Linh thiêng Võ Thị Sáu Ngôi mộ chị Sáu nằm ở trung - TopicsExpress



          

Linh thiêng Võ Thị Sáu Ngôi mộ chị Sáu nằm ở trung tâm khu B, nghĩa trang Hàng Dương. Ở miền Nam gọi cây phi lao là cây Dương, vì thế nghĩa trang Côn Đảo nằm dưới rừng phi lao, gọi là nghĩa trang Hàng Dương. Đã thành thông lệ và cũng là huyền thoại, ở Côn Đảo người dân và các du khách đều đi viếng mộ vào ban đêm từ 23 giờ. Đêm đó, nơi nghĩa địa, giữa ngàn ngôi mộ, đêm yên tĩnh, tịch trừ, không có tiếng người nói to, không có tiếng chân bước gấp, chỉ có tiếng gió hàng dương vi vút, có tiếng mưa rơi tí tách như bản nhạc ngàn đời thiên tạo, ru các vong linh ở cõi vĩnh hằng. Dưới sân đài tưởng niệm, hàng điện hàng trăm bóng sáng mờ, đó là hệ thống điện năng lượng mặt trời trên đảo, có màu sáng xanh mờ, như được phát ra từ những con đom đóm khổng lồ. Trong nghĩa trang, trên các ngôi mộ đều có một bóng điện nhỏ hình quả nhót, phát ra thứ ánh sáng đỏ mờ, như trăm ngàn ngọn nến lung linh giữa bóng đêm nặng phần âm khí. Chị Võ Thị Sáu tên thật là Nguyễn Thị Sáu sinh năm 1933, quê ở xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Chị đã dũng cảm hoàn thành suất sắc nhiệm vụ được giao như giao liên, mua hàng tiếp tế cho các tổ chức cách mạng. Năm 1948, chị tham gia phá tề, trừ gian, giết cai tổng Tòng, rồi cùng đồng đội phá cuộc mít tinh kỉ niệm Quốc khánh nước Pháp do ngụy quyền tổ chức, đã trực tiếp diệt nhiều lính Pháp ở Vũng Tàu. Tại phiên chợ Tết tháng 2/1950, chị dẫn đầu một tổ, dùng lựu đạn tập kích diệt hai tên ác ôn Cả Suốt, Cả Đay. Không may chị bị sa vào tay địch. Chúng dùng mọi cực hình tra tấn, nhưng không khai thác được gì, liền đưa chị về giam ở khám Chí Hòa, Sài Gòn để tiếp tục khai thác và sau đó mở phiên tòa, tuyên án tử hình chị. Tại phiên tòa đại hình, tuy mới 17 tuổi, nhưng chị Võ Thị Sáu đã hiên ngang tỏ rõ khí phách anh hùng của một thiếu nữ Việt Nam làm cho lũ quan tòa và đồng bọn đều phải nể sợ. Chị sang sảng khẳng định: "Yêu nước chống bọn thực dân xâm lược không phải là tội"...và những lời đối sắt thép đối với kẻ thù khi cáo buộc chị...tiếp đó là tiếng hô: "Đả đảo thực dân Pháp!". "Kháng chiến nhất định thắng lợi!". Thực dân Pháp muốn giết chết ngay người con gái đáng sợ này, nhưng không dám thực hiện bản án tử hình đối với người chưa đến tuổi thành niên. Chúng phải tiếp tục giam chị ở khám Chí Hòa và rồi đưa ra Côn Đảo. Ngày 23-1-1952, chị Sáu bị Thực dân Pháp tử hình tại Côn Đảo, ngày ấy đã trở thành huyền thoại và là một ngày thiêng liêng của người dân trên đảo. Chuyện kể rằng: Khi tên chánh án quay ra đọc lệnh thi hành án thì Võ Thị Sáu bắt đầu hát, chị cất lời hát bài Tiến quân ca, Quốc ca Việt Nam. Giọng hát của chị thiết tha, trong trẻo, vút lên ngân vang trong gió sớm. Võ Thị Sáu không chú ý đến bọn đao phủ, chị vẫn hát và khi bảy nòng súng đen ngòm ngọ nguậy và tên đội trưởng đội hành quyết hô mục tiêu chuẩn bị thì chị ngừng hát và hô to: Đả đảo thực dân Pháp, Việt Nam độc lập muôn năm, Hồ Chủ Tịch muôn năm thì bảy tiếng súng chuệch choạc nổ. Khi súng nổ bỗng có một tiếng rú ghê rợn từ đồi cát phía Nam gần đó, thì ra đó là 4 chị vợ giám thị núp ở đây để mục kích cuộc hành hình và người rú lên là Nguyễn Thị Liễu - vợ giám thị Ruby, chị ta bất tỉnh sau loạt súng. Sau khi hiểu ra chuyện, bọn chúng quay lại pháp trường thì lạ thay chị Sáu vẫn hiên ngang đứng đó, hai vệt máu từ vai và sườn tuôn ra ướt đỏ vạt áo, chị vẫn hát. Tên đội lê dương lầm lũi bước đến gí khẩu súng ngắn vào tai chị bóp cò. Ngay sau khi thi hành án tử hình chị Sáu, sáng ngày 24-1-1952 có người lính lê dương già trong đội bắn đã khóc, bỏ ăn suốt ngày và ngồi trên phiến đá cả đêm vì sau khi thi hành án, ông không ngủ được, đôi mắt cô gái đã ám ảnh ông, ông thề sẽ bỏ nghề. Ông ta đã nói: Cô ấy tin vào chính nghĩa của dân tộc mình, còn chúng tôi thì chỉ biết bắn giết... Người bác sĩ phục vụ trên đảo mỗi lần nhắc đến Võ Thị Sáu là một lần ông xúc động và trầm trồ: “Thật là một con người gang thép”. Sau thời gian chị Sáu bị hành hình, địch đang tổ chức đập phá bia mộ và khủng bố tù nhân, truy tìm người đúc bia mộ của chị thì vợ con gác ngục đồn ầm lên là cô Sáu hiện về. Chuyện cô Sáu hiện về lan rất nhanh, nhiều gia đình gác ngục lập bàn thờ cô Sáu. Họ tin rằng một người con gái chết trẻ và chết thiêng như vậy ắt sẽ hóa thần. Rất nhiều chuyện linh thiêng về chị Sáu, nào là cái chết của tên tù gian Nguyễn Văn Tân, có người nói là hắn bị bức tử là để bịt đầu mối do làm thất thoát tiền, song có người lại quả quyết rằng Tân bị cô Sáu bắt tội vì đã cho tay chân đập phá bia mộ cô Sáu và theo dõi, chỉ điểm những người làm bia, đắp mộ cô. Cũng từ thuở ấy dân đảo không còn thề có trời, đất, quỷ thần nữa mà là thề có cô Sáu chứng giám, lời thề ấy linh thiêng và ứng nghiệm, từ người tù đến công chức gác ngục và chúa đảo. Qua rất nhiều thời chúa đảo, đến thời chúa đảo Lê Văn Thể được điều ra làm tỉnh trưởng và kiêm quản đốc Trung tâm cải huấn. Chúa đảo Thể tàn bạo và hiếu thắng, sau khi khủng bố tù nhân, Thể hạ lệnh đập phá bia mộ của Lê Hồng Phong và Võ Thị Sáu, lần này bọn ác ôn ngán, song có tên Nghị, tù thường phạm mới từ trại Phú Lợi vừa bị đày ra đảo chưa biết oai linh cô Sáu, Nghị huyênh hoang: Sợ gì để tôi đập xem ai làm gì nổi tôi. Hắn lẳng lặng xách búa lên Nghĩa trang Hàng Dương đập nát tấm bia, đập luôn lư hương và hai bình cắm hoa đặt ở trước bia mộ Võ Thị Sáu, hôm sau một tấm bia mới lại được dựng lên như trước, Nghị hung hăng cầm búa lên đập và ngồi rình trong một lùm cây gần đó, hắn đem theo rượu, thịt và một ổ bánh mì, cả ngày ngồi dưới nắng, hắn thấy hoa mắt, chóng mặt. Sáng hôm sau hắn sốt li bì, không thuốc gì chữa nổi, hắn gầy tóp, quái dị, vật vờ. Nhà thương Côn Đảo hết cách chữa trị, chuyển về Nhà thương Chợ Quán được 3 hôm thì chết. Rồi đến tên Sước, tù quân phạm cũng cầm búa đập tan bia cẩm thạch đặt trên mộ Võ Thị Sáu và đêm đó Sước ngất ngưỡng ra biển uống rượu, sau khi uống rượu xong, hắn cởi áo vắt vai, ngật ngưỡng leo lên một tảng đá, vo áo làm gối rồi nằm xuống ngủ, sáng hôm sau không thấy Sước điểm danh, cả bọn đi tìm thì thấy hắn đã chết cứng, lưng dính chặt vào tảng đá... Võ Thị Sáu - người thiếu nữ anh hùng của quê hương Đất Đỏ đã đi vào huyền thoại, trở thành dấu son truyền thống trong cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc ta. Như nhà thơ Tố Hữu đã viết: Có cái chết hóa thành bất tử Có những lời hơn mọi lời ca Có con người như chân lý sinh ra... Tình yêu Tổ quốc, sự hy sinh anh dũng và lý tưởng sống cao đẹp của chị đã trở thành tấm gương sáng cho các thế hệ Việt Nam phấn đấu, học tập cả trong đấu tranh cũng như trong hòa bình xây dựng đất nước. Hơn nửa thế kỷ qua, ngày hy sinh của chị Sáu đã trở thành một trong hai lễ hội lớn nhất của huyện đảo Côn Lôn. Chị Sáu thân thương đã hóa thành bất tử, đã trở thành một huyền thoại gắn liền với đất trời Côn Đảo, đất trời Việt Nam. Côn đảo từ địa ngục trần gian của 113 năm nô lệ, nay đã là thiên đường, là điểm đến của tất cả mọi người, nơi có hòn đảo anh hùng với những người con bất khuất, có hai người Bà Phi Yến và Võ Thị Sáu, hai nữ liệt trung trinh của nước Việt thân yêu./.
Posted on: Mon, 22 Jul 2013 06:42:54 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015