COCA COLA & "NGHI VẤN CHUYỂN GIÁ" Chuyện Coca Cola triền - TopicsExpress



          

COCA COLA & "NGHI VẤN CHUYỂN GIÁ" Chuyện Coca Cola triền miên báo cáo lỗ ở Việt Nam (nhưng vẫn đầu tư thêm!) và những bức xúc của các cơ quan quản lý, giới chuyên môn và dư luận xem ra chưa có hồi kết thúc. Một số báo cũng liên hệ, hỏi mình: như một nhà kinh tế và người làm doanh nghiệp, ông nghĩ gì xung quanh chuyện này? Đến lúc này thì mình chưa có ý kiến gì cả. Một mặt, mình không làm việc trong lĩnh vực đồ uống, không có đủ hiểu biết, thông tin chuyên ngành. Mặt khác, mình chưa hoàn toàn yên tâm với các ý kiến phổ biến trên báo chí về chuyện này. Trước khi thử mổ xẻ việc có hay không có việc chuyển giá (transfer pricing) ở Coca Cola Việt Nam và có thể (hoặc nên) tiếp cận vấn đề này như thế nào, xin kể một câu chuyện khác, thật 100%, không liên quan gì đến Coca Cola. Một nước ASEAN quy định thuế nhập khẩu máy bay như sau: (a) nếu doanh nghiệp hàng không nhập khẩu máy bay để kinh doanh vận chuyển hàng không thì thuế nhập khẩu máy bay bằng 0%; (b) nếu cá nhân nhập khẩu máy bay để làm phương tiện giao thông cá nhân (giống như ô-tô) thì phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt (với mức thuế khá cao). Chính sách thuế như thế xem ra rất ổn. Tuy nhiên, một đại gia đã qua mặt các cơ quan thuế dễ dàng. Ông ta thành lập một hãng hàng không do cá nhân ông ta sở hữu 100% (ở nước đó thành lập hãng hàng không rất dễ). Hãng hàng không của ông mua và nhập về chiếc máy bay mà ông ta thích. Theo đúng luật thuế, tất nhiên hãng hàng không đó không phải nộp thuế nhập máy bay. Hoạt động "kinh doanh" duy nhất của hãng hàng không đó là chở ông chủ, gia đình ông chủ và bạn bè của ông chủ đi đây đi đó. Tất nhiên hãng hàng không đó chỉ có lỗ và không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Nếu hãng hàng không bị lỗ hết vốn thì lại được cổ đông là ông chủ tăng vốn tiếp nên không lâm vào tình trạng phá sản. Về bản chất, đây là chiếc máy bay tư nhân, nhưng "thoát" được thuế tiêu thụ đặc biệt, chẳng ai làm gì được. Ai cũng biết mục đích của đại gia đó với cách làm như thế là để không phải đóng khoản thuế tiêu thụ đặc biệt trên giá trị rất lớn của chiếc máy bay. Nhưng theo các quy định luật thuế của nước đó thì không thể quy là ông ta trốn thuế. Có thể phê phán ông ta về đạo lý, nhưng không xử lý ông ta về hành chính được. Quay về chuyện Coca Cola. Cái mà nhiều người đã chỉ ra trong câu chuyện này là dấu hiệu "chuyển giá" ("transfer pricing"). Nói một cách nôm na, "chuyển giá" là tình huống khi công ty con ở một quốc gia mua hàng hoá, dịch vụ của công ty mẹ ở một quốc gia khác với giá cao hơn đáng kể so với "giá thị trường hợp lý" của các hàng hoá, dịch vụ đó, làm cho hoạt động kinh doanh của công ty con bị lỗ và, vì vậy, công ty con không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Công ty mẹ sẽ thu được lợi nhuận cao hơn, nhưng được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn so với mức thuế ở nơi công ty con kinh doanh. Mục đích của giao dịch "chuyển thuế" là để giảm hoặc hoàn toàn không phải trả thuế thu nhập doanh nghiệp tại quốc gia công ty con hoạt động và các giao dịch này đều bị coi là phạm luật. Ở Việt Nam hay ở các nước khác, các cơ quan thuế luôn luôn đấu tranh với các giao dịch chuyển giá của các tập đoàn đa quốc gia. Điều gây rắc rối cho mọi nỗ lực đấu tranh chống chuyển giá là ở cái gọi là "giá thị trường hợp lý" của các hàng hoá, dịch vụ được mua bán giữa công ty con và công ty mẹ. Nó là bao nhiêu? Làm thế nào để cơ quan thuế (hoặc toàn án) kết luận được rằng giá mua bán giữa công ty mẹ và công ty con không phải là "giá thị trường hợp lý" một cách tâm phục khẩu phục? Nếu hàng hoá (hoặc dịch vụ) được mua bán giữa công ty con và công ty mẹ là hàng hoá (hoặc dịch vụ) không độc quyền, có thị trường, có cạnh tranh, có mặt bằng so sánh, đối chiếu thì vấn đề khá đơn giản. Nhưng vấn đề sẽ trở nên vô cùng nan giải khi hàng hoá (hoặc dịch vụ) đó thuộc loại độc quyền, độc nhất vô nhị, chỉ có một người bán, không có lựa chọn. Đã là hàng hoá độc quyền thì cái "giá thị trường hợp lý" trở nên chơi vơi, mất chỗ bám, mất cơ sở so sánh. Đây chính là tình huống với Coca Cola. Để sản xuất ra nước uống Coca Cola, nhất thiết phải có xi-rô Coca Cola (Coca Cola syrup). Xi-rô Coca Cola là bí quyết kinh doanh của Coca Cola, ở công ty mẹ cũng chỉ có một số ít người nắm được công thức pha chế xi-rô này. Coca Cola rất thông minh trong việc tách việc sản xuất, kinh doanh xi-rô Coca Cola với hoạt động đóng chai. Các công ty con do Coca Cola sở hữu 100% hoặc liên doanh với các nhà đầu tư ở các nước chỉ kinh doanh đóng chai và phân phối Coca Cola từ nguồn xi-rô mua từ công ty mẹ, không được tham gia vào việc sản xuất xi-rô và không được tiếp cận công thức pha chế xi-rô. Do xi-rô Coca Cola là sản phẩm độc quyền, chỉ có một nhà cung cấp (là công ty mẹ tại Mỹ), giá xi-rô hoàn toàn do Coca Cola mẹ tại Mỹ quyết định, không có cơ sở tham chiếu giá nào. Nếu cơ quan thuế của một nước sở tại muốn chứng minh có việc chuyển giá thông qua giá xi-rô của Coca Cola, họ phải tìm được bằng chứng Coca Cola mẹ bán xi-rô với giá rẻ hơn cho các công ty con khác ở một số nước, mà điều này thì rất là khó. Cơ quan thuế cũng không thể sử dụng giá xi-rô Pepsi hoặc xi-rô nước giải khát khác làm bằng chứng của việc chuyển giá được vì các xi-rô đó không thể sử dụng được để thay thế xi-rô Coca Cola. Do vậy, cơ hội của cơ quan thuế để chứng minh việc Coca Cola chuyển giá thông qua giá xi-rô gần như bằng 0. Ngoài giá xi-rô, công ty con của Coca Cola ở các nước, kể cả ở Việt Nam, còn phải trả cho công ty mẹ các khoản phí khác như phí nhượng quyền thương hiệu Coca Cola, phí sử dụng kiểu dáng chai, phí tư vấn..., các phí này cũng đều mang tính độc quyền mà công ty mẹ ở Mỹ có thể áp đặt. Dù sao, cơ quan thuế ở các nước sở tại vẫn còn một ít cơ hội đấu tranh với Coca Cola nếu họ chứng minh được các loại phí này của Coca Cola cao bất bình thường so với các thương hiệu nước giải khác nổi tiếng tương tự (chẳng hạn Pepsi Cola). Nhìn chung, do tính chất độc quyền về xi-rô, thương hiệu..., các chi phí mà công ty con của Coca Cola ở các nước phải trả cho công ty mẹ hoàn toàn nằm trong quyền quyết định của Coca Cola mẹ. Nếu họ muốn các chi phí này cao thì chúng sẽ cao và rất khó cho cơ quan thuế chứng minh được sự bất hợp lý, "không theo thị trường" của các chi phí này, đơn giản vì chúng không có "thị trường". Không phải các cơ quan thuế Việt Nam chưa làm tốt trách nhiệm của họ trong việc chứng minh có việc chuyển giá và xử lý vi phạm này của Coca Cola. Luật pháp Việt Nam hoàn toàn đủ để xử lý hành vi chuyển giá nếu chứng minh được một cách có cơ sở. Vấn đề là họ chưa thể chứng minh được vì những lý do nêu trên. Đây không phải là vấn đề riêng của Việt Nam mà là chung cho hầu hết các nước liên quan đến Cocal Cola. Cũng không phải là vấn đề riêng với Coca Cola, mà còn với Pepsi Cola và các sản phẩm, hàng hoá khác có hàm lượng bí quyết sản xuất và giá trị thương hiệu cao. Ngay ở trong lĩnh vực lắp ráp ô-tô thì việc chứng minh các hành vi chuyển giá cũng đã rất phức tạp. Đối với Coca Cola, Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên họ gặp vướng mắc về vấn đề chuyển giá. Coca Coca đã từng gặp rắc rối ở Ấn Độ, Tây Ban Nha... về việc này và trong nhiều trường hợp vụ việc đã được giải quyết thông qua các phán quyết của toà án. Thật ra, nếu Coca Cola lựa chọn giải pháp tăng giá bán xi-rô và các sản phẩm, dịch vụ khác của Coca Cola mẹ cho các Coca Cola con, họ cũng không phải được hết, mà cũng có mất - đó là phải trả thuế nhập khẩu và thuế nhà thầu cao hơn trên giá bán các sản phẩm, dịch vụ của công ty mẹ. Cuộc đấu tranh của cơ quan thuế Việt Nam với Coca Cola về "nghi vấn chuyển giá" đã và sẽ còn tiếp tục. Điều này rất bình thường. Nếu đi vào một hiệu sách ở Mỹ hoặc châu Âu, chúng ta sẽ thấy các sách kiểu "Làm thế nào sống mà không đóng thuế?", "Làm thế nào kinh doanh mà không đóng thuế?" có đầy trên các kệ sách. Các cuốn sách này không phải dạy cho người ta vi phạm pháp luật, mà dạy các cách giảm chi phí thuế trong phạm vi pháp luật hiện hành, một cách hợp pháp. Cuộc đấu tranh giữa các cơ quan thuế và người nộp thuế đã và sẽ không bao giờ có điểm dừng và nó là mảnh đất màu mỡ cho các luật sư thuế giàu có. Trong cuốn sách "Lột trần kinh doanh" ("Business Stripped Bare"), tỷ phú nổi tiếng người Anh Richard Branson (chủ của Tập đoàn Virgin) đã bật mí về một thương vụ "né" thuế của ông thời mới khởi nghiệp. Khi đó ông kinh doanh xuất khẩu găng tay từ Pháp vào Mỹ. Để giảm thuế nhập khẩu găng tay của Mỹ, ông đã chia lô hàng găng tay ra làm hai. Đợt đầu ông xuất khẩu găng tay sang Mỹ nhưng mỗi đôi găng tay gồm hai chiếc đều cùng... tay phải. Công ty của ông ở Mỹ nhận và nộp thuế đầy đủ. Sau một thời gian, ông xuất tiếp lô găng tay thứ hai sang Mỹ với các đôi găng toàn... tay trái. Công ty của ông ở Mỹ nhận được thông báo đến nhận hàng, nhưng không đến nhận. Sau một thời gian, theo luật Mỹ áp dụng đối với các lô hàng bị người nhận chối bỏ, Hải quan Mỹ đem lô hàng găng tay của ông ra bán đấu giá công khai. Vì lô hàng chỉ có toàn găng tay trái nên không ai khác có nhu cầu mua ở cuộc bán đấu giá. Người của ông có mặt ở đó đã trả giá cực "bèo" để mua toàn bộ lô hàng găng tay trái này. Hai lô hàng găng tay phải và găng tay trái được gộp lại thành các đôi găng tay hoàn chỉnh, công ty của Richard Branson "tiết kiệm" được 50% thuế nhập khẩu găng tay của Mỹ một cách hoàn toàn hợp pháp. Câu chuyện có thật trên đây của tỷ phú Richard Branson cho thấy không phải việc làm giảm thuế phải nộp nào cũng là trốn thuế theo nghĩa vi phạm pháp luật. Nếu Coca Cola ở Việt Nam thực sự có làm việc này, việc kia để giảm các khoản thuế, có lẽ họ cũng không làm theo cách rõ ràng vi phạm pháp luật, cho nên mặc dù đã có nhiều ý kiến (chỉ trích) được nêu, các cơ quan thuế Việt Nam vẫn chưa xử lý Coca Cola được và cuộc đấu tranh với họ xem ra còn nhiều khó khăn. Trong khi chưa tìm được cách kết luận Coca Cola chuyển giá để thu và truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp của họ, có lẽ chúng ta đành bằng lòng với việc Coca Cola đầu tư tiền vào Việt Nam và mang vào đây thứ nước uống nổi tiếng cả thế giới của họ, tạo ra công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động Việt Nam, góp phần tăng trưởng GDP. Nói cho cùng, nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp là một trong những lợi ích của đầu tư nước ngoài, nhưng chúng chưa phải là tất cả giá trị mà các nhà đầu tư nước ngoài tạo ra cho Việt Nam. Nếu chúng ta không thể chứng minh được Coca Cola chuyển giá, ngoài phương pháp đấu tranh pháp lý (không mang lại hiệu quả), còn một cách nữa: đàm phán để thoả thuận với họ một lộ trình giảm giá các sản phẩm, dịch vụ mà Coca Cola mẹ cung cấp cho Coca Cola Việt Nam để Coca Cola Việt Nam sớm có lợi nhuận ổn định và đóng thuế thu nhập doanh nghiệp như các doanh nghiệp khác. Họ là một lực lượng toàn cầu, việc đàm phán với họ không có gì là không nên cả. Cuối cùng, cũng cần đề cập một chút về chính sách thuế. Chuyển giá là vấn đề thường gặp ở các nước có mức thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn so với các nước khác, vì vậy các công ty mẹ thu được lợi ích kinh tế trong việc "chuyển" nghĩa vụ thuế từ nước đầu tư về nước mình. Còn nếu mức thuế thu nhập doanh nghiệp ở nước đầu tư (ví dụ ở Việt Nam) bằng, thấp hơn, hoặc chỉ cao hơn một chút so với mức thuế ở nước họ thì họ chẳng làm việc này để làm gì để mua lấy rắc rối với các cơ quan thuế và sự phản ứng của người dân địa phương. giaoduc.net.vn/Kinh-te/Coca-Cola-noi-khong-co-lai-cu-nhu-chuyen-dua/300947.gd
Posted on: Sat, 15 Jun 2013 11:39:21 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015