HẠNH PHÚC Truyện ngắn. Thái Bá Tân Ông gác chèo, - TopicsExpress



          

HẠNH PHÚC Truyện ngắn. Thái Bá Tân Ông gác chèo, ngả người lên thanh ngang phía đuôi chiếc thuyền nhỏ. Sông Lam mùa này nước cạn. Chiếc thuyền như đứng yên một chỗ. Bốn xung quanh yên tĩnh, đượm buồn, cái buồn mênh mang sông nước của một vùng nông thôn vắng vẻ. Trời không trăng bàng bạc trên dầu. Hai bên bờ không có cây. Một bên là bãi mía bạt ngàn còn lâu mới đến mùa thu hoạch. Bên kia là nương ngô mới mọc đến ngang lưng. Thuyền ở gần phía bãi ngô nên ông không nghe có tiếng xào xạc. Thay vào đó chỉ là tiếng đều đều đơn điệu của những loại côn trùng ông không biết tên và không hình dung nổi hình dáng chúng thế nào. Không phải con đò, mà chính ông đang nhớ về cô chủ, cô lái đò năm xưa của ông. Một cô lái đò thật đẹp, thật mơ mộng, luôn được thi vị hóa trong thơ và trong tâm trí ông bao năm nay. Hơn thế, cô còn là người con gái đầu tiên ông yêu, một mối tình cũng thi vị và mộng mơ không kém. Nay ông đã già. Khoảng chục năm lại đây năm nào ông cũng đến khúc sông này, vào thời gian này để sống lại những giây phút hạnh phúc xa xưa với cô lái đò của ông. Nhiều thì mươi ngày, ít cũng một tuần. Dân làng Mía coi ông như người thân quen, nhà nào cũng sẵn sàng cho ông mượn thuyền để làm cái việc họ thấy hơi kỳ cục, là đêm đêm chèo ra sông ngồi lặng một mình đến tận khuya. "Tôi thích sông nước, - ông nói. - Ngoài ấy thoáng đãng và dễ chịu". Họ cười và gật đầu, nhưng cũng lờ mờ đoán hiểu. Nếu chỉ cần thế thì thuê thuyền ra hồ Tây hoặc sông Hồng chứ chẳng phải vất vả từ Hà Nội vào đây. * ... Hôm ấy là một ngày nắng gắt. Khi ông đạp xe vượt mười lăm cây số đường đất gồ ghề từ thành phố Vinh tới đây thì đã quá trưa. Ông là phóng viên một tờ báo trung ương, gần ba mươi tuổi, chưa vợ, có việc phải tới vùng này. Từ xa ông nhìn thấy con đò sắp sửa rời bến, định đạp dấn lên cho kịp nhưng tới nơi thì nó đã cách bờ khoảng mười mét. Thế là đành phải đợi khá lâu mới có chuyến khác. Ông ngồi nép vào ruộng mía cho đỡ nắng. Trời không gió, ngột ngạt. Mồ hôi chảy đầm đìa, và ông có cảm giác như bị say nắng. Cuối cùng thì con đò cũng quay lại, ông là một trong hai người khách đang chờ. Người kia là một bà lão không hiểu vừa đi đâu về, tay xách chiếc lồng gà trống rỗng. Bà bõm bẽm nhai trầu, chốc chốc lại dùng hai ngón tay khẳng khiu vuốt chiếc miệng móm. - Mẹ đâu mà hôm nay mày phải chèo đò, Thắm? - bà lão hỏi khi hai người đã lên thuyền. Chắc người cùng làng. - Mẹ cháu mấy hôm nay không được khỏe, cháu phải thay. - Người ta vẫn chưa gọi đi học à? - Dạ chưa. Có lẽ rồi không. Cũng chẳng sao. Cháu ở nhà với mẹ và con đò này cũng được. Chứ đi xa, bỏ mẹ một mình cháu không yên tâm. Thắm đáp rồi im, đều đều chém hai mái chèo mảnh xuống làn nước trong xanh phẳng lặng. Bà lão chẳng nói gì thêm. Chiếc thuyền bé tí có hình thon dài, mút nhọn hai đầu. Từ trên bờ nhìn xuống có lẽ nó giống "chiếc lá tre vàng" thật. Bà lão ngồi đằng đuôi, còn ông phía trước mũi, tức là đối diện với cô lái đò có tên Thắm ấy. Ngay từ đầu ông đã nhận thấy Thắm là cô gái xinh đẹp. Xinh đẹp đến khiến ông phải ngỡ ngàng. Ở cô còn có cái gì đấy rất quyến rũ. Cái gì cụ thể thì không biết, chỉ biết ngay từ cái nhìn đầu tiên ông đã như bị thôi miên. "Chắc do cảm nắng thành lóa mắt", ông thầm nghĩ nhưng sau nhìn lại nhiều lần, ông vẫn phải thừa nhận cô xinh, có lẽ là người con gái xinh nhất xưa nay ông từng gặp. Một vẻ đẹp tự nhiên, giản dị và ông dám chắc chính cô không ý thức rõ điều ấy. Như phần lớn các cô gái nông thôn thời ấy, Thắm mặc áo phin gụ và quần vải phíp đen. Mọi đường nét ở cô thật hài hòa - từ khuôn mặt trái xoan đỏ ửng vì chèo và vì nắng nóng đến các làn cong mềm mại của bờ vai, eo hông và cặp vú tuy còn nhỏ nhưng căng phồng dưới lớp vải mỏng. Tóc cô búi ngược để lộ chiếc cổ thon dài trắng hồng với những sợi tóc ngắn mềm, xoăn xoăn phía trên trông thật gợi cảm. Vành tai mỏng được nắng chiếu qua có màu nửa hồng, nửa vàng. Ông đoán cô chỉ khoảng mười sáu, mười bảy, cái tuổi lưng chừng giữa "cô bé" và "cô gái". Về thể chất cô cũng ở giai đoạn phát triển lưng chừng ấy. Phải cố lắm ông mới kìm được mình để không nhìn cô chằm chằm. Ông giả vờ đưa mắt lơ đãng nhìn quanh, nhưng cả tâm trí ông đang bị cuốn hút bởi cái đẹp vừa phát hiện. Chưa bao giờ trong đời ông có cảm giác tương tự. Có thể cô đã nhận thấy sự chú ý quá mức của ông, cũng có thế không. Cô không tỏ một thái độ nào đặc biệt. Ông lấy làm tiếc khi con đò cập bờ bên kia, và ông phải đạp xe đi tiếp. Buổi chiều, ông quay lại đúng lúc cả hai bờ đều không có khách. Thắm đang hý húi múc nước từ chiếc thuyền đổ ra ngoài. Ông hỏi đò còn đi không. Cô mỉm cười gật đầu, ra hiệu cho xe đạp xuống thuyền. Cô chờ thêm chốc nữa nhưng không thấy người nào, trong khi bên kia sông có ai đó vừa đến, đang giơ tay vẫy đò. Sông Lam đoạn này rộng nên người ta không gọi mà chỉ vẫy tay ra hiệu. Vậy là chỉ mình ông và Thắm trên thuyền. Cô lặng lẽ chèo, dường như không chú ý đến ông. Ông cũng cố tỏ ra như vậy. Tuy nhiên khi ra đến giữa dòng, ông lên tiếng hỏi: - Cô Thắm thi vào trường nào mà người ta chưa gọi? Thắm hơi ngạc nhiên vì người khách lạ gọi đúng tên mình, nhưng cô liền nhớ mấy câu trao đổi với bà lão làng Mía buổi trưa. Cô nhìn ông vẻ dò xét. - Em thi vào Đại học sư phạm Vinh nhưng không đủ điểm. Còn trường Cao đẳng nhạc họa Hà Nội thì thuộc diện có thể được xét vớt. Vì chiếu cố con em liệt sĩ... - Cô có khiếu nhạc họa à? Thắm im lặng hồi lâu, chắc không muốn quá bộc bạch với người lạ. Cuối cùng cô đáp: - Không. Em thích vẽ. Thầy Chúc chủ nhiệm bảo em vẽ không xấu. - Rồi cô mải miết chèo như muốn ra hiệu ông không nên hỏi thêm. Biết ý, ông im lặng. Suốt cả tuần sau đó nằm ở nhà khách tỉnh ủy, ông chẳng làm được gì khác ngoài việc luôn suy nghĩ về cô. Thầm ngạc nhiên với cả chính mình, ông thấy hình như ông đã yêu cô. Yêu ghê gớm. Rồi một hôm, ông lại đạp xe lên bến đò làng Mía. Thắm vẫn chèo đò thay mẹ. Cô không tỏ một thái độ nào khi lại gặp ông. Ông cũng cố đóng vai một khách đò bình thường. Có điều mỗi lần sang bên kia, ông giả vờ đi đâu đó khoảng nửa tiếng rồi quay lại và... sang sông. Hôm ấy ông đã đi lại sáu lần như thế. Cả sáu lần Thắm tỏ vẻ không để ý. Ông cũng ngồi im, phần vì lúc nào đò cũng có người, phần vì ông như muốn thi gan với cô. Lần cuối cùng, lúc này đã chập tối và trên đò chỉ có hai người, ông nói: - Sao Thắm không hỏi vì sao tôi cứ đi đi lại lại mãi thế? - Việc của em là chèo đò, còn đi bao nhiêu lần là việc của khách. - Cô lạnh lùng đáp. - Xưa nay có ai đi đò của cô sáu lần trong một buổi chiều chưa? - Chưa... - Thắm ngập ngừng lúng túng. Chắc cô không quen nói dối. - Thế Thắm không nghĩ vì sao tôi làm thế à? - Không. Lúc này con đò đã cập bến. Thắm nói: - Bây giờ em nghỉ. Anh không đi lần thứ bảy được đâu. - Nhưng mai tôi lại tới và sẽ đi mười bảy lần, được không? Cô không đáp, chỉ vội vã chèo thuyền đi. Từ bờ nhìn theo, ông thấy cô như đang sợ hãi điều gì. Hôm sau ông lại đến, và đi đò của Thắm không phải mười bảy, mà chỉ năm lần, vì ông đến muộn do giữa đường xe hỏng. Họ không nói với nhau lời nào. Mỗi lần bắt gặp cái nhìn của ông, cô ngượng ngùng quay đi. Còn ông thì vừa nhìn cô nhịp nhàng khua mái chèo, vừa nghĩ: Một mình một chiếc đò ngang, Nước xanh, mây trắng, nắng vàng. Cô lái, như đò, rất mảnh, Nhẹ khua mái chèo đôi cánh... Nghe nói đây sắp xây cầu, Liệu cô bỏ đò về đâu? Rồi ông hình dung cảnh chiếc cầu được xây xong, không còn đò nữa, và... Bỏ lại bến đò, dòng sông, Cô lái đã đi lấy chồng. Cũng việc bình thường, ấy vậy Mà khách bâng khuâng như thấy Cả mình, cả sông, cả đò Hơi hơi buồn buồn nhớ cô. Những mối tình đầu thường trắc trở, càng đẹp càng trắc trở. Xưa nay vẫn vậy và có vậy mới đáng nói. Nếu cô lấy chồng chắc ông phải buồn lắm. Nhưng ông đã không có được cái buồn đầy chất thơ ấy. Vì cô đã đi lấy chồng, và chồng cô chính là ông chứ chẳng phải ai khác. Tức là mối tình giữa ông và cô đẹp mà không có trắc trở nào. Trái với cái lô gích thường gặp trong văn thơ. Lần thứ năm ông đi đò cô hôm ấy, lần cuối cùng trong ngày, thật may cũng chỉ có hai người. Cô cười bảo ông: - Xong chuyến này em nghỉ. Em sẽ không đưa anh trở lại bên này nữa đâu. - Không sao. Nếu em muốn anh ở lại bên ấy thì anh sẽ ở. - Ông đáp, đổi cách xưng hô một cách tự nhiên, như thể hai người quen nhau từ lâu. Với lợi thế hơn những mười tuổi và dân thành phố, ông tự giành quyền chủ động. Hơn nữa ông biết cô không hoàn toàn dửng dưng với ông. Không chỉ lần này mà cả những lần trước cũng thế. Ông nghĩ có lẽ trong lồng ngực trẻ trung kia trái tim cô đang đập mạnh, và đầu cô đang đầy những ý nghĩ lẫn lộn mừng vui và lo sợ mơ hồ. Bề ngoài Thắm vẫn giữ được vẻ thản nhiên. Cô lặng lẽ chèo, trả lời những câu ông hỏi một cách ngắn gọn và thận trọng. Khi thuyền đến giữa sông, bất ngờ ông tự ngã xuống nước, còn cố tình kêu lên hoảng sợ. Vốn bơi giỏi, ông lặn một hơi thật lâu, thầm hình dung trên thuyền Thắm đang làm gì. Khoảng một phút sau, ngoi lên, như dự đoán, ông thấy Thắm đang cuống quýt kêu cứu. Hình như hai má cô long lanh nước mắt. Cô vội cho thuyền lại gần, đưa tay kéo ông lên. Ông vẫn nắm chặt bàn tay nhỏ nhắn ấy cả khi đã ngồi yên trên thuyền. - Trời ơi, anh làm em sợ hết hồn. - Thắm thốt lên. - Anh ngã thật hay giả vờ đấy? - Thật chứ, và anh không hề biết bơi. - Ông cười đáp. - Em đã cứu anh. Từ nay anh mang ơn em suốt đời. Thắm biết ông đùa, liền giận dỗi rút tay ra, ngồi quay lưng. Hồi lâu con thuyền không ai chèo cứ chầm chậm trôi về phía đông. - Em không mời anh về nhà em hong khô quần áo và nghỉ ngơi chút ít sau một tai nạn thế này à? - Ông hỏi khi hai người cột đò vào gốc cây và cùng bước lên bờ. Thắm không đáp, lặng lẽ rảo bước đi nhanh. Ông đi theo mà không cần cho phép. Ba tháng sau họ làm lễ cưới. Mẹ Thắm được mời ra sống hẳn ở Hà Nội với vợ chồng ông. Cụ vừa mất cách đây năm năm. Cô lái đò của ông cuối cùng cũng được học môn họa mình yêu thích, không phải ở trường Cao đẳng nhạc họa mà ở Đại học mỹ thuật quốc gia tại phố Yết Kiêu. Cô tốt nghiệp loại giỏi và được giữ lại làm cán bộ giảng dạy. Đến nay cô Thắm lái đò năm xưa đã là một họa sĩ nổi tiếng, từng tổ chức nhiều triển lãm cá nhân cả trong và ngoài nước. Bà có phòng tranh riêng. Tiền bán tranh, nhất là thời kỳ đất nước mới mở cửa, đủ cho họ xây được ngôi nhà khang trang với cuộc sống vật chất đầy đủ. Còn ông, trong giới văn chương, ông cũng được nhiều người biết đến và kính trọng, không chỉ về nghề nghiệp mà cả về nhân cách. Họ chỉ có một cô con gái mới tốt nghiệp nhạc viện, bộ môn pi-a-nô. Một nghệ sĩ trẻ được xếp vào loại "có triển vọng" như ông ngày nào. Nếu mọi việc suôn sẻ, năm tới nó sang tu nghiệp ở Canađa. Nghĩa là chuyện gia đình, chuyện sự nghiệp của cả nhà ông đều tốt đẹp. Cả chuyện tình cũng tốt đẹp. Ông lấy được người mình yêu, một phụ nữ lý tưởng như ông vẫn nghĩ và thầm cảm ơn số phận điều này. Vậy ông còn muốn gì hơn? * Hình như đêm đã khuya. Trăng đầu tháng mỏng tang, mờ mờ sau lớp mây khói phía chân trời. Có đôi le le bỗng giật mình bay lên từ bờ bên phải, cánh đập mạnh. Ông có cảm giác như không khí khẽ rung lên vì những tiếng đập ấy. Ông vẫn nằm yên, ngửa mặt bâng quơ nhìn lên trời. Ừ nhỉ, ông còn cần gì nữa? Ông không có gì phải phàn nàn về cuộc đời mình. Có thể nói ông là người thành đạt và gặp may trong mọi chuyện. Vậy ông có thực sự hạnh phúc không? Lúc này ông đang tự hỏi mình câu ấy. Có lẽ có, nếu hiểu hạnh phúc theo nghĩa thông thường người ta quan niệm xưa nay. Vâng, ông là người hạnh phúc. Thế mà không hiểu sao đôi khi ông vẫn cảm thấy như thiêu thiếu cái gì để hạnh phúc của ông thực sự trọn vẹn. Như chuyện tình yêu chẳng hạn. Từ người yêu thơ mộng ở bến sông này, cô lái đò của ông đã trở thành người vợ, một họa sĩ danh tiếng. Dù cả hai người ấy vẫn yêu ông và ông vẫn yêu họ với tất cả tấm lòng, dù đó là một sự phát triển tự nhiên đáng mong muốn, thế mà ông cứ quẩn quanh nghĩ mãi về cô Thắm lái đò ngày xưa, về việc ông giả vờ ngã xuống sông để sau đó được cầm tay cô với cảm giác lâng lâng đến tê người. Bây giờ thỉnh thoảng ông vẫn cầm tay bà những lúc đi dạo quanh hồ Thuyền Quang, nhưng không còn nữa cái cảm giác bồi hồi "điện giật" ngày nào. Ông không bị cuộc sống đời thường làm chai sạn tình cảm, nhưng quả thực trong ông không còn nữa điều mà bây giờ ông đang mong tìm lại. Đó là sự bồng bột lãng mạn của mối tình đầu. Ít ra ông cũng muốn được sống lại những giây phút ấy, dù chỉ trong tâm tưởng. Nhiều khi ông cứ vẩn vơ nghĩ, rằng biết đâu cuộc đời ông sẽ trở nên ý nghĩa hơn, hạnh phúc hơn, nếu ngày ấy có ai đó hoặc việc gì đó đứng cản đường, bắt ông phải vượt qua để đến được với Thắm. Thậm chí nếu ông thất bại, Thắm bị ép lấy người khác và cả hai sẽ đau khổ, lúc ấy mối tình của họ sẽ trọn vẹn hơn, cũng có nghĩa là đẹp hơn và cuộc đời ông sẽ đỡ trơn tru, tẻ nhạt hơn chăng? "Mình đúng là già, đâm ra lẩn thẩn mất rồi", ông mỉm cuời một mình trong đêm vắng. Vậy thì hạnh phúc là gì? Không lẽ như một nhà văn Nga đã nói, hạnh phúc chỉ là khi ta mong muốn cái gì đấy mà không đạt được? Thế đạt được thì sao? Sẽ không còn là hạnh phúc nữa ư? Nhảm nhí. Cũng nhảm nhí cái câu "tình chỉ đẹp khi còn dang dở" trong một bài thơ ông từng đọc. Vâng, vậy thì rốt cục, hạnh phúc là gì? Ông suýt nói to thành tiếng cái câu hỏi oái oăm ấy mà ông không sao tìm nổi câu trả lời. Con người kể cũng lạ, như ông đây chẳng hạn. Ông vui mừng, hạnh phúc khi cô Thắm lái đò trở thành bà họa sĩ vợ ông, hàng ngày sống cạnh ông và hoàn toàn thuộc sở hữu ông, nhưng ông chưa lấy thế làm đủ, còn muốn có một cô Thắm khác mãi mãi là cô lái đò nhỏ bé, thơ ngây mà vì tình yêu trắc trở ông không vươn tới được. Bây giờ, khi cái điều trắc trở ấy không xẩy ra, ông lại về đây tìm cách sống lại với những gì nhờ may mắn ông đã bỏ mất... "Mình đúng lẩn thẩn thật rồi!", ông lại mỉm cười nghĩ thầm, khoan khoái tận hưởng sự tĩnh lặng của thiên nhiên và những kỷ niệm đẹp của quá khứ. Trong đầu ông lần nữa lại vang lên bài thơ buồn buồn ông viết để minh họa cho bức tranh sơn dầu khổ lớn treo chính giữa phòng khách nhà ông. Bức tranh bà vẽ theo gợi ý của chồng, về một bến đò vắng trong đêm trăng, với chiếc thuyền con không người trên nền xanh xẫm của dòng sông và bãi mía. Con đò trên bến vắng Như chiếc lá tre vàng Chao trên dòng nước lặng, Dòng sông buồn mênh mang. Trăng cuối tháng mờ mờ, Trời không sao, man mác. Như nửa tỉnh, nửa mơ, Cây bên sông xào xạc. Con chim gì giật mình Bay lên từ bãi cỏ. Không khí khẽ rung rinh Vì cánh chim đang vỗ. Như chiếc lá tre vàng, Con đò khuya ngái ngủ Giữa dòng sông mênh mang, Đang nhớ về cô chủ... Hà Nội, 3.5.2001
Posted on: Wed, 14 Aug 2013 14:02:17 +0000

Trending Topics




Recently Viewed Topics




© 2015