Chơn Lý "Diệt lòng ham muốn" A. Chánh văn: DIỆT LÒNG - TopicsExpress



          

Chơn Lý "Diệt lòng ham muốn" A. Chánh văn: DIỆT LÒNG HAM MUỐN 1 – Người nào trong lòng chứa đầy những sự ham muốn, làm các việc cho được danh vọng với đời, thì khác nào mùi hương trầm bay thoảng qua thơm phức, nhưng trong giây phút liền tan mất hết. Mấy người mê muội ấy chỉ biết háo danh chớ không hề ra sức tìm học chơn đạo. Dầu họ được toại kỳ sở nguyện đi nữa, họ cũng vẫn nghèo hèn về đạo đức, mà sau này họ còn ân hận mãi. 2 – Sắc đẹp với sang giàu, hai thứ này giống như miếng mật dính trên lưỡi dao, biết bao kẻ dại kê miệng nếm thử, không ngờ phải bị đứt lưỡi đớn đau! 3 – Cỏ khô đem kê gần lửa thì nó bắt cháy phừng lên. Nếu người tu hành không tránh xa tình dục thì sẽ phát cháy như cỏ khô kia. 4 – Trong các thứ dục tình, duy có thói say mê sắc tốt là dữ hơn hết, không có dục tình nào thắng nó nổi. Nhưng may thay có một mình nó mà thôi. Nếu có một thứ dục tình nào khác cũng mạnh như nó thì khó mà học đạo được. 5 – Nếu trong lòng muốn tưởng quấy, hãy suy xét làm sao cho tấm lòng trở nên thanh tịnh như cũ. Vậy thì hãy bắt từ trên đầu suy nghĩ tới dưới chân, rồi ở ngoài suy nghĩ vô trong thân thể. Này, trong mình con người chỉ chứa những chất ô uế: xương, thịt, máu, mủ... Suy nghĩ như vậy bắt gớm nhờm mà trừ được tư tưởng quấy. 6 – Người ở trong vòng ham muốn giống như kẻ điên cầm đuốc đi ngược gió, nếu không quăng đuốc phải cháy tay, sự vụng về của họ đã thấy rõ ràng. Bởi vậy khi người còn mang tam chướng là tham, sân, si và chưa thấy được đạo, thì in như kẻ điên cầm đuốc đi ngược gió mà không buông để đến phải cháy tay. 7 – Người đời bị các điều ham muốn làm chóa mắt nên không biết đàng nào là đàng chánh. Họ giống như nước bùn có lộn năm thứ màu, nếu có cái chi làm cho nước xao động thì dòm xuống nước không thấy được hình. Cái trí cũng thế, nếu bị các điều ham muốn làm chộn rộn thì nó trở nên nhơ bợn, không thấy được đạo. Trái lại, những người biết thú tội và ăn năn chừa cải, nếu gặp được chơn sư tức thì ngộ đạo, cũng như nước lọc hết chất bùn trở nên trong sạch, dòm vô liền thấy hình rõ ràng. 8 – Lại ví như nồi nước để trên lửa, sôi lên sùng sục, hơi bay ngun ngút, ai lại gần dòm vô thế nào cũng không thấy bóng của mình. Vậy nếu mang lấy tam chướng vào mình và phạm giới luật thì khó bề thấy được đạo. Song nếu ai biết lo rửa sạch tâm trần, dầu khi bỏ xác phàm rồi về cảnh Phật ở chốn nào, và tới lúc đi đầu thai kiếp sau, sự học thức thế nào đi nữa, chung cuộc cũng thấy rõ đường đạo. 9 – Những kẻ phải kinh sợ vì quá tríu mến gia đình hoặc mê của tiền gia thế, thì giống như người mắc chốn lao tù, bị xiềng, bị còng, vừa buồn rầu vừa hãi hùng. Ở trong khám còn mong ra được, chớ quá tríu mến gia đình thì sự lo sợ khác nào lúc vào hang cọp. Kẻ mê muội vì tình thương nặng quá và không đề phòng thì có thế nào dứt được sự khổ não! 10 – Ham muốn quá phải chịu đau đớn, có đau đớn tất phải lo sợ. Hễ hết ham muốn thì hết đau đớn, hết đau đớn thì hết lo sợ. 11 – Người học đạo giống như miếng cây trôi ra vàm sông. Nếu miếng cây ấy trôi dõi theo dòng nước, không bị tắp vào bờ, không ai vớt lên, không phải vị hung thần hay kiết thần nào làm cho trở lại, không ở lình bình một chỗ, không hư không mục, tất nhiên chảy ra biển cả. Khi con người nhập đạo rồi, không còn bị các điều ham muốn làm cho lầm lạc, không để cho các tình dục làm chủ, giữ lòng thanh tịnh và rán sức làm lành thì đắc đạo vậy. 12 – Đạo không có hình dạng rõ ràng, muốn biết nó ra sao chẳng có ích chi cả, nhưng lo trau giồi tâm trí thì quý lắm, ví như tấm kiếng trau giồi sáng suốt tức nhiên hình rọi thấy rõ ràng. Bởi vậy ngày nào con người dứt được các điều ham muốn, lòng vẫn trống không tức thì cửa đạo mở rộng, con người bước vào đó rồi thì nhớ hết mấy kiếp trước. 13 – Kẻ mới học đạo giống như một người chống cự với muôn ngàn kẻ nghịch. Ví như người kia mặc y giáp, mang khí giới rồi ra trận, hoặc người ấy sợ mà trở lại liền, hoặc đi nửa đường trở lại, hoặc tử trận, hoặc thắng trận về xứ được người tôn trọng vinh vang. Bởi vậy nếu ai bền chí giữ gìn tánh hạnh, hết sức ăn ở theo đường đạo đức, không để cho sự dốt nát mê muội làm lầm lạc, thì tránh được hết các tình dục và sẽ đắc đạo. 14 – Người học hỏi trong đường đạo giống như sắt, người ta nấu đặng lọc cho sạch, nấu nhiều lần mới lấy ra hết sét và cặn cáu, chừng ấy mới có thể dùng làm nên nhiều đồ tốt... Bởi vậy những người nhập đạo, lần hồi rửa sạch cái tâm, chẳng cho dính chút bợn nhơ nào, và cứ một lòng lo đạo đức, thì thế nào cũng đắc đạo. Bằng như họ lo rầu, làm cho hư hại tinh thần họ, mà rồi cái cảnh ảnh hưởng ấy nó làm cho họ xa đường đạo; hễ xa đường đạo thì họ phải lầm lỗi, và tội của họ làm chất chứa thêm hoài. 15 – Khi con người chuyên lo đạo đức, xa lánh các tình dục, thì giống như xâu chuỗi treo trên không, mỗi ngày mỗi rứt từng hột, cứ rứt hoài thì xâu chuỗi phải hết. Bởi vậy cho nên nếu ai phá tan sự vô minh mê muội thì đắc đạo rất dễ dàng. 16 – Một con bò chở nặng đi ngang qua vũng lầy, hồi đi thì cực nhọc rên siết, nhưng qua đến bờ khô ráo nghỉ ngơi rồi, nó quên hết các sự mệt nhọc. Người học đạo cũng thế, các tình dục làm cho người lo sợ, cũng như lo sợ vũng lầy. Nhưng dầu cho người sợ sệt thế nào, nếu người bền chí dốc lòng chuyên lo đạo đức, ắt người sẽ tránh khỏi các sự đau khổ của kiếp luân hồi. 17 – Những nhà đạo sau khi thí phát rồi thì bỏ hết của trần, ngày đi xin ăn, đêm ngủ dưới cội cây, chỉ dùng một bữa cơm ngọ mà thôi! Tại sao thế? Là bởi vì con người thường bị những sự vui sướng áng mắt, giục làm các việc lỗi lầm. 18 – Phật xưa có dạy rằng: Các ngươi đừng quá tin ở tấm lòng của các ngươi, các ngươi hãy rán giữ mình, đừng để say đắm về hình thức, vì hễ say đắm về hình thức thì phải chịu đau khổ. Ngày nào được chứng quả La-hán rồi, chừng ấy mới nên tin ở lòng mình. 19 – Lìa cha mẹ, bỏ cửa nhà đặng nhập đạo, một lòng chí quyết học hỏi cho rõ chơn tâm bổn tánh và hiểu thấu phép vô vi của Phật, tức là thành một vị Tu-đà-hoàn. Trì chí ăn ở theo 250 giới luật nghi, đừng bỏ qua một giới nào, rán hết sức cho thâm nhập Tứ diệu đề và rửa lòng trong sạch là thành một vị A-la-hán. 20 – Khi những vị đã dứt hết sự dục vọng, không thọ lãnh cái chi nữa, không tìm kiếm cái chi nữa, không bị đạo ràng buộc nữa, không bị việc trở ngại nữa, không còn tư tưởng nữa, không còn hành động nữa, không tham thiền nữa, không tỏ ra bề ngoài cái chi nữa, mấy vị ấy lên tới bậc Toàn Giác Tuyệt Đối, đó tức là ĐẠO. B. Phân tích: I. Giới thiệu Diệt Lòng Ham Muốn Diệt Lòng Ham Muốn là bài mở đầu của Chơn lý 68, chương Pháp Học Sa-di II – Định. Bài này gồm 20 câu, hay 20 lời dạy, do Tổ sư Minh Đăng Quang biên tập từ kinh Phật, tương đương một phần Kinh 42 Chương. Cách biên tập của Tổ sư không tỉ mỉ như những nhà học giả nghiên cứu mãi tầm chương trích cú, mà ứng từ trí tuệ của một bậc đạt đạo. Trí tuệ Bát-nhã tự nó đúng đắn, nên không cần phân bua giải bày với ai, không cần trích dẫn đối chứng. Quả thực Diệt Lòng Ham Muốn tự có sức thuyết phục độc giả mạnh mẽ, vì nó là chơn lý. Tựa đề Diệt Lòng Ham Muốn đã nêu rõ chủ đề của bài này. “Ham muốn” hay “lòng ham muốn” là lòng tham và lòng dục, là các tâm lý tìm cầu, chiếm hữu, hưởng dụng, đòi hỏi… Các đối tượng được ham muốn là các món làm thỏa mãn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Các tâm lý ham muốn có thiện, có bất thiện; các đối tượng ham muốn có thô, có tế. Nhưng dù là tâm lý nào hay đối tượng nào, thì bài này cũng đều dạy vượt qua hết để đến bậc Toàn Giác Tuyệt Đối, để sống trọn vẹn với ĐẠO. Như thế, về mặt tư tưởng, Diệt Lòng Ham Muốn đạt đến 2 chữ “Viên mãn”. Xét về nội dung, Diệt Lòng Ham Muốn mang những nội dung sâu sắc, thực tiễn, chỉ với 1421 chữ đã nói thấu từ phàm cảnh đến Phật cảnh. So với Kinh 42 Chương, kinh đầu tiên được dịch ra tiếng Hán vào năm 67, với dụng ý giới thiệu tổng quát về Phật pháp trong buổi đầu truyền đến Trung Quốc, thì Diệt Lòng Ham Muốn có nội dung hẹp và chuyên hơn. Còn về nghệ thuật, Diệt Lòng Ham Muốn có văn phong sống động, trôi chảy; ngôn từ bình dị, sáng tỏ; bố cục rõ ràng, súc tích, rất dễ học thuộc lòng… Trong Phật pháp, các đối tượng của lòng ham muốn thường được gọi là “Trần”, căn bản gồm 6 trần là sắc chất, âm thanh, mùi hương, vị, món xúc chạm và pháp (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), được biến hiện thành muôn vàn món trong cuộc đời. Trong Diệt Lòng Ham Muốn, tác giả còn gọi những sự ham muốn là “các tình dục”, nói chung có 5 dục, 6 dục… đa phần là những khát khao thấp kém. Người đời thường say sưa trong 5 dục vọng: ham muốn tài sản, sắc đẹp, danh tiếng, ăn uống và ngủ nghỉ (tài, sắc, danh, thực, thùy); hoặc có những nhu cầu tâm sinh lý tối thiểu để sống trong 5 dục trưởng dưỡng: hưởng dụng sắc chất, âm thanh, mùi hương, vị và món xúc chạm (sắc, thanh, hương, vị, xúc). Từ 5 dục nói trên, ứng theo tâm chúng sanh có vô lượng tình dục. Ví như khi ở sau nhà kho của phú ông, anh Nô đã thật thà bày tỏ với cô Mầu: Muốn sao khỏi đi ở đợ Muốn giàu, lại thêm muốn “dợ” Với lại muốn một lố con Có ruộng đất chừng đôi mẫu Cất lên độ 4 dãy nhà Muốn vịt, gà, bò, heo, dê, ngỗng… Muốn sau mình trở thành triệu phú Muốn con tôi… đẹp giống cô Mầu! Ít ỏi thay những ước muốn của anh Nô, phải chi anh chỉ ước một điều đầu tiên thôi! Chúng ta có nên khuyến khích anh nuôi dưỡng những niềm ước mơ để có động lực phấn đấu trong cuộc đời anh, hay chúng ta nên chỉ cho anh thấy cảnh đời ảo ảnh phù du? Những điều anh Nô ao ước khác nào là bã mồi của Ma vương đem dụ thế nhân. Mãi hụp lặn trong dòng đời này, bao người đã đua đòi cắn câu và tỏ ra những dấu hiệu đang bị tổn thương, bệnh hoạn: mắt xao xuyến trước sắc, tai ngơ ngẩn vì thanh, mũi bối rối vì hương, lưỡi mê mẩn vì vị, thân say sưa xúc chạm, và ý loanh quanh trong những rừng tư tưởng… Thế nên ngài Huỳnh Phú Sổ đã kết luận bằng bài kệ nói về 6 dục như sau: Mắt thấy sắc thường hay bận bịu Tai ưa nghe những điệu âm thanh, Mắt với tai đều chọn đẹp xinh Còn lỗ mũi ưa mùi êm dịu Đồ thơm tho nó ưa nó chịu Chốn xạ hương hay lách lại gần, Lưỡi ưa ngon và lời ân cần Đồ ngọt béo nó tham, nó mến, Thân tham sướng, muốn tiền của đến Đặng ăn xài cho phỉ tấm tình, Ý thì lo sửa sắc soi hình Với chức phận cho cao, cho quý!… Sáu điều ấy ở trong tâm lý Ta mau mau dứt nó cho rồi! Cần phải diệt lòng ham muốn, chư Thánh nhân đều dạy như thế. Diệt lòng ham muốn là tu tập theo Đạo đế để từ bỏ, vượt qua, chấm dứt lòng ham muốn. Lộ trình giải thoát đã được chư Phật chỉ dạy là ta phải từ bỏ đời sống nhục thể, vượt qua luôn đời sống tinh thần, 2 đời sống trong phạm vi thân tâm 5 uẩn; để đến với một đời sống vô cùng an ổn, thảnh thơi là đời sống của chơn tâm. Vậy ta cố gắng không chấp thủ thân tâm 5 uẩn nữa, mà tập sống với PHÁP THÂN biến mãn khắp càn khôn vũ trụ. Trong Kinh Pháp Cú, đức Phật dạy: Cỏ làm hại ruộng vườn Tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham Do vậy được lợi lớn. Dứt bỏ lòng ham muốn là một tâm đức, là một bản lãnh sống, là một sự thành tựu cao cả. Do vậy ủng hộ người ly tham ta cũng được thừa hưởng những phước lành lớn lao. Nhưng ủng hộ người khác diệt lòng ham muốn chi bằng chính ta làm điều đó? Quả thật chính mỗi người nên tự đón nhận hạnh phúc giải thoát nhiệm mầu, hơn là bỏ của cải và công sức ra để đổi lấy những phước lành hữu hạn nào đó… Trong thế gian này, lòng ham muốn chi phối nhân sinh, khiến cho lắm kẻ mê say đắm đuối trong các tình dục, khiến cho bao người đảo điên thị phi và trở nên mù quáng, lâm cảnh nhà tan cửa nát, thân bại danh liệt, khổ đau tột cùng… Và nó cũng khiến nhiều kẻ trở nên chướng, hoặc là ngẩn ngơ không rõ chính mình đang muốn gì. Những người đó đã góp phần tạo ra sông thương biển nhớ trùng trùng ngàn sóng dữ trong cuộc đời: Ái hà thiên xích lãng, Sông thương ngàn thước nước, Khổ hải vạn trùng ba! Biển khổ muôn sóng tà! Muốn qua khỏi biển khổ sông mê, hãy dùng Diệt Lòng Ham Muốn làm một chiếc thuyền vững chắc, tự đưa mình đến bến bờ và còn đưa đón được bao người khác đang hụp lặn, chới với... Xét thấy ngày nay có nhiều người trẻ tuổi sớm từ giã thân quyến lên đường giải thoát, nhưng hầu hết họ đều do túc duyên đưa đến đạo tràng, chứ không phải do giác ngộ khổ đế ở đời. Bổ sung cho điểm khuyết đó, Diệt Lòng Ham Muốn có thể mang lại cho Tăng, Ni trẻ những gợi ý, những nhận thức thiết thực về nhân quả thế gian. Rồi từ sự hiểu biết sâu sắc về cảnh đời, Tăng, Ni trẻ sẽ tự giác vun trồng nhân quả xuất thế gian cho họ theo như trong kinh đã dạy. Đây là những ích lợi của Diệt Lòng Ham Muốn. Tìm hiểu Diệt Lòng Ham Muốn, ta thấy bài này lấy Tứ đế làm sườn, triển khai theo chủ đề Diệt lòng ham muốn, nội dung trải từ thực tế cuộc sống của nhân loại cho đến chỗ tột cùng là Phật quả. Như vậy, Diệt Lòng Ham Muốn của Tổ sư Minh Đăng Quang biên tập đã vượt khỏi định kiến cho rằng Tứ đế là giáo lý Thanh Văn! Một lần nữa lời tuyên bố “Việt Nam đạo Phật không có phân thừa” của Tổ sư đã được chứng minh bằng một bài cụ thể. Và nếu xem kỹ, ta cũng sẽ thấy Diệt Lòng Ham Muốn chứa đựng những lời dạy sâu sắc và thực tiễn (giáo) được triển khai từ những đạo lý không ai có thể phủ nhận (lý), qua đó có cách tu hành (hành) để cuối cùng thành tựu được đạo quả (quả). Đầy đủ giáo – lý – hành – quả, kinh này quả thực đã được biên tập rất bài bản! Diệt Lòng Ham Muốn có thể chia làm 3 phần theo nội dung như sau: – Phần 1: Những câu dạy về lòng ham muốn: 10 câu đầu, trừ câu 5 (9 câu). – Phần 2: Những câu gợi cách vượt qua: từ câu 11 đến câu 18 và câu 5 (9 câu). – Phần 3: Hai câu mô tả quả chứng của đạo: 2 câu cuối. Ba phần nội dung đã xác định này cũng chính là bố cục để phân tích trong những chương tiếp theo. Tóm lại, học Diệt Lòng Ham Muốn cho thấu đáo khác nào chúng ta đã xem thấu tình đời, quán thông nhân thế. Điều này rất cần thiết cho tất cả những ai đang bươn chải trong kiếp nhân sinh. Có xem thấu tình đời người ta mới có được một sự giác ngộ cơ bản (giác ngộ khổ đế) để từ đó chuyển hóa tâm hồn và thăng hoa cuộc sống. Có quán thông nhân thế người ta mới có được một sự tự chủ cần thiết để xây dựng nên một bản lãnh sống an ổn trong xã hội phức tạp của loài người. Và đến mức tột đỉnh, khi đã rũ bỏ hết mọi điều ham muốn, tâm trở lại YÊN LẶNG TỰ NHIÊN, người ta trở thành Phật! Do những giá trị đã tìm hiểu và ghi nhận ở trên, Diệt Lòng Ham Muốn của Tổ sư Minh Đăng Quang biên tập nên được đưa vào giảng dạy chính quy trong chương trình Giáo dục Phổ thông của Phật giáo. (Chơn lý Đạo Phật Khất Sĩ)
Posted on: Mon, 19 Aug 2013 16:00:48 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015