KIẾN TRÚC XANH và KHÔNG GIAN XANH Sống chung với - TopicsExpress



          

KIẾN TRÚC XANH và KHÔNG GIAN XANH Sống chung với thiên nhiên, gần gũi với thiên nhiên, hài hoà với thiên nhiên, ấy là bản năng của con người. Song con người sống và sinh hoạt ngày càng đi vào một không gian khép kín, để tránh những tác động có hại của thiên nhiên và để tạo ra sự riêng biệt cho chính mình, cái không gian khép kín ấy thường được ngộ nhận là kiến trúc. Có một thời người ta định nghĩa kiến trúc là một cái hộp đựng người. Vì thế kiến trúc đã dần xa cách với thiên nhiên. Khi con người bắt đầu sống trong bốn bức tường khép kín làm bằng vật liệu nhân tạo và tiếp xúc với mọi thứ đều do con người làm ra từ ánh sáng cho đến không khí... và mọi thứ đều từ cái một cái ấn nút mà có... mới đầu thì người ta thấy thật dễ chịu, thật thoải mái, thật tiện nghi, nhưng mãi như thế thì con người có khác gì những tấm mộc bản thời nhà Nguyễn đang được lưu giữ, có khác gì như những thực phẩm hay những gì cần được bảo quản, không để cho nó mốc meo, mối mọt hay hư hỏng đi. Và cái sự ấn nút vô cùng tiện nghi ấy đã vô tình biến con người thành một chiếc máy cực kỳ tinh xảo, và cái sự khép kín ấy cũng vô tình làm cho mối quan hệ giữa con người với con người không còn " xanh " nữa. Rồi một buổi tối người chủ nhà bước ra ngoài ban công, gió lồng lộng thổi tới mát rượi, ngọt ngào, trong lành và nhìn lên bầu trời trong vắt, trăng 16 thật tròn, thật trong xanh, thật sáng, cái thứ ánh sáng dìu dịu đến nao lòng... Ồ, của trời cho, sao không biết tận hưởng. Và sáng hôm sau anh ta dậy sớm ( thường thì anh ta dậy muộn trong phòng ngủ máy lạnh ) chạy lên sân thượng, ánh nắng ban mai tràn tới, ấm áp trong làn gió mát lạnh và mùi hương của hoa nguyệt quế, hoa ngọc lan ngây ngất. Hít thở căng lồng ngực và cái cảm giác mình là một con người bằng xương bằng thịt, bằng nước và bằng không khí mới thật sự hiển hiện lên. Rồi một hôm anh ta chạy ra công viên gần đó, và tự nhiên anh ta thấy mình được hoà trong thiên nhiên, được đón những nụ cười vui vẻ và thân thiện của mọi người nhiều hơn. Thế đấy, cái văn minh hiện đại có vẻ như đang làm xói mòn đi những cái thuộc về tự nhiên. Và đến bây giờ người ta càng ngày càng nhận thức được hết sự thiếu vắng của tự nhiên mới là nguyên nhân làm cho cuộc sống của con người ngày càng bị xói mòn đi,khô cằn đi. Khái niệm xanh nói chung và kiến trúc xanh nói riêng cũng được ra đời từ đó. Vậy XANH là gì. Xanh là bầu trời xanh vời vợi với những làn mây trắng nhẹ bay, xanh là những mặt nước của hồ của sông của biển óng ánh nắng vàng với những làn sóng dập dềnh, xanh là màu xanh của cây cỏ xung quanh ta, mơn mờn đầy nhựa sống, xanh là không khí và mặt nước trong lành, xanh còn có một ý nghĩa tinh tế hơn ấy là sự hiền hoà giữa con người với con người. Hãy để cho tất cả những cái xanh ấy tràn vào cuộc sống của chúng ta. Đừng khép kín nữa, không, chỉ khép kín khi có giông bão, khi có giá lạnh, khi có nóng bức oi nồng và cả khi có những sự hỗn độn xô bồ do con người tạo ra, chỉ những khi rất cần thiết đó thôi.Và ngày nay người ta thường tìm đến biển, đến rừng, đến những dòng sông hiền hoà, đến nhũng cánh đồng xanh bát ngát hay những vườn cây trái xum xuê, hoặc đến những lễ chùa là như vậy. Đó là những khi có điều kiện, còn thường ngày họ vẫn phải chen chúc ở những nơi bụi bặm ngột ngạt của chốn đô thị hoặc nhốt mình vào những cái hộp kín nhân tạo chật chội, khô cứng, lạnh lùng được gọi là kiến trúc ấy. Chính vì thế kiến trúc xanh mới ra đời. Kiến trúc xanh tức là người ta đưa những cái xanh có thể có được vào trong không gian kiến trúc. Cây xanh, mặt nước, một khoảnh trời xanh, một làn gió mát làm sao đưa được nó vào trong ngôi nhà của mình dù là nơi đang ở hay là nơi đang làm việc, đưa chúng vào một cách tự nhiên hoặc có thể đưa chúng vào theo đúng như những sự sắp xếp khôn khéo nhất của con người. Đã từ lâu rồi trên ban công, trên sân thượng đã thấy có rất nhiều chậu hoa, cây cảnh và cũng không phải là mới mẽ gì khi trên những bức tường ngoài nhà các loại giây leo phủ kín quanh cửa sổ. Ngày xưa thì người ta chỉ ý thức rằng đấy là sự đi tìm đến cái đẹp, cái thú chơi vui thôi, còn bây giờ thì người ta đã nhận thức rõ đó là sự quay về với tự nhiên, sự cải thiện cái môi trường ngay chính nơi mình đang sống. Người ta đã tìm cách đưa những làn gió và ánh nắng tự nhiên vào nhà theo những cách thức nhất định, có bài bản, có lý luận hẳn hoi. Cái giếng trời nơi những ngôi nhà ống, hay trong một chung cư lớn, cái sân thượng phủ kín bằng những dàn leo, những gian nhà để trống dưới tầng trệt của nhà cao tầng, việc mở các cửa sổ sao cho gió vào nhà dễ chịu nhất...và rất nhiều giải quyết cụ thể khác chính là cách làm có sách như vậy. Không những thế bây giờ người ta còn biết trồng rau sạch trên những không gian ấy. Cách giải quyết này cũng đã được áp dụng rất nhiều trong nhà cao tầng, và với sự sắp xếp khéo léo người ta có thể cho ta thấy đấy như một cái cây khổng lồ. Ở Singapore đã biết tạo ra những cái cây khổng lồ với thân cành là bê tông bằng sắt thép, còn lá hoa, là lá hoa tự nhiên thật. Ở Indonexia đã thành lập những công ty "công viên đứng ".Không gian xanh bây giờ cũng đã len lỏi vào trong từng căn phòng, những chậu cây cảnh, những bể cá vàng... nó làm cho nội thất tươi mát hơn, sinh động hơn. Và người ta cũng tìm cách xử lý sao cho không gian bên trong với không gian bên ngoài tiếp cận với nhau nhiều hơn, chứ không còn khép kín như trước nữa. Ngồi trong nhà có thể dễ dàng tiếp xúc được với cây cỏ và mặt nước bên ngoài, hít thở được không khí tươi mát và mùi hương thoảng tới. Cái bên trong và cái bên ngoài, cái nhân tạo và cái thiên tạo được xích gần lại nhau hơn. Thuở xưa, mà cũng chẳng xưa gì lắm, đầu thế kỷ 20 thôi, ở nước ta nông thôn đâu đã có điện, làm gì có quạt máy, máy lạnh...cho nên con người phải tìm cách dựa vào tự nhiên. Làm nhà phải chọn hướng gió mát và tránh gió lạnh. Xưa đã có câu: " lấy vợ hiền hoà, ở nhà hướng Nam". Hướng nhà là quan trọng nhất sau đó là đến sân vườn. Sân vườn là cái gạch nối giữa kiến trúc với thiên nhiên. " ao trước vườn sau" " Cây mít đàng sau, cây cau đàng trước " đàng trước là hướng Nam phải thông thoáng, phải có hơi nước lan toả làm mát dịu không khí. Ao trước là để nuôi cá, vườn sau là để chuồng trại, con người gần với những con vật thân quen ngoài mục đích sinh sống thì âu cũng là một cách để cho con người gần với tự nhiên hơn. Nhà ở nông thôn thường có hiên rất rộng. Khi mát trời người trong nhà và người láng giềng thường sinh hoạt nơi cái hiên rộng ấy. Cái hiên ấy che cho ngôi nhà khi nắng gắt, khi mưa gió ào ạt, và dọc cái hiên ấy thường có nhũng tấm liếp lớn để cho việc che mưa che nắng được hiệu quả hơn. Còn dĩ nhiên ngôi nhà nông thôn ngày xưa là đều làm bằng vật liệu tự nhiên là chính. Người xưa chưa hề có khái niệm gì về kiến trúc xanh nhưng họ đã sống " xanh " hơn bây giở rất nhiều. Một xu hướng khác nữa là sử dụng nhiều hơn những vật liệu thiên nhiên để tạo nên kiến trúc. KTS Võ trọng Nghĩa đã rất thành công trên lĩnh vực này. Người ta bảo những vật liệu ấy không lâu bền và khó bảo quản. Đúng thế, có cái gì là lâu bền vĩnh cữu đâu, kiến trúc cũng như các sinh vật khác nó cũng chỉ tồn tại trong một thời gian nhất định, miễn sao trong cái khoảng thời gian nhất định đó nó phát huy hiệu quả tối đa của nó. Có những nhà thơ, nhạc sĩ...cuộc sống thật ngắn ngủi, nhưng cái họ để lại cho đời thật vô cùng to lớn. Một kiến trúc âu cũng chỉ có một khoảng đời như con người thôi. Con người bây giờ biết cách kéo dài thêm tuổi thọ của mình, thì kiến trúc cũng ngày càng biết kéo dài thêm sự sống của chính nó. Sở dĩ người ta khuyến khích sử dụng vật liệu thiên nhiên, bởi vì tất cả những vật liệu nhân tạo là đều được tạo ra dưới các tác động làm ô nhiễm môi trường và nó sẽ không còn " Xanh " nữa. Ngày nay người ta khuyến khích sử dụng năng lượng tái tao ngay cả trong kiến trúc cũng là với ý nghĩa đó. Trên các nóc nhà bây giờ thường có dàn nước nóng sử dụng ánh nắng hay những tấm pin mặt trời và đó sẽ là một xu hướng rất phổ biến trong thời gian tới. Nói đến kiến trúc không phải chỉ là nói đến một ngôi nhà, một công trình mà phải nói đến một quần thể kiến trúc, một khu vực đô thị một không gian chung. Chẳng có ý nghĩa gì khi một kiến trúc xanh nằm lọt thỏm vào một không gian không phải là xanh. Chẳng có ý nghĩa gì khi một gia đình sống hạnh phúc giữa một xóm dân nghèo khổ và không có mối quan hệ tốt đẹp gì với cộng đồng. Vì thế không chỉ là kiến trúc xanh cho một ngôi nhà mà phải là một không gian xanh rộng lớn hơn. Ngôi nhà truyền thống của người Việt bao giờ cũng có sân có vườn, là vậy. Nhà ở, đình, chùa, có mối quan hệ xanh với nhau kể cả trong nghĩa đen và nghĩa bóng. Dĩ nhiên đất ở đô thị quý như vàng một công trình kiến trúc không dễ gì dành đất cho cây xanh, cho sân vườn, nhưng trong một quần thể kiến trúc, trong một khu vực đô thị, trong một cộng đồng không thể thiếu vắng những không gian cây xanh mang đầy sức sống, những không gian trống để nhìn thấy bầu trời lồng lộng, không gian mặt nước để lắng dịu đi mọi thứ...một không gian chung thoáng đãng để cho con người tiếp cận với nhau nhiều hơn,tiếp cận với thiên nhiên nhiều hơn, và mối quan hệ đó mang một ý nghĩa XANH đích thực. Một quần thể kiến trúc, một khu vực đô thị không thể phủ kín bằng bê tông, sắt thép và nhựa đường, mà phài dành những diện tích nhất định cho khoảng xanh. Trong chuyên môn có một thuật ngữ để chỉ rõ sự thưa dày của kiến trúc trên mặt đất, đó là mật độ xây dựng. Mật độ xây dựng càng thưa thoáng, con người càng dễ sống hơn. Đất đô thị có hạn, người ta phải làm nhà cao tầng, nhưng nhà càng cao, người càng nhiều thì mặt đất phải càng thưa thoáng. Xung quanh ngôi nhà cao tầng phải là cây xanh, mặt nước, phải thiên nhiên hơn và phải coi đó như là cái vạch nối giữa những cái nhân tạo với cái tự nhiên. Từ trước tới nay khi làm quy hoạch xây dựng thuờng thì người ta bố trí mạng lưới đường sá rồi các kiến trúc trước, và coi đó như là nhân tố quyết định hợp lý của quy hoạch sau đó mới chen vào những mãng xanh xung quanh các khu chức năng sử dụng hoặc xung quanh các kiến trúc. Nhưng gần đây một số chuyên gia quy hoạch đã nêu lên ý tưởng là phải dựa vào địa hình địa lý tự nhiên để bố trí hệ thống mảng xanh trước nhằm làm sao cho con người có thể sống hài hoà với thiên nhiên tốt nhất rồi sau đó mới bố cục mọi thứ khác. Nghe có vẻ rất lãng mạn và có gì đó không thực tế lắm, nhưng có lẽ đấy là một ý tưởng hay, một quy luật cần có. Cái quy luật ấy sẽ phù hợp vói quy luật của tự nhiên hơn. Kiến trúc xanh, không gian xanh ngày càng trở nên vô cùng quan trọng đối với cuộc sống con người và đối với cuộc sống đô thị khi mà số lượng con người càng nhiều lên, khi mà số lượng công trình trên mặt đất càng nhiều thêm, khi mà thiên nhiên đã bị xâm phạm quá nhiều. Thế giới sinh ra vốn đã là một thực thể rất cân bằng âm dương. Cái thế cân bằng ấy ngày càng bị phá vỡ đi, và trách nhiệm của loài người là phải lấy lại sự cân bằng đó, giống như hiện nay trên toàn thế giớii đang đấu tranh để giảm bớt hiệu ứng nhà kính vậy. XANH không chỉ còn là một khái niệm nữa mà phải là một hành động để cứu vãn con người, để cho con người sống hài hoà với trời đất hơn.
Posted on: Thu, 18 Jul 2013 02:44:22 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015