Các nhà hoạt động thông thạo trên mạng giúp bloggers - TopicsExpress



          

Các nhà hoạt động thông thạo trên mạng giúp bloggers Việt Nam đi trước chính quyền một bước PRI VALERIE HAMILTON ⋅ Ngày 25 tháng 7, 2013 Vào ngày Thứ Năm Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp kiến chủ tịch Trương Tấn Sang tại Washington. Trong chương trình nghị sự của Hoa Kỳ có đề mục thảo luận tình trạng nhân quyền tại Việt Nam, đặc biệt là các cuộc đàn áp của chính quyền đối với các blogger bất đồng chính kiến. Các nhóm chống kiểm soát báo chí ước tính Việt Nam đã bắt giam khoảng 35 bloggers, một trong những hồ sơ tồi tệ nhất trên thế giới. Tuần trước, một sắc lệnh mới được ban hành hầu xiết chặt hơn quyền sử dụng Internet. Nhưng các blogger Việt Nam đang học cách làm sao để đi trước sự kiểm soát của chính quyền một bước, với sự giúp đỡ của các nhà hoạt động mạng thông thạo ở Mỹ. Do Valerie Hamilton tường trình. Trinh Nguyễn là một thành viên của đảng Việt Tân, một tổ chức ủng hộ tự do dân chủ tại Việt Nam có cơ sở tại Mỹ. Đôi khi, điều này có nghĩa: cô ấy là một người hỗ trợ kỹ thuật. Từ phòng ăn của mình ở Washington DC, cô ấy nói chuyện qua Skype với một blogger ở Việt Nam đang gặp khó khăn để vượt qua tường lửa của chính phủ trên Facebook. Facebook rất phổ biến không chỉ cho mạng xã hội, mà còn là cửa ngõ phát biểu của những nhà bất đồng chính kiến. Nhưng ở Việt Nam khi 16 triệu người sử dụng Facebook cố gắng vào trực tiếp trang web, họ chỉ thấy một trang trống không. Chính phủ Việt Nam tiếp tục theo dõi chặt chẽ các thành phần bất đồng chính kiến có tiềm năng, và họ tập trung vào môi trường mạng ngày càng nhiều. Cho đến nay nhà cầm quyền đã bắt giữ nhiều blogger so với năm 2012. Các blogger bị cáo buộc với tội danh chống lại nhà nước trên không gian mạng. "Họ sử dụng kỹ thuật cao để theo dõi các blogger trên mạng, vì vậy các blogger thường xuyên bị dòm ngó, quấy rối, và kêu lên thẩm vấn", Trinh cho biết. Đối với các blogger, tránh đuợc sự kiểm soát của chính quyền là điều thiết yếu để tiếp tục sinh hoạt trên mạng mà không bị tù đày. Những người Mỹ gốc Việt chia sẻ cùng mục tiêu và thông thạo trên mạng đã giúp hướng dẫn các blogger cách thức an toàn trên mạng. Chương trình này: An toàn kỹ thuật vở lòng, còn được gọi là Digital Security 101. "Họ sẽ học cách để bảo vệ email của họ, học cách tốt nhất để trò chuyện trên mạng”, Trinh nói. "Vì vậy, khi trao đổi với các nhà hoạt động tại Việt Nam đang trên Skype, chúng tôi ở Mỹ có thể hướng dẫn họ làm thế nào để xóa quá trình liên lạc trước đó của họ, làm thế nào để làm sạch quá trình vào các trang mạng, hoặc làm thế nào để đổi địa chỉ mạng qua hệ thống ủy nhiệm (proxy). Trinh sinh tại Việt Nam, nhưng định cư tại Texas khi cô được sáu tuổi. Cô và các bạn trẻ khác trong đảng Việt Tân tại Hoa Kỳ bắt đầu mở lớp đào tạo an ninh mạng vào năm 2009, khi chính phủ Việt Nam thiết lập tường lửa đối với Facebook. Các bạn trẻ đã sản xuất một video âm nhạc bằng tiếng Anh và Việt để giải thích cách sử dụng hệ thống ủy nhiệm proxy. Họ cũng đã khuếch trương nhiều khóa đào tạo, được tổ chức trên Skype ở các nước Đông Nam Á khác. Họ cũng đã kiến tạo một trang web được gọi là "nofirewall.net" -- một thư viện trực tuyến chuyên thông tin về cách tự bảo vệ và an toàn trên mạng. Trên trang web này, các blogger có thể xem các video bằng tiếng Anh với phụ đề tiếng Việt. Ví dụ, cách để che giấu danh tính máy của mình khi lên mạng. Nghe có vẻ như dấu diếm và căng thẳng nhưng ở Việt Nam, bày tỏ bất đồng chính kiến trên mạng là chuyện nguy hiểm. Theo Delphine Hagland, người đứng đầu chi nhánh tại Mỹ của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, thì Việt Nam đứng gần chót trong bảng chỉ số về tự do báo chí toàn cầu. Hagland cho biết: "Nếu bạn là một công dân Việt Nam và bạn mở một trang blog để bày tỏ nỗi bất mãn về một vụ tham nhũng hoặc một trường hợp phá hoại môi sinh, bạn có thể bị bắt và bị kết án nhiều năm tù." Luật sư Nguyễn Văn Đài là một người đấu tranh cho nhân quyền được nhiều người biết đến và là một blogger ở Việt Nam. Ông hiểu rõ sự cần thiết của kỹ thuật an ninh trên mạng. "Họ phái người đi theo tôi. Tôi đi đâu cũng bị công an theo dõi," Luật sư Đài nói. Năm 2007, ông cho biết công an kiểm soát máy vi tính của ông và tìm thấy các đường dẫn đến các bài viết trên mạng ủng hộ dân chủ của ông. Ông bị bốn năm tù về tội tuyên truyền chống nhà nước. Và hôm nay, trong khi bị quản thúc tại gia, ông viết một blog rất phổ biến về dân chủ và nhân quyền. Trinh Nguyễn cho biết đảng Việt Tân đã giúp huấn luyện hàng trăm blogger qua hình thức này về kỹ thuật phòng chống và an ninh trên mạng. Cô hy vọng qua đó sẽ giúp các thông tin lan rộng trong nước. (DienDanCTM phỏng dịch) *** Lại cấm! Phạm Đình Trọng Cán bộ quản lí Nhà nước yếu kém và lười biếng, sợ việc, sợ trách nhiệm, quen lối quản lí bằng mệnh lệnh hành chính vừa dễ dàng, vừa nhàn nhã, lại phô trương được quyền uy vì thế cứ cái gì phức tạp, khó quản lí liền ra lệnh cấm đoán là xong. Nghị định 72/2013 qui định: Trang thông tin cá nhân trên mạng internet chỉ được đưa tin của chính mình, không được trích dẫn, tổng hợp tùy tiện thông tin từ các cơ quan báo chí là sản phẩm của cách quản lí đó! Đó là một mệnh lệnh hành chính vi Hiến, là sự cấm đoán tước đoạt quyền Con Người. Nghị định 72/2013 được ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kí ngày 15. 7. 2013 và ban hành ngày 31. 7. 2013. Các ông lãnh đạo bộ Thông tin – Truyền thông đề xuất và viết dự thảo Nghị định, ông Thủ tướng kí Nghị định 72/2013 đều là những ông Cộng sản bự, các ông có nhớ ông Mác, người khai sinh ra chủ nghĩa Cộng sản, khai sinh ra mô hình Nhà nước Cộng sản của các ông viết về Con Người như thế nào không? Ông Mác viết rất chí lí rằng: Con Người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Chỉ có con vật mới chỉ biết bản thân nó. Con Người là sinh vật xã hội. Phần sinh vật là phần di truyền do cha mẹ sinh ra. Phần xã hội do Con Người đó tự sinh ra mình bằng cách tiếp nhận nền văn hóa xã hội của loài Người để hình thành nên Con Người xã hội của mình. Con Người xã hội không thể tách ra khỏi xã hội. Con Người xã hội sống không thể chỉ cho riêng mình. Ngay từ thời xã hội Việt Nam còn trì trệ trong nền văn minh nông nghiệp cơ bắp: Trên đồng cạn, dưới đồng sâu / Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa, còn khép kín trong văn hóa làng xã: Phép vua thua lệ làng, con người xã hội đã được đề cao: Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách, nước nhà thịnh suy, mọi người Dân đều phải quan tâm, đều phải có trách nhiệm. Đi qua nền văn minh nông nghiệp, bước vào nền văn minh công nghiệp, Con Người xã hội không phải chỉ quan tâm lo toan đến những vấn đề của quốc gia, dân tộc mình mà còn phải bận tâm nghĩ suy, tham gia kiến giải những vấn đề của hành tinh, của loài người. Ngày nay loài người đã đi qua nền văn minh công nghiệp, bước vào nền văn minh tin học. Không phải chỉ rút ngắn mọi khoảng cách không gian, thời gian, nền văn minh tin học còn nâng Con Người xã hội lên vị trí rất cao. Với văn minh tin học, mọi người Dân bình thường đều tiếp cận được với những vấn đề đang đặt ra của đất nước mình và của thế giới. Văn minh công nghiệp đã thỏa mãn được những nhu cầu rất cao của Con Người sinh vật. Văn minh tin học lại đáp ứng những nhu cầu ngày càng cao của Con Người xã hội, nâng cao vị trí của Con Người xã hội, mở rộng những vấn đề quan tâm, lo toan của Con Người xã hội. Thế mà giữa thời văn minh tin học ở một Nhà nước vẫn tự nhận là đỉnh cao trí tuệ lại có nghị định buộc trang thông tin cá nhân trên mạng toàn cầu chỉ được đưa tin về chính mình, không được trích dẫn, tổng hợp thông tin từ các cơ quan báo chí! Cấm người Dân không được trích dẫn tổng hợp thông tin từ các cơ quan báo chí thực chất là cấm người Dân bàn luận, kiến giải những vấn đề các cơ quan báo chí đã thông tin. Những trang facebook, blog, website dù của cá nhân nhưng không phải chỉ là những trang nhật kí cá nhân, chỉ chứa đựng thông tin cá nhân. Nếu chỉ là trang nhật kí, thông tin cá nhân thì chả cần dùng internet, chẳng cần phải lên mạng toàn cầu. Facebook, blog, website là công cụ không thể thiếu của Con Người xã hội thời văn minh tin học để Con Người xã hội được bộc lộ chính kiến về những vấn đề xã hội, để Con Người xã hội của những người Dân bình thường được thể hiện mình, được tham gia bàn bạc, kiến giải những vấn đề xã hội của đất nước, của loài người. Facebook, blog, website cho người Dân được sử dụng tốt nhất quyền tự do ngôn luận đóng góp cho xã hội. Nghị định 72/2013 buộc những trang thông tin cá nhân trên mạng internet chỉ được đưa tin cá nhân, không được trích dẫn, tổng hợp lại thông tin trên báo chí đã vi phạm điều 69 Hiến pháp hiện hành: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Nghị định 72/2013 đã chống lại một tư tưởng Nhân văn hiếm hoi của chính Nhà nước Cộng sản Việt Nam, tư tưởng Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra. Nếu không chống lại thì nghị định 72/2013 đã vạch trần sự giả dối, nói một đằng làm một nẻo của Nhà nước Cộng sản Việt Nam khi những quan chức lãnh đạo Nhà nước Cộng sản Việt Nam miệng leo lẻo nói Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra nhưng tay lại ném vào mặt Dân nghị định 72/2013 cấm Dân không được bàn luận những vấn đề xã hội trên những trang thông tin cá nhân mạng internet. Nghị định 72/2013 cũng tước đoạt một quyền cơ bản trong những quyền đương nhiên của Con Người, quyền: “Mọi Người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm. Quyền này bao gồm sự tự do quan điểm mà không bị xen vào quấy rầy và được tự do tìm kiếm, thu nhận và quảng bá tin tức và tư tưởng qua mọi phương tiện truyền thông bất kể biên giới.” (Tuyên ngôn quốc tế Nhân Quyền được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua từ năm 1948 và Nhà nước Việt Nam kí kết thực hiện từ năm 1982). Nghị định 72/2013 buộc các trang mạng xã hội của cá nhân chỉ được đưa thông tin cá nhân, không được trích dẫn, tổng hợp thông tin của các cơ quan báo chí đã thô thiển, thấp hèn hóa Con Người, là một nghị định lạc lõng với thời đại. Những trí thức thực sự có tầm hiểu biết sâu rộng, đương nhiên trang mạng cá nhân của họ không thể thiếu những bài viết về những vấn đề xã hội với những phát hiện sâu sắc ở góc nhìn văn hóa. Những bài viết đó vô cùng có ích cho xã hội, càng có ích cho nhà quản lí xã hội. Cấm trang mạng cá nhân của trí thức không được bàn những vấn đề xã hội, chỉ được đưa thông tin cá nhân, nghị dịnh 72/2013 là một nghị định ngu Dân. Một nghị định Nhà nước thời tin học mà cấm trang thông tin cá nhân trên mạng internet không được đưa thông tin xã hội, chỉ được đưa thông tin về chính mình thì Con Người xã hội của người soạn thảo nghị định nhỏ bé đến mức như không có. Không có Con Người xã hội, chỉ có Con Người sinh vật, Con Người đó lại ở vị trí quản lí Nhà nước là thảm họa cho người Dân, là điều xỉ nhục cho một đất nước văn hiến. Nghị định 72/2013 là sự hốt hoảng của một Nhà nước độc tài trước sự lớn mạnh nhanh chóng, mạnh mẽ của những trang cá nhân nói tiếng nói thẳng thắn, trung thực của người Dân về những vấn đề xã hội hàng ngày và những vấn đề khẩn thiết của đất nước. Thẳng thắn, trung thực, những tiếng nói đó không thể đồng thuận, nương nhẹ với những chủ trương, chính sách và việc làm của một Nhà nước tham nhũng đang đi ngược lại lợi ích của người Dân Với một Nhà nước dân chủ, người Dân tham gia luận bàn, kiến giải những vấn đề xã hội được thông tin trên báo chí là điều quá bình thường, lành mạnh. Càng có nhiều ý kiến phản hồi ngược chiều về những vấn đề xã hội của người Dân, Nhà nước càng mở rộng tầm nhìn, càng có thêm nhiều góc nhìn và điểm sáng tư duy, càng năng động kịp thời điều chỉnh những hoạt động của Nhà nước phù hợp với cuộc sống và lòng Dân. Với Nhà nước độc tài, quen độc quyền chân lí, độc quyền lẽ phải, coi mọi ý kiến khác biệt đều là “thế lực thù địch” và khi “thế lực thù địch” xuất hiện đông đảo, mạnh mẽ trên các trang mạng cá nhân thì hốt hoảng đến rối trí vội ban hành nghị định 72/2013: Cấm! Cấm! Cấm! Tôi mong cơn hốt hoảng mau qua đi, những người soạn thảo nghị định 72/2013 bình tĩnh, tỉnh táo, khôn ngoan trở lại mà ngôn ngữ dân gian nói là “khôn hồn” thì chỉnh sửa lại ngay ghị định 72/2013, bãi bỏ ngay nội dung tước đoạt quyền Con Người, thấp hèn hóa Con Người và ngu Dân khi qui định, trang mạng xã hội của cá nhân chỉ được đưa thông tin cá nhân, không được trích dẫn, tổng hợp thông tin trên các cơ quan báo chí. P.Đ.T. Nguồn: https://danluan.org/tin-tuc/20130803/phan-dinh-trong-lai-cam *** Thời đại truyền thông “một mình một chợ” của Cộng Sản Việt Nam đã hết! Nguyễn Chí Đức Tháng Tám 1, 2013 Trong tháng 7/2013, việc ra đời công khai Mạng Lưới Blogger Việt Nam (MLBGVN) có thể xem như là một cột mốc kế tiếp đánh dấu sự thay đổi về chất cho những người đấu tranh cho tự do ngôn luận, cho một nước Việt Nam tốt đẹp hơn trong thời đại toàn cầu hóa, phổ cập Internet. Dĩ nhiên để có thành quả ngày hôm nay đã có những mất mát của những con người ở các thế hệ, thời điểm khác nhau phải chịu đày đọa, tù tội khi nói/viết lên công khai chính kiến của mình. Tôi rất tự hào được ký tên trong bản tuyên bố của MLBGVN nhưng cũng tự thấy mình còn có những khiếm khuyết nhất định. Thành thực mà nói chuyện viết lách không phải là sở trường và cũng không phải là nhu cầu chính khi tôi quan tâm đến các vấn đề xã hội, chính trị. Mong ước thầm kín của tôi đó là sớm dứt điểm ra khỏi Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) và đầu quân cho một chính đảng theo đường hướng của các lãnh tụ Quốc Gia tiền bối. Đó là một nhu cầu chính đáng và tự nhiên của những người có ước vọng tham gia hoạt động chính trị. Tôi nhận thấy MLBGVN còn phôi thai cần phải được sự hưởng ứng của những nhà báo giàu kinh nghiệm, những người có chuyên môn trong giới truyền thông/truyền hình, các nhà văn/nhà thơ khả kính…Từ đây cho ra đời những tạp chí định kỳ theo tuần/tháng/quí, chuyên đề nhằm phổ biến rộng rãi cho người đọc trong và ngoài nước. Có những giải thưởng định kỳ thi đua nhằm thúc đẩy người viết hoàn thiện hơn, đi sâu sát hơn vào các vấn đề xã hội và bao quát hơn các vấn đề lớn của đất nước. Bằng không dù danh sách ký tên MLBGVN có đông đến mấy chỉ gây ồn ào một thời gian vì mục đích ký tên cho có hay ủng hộ tinh thần cho nhau là chính. Tôi hi vọng sự ra đời của MLBGVN là một tiền đề gây được sự chú ý của liên hiệp quốc, các nước trên thế giới và quan trọng nhất là được sự ủng hộ đông đảo người đọc trong nước. Từ đó theo đà tiến lan tỏa cảm hứng ra đời các nhà xuất bản/tờ báo, các tổ chức văn hóa/nghệ thuật, các hiệp hội hoạt động có tính chất xã hội độc lập. Tôi cho rằng vì là Mạng Lưới cho nên tự thân mỗi cá nhân, nhóm nhỏ khi kết nối vào MLBGVN sẽ có tính chất như những Nút Mạng độc lập. Nếu chúng ta muốn người ta biết đến sự đóng góp của mỗi cá nhân thì từng Nút Mạng phải gia tăng nỗ lực hoạt động, viết lách có hiệu quả thiết thực. Mỗi khi một ai đó (kể cả tôi) vì lý do nào đó dừng cuộc chơi, đi ngược lại tiêu chí chung cũng không làm ảnh hưởng đến sự phát triển, vận hành của MLBGVN. Thậm chí ngay các những blogger “phò Đảng”, Dư Luận Viên cũng phải được xem như những Nút Mạng của MLBGVN (nếu kết nối). Nếu đâu đó còn e ngại MLBGVN chưa tuân thủ luật pháp của nước Việt Nam? Xin thưa: nói cho đúng luật pháp hiện hành là luật pháp mang danh nghĩa nước CHXHCNVN; là luật pháp do ĐCSVN độc quyền chấp bút và thao túng. Luật pháp này không thể hiện ý chí, khát vọng của đông đảo tầng lớp nhân dân trong tình hình hiện nay. Quốc Hội này, Chính Phủ này, Tòa Án này, Quân Đội này là “của Đảng, do Đảng và vì Đảng” Vài lời mạo muội đóng góp xin gửi tới MLBGVN và các blog/web thông tin để rộng đường dư luận. (*) Ghi chú : bài viết thể hiện chính kiến của cá nhân với việc ra đời của MLBGVN Nguồn: donghailongvuong.wordpress/2013/08/01/thoi-dai-truyen-thong-mot-minh-mot-cho-cua-cong-san-viet-nam-da-het/
Posted on: Mon, 05 Aug 2013 04:17:43 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015