Bản Ngã Và Gia Đình Tại Sao Chúng ta Không Có Quan - TopicsExpress



          

Bản Ngã Và Gia Đình Tại Sao Chúng ta Không Có Quan Hệ Tốt Với Những Người Trong Gia Đình Của Chúng ta? Chúng ta thử xét những thành viên trong gia đình của chúng ta xem. Có bao nhiêu người trong họ đang sống với sự hợp tác, đoàn kết, yêu thương và hiểu biết lẫn nhau? Chúng ta đối xử với họ như thế nào? Và chúng ta đã cố gắng lẩn tránh họ nhiều bao nhiêu? Một điều lạ là chúng ta có thể mời cả thế gian này vào căn phòng của chúng ta qua chiếc máy vô tuyến truyền hình nhưng chúng ta lại không sẵn lòng mời người láng giềng sát bên cửa chúng ta vào nhà và nói chuyện với họ một cách tử tế. Dường như chúng ta không có thời gian để nhìn vào những khuôn mặt thân quen của những người trong gia đình chúng ta nữa. Thay vào đó chúng ta lại dành nhiều thời gian để ngắm nhìn những khuôn mặt của người xa lạ trên màn ảnh vô tuyến. Thậm chí trong gia đình chúng ta cũng không có thì giờ để nhìn nhau với những khuôn mặt tươi vui mặc dù chúng ta sống chung trong một căn nhà. Đây là bản chất của cuộc sống hôm nay. Đôi khi, dính líu với người chúng ta yêu còn là nguyên nhân của bao khổ đau não nề. Một số người hoàn toàn không ngó ngàng gì đến những người trong gia đình của họ sau khi lấy vợ hoặc lấy chồng. Đó không phải là cách mà con người nên cư xử. Nói khác hơn đó là sự biểu hiện của một bản chất thú vật. Chúng ta có thể giữ gìn đời sống cộng đồng bằng cách giúp đỡ lẫn nhau và hỗ trợ đạo đức cho nhau lúc cần. Về nhiều phương diện chúng ta có thể nói rằng loài vật nhiều khi còn cư xử với nhau đàng hoàng hơn so với con người chúng ta vậy. Mặc dù loài vật không giúp đỡ lẫn nhau theo cách mà con người được trông đợi phải làm trong gia đình và xã hội, song chúng rất thường chung sống với nhau. Đôi khi chúng biết hy sinh để bảo vệ bầy đàn của chúng hay bảo vệ những đứa con của chúng tránh khỏi kẻ thù. Chúng không bao giờ tiêu diệt đồng loại của chúng, một điều mà con người dám làm! Thú vật không giết con cái sau khi đã giao cấu với nó nhưng con người có thể nhẫn tâm làm điều đó. Chó không bao giờ quấy rầy những con chó cái con song con người lại quấy rối tình dục thậm chí với những đứa bé gái còn rất nhỏ. Có vẻ như rằng ngày nay chúng ta không còn sống như những con người thực sự nữa. Chúng ta đã đi quá xa lối sống tự nhiên của chúng ta. Đó là lý do vì sao chúng ta đang phải đương đầu với rất nhiều vấn đề, kể cả sự cô đơn và bất ổn. Những Vấn Đề Ở Mức Gia Đình Trong thời đại của những thay đổi văn hoá-xã hội cực kỳ to lớn này, có lẽ không thể chế nào thay đổi một cách triệt để như thể chế gia đình. Trong những xã hội nông nghiệp, các gia đình nông thôn lớn hơn các gia đình ở những vùng đô thị, bởi vì con cái là một nguồn lao động rẻ nhất trong trang trại. Người cha được xem là trụ cột chính và là người chủ không ai tranh chấp được của gia đình. Tình trạng ly dị rất hiếm, vì gia đình cung ứng hết mọi hoạt động kinh tế, tôn giáo và giáo dục thiết yếu. Tất nhiên trong những xã hội ấy, cuộc sống diễn ra ở một nhịp độ chậm hơn, song lại có nhiều không gian cho người ta di chuyển. Vì thế có khuynh hướng ít va chạm hơn. Mỗi khi có điều gì không vừa lòng, cơ hội để người ta bỏ đi một mình, trò chuyện với thiên nhiên, và trở lại gia đình (sau khi đã) rửa sạch cơn giận và bất mãn của họ, cũng lớn hơn. Trong những trường hợp như vậy, sẽ ít có cơ hội cho những mối liên hệ gia đình bị đổ vỡ không cứu vãn được. Trong khi ở những xã hội hiện đại hoá, rất nhiều hoạt động của gia đình bị chuyển sang những thể chế khác. Trường học đã thay thế hoạt động giáo dục và về cơ bản gia đình không còn là một đơn vị kinh tế nữa. Thành công trong đời sống vợ chồng được đo lường dưới dạng thỏa mãn tình cảm là chính và tiêu chuẩn kinh tế là phụ. Con người bây giờ lấy nhau vì ‘tình yêu lãng mạn’, ‘tình bạn’, và ‘hạnh phúc’ hơn là vì một tiêu chuẩn sống thoả đáng. (Thử hỏi nếu một người cưới vì ‘yêu’, điều gì sẽ xảy ra cho cuộc hôn nhân ấy khi tình yêu biến mất?) Được nuôi dưỡng bằng các chương trình TV và phim ảnh Hollywood, rất nhiều người trẻ hiện nay nghĩ rằng chỉ cần ‘yêu’ là đủ để bảo đảm một cuộc hôn nhân tốt rồi. Và những vụ ly dị xảy ra khi những người trẻ này thấy rõ hôn nhân cần phải có một nền tảng vững chắc hơn tình yêu thể xác. Dĩ nhiên, phải có tình yêu, nhưng quan trọng hơn tình yêu là phải có một sự sẵn sàng để hy sinh, để hiểu biết và để nhẫn nhịn lẫn nhau. Ly Dị Trong quá khứ, một cuộc hôn nhân có thể chấm dứt với cái chết của một người phối ngẫu (vợ hay chồng) vào khoảng thời gian đứa con út rời bỏ gia đình (lập gia thất). Ly dị dường như không chỉ sai dưới con mắt xã hội, mà, đối với nhiều người, nó hầu như không đáng để bận tâm. Tuy nhiên, với sự tiến bộ của y khoa và mức sống nâng cao con người có khuynh hướng sống thọ hơn và tình trạng cô đơn dường như đã lẻn vào đời sống hôn nhân. Phân nửa trong tổng số các cuộc ly dị ở các xã hội công nghiệp xảy ra sau tám năm lấy nhau và một phần tư trong số đó sau mười lăm năm. Nhiều người ly dị nhau rồi sau đó lấy vợ hay chồng trở lại, không chỉ một lần mà vài lần trong đời họ. Những con số thống kê cho thấy tỷ lệ ly dị đối với những người dính dáng đến lĩnh vực sân khấu, điện ảnh là cao hơn rất nhiều. Một nữ diễn viên sân khấu nổi tiếng, người đã từng tái kết hôn nhiều hơn bất kỳ người nào được kể, đã nói với thế giới rằng hôn nhân là chuyện cổ hũ, và rằng bất kỳ một con người khôn ngoan nào cũng có thể sống và yêu tốt hơn mà không cần hôn nhân. Còn một minh tinh màn bạc nổi tiếng nọ có lần hãnh diện loan báo trên TV, trước một đám thính giả vỗ tay một cách cuồng nhiệt, rằng cô có đến mười lăm người chồng! Đối với những người ca tụng một người đàn bà vì những cố gắng sống và xây dựng một cuộc sống gia đình thất bại với hết người đàn ông này đến người đàn ông khác, cả thảy mười lăm người như vậy, chắc chắn sự suy đồi nhân phẩm đã đạt đến mức thấp nhất của nó rồi. Trong khi người ta luôn luôn trông đợi những mối liển hệ với gia đình gần gũi nhất của họ được kéo dài suốt kiếp sống, sự mong đợi này xem ra không trở thành sự thật tí nào. Nhiều người bước vào đời sống vợ chồng biết rằng những quan hệ ấy rất có thể sẽ chết yểu (không bền lâu). Họ bước vào cái mà các nhà xã hội học gọi là ‘hôn nhân từng kỳ’ ‘chế độ đa thê (hay đa phu) từng kỳ’, vì lẽ họ thay đổi vợ (chồng) giống như người ta đổi xe vậy. Với sự gia tăng trong tỷ lệ ly dị, những vấn đề xã hội khác phát sinh. Con cái luôn luôn bị tác động xấu nhất trong một cuộc đổ vỡ hôn nhân. Về phương diện tình cảm và ngay cả về phương diện tâm lý, chính cái kinh nghiệm đau khổ của việc bị tách rời khỏi một người cha (hay mẹ) này thường để lại cho chúng một vết thương lòng day dứt. Tình trạng phạm tội của lứa tuổi vị thành niên luôn có thể được truy nguyên đến một kinh nghiệm thời thơ ấu và một cuộc sống gia đình bất hạnh. Ngoài ra những phương pháp người ta áp dụng để đáp ứng cho sự thiếu thoả mãn của họ cũng tạo ra những vấn đề không chỉ cho bản thân họ mà cả cho những người khác nữa. Phá Thai Dường như để thoả mãn những dục vọng ích kỷ của mình con người sẵn sàng vượt qua mọi giới hạn. Mới đây, con số những vụ phá thai trên thế giới đã đạt đến những tỉ số báo động. Phá thai là tội giết người, và không ai có thể nói khác đi được. Trong tạp chí ‘Sự Thực Đơn Giản’ tiến trình phá thai này đã được mô tả bằng những từ ngữ sinh động. Khi cái dụng cụ của người làm công việc phá thai đầu tiên chạm vào thành tử cung, thai nhi lập tức co lại (vì sợ) và nhịp tim tăng nhanh. Đứa bé chưa sinh phản ứng lại bằng cách cố gắng thoát khỏi cái dụng cụ ấy. ‘Người làm công việc phá thai nắm lấy một cánh tay hay chân và xé nó khỏi đứa bé. Máu từ đứa bé bắt đầu rỉ ra. Kế đó người ấy tìm cánh tay hay chân khác để xé tiếp. Ông cứ tiếp tục như thế cho đến khi xong mọi việc’. ‘Cuối cùng, xác chết hay thai nhi đã xé hết chân tay ấy bị bóp nát đầu. Các bộ phận sau đó được hút ra. Tất cả được hoàn tất trong 15 phút.’ Sự mô tả có tính cường điệu này làm nổi bật những điều khủng khiếp của sự phá thai mà nhiều người vẫn chưa biết đến. Đây không phải là trường hợp trục một vật lạ nào đó ra khỏi cơ thể mà nó là một sự sát nhân rõ ràng và đơn giản — giết một đứa bé-sắp thành đang còn sống. Đạo Phật không chống lại việc kiểm soát sinh đẻ bao lâu phương pháp được áp dụng là nhằm ngăn không để cho việc mang thai xảy ra, và sự sống chưa bắt đầu. Nhưng một khi bào thai đã hình thành, ngay cả ở giai đoạn còn phôi thai nhất, sự sống đã có mặt. Bất cứ cố gắng nào nhằm loại bỏ nó là sát sanh. Những lý do (biện hộ) cho việc phá thai đều không quan trọng: sát sanh là sát sanh dù động cơ có thể là gì cũng vậy. Sự kết hợp của người nam và người nữ trong chuyện sinh đẻ có một ý nghĩa sâu xa hơn chỉ là sự thỏa mãn những dục vọng của nhau. Nó phải được đi kèm với trách nhiệm. Tình dục không bị kết tội trong đạo Phật, tôn giáo vốn chấp nhận nó như một hoạt động tự nhiên của con người. Tuy nhiên đạo Phật không khuyến khích sự thỏa mãn đơn thuần của dục vọng mà không biết tự kiềm chế hợp lý. Không ai có quyền làm cha một đứa bé nếu họ không chuẩn bị trước trách nhiệm với nó. Và không một người phụ nữ nào nên mang trong bụng mình một đứa bé nếu cô ta không quan tâm tới nó. Ngày nay, người ta tránh những trách nhiệm của việc làm cha mẹ bằng cách giết đứa bé chưa sanh của họ. Họ đổi con để lấy những hàng hóa vật chất và niềm vui thú của sự tiện lợi. Chính vì thế mà nạn phá thai đã trở thành một tập tục xã hội – chúng ta đã suy đồi, ít nhất cũng tới mức đó. Ngược Đãi Trẻ Em Các văn sĩ trong quá khứ đã hết lòng ca tụng tính thiêng liêng của người mẹ. Phải nói thiên chức làm mẹ được xem như một đặc ân hơn là một gánh nặng. Và văn chương thế giới đầy ắp những câu chuyện kể về những bà mẹ đã hy sinh cả đời mình cho con cái. Thế giới vật chất ngày nay đã thay đổi hoàn toàn những chuyện đó. Khó kiếm được một ngày không có một bản tường thuật nào trên báo chí nói về tình trạng trẻ em bị ngược đãi hay bị bỏ rơi bởi chính những người mẹ của chúng. Trẻ em bị chính cha mẹ chúng hay những người giám hộ đánh đập, đả thương, và đối xử hung bạo. Ngay cả những đứa bé mới chập chững biết đi cũng không được tha. Một số đứa bé còn bị cha mẹ chúng đánh đập cho đến chết trong những cơn giận dữ và thất vọng của họ. Đôi khi một người mẹ, do thất vọng chuyện gì, đã quyết định tống hết con cái ra khỏi nhà hay cho chúng uống thuốc độc trước khi tự kết liễu đời mình. Điều này thật là sai lầm. Không ai có quyền tự giết mình, huống nữa là giết người khác, cho dù động cơ là yêu thương. Chúng ta cũng thường nghe nói đến những đứa trẻ bị cha mẹ chúng đem vứt bỏ ở ngã tư đường hay trong đống rác! Có lẽ cũng nên lưu ý ở đây là chỉ có loài người mới bỏ rơi những đứa bé vô tội (không tự mình lo liệu lấy cho bản thân) của họ vì những lý do ích kỷ. Hành động này dường như còn thấp kém hơn những gì mà một con vật sẽ làm đối với con cái của nó. Bởi thế, có thể nói trong khi chúng ta lấy làm hãnh diện vì sắc đẹp, thông minh, tài trí và những thành tựu kỹ thuật của chúng ta, đôi lúc chúng ta còn hành động thấp thỏi hơn cả những con vật hạ đẳng nhất nữa vậy. Những Vấn Đề Ở Mức Xã Hội Với sự nổi lên của nền công nghiệp hoá đưa đến một xã hội tiêu thụ khổng lồ và sự thúc đẩy để tạo ra những ham muốn không bao giờ thoả mãn trên mức toàn cầu. Những kỹ thuật sản xuất tiên tiến đã cho phép người ta được hưởng thụ những hàng hoá mà một thời chỉ dành cho tầng lớp có đặc quyền và số ít người giàu có. Mỗi năm hàng triệu đô-la đã được người ta sử dụng cho việc nghiên cứu những động cơ mua sắm của những người tiêu dùng nhờ thế những phương pháp tinh tế và không-tinh tế đã được kết hợp để đưa vào những hoạt động quảng cáo nhằm đẩy mạnh sức bán. Những chiến lược tiếp thị này không chỉ tìm cách nhận dạng những nhu cầu chưa được thoả mãn mà chúng còn đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra những nhu cầu mới trước đây chưa có. Họ dùng những biểu tượng và hình ảnh có tính toán để đánh vào tâm tiềm thức của con người nhằm tạo ra một ý thức về sự thiếu thốn. Và người tiêu dùng được bảo rằng họ chỉ có thể hạnh phúc nếu như họ có một vật (chỉ món hàng) hay nếu họ biết thường xuyên lui tới một dịch vụ nào đó. Chúng ta thấy cách quảng cáo này được sử dụng rộng rãi trên TV, các tạp chí và màn ảnh Xi-nê ở đây những người mẫu xinh đẹp được dùng để bán các sản phẩm, từ son phấn và sữa bột cho đến các mặt hàng sơn nhà và vỏ xe v.v... Tuổi trẻ và sắc đẹp của thân người đã được người ta ca tụng. Những màn quảng cáo còn gợi ý rằng bạn nên mua một nhãn kem đánh răng không chỉ để làm sạch răng, mà để gia tăng sức hấp dẫn (tình dục) của bạn. Hoặc bạn sẽ lôi cuốn được sự khâm phục của hai cô thiếu nữ trẻ bằng cách uống một nhãn rượu mạnh đặc biệt nào đó. Hoặc bạn có thể có một cơ hội lãng mạn nếu bạn được bay với một hãng hàng không nào đó. (Trong dịch vụ quảng cáo của đường hàng không, các nữ tiếp viên hàng không được chú trọng hơn yếu tố an toàn và tính đáng tin cậy của du lịch hàng không.) Đây là những phương pháp nhằm gia tăng sự thèm khát của xã hội hiện đại. Bức thông điệp có tác dụng chi phối đã gõ vào tai bạn là: ‘Cho dù bạn có nhiều bao nhiêu, bạn cũng vẫn không bao giờ có đủ. Bạn không thể nào biết thoả mãn!’ Những phương pháp này luôn tạo ra cho người ta một cảm giác lan toả về sự nghèo nàn tương đối và một ý thức về sự thiếu thốn. Dường như họ muốn nói rằng: ‘Bạn không thể nào hạnh phúc nếu bạn không có một chiếc đồng hồ đeo tay hay một chiếc xe thể thao đúng mốt đem đến (cho bạn) uy danh, và, có lẽ cả sự lãng mạn nữa.’ Người bình thường hoàn toàn không ngờ là mình đã bị mắc bẫy bởi những kiểu quảng cáo khiêu khích này. Dù bạn kiếm được bao nhiêu một tháng— 600$, 6.000$ hay 60.000$, cũng mặc, bạn vẫn được xem là ‘nghèo’ với nghĩa không thể có những thứ đồ nào đó. Có đáng ngạc nhiên không, ngày nay ở các nước giàu cũng như ở các nước nghèo có nhiều, nếu không muốn nói là quá nhiều những tội phạm? Sự Kích Thích Quần Chúng Ngoài ra, phương tiện thông tin đại chúng còn dội tới tấp vào người đọc và người nghe những lời tuyên truyền và luận điểm vốn khiêu khích lòng thù hận và sợ hãi đối với chủng tộc khác, hay đối với tôn giáo, văn hoá, và chính phủ khác. Liệu điều này có không phản ánh lòng ganh tỵ, thù hằn, và sự ngu dốt của xã hội, nói chung, và của cá nhân, nói riêng? Ca nhạc, khiêu vũ, và biểu diễn nghệ thuật mà vốn có ý định để thoả mãn tình cảm và đem lại sự thư giãn cho con người ngày nay đã trở thành những thứ thuốc phiện để tạo ra sự phấn khích và hiếu động, làm trỗi dậy bản chất thú vật trong con người. Sự kích thích lòng khao khát của đám đông đến mức cuồng nhiệt cao độ trong xã hội hiện đại có một tiềm lực khủng khiếp phá huỷ hoàn toàn cấu trúc xã hội và tạo ra những hỗn loạn như hệ quả của nó. Trong một bài pháp của Ngài, Đức Phật đã chỉ ra cho mọi người thấy sự nguy hiểm của tham ái vị kỷ: ‘Quả thực, do tham ái vị kỷ, do tham ái vị kỷ làm duyên (tạo điều kiện), do tham ái vị kỷ thúc bách, do tham ái vị kỷ tác động, vua đánh nhau với vua, hoàng tử đánh nhau với hoàng tử, giáo sỹ với giáo sỹ, công dân với công dân, mẹ cãi nhau với con, con cãi nhau với mẹ, cha cãi nhau với con, con cãi nhau với cha, và anh em với chị em, chị em với anh em, bạn bè với bạn bè. Như vậy, có thói quen bất hoà, cãi nhau và đánh nhau, chúng lao vào nhau với nắm đấm, với gậy gộc, hay khí giới. Và bằng cách ấy chúng bị chết hay bị đau đớn đến chết.’ Tình trạng căng thẳng của bất ổn tinh thần, tình trạng bị cuốn hút trong cơn lốc của tham và sân ở mức xã hội, đã tự thể hiện trong những hình thức khác nhau. Điều đáng báo động và khủng khiếp nhất hiện nay là người ta đang biến thế giới này thành một trái bom nổ chậm thực sự. Ngày nay, mối đe doạ của sự huỷ diệt toàn cầu bằng vũ khí hạt nhân là một khả năng thực sự có thể xảy ra. Nếu như có một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn cầu, không thể có ở bất cứ nơi đâu dưới ánh mặt trời này một chỗ an toàn cho con người trốn thoát. Ôi, loài người đã tự đẩy mình vào một tình trạng rối ren như thế nào! Sự thăng tiến của khoa học mà vốn đã làm cho việc gõ vào nguồn năng lượng khổng lồ bên trong nguyên tử (atom) trở thành khả dĩ cũng đã đem lại biết bao nguy tai cho loài người. Bao lâu con người còn bị thống trị bởi vô minh, ích kỷ, bất công và những năng lực ác mang tính huỷ diệt tương tự khác, sẽ không ai được an toàn với họ. Lịch sử ghi lại rằng cái ‘loé sáng loá mắt’ của trái bom nguyên tử đầu tiên ở Hiroshima đã thay đổi dòng lịch sử thế giới. Cái loé sáng toả phát từ Hiroshima đã tạo ra khổ đau, sợ hãi, thù hận và bấp bênh cho hàng triệu sinh linh ở khắp nơi trên thế giới. Tương phản hoàn toàn, cái ánh sáng vinh quang ‘loé lên và toả chiếu’ với sự giác ngộ của Đức Phật dưới cội Bồ Đề hơn 2500 năm trước cũng có ý nghĩa to lớn đối với số phận của con người. Ánh sáng ấy đã soi sáng đường đi cho nhân loại để vượt qua thế gian tăm tối, ngập tràn với tham lam, sân hận và si mê đến một thế gian sáng sủa ngập tràn với tình yêu thương, nhân ái và hạnh phúc. Nhẫn Nại và Khoan Dung Những ai có thể giữ được tâm tính vui vẻ trong những lúc khó khăn mới thực sự đáng được ngưỡng mộ và là một nguồn khích lệ cho những người khác. Nhờ nhận ra khía cạnh sáng sủa của mọi vật họ có thể tránh được những xung đột. Một người có trí có thể tránh được chuyện bất hoà nhờ biết đáp lại bằng những lời nói đùa và bằng những nhận xét thẳng về mình với một lời nói đùa khác. Khi một người làm nhục chúng ta, chúng ta phải biết làm thế nào để đương đầu với họ một cách nhẹ nhàng bằng một lời nói đùa hay thái độ dung hoà trong tâm trạng vui vẻ. Bạn sẽ làm gì khi bạn bị thua trong một trò chơi? Bạn không nên bộc lộ tính khí nóng giận của bạn, vì khi làm thế không những bạn sẽ làm mất đi sự vui vẻ của trò chơi mà còn làm mất cả lòng kính trọng của bè bạn đối với bạn. Mỗi người chúng ta ai cũng phải có trách nhiệm trong việc tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn bằng cách gieo trồng những hạt giống kiên nhẫn, từ ái và chân thật tận sâu bên trong trái tim mình. Cuối cùng, một kỷ nguyên mới sẽ nở hoa và đem lại lợi ích cho chính thế hệ chúng ta và các thế hệ tương lai. Chỉ những con người có văn hoá như vậy mới biết cách làm thế nào để đương đầu với những khó khăn bằng sự cảm thông và hiểu biết. Biểu hiện của một con người vĩ đại nằm ở chỗ họ sẽ đương đầu với những khó chịu hàng ngày như thế nào với tâm bình thản. Kiên nhẫn thì cay đắng nhưng quả của nó lại ngọt ngào. Tuy nhiên, cũng cần phải để ý, vì ‘Lười biếng thường bị hiểu lầm là kiên nhẫn.’ (Ngạn nữ Pháp) Hãy kiên nhẫn với tất cả. Nóng giận sẽ dẫn bạn đi vào ngõ cụt. Trong khi nóng giận gây phiền phức và khó chịu cho người khác nó cũng làm tổn thương chính nó. Nóng giận làm suy yếu cơ thể và rối loạn tâm trí. Một lời nói lỗ mãng, giống như mũi tên đã buông ra khỏi cung, có thể không bao giờ lấy lại được, cho dù bạn có một ngàn lần xin lỗi. Một vài sinh vật không thể nhìn thấy vào ban ngày trong khi số khác không thấy vào ban đêm. Nhưng một người bị sân hận kích động đến tột độ không còn thấy bất cứ thứ gì, dù là ban ngày hay ban đêm. Thực ra khi bạn nóng giận, bạn tranh chấp với ai và với cái gì? Bạn tranh chấp với chính mình, vì bạn là kẻ thù tệ hại nhất của bạn đó vậy. Tâm là người bạn tốt nhất của chúng ta nhưng có thể nó cũng dễ dàng trở thành kẻ thù tệ hại nhất của chúng ta nữa. Một vài loại khác nhau của của bệnh tim, bệnh thấp khớp, và bệnh về da có thể được truy nguyên đến tình trạng bực bội, nóng giận và ganh tỵ kinh niên. Những cảm xúc có tính hủy diệt ấy đã đầu độc trái tim con người. Chúng giúp cho sự phát triển của những chứng bệnh tiềm tàng trong cơ thể chúng ta bằng cách làm suy giảm những chất đề kháng tự nhiên của cơ thể chống lại các vi trùng gây bệnh. Hãy Cố Gắng Sống Tốt Một Cách Trí Tuệ Chỉ một mình tri thức chắc chắn không thể cung cấp cách giải quyết cho nhiều vấn đề của chúng ta. Đôi khi tri thức tự nó còn có thể đẻ ra thêm nhiều vấn đề hơn nữa bởi vì những thái độ ích kỷ trong tâm con người. Lòng nhân từ, cảm thông, kham nhẫn, khoan dung, trung thực và quảng đại cũng không thể chặn đứng được một số vấn đề bởi vì những con người xảo quyệt, vô lương tâm có thể lợi dụng những đức tính tốt đó. Do đó chúng ta phải giữ gìn những đức tính tốt ấy một cách trí tuệ. Có nhiều người tốt đã xúc động trước những nỗi khổ đau của nhân loại trên toàn thế giới. Chẳng hạn, chúng ta có thể nhìn vào con số khổng lồ của các công trình phúc lợi mà nhiều tổ chức từ thiện xã hội đã làm. Những con người làm công việc phúc lợi xã hội này đang cố gắng để giảm bớt những vấn đề của con người song những đóng góp của họ cũng chỉ có thể làm giảm bớt được một vài vấn đề mà thôi. Phân phát tài sản và bổ đồng lợi tức của quốc gia cho mọi người là cách họ giúp để ổn định những vấn đề của con người. Nhưng có vẻ như rằng phương pháp của họ cũng không hiệu quả mấy trong việc ổn định những vấn đề của con người bởi vì tính ích kỷ, xảo quyệt và những nhược điểm khác có thể làm đảo lộn tình thế. ‘Người có trí tìm được lợi ích từ kẻ thù nhiều hơn một người ngu nơi bạn bè của họ.’ (Baltasar Gracian) Sự Nguy Hiểm Của Người Trí Không Tu Tập Ngày nay chúng ta thậm chí xao lãng ngay cả sức khỏe của mình và sống cuộc sống hết sức buông thả, nuông chiều các giác quan tới mức mà chúng ta đã trở thành những kẻ nô lệ cho việc tự thỏa mãn những ham muốn của mình. Trong một nghĩa nào đó tri thức không tu tập chính là nguyên nhân gây ra những vấn đề của chúng ta. Con người là sinh vật duy nhất trên hành tinh này phát triển được những khả năng tư duy của mình đến mức họ có thể hiểu được rằng một ngày nào đó họ sẽ phải giáp mặt với thần chết. Đó là lý do vì sao họ lại lo lắng một cách không cần thiết về việc chết. Tuy nhiên có lo lắng hay sợ hãi mấy cũng sẽ không làm cho cái chết lơ họ đi được. Thế thì tại sao chúng ta không điềm tĩnh mà chấp nhận nó? Kịch tác gia Shakespeare đã buộc Julius Ceasar phải nói, ‘Trong tất cả những chuyện kỳ dị mà ta chưa được nghe và thấy, dường như đối với ta điều kỳ dị nhất là nỗi sợ (chết) của con người, biết rằng cái chết là một kết thúc tất yếu, nó sẽ đến, khi nào nó phải đến.’ Ngược lại, có những người rơi vào cực đoan khác và hoàn toàn không quan tâm tới đoạn kết của đời họ hay tới những gì sẽ xảy ra sau khi chết. Tuy nhiên, phần đông chúng ta không những biết lo đến những vấn đề đang khi còn sống mà cũng biết lo cho cả đời sau nữa. Tất cả những sinh vật khác không hề biết lo đến vấn đề chết. Mặc dù chúng ta không thể dự đoán trước những gì sẽ xảy ra cho chúng ta trong tương lai, chúng ta cũng không cần phải lo lắng về điều ấy một cách thái quá. Khi một vài khó khăn và vấn đề phát sinh có một số cách và phương tiện giúp chúng ta củng cố vững chắc tâm của chúng ta để giảm bớt những nỗi khắc khoải và buồn đau. Trước tiên và quan trọng hơn hết là chúng ta phải cố gắng để hiểu bản chất của thế gian trong đó chúng ta sống. Chúng ta phải nhận ra rằng chúng ta chẳng thể nào trông đợi mọi thứ trong đời này được hoàn hảo và diễn ra một cách êm xuôi trôi chảy. Phải nhớ rằng thế gian không phải lúc nào cũng ưu đãi chúng ta. Trong thực tế thì không ai có thể thực hiện hạnh phúc và an lạc cho chúng ta được ngoài chúng ta. Biết rõ điều này chúng ta phải có trách nhệm đối với cuộc sống của chúng ta. Con người luôn luôn oán trách thế gian. Không phải có điều gì sai với thế gian mà chỉ có cái gì đó nơi chúng ta sai mà thôi. (Phần 1)
Posted on: Thu, 25 Jul 2013 05:00:25 +0000

Trending Topics



min-height:30px;">
Car lift is available from Sharjah ( National Paints or nearby )
Fight From Victory, Not For Victory Ephesians 6:11 Put on the

Recently Viewed Topics




© 2015