nữ trang, Nghề thủy tinh, gốm sứ, Cả nghề tìm, đãi vàng. Rô-ma và Hy Lạp Có nhiều cảng nước sâu, Nên buôn bán phát triển, Tấp nập thuyền và tàu. Xã hội hai nước ấy Gồm có hai loại người - Chủ nô và nô lệ. Tỉ lệ một trên mười. Nô lệ phải làm việc “Như nô lệ”, tất nhiên. Bị coi như súc vật, Không cơm áo, gạo tiền. Chủ nô, tức quí tộc, Lại sung sướng cực kỳ. Chỉ ăn chơi, nhảy múa, Không động tay làm gì. Nô lệ đã khởi nghĩa Rất nhiều lần ở đây, Vì họ không cam chịu Cuộc sống bất công này. * Vào buổi bình minh ấy, Các quốc gia cổ xưa Đạt được những thành tựu, Cũng không phải loại vừa. Trung Quốc có âm lịch, Mười hai tháng một năm. Ba mươi ngày một tháng, Tính toán cả ngày rằm. Họ có đồng hồ nước, Đồng hồ cát để bàn Để đo và tính toán Giờ giấc và thời gian. Người Phương Đông thời cổ Nghĩ ra chữ tượng hình Để ghi lại cảm nghĩ Và văn hóa của mình. Trong lĩnh vực toán học, Người Lưỡng Hà là người Nghĩ ra các con số Từ một cho đến mười. Những con số đơn giản Các cháu dùng ngày nay. Đơn giản như khi đếm Mười ngón trên hai tay. Trong khi người Ai Cập Lại tìm ra số Pi, Vì họ giỏi Hình Học, Chính xác đến lạ kỳ. Trong lĩnh vực xây dựng, Họ để lại cho ta Rất nhiều Kim Tự Tháp, Thành quách ở Lưỡng Hà. Người Rô-ma, Hy Lạp Vào thời ấy mịt mùng Đã có bảng chữ cái Nay nhiều nước vẫn dùng. Trong lĩnh vực khoa học, Như Toán, Sử, thơ văn, Vật Lý, Triết, Hình Học, Điêu Khắc, Địa, vân vân, Xuất hiện nhiều tên tuổi Có thể gọi khổng lồ - Pla-tông, A-si-met, Ta-let, Pi-ta-go… Trong lĩnh vực xây dựng Và kiến trúc ở đây, Nhiều công trình đồ sộ Tồn tại đến ngày nay. Ông đã chiêm ngưỡng chúng - Đấu trường Cô-li-dê Ở Rô-ma cổ kính. Không tin à? Ông thề. Ông còn đến Hy Lạp, Thăm đền Pac-tê-nông. To, đẹp, hoành tráng lắm. Sao, lại không tin ông? Mai sau các cháu lớn, Cứ đến những nơi này, Ngắm chúng và hãy nhớ Lời ông nói hôm nay. Các cháu mệt chưa nhỉ? Chưa à? Có gì đâu. Học lịch sử thích lắm, Như ông nói từ đầu. Ngày mai ông sẽ nói Về lịch sử nước ta. Giờ ngồi im, ông kể Chuyện một cậu lớp Ba. Câu chuyện này có thật, Đúng mắt nhìn, tai nghe, Khi thăm nhà người bạn, Mới đây thôi, xin thề. CHUYỆN CẬU BÉ VÀ BA ĐIỂM MỘT Cậu nọ đi học về Liền giấu ngay sổ điểm, Nhưng bà mẹ đòi xem - Cậu hết đường giấu diếm. Mẹ chau mày thở dài, Chỉ thấy toàn điểm một. Bố giận dữ hồi lâu Nhìn cậu con học dốt. - Vì sao cô cho con Con một này?- Bố quát. -Vì con yếu môn sinh, Gọi chim là bò sát. -Thế điểm một thứ hai? Cậu kia liền nhăn nhó: -Con tưởng Kenguru Mọc ngoài đồng như cỏ. -Điểm một là còn cao! Bà mẹ rơi nước mắt. -Nhưng trường con xưa nay Điểm một là thấp nhất. Còn điểm một thứ ba Là do con dốt toán. Đề bài hỏi: Vậy là Lớp B bao nhiêu bạn? Con giải suốt một giờ, Tính trên rồi tính dưới, Cuối cùng thành: Lớp B Có hai mươi bạn rưỡi. 7 NƯỚC VĂN LANG Vào thời xa xưa ấy Đất nước của chúng ta Là một vùng rậm rạp Núi và đồi bao la. Có rất nhiều hang động Và cây cối tốt tươi Với nhiều loài động vật, Tất nhiên, có cả người. Các nhà khảo cổ học, Năm sáu mươi, sáu lăm, Tìm thấy dấu tích họ, Ba, bốn trăm triệu năm. Họ sinh sống rải rác Ở Hòa Bình, Hạ Long, Nghệ An và phú Thọ… Chủ yếu dọc các sông. Ngoài săn bắn, hái lượm, Để có thêm thức ăn, Họ chăn nuôi, trồng trọt, Cuộc sống khá hơn dần. Gần ba nghìn năm trước, Dọc theo các triền sông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Như sông Mã, sông Hồng, Có nhiều bộ lạc lớn, Đã hình thành khắp nơi, Chung phong tục, ngôn ngữ, Hùng mạnh và đông người. Trong đó, hùng mạnh nhất Là bộ lạc Văn Lang Ở Việt Trì, Phú Thọ, Sống trong các bản làng. Khoảng thế kỷ thứ bảy Trước Công Nguyên, một người, Một thủ lĩnh tài giỏi Của Văn Lang ra đời. Ông nhanh chóng khuất phục Các bộ lạc bốn phương, Thanh thế rất mạnh mẽ, Rồi tự xưng Hùng Vương. Ông lập một nước mới, Đặt tên là Văn Lang, Đóng đô ở Phú Thọ, Thuộc thời đại Hồng Bàng. Đất nước ấy rộng lớn, Gồm Bắc Bộ bây giờ Và vùng Thanh, Nghệ, Tĩnh, Phong cảnh đẹp, nên thơ. Nước có mười lăm bộ, Giống huyện quận ngày nay, Đứng đầu là Lạc Tướng. Bên dưới các bộ này Có rất nhiều chiềng, chạ, Tương đương như xã, làng, Đứng đầu là Bồ Chính, Chức quan thời Văn Lang. Nhà nước chưa có luật, Cả quân đội cũng không. Mỗi khi có chiến sự, Các trai tráng một lòng Theo lệnh vua chiến đấu. Lạc Tướng luôn dẫn đầu. Lo các việc chính sự Có các quan Lạc Hầu. Kiểu cha truyền con nối, Các vua lên ngai vàng. Mị Nương là công chúa. Hoàng tử là Quan Lang. Là một nước nông nghiệp, Dân nước ta bấy giờ Giỏi về canh tác lúa, Biết dệt vải, thêu thùa. Chiếc trống đồng Ngọc Lũ, Phát hiện ở Hà Nam Và một số trống khác Cũng người thời ấy làm. Họ còn biết dùng sắt Đúc vũ khí, lưỡi cày. Đánh cá, nuôi gia súc, Đóng thuyền và trồng cây. Vì còn nhiều thú dữ Nên dân ở nhà sàn. Nhà làm bằng tre nứa, Tường là các tấm đan. Nam giới chỉ đóng khố. Nữ mặc váy, yếm che. Chân trần, đầu thường đội Một vòng lông chim xòe. Dân Văn Lang thời ấy Xăm mình, nhuộm răng đen. Theo chế độ mẫu hệ Và thờ cúng tổ tiên. Vào những ngày lễ hội Họ tổ chức đua thuyền, Thi giã gạo, làm bánh, Trong tiếng trống, tiếng kèn… Nước Văn Lang thế đấy, Có từ thời xa xưa. Một đất nước rộng lớn. Các cháu nghe, nhớ chưa? Bây giờ ông sẽ kể Câu chuyện cổ tích này, Xẩy ra vào thời ấy. Về bánh chưng, bánh dày. SỰ TÍCH BÁNH CHƯNG, BÁNH DÀY Đời Hùng Vương thứ sáu, Khi giặc Ân không còn, Vua có ý thoái vị, Muốn nhường ngôi cho con. Vua gọi các hoàng tử, Nhân năm mới, đầu xuân: “Các con tìm lễ vật Cùng nước uống, thức ăn Làm sao thật ý nghĩa Để thờ cúng đất trời, Cúng thần linh, tiên tổ, Đẹp dáng, đẹp lòng người. Cuộc thi này đặc biệt, Phần thắng thuộc về ai Ta sẽ cho người ấy Được thừa kế vương ngai.” Các hoàng tử háo hức Lên đường đi gần xa, Tìm của ngon vật lạ, Mong nối ngôi vua cha. Con trai thứ mười tám, Có tên là Lang Liêu, Vốn hiền hậu, hiếu thảo, Đáng khen đủ mọi điều. Mẹ không may chết sớm, Việc thờ cúng tổ tiên Chàng còn chưa được dạy, Nên lo lắng, buồn phiên. Một đêm, thần báo mộng: “Suy cho cùng, ở đời Không gì quý bằng gạo. Gạo nuôi sống con người. Vậy con lấy gạo nếp Làm bánh vuông, bánh tròn. Vuông tượng trưng cho đất. Tròn là bầu trời con. Trong bánh có nhân thịt, Ngoài gói bằng lá xanh, Để ghi sâu ơn nặng Công cha mẹ sinh thành.” Chàng Lang Liêu tỉnh dậy Nhớ lời thần, rất mừng, Làm bánh vuông, luộc chín, Đặt tên là bánh chưng. Chàng đồ xôi, giã mịn, Rồi ngồi vắt bằng tay Những bánh tròn bọc lá, Gọi đó là bánh dầy. Đúng hẹn, các hoàng tử Mang đến trình vua cha Nhiều món ăn ngon lạ Của các miền gần xa. Còn Lang Liêu, khiêm tốn, Dâng bánh chưng, bánh dày. Chàng nói rõ ý nghĩa Của các loại bánh này. Vua đích thân nếm thử Thấy rất ngon, và rồi Chàng là người được chọn Để vua cha truyền ngôi. Từ đó, Tết Nguyên Đán Người dân khắp mọi miền Làm hai loại bánh ấy Cúng đất trời, tổ tiên. 8 NƯỚC ÂU LẠC Đời Hùng Vương Mười Tám, Tức thế kỷ thứ Ba, Trước Công Nguyên, hẳn thế, Nước Văn Lang chúng ta Không yên bình như trước. Vua quan lo ăn chơi, Không lo chuyện phòng vệ. Dân đói ăn nhiều nơi. Trong khi đó, Phương Bắc, Vua Tần, Tần Thủy Hoàng, Vào năm Hai Một Tám, Cho đánh chiếm Văn Lang. Người Lạc Việt lúc ấy Sống cùng người Tây Âu, Còn gọi người Âu Việt, Có quan hệ từ lâu. Họ hợp sức chiến đấu. Quân giặc mạnh và đông, Giết thủ lĩnh Âu Việt, Nhưng họ không nản lòng. Sử cũ Trung Quốc chép Về quân dân Văn Lang: “Người Việt bỏ lên núi, Nhất quyết không đầu hàng. Ngày án binh bất động, Đêm quấy nhiễu quân Tần. Họ tôn một hào kiệt Để lãnh đạo toàn dân.” Hào kiệt ấy, Thục Phán, Vừa có đức, có tài, Ngăn được bọn xâm lược, Làm chiến tranh kéo dài. Sáu năm trời ròng rã Quân giặc bị giam chân. Trong một trận quyết chiến, Quân Việt thắng quân Tần. Tướng giặc bị giết chết, Là Hiệu Úy Đồ Thư. Nhà Tần phải ra lệnh Cho rút quân từ từ. Vào năm Hai Không Bảy, Sau chiến thắng không lâu, Thục Phán lên ngôi báu. Lạc Việt và Tây Âu Được sáp nhập làm một, Một nước mới ra đời, Có tên là Âu Lạc, Đất rộng và đông người. Kinh đô của Âu Lạc Đóng ở vùng Cổ Loa, Một vùng đất bằng phẳng, Cách Bờ Hồ không xa. An Dương Vương Thục Phán Sau khi lên ngai vàng, Giữ nguyên bộ máy cũ Của vua Hùng Văn Lang. Nước vẫn chia thành bộ, Có Lạc Tướng, Lạc Hầu, Bồ Chính và chiềng chạ… Vốn tồn tại từ lâu. Đất nước đã phát triển, Trước hết là nghề nông, Nghề chăn nuôi, dệt vải, Rồi các nghề thủ công. Dân số gia tăng mạnh. Rồi khoảng cách giàu nghèo Cũng gia tăng tương ứng, Rồi mâu thuẫn tăng theo. * Các cháu nghe, hiểu chứ? Giờ ông kể vì sao Âu Lạc đã sụp đổ, Và trong hoàn cảnh nào. Thục Phán cho xây dựng Ở kinh đô của mình Một khu thành bằng đất, Sau gọi là Loa Thành. Sử cũ chép: “Thành ấy Rộng nghìn trượng, hình tròn, Như chiếc loa vỏ ốc…” Nay di tích vẫn còn. Với ba vòng khép kín, Tường thành này rất dài, Những mười sáu nghìn mét, Nếu ông nhớ không sai. Mặt thành khoảng mười mét. Chiều cao - năm đến mười. Chân thành, để đứng vững, Có chỗ rộng hai mươi. Có hào sâu đầy nước Bao bọc xung quanh thành, Thông với một đầm lớn, Dành cho các thủy binh. Giữa là khu Thành Nội, Nơi ở của Hoàng Gia, Cùng Lạc Hầu, Lạc Tướng Gia nhân và người nhà. Cổ Loa, thành xưa ấy, Không chỉ là kinh đô, Mà còn một chiến lũy, Cùng quân đội, lương kho. * Đất nước mới thành lập, Được ít năm yên hòa Thì có họa xâm lược Từ phía quân Triệu Đà. Triệu Đà là viên tướng Được vua Tần ủy quyền Cai quản xứ Lưỡng Quảng Và những vùng kề bên. Vào năm Hai Không Bảy, Nhà Tần yếu, Triệu Đà Lập nên nước Nam Việt Ở vùng đất giáp ta. Chẳng bao lâu sau đó Triệu Đà đã dấy binh, Rắp tâm đánh Âu Lạc, Những tưởng sẽ thắng nhanh. Tuy nhiên, quân Âu Lạc, Có lợi thế đất nhà, Tướng giỏi, vũ khí tốt, Nên hắn thua, xin hòa. Vào năm Một Bảy Chín, Hắn lần nữa xuất quân Sau khi đã ly gián Thục Phán và triều thần. Do không còn tướng giỏi, Không chủ động phòng xa, Đất nước ta, Âu Lạc, Lọt vào tay Triệu Đà. Vậy là các cháu thấy, Thục Phán An Dương Vương, Chỉ vì do khinh xuất, Mà phải chết thảm thương. Cũng bắt đầu từ đó, Suốt một nghìn năm dài, Dân ta là nô lệ Của phong kiến nước ngoài. Trong suốt nghìn năm ấy Không khuất phục, đầu hàng, Dân Đại Việt nổi dậy, Lập nhiều trang sử vàng. Giờ thì ông sẽ kể Một truyền thuyết đau lòng Liên quan đến Thục Phán Và con gái của ông.
Posted on: Sun, 06 Oct 2013 18:24:39 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015