Chúa nhật (21-07-2013) - Trang suy niệm Lời Chúa Hôm - TopicsExpress



          

Chúa nhật (21-07-2013) - Trang suy niệm Lời Chúa Hôm Nay Chúa Nhật Ngày 21/07/2013 Chúa Nhật Tuần 16 Mùa Thường Niên Năm C BÀI ĐỌC I: St 18, 1-10a "Đối với Thiên Chúa có gì khó đâu. Ta trở lại thăm ông và Sara được một đứa con trai". Trích sách Sáng Thế. Trong những ngày ấy, Chúa hiện ra cùng Abraham dưới chòm cây ở Mambrê, đang lúc ông ngồi ở cửa lều giữa trưa nóng bức. Ông ngước mắt lên thấy ba người nam xuất hiện, đứng gần ông: Vừa trông thấy, từ cửa lều, ông chạy ra đón các vị ấy, rồi sấp mình lạy và thưa rằng: "Lạy Chúa, nếu con được đẹp lòng Chúa, xin đừng bỏ đi qua, con xin lấy ít nước để các Đấng rửa chân, và nghỉ mát. Con xin đem ít bánh mời các Đấng dùng để lấy sức lại rồi sẽ đi: chính vì thế mà các Đấng đã ghé vào nhà con". Các Đấng ấy nói: "Như ông đã ngỏ, xin cứ làm". Abraham liền vào lều, và bảo Sara rằng: "Hãy mau mau trộn ba đấu bột làm bánh nướng". Còn ông, ông chạy đến đoàn bò bắt một con bê non hảo hạng, trao cho đầy tớ đem đi nấu. Ông lấy bơ sữa và thịt bê đã chín, dọn ra trước mặt các Đấng. Chính ông đứng hầu các Đấng dưới bóng cây. Ăn xong, các Đấng hỏi Abraham rằng: "Sara bạn ông đâu?" Ông trả lời: "Kìa, bạn con ở trong lều". Một Đấng nói tiếp: "Độ này sang năm, khi Ta trở lại thăm ông, thì cả hai vẫn còn mạnh khoẻ, và Sara bạn ông sẽ được một con trai". Đó là lời Chúa. ĐÁP CA: Tv 14, 2-3ab. 3cd-4ab. 5 Đáp: Lạy Chúa, ai được cư ngụ trên núi thánh của Chúa? (c. 1a) 1) Người sống thanh liêm và thực thi công chính, và trong lòng suy nghĩ điều ngay, và lưỡi không bịa lời vu khống. 2) Người không làm ác hại bạn đồng liêu, cũng không làm nhục cho ai lân cận. Người coi rẻ đứa bất nhân, nhưng kính yêu những ai tôn sợ Chúa. 3) Người không xuất tiền đặt nợ thu lời, cũng không ăn hối lộ hại người hiền lương. Người thực thi những điều kể đó, thì muôn đời chẳng có lung lay. BÀI ĐỌC II: Cl 1, 24-28 "Mầu nhiệm ẩn giấu từ muôn thuở, nhưng nay đã được tỏ bày cho các thánh". Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê. Anh em thân mến, hiện nay tôi vui sướng trong những đau khổ tôi phải chịu vì anh em. Tôi bổ khuyết nơi thân xác tôi những gì còn thiếu sót trong cuộc thương khó của Đức Kitô, để Hội thánh là thân xác của Người được nhờ. Tôi đã được trở thành người phục vụ Hội thánh theo sự an bài của Thiên Chúa, Đấng đã trao phó cho tôi rao giảng đầy đủ lời Chúa, đó là mầu nhiệm ẩn giấu từ muôn thuở qua muôn thế hệ, nhưng nay đã được tỏ bày cho các thánh của Người. Thiên Chúa muốn tỏ bày cho họ biết thế nào là sự phong phú vinh quang của mầu nhiệm nơi dân ngoại, tức là Đức Kitô trong anh em, Người là niềm hy vọng vinh quang. Tôi loan báo Người, cảnh tỉnh mọi người, đem tất cả khôn ngoan mà dạy dỗ mọi người, để làm cho mọi người nên hoàn hảo trong Đức Giêsu Kitô. Đó là lời Chúa. ALLELUIA: Mt 4, 4b Alleluia, alleluia! - Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. - Alleluia. PHÚC ÂM: Lc 10, 38-42 "Martha rước Người vào nhà mình. Maria đã chọn phần tốt nhất". Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. Khi ấy, Chúa Giêsu vào một làng kia và có một phụ nữ tên là Martha rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người. Martha bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: "Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với". Nhưng Chúa đáp: "Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất". Đó là lời Chúa. ++++++++++++++++++ 21/07/13 CHÚA NHẬT TUẦN 16 TN – C Lc 10,38-42 SAY MÊ NGHE LỜI CHÚA Cô Maria cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy... “Maria đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị lấy đi.” (Lc 10,39.42) Suy niệm: Chúa Giêsu không có ý phê phán thái độ hiếu khách của Mácta khi Ngài nêu bật hành vi của Maria “ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy.” Tuy nhiên, khi phải chọn lựa thì Ngài vẫn thích người ta “nghe” lời Người hơn là loay hoay chuyện rót nước, dọn cơm... vì con người không chỉ sống nhờ cơm bánh mà còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. Chúa cũng cho biết đây là việc “tốt nhất, và sẽ không bị lấy đi.” Những cuộc gặp gỡ chân tình với Chúa Giêsu luôn có tác động tích cực, mang âm hưởng sâu sắc đến cho những tâm hồn thành tâm muốn nghe lời Người, vì đó là Lời đem lại sự sống đời đời. Có thể khó tìm được một người như Maria giữa thế giới hôm nay; nhưng cũng phải nói thêm rằng hành vi đó không phải là không còn giá trị. Mời Bạn: Có khi nào bạn dám cho rằng làm như Maria là lãng phí thời giờ chăng? Và nếu không làm như thế - qua các giờ nguyện gẫm, viếng Chúa, chầu Thánh Thể, cám ơn sau rước lễ - thì còn thời giờ đâu để bạn có thể gặp gỡ Chúa Giêsu và Lơi Ngài cách thân tình nhất? Lúc này chính là lúc bạn nên trả lại cho Xêda những gì là của Xêda và những gì của Chúa về cho Chúa! Sống Lời Chúa: Mỗi ngày tôi dành thời gian để đọc Lời Chúa trong thinh lặng, và tôi nên ngồi lại dăm ba phút để cảm ơn Chúa sau khi rước lễ. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết say mê đọc và gẫm suy Lời Ngài, vì Lời Chúa chính là ngọn đèn soi bước chân con trong một thế giới có quá nhiều con đường thênh thang dẫn đến hư vong này. Amen. (5 Phút Lời Chúa) ++++++++++++++++++ Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Bảy 21 THÁNG BẢY Hồng Ân Nghĩa Tử Sự chọn lựa đầy yêu thương của Thiên Chúa và hệ quả nhất định của nó luôn luôn gắn liền với sự sống mật thiết của Thiên Chúa Ba Ngôi. Sự sống đầy sống hoạt trong tình yêu này liên quan đến Chúa Cha cũng như Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Con người chia sẻ sự sống thần linh này vì con người được mời gọi tham dự vào kế hoạch sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa. Con người được tiền định ơn tuyển chọn thần linh này ngay cả trước khi vũ trụ được tạo thành (Ep 1,5). Con người – ngay cả trước khi được dựng nên – đã được Thiên Chúa “chọn lựa”. Sự chọn lựa này xảy ra nơi Người Con Đời Đời (Ep 1,4). Nghĩa là, nó xảy ra nơi Ngôi Lời Vĩnh Cửu, nhờ Ngài mà thế giới được tạo thành. Như vậy, con người được tuyển chọn trong Chúa Con để nhờ chức phận làm con của Người mà con người được Thiên Chúa nhận làm nghĩa tử. Đây chính là cốt lõi của mầu nhiệm tiền định. Và đây chính là sự biểu lộ tình yêu vĩnh cửu của Chúa Cha đối với chúng ta. Như Kinh Thánh nói: “Vì yêu thương, Ngài đã tiền định cho ta làm nghĩa tử trong Đức Giê-su Kitô” (Ep 1,5). Như vậy, sự tiền định cho thấy từ đời đời Thiên Chúa kêu gọi con người tham dự vào bản tính của Ngài. Đó là một ơn gọi tiến tới sự thánh thiện thông qua ơn nghĩa tử – trở thành những người con “tinh tuyền thánh thiện trước thánh nhan Ngài” (Ep 1,4). - suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II - Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác LIFT UP YOUR HEARTS Daily Meditations by Pope John Paul II +++++++++++++++++ Lời Chúa Trong Gia Đình Chúa Nhật XVI Thường Niên St 18, 1-10a; Cl 1, 24-28; Lc 10, 38-42 LỜI SUY NIỆM: Trong câu chuyện Hai chị em Mác-ta và Maria đón Chúa vào nhà; “Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy” (Lc 10,39). Đây là cách thể hiện tuyệt vời, trong vai trò người môn đệ của Chúa Giêsu. Muốn trở thành người môn đệ của Chúa Giêsu điều cần nhất là phải, “ngồi bên chân Người”. “Để nghe lời Người dạy”. Đời sống của người Ki-Tô hữu mà không có Lời Chúa, không học biết Lời Chúa, không tin Lời Chúa, Không suy niệm Lời Chúa, Không soi mình trong Lời Chúa, và không đem lời Chúa vào đời sống của mình, thì không phải là môn đệ của Chúa Giêsu Ki-Tô, chỉ là mang trên mình một nhãn hiệu không hơn không kém. Ước gì chúng ta yêu mến Lời Chúa và sống đúng Lời Chúa trong cuộc sống của mình, để được trở thành môn đệ của Chúa. Mạnh Phương +++++++++++++++++ Gương Thánh nhân Ngày 21-07 Thánh LAURENSÔ BRINDISTIÔ Linh Mục Và Tiến Sĩ Hội Thánh (1559 - 1619) Cesare de Rossi sinh tại Brindisi vùng Aquila, miền nam nước ý năm 1559, Ngài được giáo dục tại Venise và gia nhập dòng thánh Phanxicô ở Verôna. Năm 1575, Ngài được mặc áo dòng với tên gọi là Laurensô Brindisiô. Những năm theo học tại Padua đã giúp Ngài trở thành những học giả, thông thạo các thứ tiếng Pháp, Đức, Hy lạp, Syria và Do thái. Những khả năng này đã góp phần mang lại nhiều thành công khi Ngài làm việc với anh em Do thái và khi Ngài phải đương đầu với sự bành trướng của Thệ phản. Danh tiếng Ngài lan rộng khắp vùng Trung Âu. Trong dòng, Laurensô Brindisiô đã được bầu làm bề trên cả. Ngoài ra, Ngài còn hăng say với đạo binh Thánh giá dẫn đầu đoàn quân Hung Gia Lợi chống lại quân Thổ Nhĩ Kỳ. Với thánh giá cầm tay, Ngài đã mang lại chiến thắng năm 1601. Phần đời còn lại, Ngài hiến mình cho việc truyền giáo và ngoại giáo. Với khả năng đặc biệt này, Ngài đã là một nhà ngoại giao tài giỏi của nhiều vị giáo hoàng. Tuy nhiên, giữa những hoạt động bên ngoài, thánh nhân vẫn dành nhiều thời gian cho việc cầu nguyện và thực tập các nhân đức. Chính đời sống nội tâm sâu sắc đã đưa Ngài lên đỉnh cao đời sống thánh thiện. Năm 1619, đang khi thi hành sứ mạng được trao phó ở Lisbonne, thánh Laurensô đã từ trần trong sự nghèo khó đơn sơ và thánh thiện. Ngài để lại nhiều tác phẩm giá trị cho kho tàng đức tin công giáo. Năm 1881, Đức Lêô XIII đã suy tuyên Ngài lên bậc hiển thánh. Năm 1959 Đức Gioan XXIII đặt Ngài làm tiến sĩ Hội Thánh. (daminhvn.net) +++++++++++++++++ 21 Tháng Bảy Lúa Mì Và Hoa Mồng Gà Hòa Lan là một nước nổi tiếng về hoa. Ở phía bắc Hòa Lan, có những cánh đồng hoa chạy dài tắp tít vượt cả tầm nhãn giới. Nhiều loại hoa sặc sỡ tuyệt đẹp làm say mê khách du lịch. Phía nam của Hòa Lan, trái lại, chỉ có những cánh đồng lúa mì bát ngát và khi lúa chín thì khắp nơi chỉ còn là một màu vàng ối làm nổi bật màu đỏ tím của những bông hoa mồng gà. Cảnh đó đẹp với thi sĩ và họa sĩ nhưng rất đáng buồn đối với nông gia vì mồng gà càng sặc sỡ thì vụ lúa càng kém. Chẳng có cách nào nhổ hết được những cây mồng gà này mà không làm hư hại lúa, đằng khác hoa mồng gà càng nhiều và càng đẹp thì khách du lịch càng làm hư hại lúa nhiều, mỗi khi họ nhảy xuống ruộng để hái hoa. Sự chung đụng của lúa mì và hoa mồng gà: đó là bức tranh tuyệt hảo của nhân loại chúng ta. Thiên Chúa tạo dựng lúa mì để nuôi sống chúng ta, nhưng Người cũng cho hoa mồng gà mọc lên để làm vui mắt chúng ta. Có lúa mì thì cũng có hoa mồng gà. Có nhà nông thì cũng có thi sĩ, họa sĩ. Thiên Chúa cho nắng mưa hòa nhịp với nhau. Người nông gia không thể đòi hỏi chỉ có mưa cho lúa tốt. Người nghệ sĩ không thể đòi hỏi chỉ có ánh mặt trời... Sống là biết chấp nhận sự đa diện của vũ trụ như một bức tranh tuyệt hảo. Sống là biết lấy đau khổ, mất mát của mình làm hạnh phúc cho người khác (Lẽ Sống) ++++++++++++++++++ Lời Chúa Mỗi Ngày Chủ Nhật 16 Thường Niên, Năm C *** GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tinh thần hiếu khách Tiếp rước khách vào nhà là cả một nghệ thuật đòi chúng ta phải biết nhiều thứ, nhưng hai điều quan trọng nhất là ý thích của khách và hoàn cảnh sinh sống của chúng ta. Nhiều người nghĩ cách đón tiếp trọng thể nhất là mâm cao cỗ đầy; nhưng nếu những thứ làm ra không hợp khẩu vị hay ý thích của khách, hậu quả là vừa mất thời giờ vừa lãng phí đồ ăn. Người khác lại nghĩ chỉ cần đơn giản vài món, hậu quả là khách cảm thấy họ bị xúc phạm. Các bài đọc hôm nay giúp chúng ta trau dồi nghệ thuật tiếp khách; nhất là khi tiếp đón Thiên Chúa, vị thượng khách Tối Cao. Trong bài đọc I, Abraham, tuy không biết ba vị khách đến thăm mình là ai, nhưng đã tiếp ba vị khách qua đường hết lòng. Hậu quả ông nhận được là ba vị thượng khách đó quan tâm để cảnh góa bụa của Sarah, vợ ông. Các ngài hứa năm sau khi trở lại, Sarah sẽ sinh cho Abraham một bé trai để nối dõi tông đường. Trong bài đọc II, thánh Phaolô biết rõ Vị Thượng Khách của mình cần gì và khả năng của mình có thể làm được. Ông xin chịu tất cả những gian nan mà Đức Kitô còn phải chịu để giúp cho thân thể của Ngài là Hội Thánh được đạt tới mức vẹn toàn. Trong Phúc Âm, em Maria đã biết được ý của Chúa Giêsu khi Ngài đến thăm nhà, nên em ngồi dưới chân Chúa Giêsu để nghe Ngài giảng dạy. Khi chị Martha than phiền với Chúa Giêsu vì cô em không giúp mình việc bếp núc, Chúa Giêsu chỉ cho Martha thấy rõ cô đã không hiểu ý Thiên Chúa: "Martha! Martha ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi." KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC: 1/ Bài đọc I: Nếu tôi được đẹp lòng Ngài, xin Ngài đừng đi qua mà không ghé thăm tôi tớ Ngài. 1.1/ Tinh thần hiếu khách của Abraham Theo trình thuật, chỉ có người viết biết một trong ba vị khách là Thiên Chúa, Abraham không biết điều này vì ba vị đều trong hình dạng con người. Xét hoàn cảnh đón khách của Abraham, chúng ta thấy tinh thần hiếu khách của ông đã đạt tới mức tuyệt đỉnh. - Đây là ba người khách lạ, Abraham không quen những người này. Họ là khách qua đường. - Họ đến bất ngờ, Abraham không biết trước để chuẩn bị cho chu đáo. - Họ đến vào thời tiết nóng nực nhất trong ngày; không ai muốn nấu nướng vào lúc nóng nực như thế. - Abraham niềm nở chạy ra săn đón và năn nỉ mời khách vào nhà. - Ông đón tiếp rất tử tế: Abraham sụp lạy khách, lấy nước rửa chân cho khách, mời khách vào bàn ăn trong khi ông đứng để phục vụ. - Ông tỏ ra rất rộng lượng trong việc đón khách: ba thúng tinh bột, con bê tơ, sữa chua, sữa tươi... Tất cả những điều này chứng minh tinh thần hiếu khách của Abraham và Sarah. Trình thuật có vấn đề khó khăn để hiểu văn bản trong câu 3: “Thưa Ngài, nếu tôi được đẹp lòng Ngài, xin Ngài đừng đi qua mà không ghé thăm tôi tớ Ngài.” Danh từ “Ngài” ở ngôi thứ nhất số ít; trong khi câu 4 và 5 đều ở ngôi thứ nhất số nhiều, “các ngài.” Nhiều học giả thắc mắc không biết Abraham có nhận ra Đức Chúa đến viếng thăm ông không; và nếu có, ông nhận ra lúc nào? 1.2/ Phần thưởng được hứa cho Abraham Vì Abraham không biết Đức Chúa đến thăm mình, ít nhất ngay từ đầu, nên sự đón tiếp của ông là đón tiếp khách một cách vô vị lợi: ông không nhằm được ích lợi gì cả. Sau khi thấy Abraham tiếp đón mình cách tử tế, ba vị khách hỏi thăm Sarah, vợ của Abraham. Họ hứa ban cho hai vợ chồng một phần thưởng trọng hậu là có con trai trong lúc tuổi già. Họ hứa: "Sang năm, tôi sẽ trở lại thăm ông, và khi đó bà Sarah vợ ông sẽ có một con trai." 2/ Bài đọc II: Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì Đức Kitô và vì Hội Thánh. 2.1/ Phaolô biết những gì Đức Kitô mong muốn. Yêu thương ai là phải biết tính tình và sở thích của người đó. Nếu con người yêu thương Thiên Chúa, họ sẽ cố gắng làm trọn ba điều đầu tiên của Kinh Lạy Cha: Xin cho danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Phaolô yêu Đức Kitô, thánh nhân biết hai ý định của Đức Kitô: (1) Ngài muốn cho ơn cứu độ được lan rộng tới mọi người qua việc rao giảng Tin Mừng, và (2) Ngài muốn cho Giáo Hội, thân thể của Ngài được trở nên tinh tuyền thánh thiện qua Lời Chúa và các bí tích. 2.2/ Phaolô muốn hoàn thành ý định của Đức Kitô. (1) Rao giảng Tin Mừng là chấp nhận đau khổ và thiếu thốn mọi đàng, vì con người thế gian không luôn sẵn sàng chấp nhận. Đó là lý do mà thánh Phaolô nói: Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức. Những gian nan này có thể là sự từ chối nghe Tin Mừng, đánh đập, tù đày, và ngay cả cái chết. Nhưng Tin Mừng có sức mạnh thay đổi con người và giúp họ đạt được ơn cứu độ. Phaolô nói với các tín hữu Colossê: Chính Người là Đấng chúng tôi rao giảng, khi khuyên bảo mỗi người và dạy dỗ mỗi người với tất cả sự khôn ngoan, để giúp mỗi người nên hoàn thiện trong Đức Kitô. Người đã muốn cho họ được biết mầu nhiệm này phong phú và hiển hách biết bao giữa các dân ngoại: đó là chính Đức Kitô đang ở giữa anh em, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang. (2) Thánh hóa Hội Thánh: Khi chịu Phép Rửa, người tín hữu được tháp nhập vào thân thể của Đức Kitô, là Hội Thánh. Vì thế, thánh Phaolô tìm mọi cách để Hội Thánh trở nên tinh tuyền, thánh thiện, và nhất là luôn hiệp nhất trong đức ái. Thánh Phaolô hãnh diện tuyên xưng: Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh. Tôi đã trở nên người phục vụ Hội Thánh, theo kế hoạch Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em: đó là tôi phải rao giảng lời của Người cho trọn vẹn, rao giảng mầu nhiệm đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ, nhưng nay đã được tỏ ra cho dân thánh của Thiên Chúa.” 3/ Phúc Âm: “Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi." 3.1/ Em Maria chọn ngồi bên chân Chúa để nghe Ngài giảng dạy. Nhiều người chắc cũng nghĩ như chị Martha: con bé này lười quá hay "mồm miệng đỡ tay chân!" Nhưng đây là một lựa chọn rất tính toán và khôn ngoan, như Chúa Giêsu đã phải khen Maria bên dưới. Một số lý do có thể Maria đã dựa vào để làm sự lựa chọn này: + Cô biết rõ thứ tự ưu tiên của cuộc đời: phải chọn Thiên Chúa trước hết. Maria biết chẳng có ai có những lời khôn ngoan và mang lại sự sống như Chúa Giêsu; vì thế, cô phải hoãn tất cả các việc khác để lắng nghe những gì Ngài muốn truyền đạt. + Cô biết nắm lấy cơ hội khi nó xảy đến: Một người bận rộn rao giảng như Chúa không dễ gặp. Cô biết cơ hội để đàm đạo với Chúa không thường xảy ra: nếu không biết nắm lấy ngay, cô không biết có còn cơ hội nào khác không! Chúng ta phải học nơi Maria điều này, để khi Chúa gởi những nhà rao giảng đến, chúng ta biết sắp xếp công việc hàng ngày để nghe những gì họ rao giảng. Đừng giả sử cơ hội sẽ có mãi, kẻo phải tiếc nuối sau này! + Khách đến nhà không chỉ để ăn, nhưng còn để chuyện vãn, tâm sự. Maria thấy chị bận rộn nấu nướng; cô chọn để trò chuyện với Chúa. Nhiều người chúng ta không chịu để ý đến khía cạnh tế nhị này; nên đã để cho khách ngồi một mình trong phòng khách chờ đợi trong khi chúng ta chuẩn bị thức ăn dưới bếp. Hiểu như thế, quyết định của Maria thật sáng suốt: chị lo nấu ăn, em lo tiếp khách. 3.2/ Chị Martha chọn để vất vả lo việc phục vụ Chúa Giêsu. Khi một thượng khách như Chúa Giêsu đến nhà, đó là lúc để chủ nhà biểu tỏ tài nội trợ, nấu nướng, và tính hiếu khách. Chúng ta không lạ gì khi Martha quá vất vả lo lắng tới độ cô tiến lại Chúa Giêsu và than phiền với Ngài: "Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!" Ngược lại với những gì Martha mong đợi, Chúa Giêsu đáp: "Martha! Martha ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi." Có nhiều điều chúng ta có thể học hỏi từ câu trả lời của Chúa Giêsu: + Martha không hiểu rõ thứ tự ưu tiên của cuộc đời: Chúa Giêsu sữa chữa lỗi lầm cho cô khi Ngài nói: "Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi." Thức ăn có ngon mấy chăng nữa rồi cũng qua đi; nhưng Lời Chúa sẽ ở lại trong tâm hồn và soi sáng cho con người biết cách sống thế nào để có hạnh phúc trong cuộc đời. + Martha không quan tâm đến người khác: Cô có thể nghĩ chỉ có việc của cô mới đáng làm, việc của Maria không quan trọng! Đây là một lỗi lầm mà nhiều người chúng ta mắc phải. Chúng ta đừng bắt người khác phải suy nghĩ và hành động như mình, vì mỗi người có những suy nghĩ và hành động khác nhau. Chúng ta cũng không hiểu đủ để xác quyết việc nào là việc tốt nhất, cho đến khi được tuyên bố rõ ràng bởi Thiên Chúa. + Martha không biết sắp xếp thời giờ: Có thể Martha không biết khi nào Chúa đến, vì ngày xưa không có thói quen có giờ hẹn như thời nay. Dù sao chăng nữa, Martha không nên lo lắng quá nhiều đến chuyện ăn uống, vì khách tới nhà để thăm viếng chứ không chỉ để ăn! Các gia đình Việt-nam chúng ta cần chú trọng điều này, để đừng làm quá nhiều thức ăn mỗi khi tiếp khách. Hầu hết trong các bữa tiệc, khách không dùng hết một nửa các thức ăn của chủ nhà bày ra. Hậu quả là gia chủ phải ăn đồ thừa hay phải lãng phí thức ăn cách không cần thiết. ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG: - Hai giới răn “mến Chúa yêu người” đòi chúng ta phải có tinh thần hiếu khách với Thiên Chúa và với tha nhân. Để tỏ tinh thần hiếu khách đúng đắn, chúng ta cần biết những gì Thiên Chúa và tha nhân muốn, và những gì chúng ta có thể làm được. - Tổ chức ăn uống linh đình không phải là dấu hiệu của tinh thần hiếu khách, vì nhiều khi chúng ta quá chú trọng vào việc nấu nướng và chuẩn bị, chúng ta có thể bỏ qua những lịch sự tối thiểu và làm buồn lòng khách. - Những giá trị tinh thần như ơn cứu độ, rao giảng Tin Mừng, tinh thần hiệp nhất, và sống đạo phải đặt trên những ăn uống và tiệc tùng. Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP ****************
Posted on: Sat, 20 Jul 2013 23:58:11 +0000

Trending Topics



" style="min-height:30px;">
AND THE WINNER IS..... Thank you ALL for your comments on my Win
That they may shoot in secret at the perfect: suddenly do they

Recently Viewed Topics




© 2015