BẠN HỮU – THẬT VÀ ẢO Có một bạn trẻ khoe - TopicsExpress



          

BẠN HỮU – THẬT VÀ ẢO Có một bạn trẻ khoe với mình là Facebook của em có hơn 3000 bạn, trong khi em thấy của anh có chưa tới 1000. Mình trả lời với bạn ấy là lý do anh có ít bạn Facebook là do anh đã từ chối hơn 2000 lượt gửi lời mời kết giao, và hiện còn gần 1000 cái nữa do anh chưa có thời gian thăm nhà từng bạn. Và một lý do nữa là anh đã block một cơ số đáng kể các bạn sử dụng Facebook chỉ để khoe ba cái ảnh nhí nhố và những status tào lao vô bổ như của em. Thử hỏi trong số hơn 3000 người “bạn Facebook” đó thì em đã gặp bao nhiêu người và học hỏi cũng như chia sẻ gì từ họ, và trong số đó ai là những người quen cũ. “Triệu người quen có mấy người thân, khi lià trần có mấy người đưa.” Không phải bạn biết ai và là ai biết bạn, và ai là người sẵn lòng chìa bàn tay ra giúp bạn khi được yêu cầu. Chính những mối quan hệ “sâu” chứ không phải độ phủ của các quan hệ “rộng” làm cho bạn được nhiều người yêu mến, tin cậy, và trao cơ hội kinh doanh. Như đã có lần chia sẻ, mình quan niệm có 5 loại bạn là: bạn xã giao, bạn cùng sở thích, bạn thân, bạn tri kỷ và bạn đời. Bạn tri kỷ và bạn đời là những khái niệm rất đặc biệt mà có thể mình sẽ chia sẻ vào một dịp khác. Giàu vì bạn! Điều này là hoàn toàn đúng vì thực tế cho thấy người ta thành công hay thất bại trong cuộc đời là do các mối quan hệ của họ nhiều hay ít và sâu sắc đến đâu. Theo một khảo sát thì 73 phần trăm số người được phỏng vấn cho rằng họ có những mối lái làm ăn là từ những quan hệ giới thiệu của bạn bè, và chủ yếu là bạn cùng sở thích và bạn thân theo kiểu “mấy chỗ khác họ đang chào như vầy nè, mày làm được như họ là OK, hoặc tốt hơn thì càng tốt”. Ai càng có nhiều “kèo thơm” như thế, người đó càng có cơ hội để trở nên khá giả. Vì thế những mối quan hệ xã hội thực chất là một loại tài sản của một con người, tiếng Anh gọi là social capital. Và là tài sản, những mối quan hệ đó cần được chăm sóc và bảo dưỡng thường xuyên giống như ta chăm sóc một vườn cây, cần tưới nước thường xuyên chứ không phải khi cần hái quả thì mới ra vườn. Cá nhân mình rất ghét cái cảm giác nhận được một cuộc điện thoại để nhờ vả một chuyện gì đấy từ một người bạn mà trước đấy cả vài năm không liên hệ. Thực ra những “Người đi qua đời tôi” – bài hát của nhạc sỹ Phạm Đình Chương - thực ra không nhiều lắm đâu. Họ sẽ là bạn học thời phổ thông, bạn cùng đại học, những đồng nghiệp ở các cơ quan cũ, các thầy cô giáo cũ, những người hàng xóm trước đây của bạn, họ hàng chú bác nội ngoại các bên, và có thể liệt kê thêm là những người yêu cũ. Bạn hãy thử nhắm mắt lại và cố nhớ lại từng gương mặt và hỏi mình xem nếu gặp một trong số những “người đi qua đời tôi” đấy, bạn sẽ nhận ra ai nếu tình cờ gặp trên đường? “Cuộc sống luôn vội vã, với bao nghiệt ngã đã cuốn ta đi rồi…” Vâng, đúng là dòng đời xô đẩy và chúng ta càng ngày càng cảm thấy bận rộn với những mối quan hệ mới, với những danh thiếp chúng ta nhận hàng ngày từ công việc của mình, với những lịch hẹn ăn sáng ăn trưa ăn tối hay cà phê cùng khách hàng. Nhưng hình như chúng ta đang bỏ phí cái tài sản xã hội của chúng ta là những người quen cũ. Vậy thì đừng chần chừ nữa, bạn hãy tra danh bạ và gọi điện cho họ hàng, bạn cũ, thầy cô (và cả người yêu cũ nữa) chỉ để hỏi thăm vài lời về tình hình sức khỏe, về cuộc sống gia đình, về công việc của những người quen cũ, và chia sẻ những thông tin tương tự của mình cho bạn hữu. Bằng cách đấy, tên và hình ảnh của bạn sẽ ở trong tâm thức của những người quen cũ, và khi có họ có cơ hội kinh doanh gì có thể bạn sẽ là người được nhớ tới đầu tiên. Có mới nhưng không nới cũ. Nếu làm được điều đó thì bạn sẽ là một người bạn đang mến trong mắt bạn bè, bạn nhé. Cảm ơn anh Hiệp đã gợi mở cho bài đào tạo 10 phút của mình cho Leader Chapter vào thứ Sáu tuần qua.
Posted on: Sun, 03 Nov 2013 06:15:29 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015