CÓ THỂ LÀ ĐÃ MUỘN NHƯNG VẪN CỨ PHẢI NÓI RA - TopicsExpress



          

CÓ THỂ LÀ ĐÃ MUỘN NHƯNG VẪN CỨ PHẢI NÓI RA Việt Nam chưa coi trọng và chưa có sự đầu tư nghiêm túc vào lĩnh vực địa danh nói chung và địa danh nước ngoài nói riêng; chưa có được bộ máy quản lí cấp quốc gia và đội ngũ các chuyên gia về địa danh; chưa có một cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm về việc chuẩn hóa địa danh. Bởi thế mà cũng rất dễ hiểu là tại sao ở Việt Nam chưa có sự thống nhất, chuẩn hóa chung trong phạm vi cả nước về mảng này; chưa có được những tư liệu cẩm nang (dưới dạng sổ tay, từ điển, bảng chỉ dẫn...) về chuẩn hóa địa danh, các bộ từ điển địa danh tên riêng xuất hiện trên thị trường chưa phải là do nhà nước đứng ra chỉ đạo biên soạn. Điều này gây nên rất nhiều trở ngại trong cả đối nội đối ngoại, trong sử dụng hàng ngày cũng như trên các văn bản, sách báo chính thống. Việt Nam chưa gia nhập vào đội ngũ quốc tế về lĩnh vực dịa danh cũng như chuẩn hóa địa danh. Điều này dẫn đến rất nhiều thiệt thòi trong việc nâng cao trình độ nghiệp vụ, giao lưu quốc tế và có tiếng nói của mình trên trường quốc tế. Lẽ ra, nhà nước cần dựa theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, và cao hơn là của Liên hợp quốc, mà thành lập một cơ quan cấp nhà nước chỉ đạo chung (Hội đồng chuẩn hóa địa danh nhà nước chẳng hạn) cho lĩnh vực chuẩn hóa địa danh nói chung, địa danh tiếng nước ngoài nói riêng. Cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn về mọi công việc có liên quan tới việc chuẩn hóa địa danh. Quan trọng hơn, cơ quan này phải tìm cách hội nhập được với các hoạt động nghiên cứu về địa danh ở tổ chức Nhóm chuyên gia địa danh của Liên hợp quốc (United Nations Group of Experts on Geographical Names - UNGEGN), để Việt Nam có được tiếng nói trong lĩnh vực này ở tầm quốc tế, điều này là vô cùng quan trọng. Xin lấy một ví dụ, trong tranh chấp trên biển giữa các nước xung quanh Biển Đông hiện nay đã nổi lên vấn đề gọi tên vùng biển này. Việt Nam gọi là Biển Đông, Trung Quốc gọi là Nam Hải hay Biển Nam Trung Hoa, Philippin gọi là Biển Tây Philippin... Việt Nam muốn cho tên gọi Biển Đông của mình là hợp thức thì phải có tiếng nói ủng hộ từ Liên hợp quốc. Trong khi đó, vì đã có chỗ đứng trong cộng đồng địa danh của thế giới, nên khi có tranh chấp trên biển với Nhật Bản, cả Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đều cùng yêu cầu Liên hợp quốc ghi cả 2 tên “Biển Đông” và “Biển Nhật Bản” trên các bản đồ. Tại cuộc họp của Nhóm chuyên gia về địa danh Liên hợp quốc ngày 31/7/2012, Hàn Quốc kêu gọi tổ chức này sử dụng cả 2 tên “Biển Đông” và “Biển Nhật Bản” trong cuốn sách “Ranh giới giữa biển và biển”. Bắc Triều Tiên cũng đã nhất trí với lập trường của Chính phủ Hàn Quốc. Tại cuộc họp này, Seoul nhấn mạnh rằng việc sử dụng thêm cả tên “biển Đông” vẫn chưa được giải quyết vì đã không được thảo luận đầy đủ trong phiên họp của Tổ chức Thủy văn Quốc tế (IHO) tại Monaco vào tháng 4. Chính phủ Hàn Quốc kiên quyết giữ vững lập trường về việc gọi tên “Biển Đông” trong khi IHO vẫn đang tiếp tục sử dụng tên chính thức là “Biển Nhật Bản”. Ngoài ra, Bắc Triều Tiên cũng lên tiếng chỉ trích Tokyo không có thái độ mềm dẻo trong việc sửa đổi tên biển giữa bán đảo Hàn Quốc và Nhật Bản.
Posted on: Sun, 23 Jun 2013 09:27:03 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015