Một số ý kiến về định hướng xã hội chủ nghĩa - TopicsExpress



          

Một số ý kiến về định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam ============= Trước hết, phải thừa nhận có mệnh đề "Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Vừa qua cũng có người không nhất trí điều này. Họ cho rằng kinh tế thị trường là thuật ngữ chung, trung tính, không gắn với chế độ kinh tế - xã hội nào. Ðúng vậy! Nhưng cũng không sai nếu người ta sử dụng kinh tế thị trường để phục vụ cho một chế độ kinh tế - xã hội nhất định. Cũng giống như khoa học - kỹ thuật vậy. Khi phục vụ cho một chế độ kinh tế - xã hội nhất định thì ngoài những yếu tố chung, phổ biến của kinh tế thị trường, vẫn có những yếu tố đặc thù phù hợp với chế độ kinh tế - xã hội ấy. Nếu những điều nói trên là chấp nhận được thì chúng ta có thể nói "Ðịnh hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam". Ðề tài này rộng, chỉ xin bàn hai vấn đề sau đây: 1. Ðịnh hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển lực lượng sản xuất Ðể tạo lập cơ sở hạ tầng của chủ nghĩa xã hội, ngay trong thời kỳ quá độ, chúng ta phải coi phát triển lực lượng sản xuất là nhiệm vụ hàng đầu. Vấn đề cơ bản là phải tạo lập nền tảng vững chắc, độc lập tự chủ của nền kinh tế. Ðiều này xuất phát từ yêu cầu của chính ngay sự phát triển lực lượng sản xuất, kế đó là yêu cầu của chế độ chính trị. Muốn vậy phải thực hiện đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Học thuyết Mác - Lê-nin đề ra nhiệm vụ: để quá độ lên chủ nghĩa xã hội phải xây dựng nền đại công nghiệp cơ khí có khả năng cải tạo cả nông nghiệp. Ðảng ta qua các Ðại hội, đặc biệt từ Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII (năm 1994) đã nêu bật nhiệm vụ này. Sau đó, từng thời gian được bổ sung, phát triển thêm. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) viết: "coi trọng các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp chế tạo có tính nền tảng và các ngành công nghiệp có lợi thế". Báo cáo chính trị về nhiệm vụ kinh tế - xã hội thời kỳ 2011 - 2015 cũng đặt yêu cầu "ưu tiên phát triển và hoàn thành những công trình then chốt về cơ khí chế tạo, sản xuất máy móc thiết bị thay thế nhập khẩu". Trên lý thuyết và trong các văn kiện chính thức, tính định hướng xã hội chủ nghĩa về vấn đề này là khá rõ ràng và đúng đắn. Nhưng có một số người lại nghĩ khác. Họ nói rằng trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng, trong thời đại toàn cầu hóa, làm những việc trên có cần thiết không, có dựa trên lợi thế so sánh không? Trong thời đại này, họ nói có tiền là mua được tất cả. Chúng ta thừa nhận trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa kinh tế, việc mua bán, trao đổi thương mại đã trở nên thông thoáng hơn, dễ dàng hơn. Nhưng không phải bất cứ sản phẩm nào, công nghệ nào cũng có thể mua bán dễ dàng. Ðiều đó cũng dễ hiểu. Một là, áp lực cạnh tranh. Người ta không thể trao cho đối thủ vũ khí để cạnh tranh lại mình, lấy đi nguồn siêu lợi nhuận mà mình đang có. Hai là, các cường quốc thường sử dụng việc mua bán sản phẩm, công nghệ, tín dụng, cả quan hệ ngoại giao... như một thứ vũ khí để khuất phục đối thủ. Họ hạn chế danh mục sản phẩm, công nghệ xuất khẩu (đặc biệt liên quan đến quốc phòng), cao nhất là cấm vận hoàn toàn. Tất nhiên không phải vì thế mà chúng ta chủ trương đóng cửa, tự mình làm lấy tất cả, điều đó vừa không kinh tế, vừa khả năng không cho phép. Nhưng đối với một số ngành then chốt tạo nền tảng kinh tế, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước, tạo điều kiện phát triển các ngành kinh tế khác, chúng ta phải phấn đấu làm bằng được. Nhìn ra thế giới, Hàn Quốc cho ta một bài học quý về mặt này. Tuy có những cường quốc kinh tế là đồng minh gần gũi như Mỹ và Nhật Bản, nhưng từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước, tổng thống nước này là Păc Chung Hy đã quyết tâm dồn sức xây dựng công nghiệp nặng với các ngành then chốt, làm cơ sở vững chắc để Hàn Quốc trở thành con rồng châu Á sau này. Có thể khẳng định các nghị quyết và các văn kiện chính thức của Ðảng ta trên vấn đề này nhất quán, đúng định hướng. Vậy vướng mắc, trở ngại nằm ở đâu? Chính ở khâu tổ chức thực hiện. Không riêng gì vấn đề này mà nhiều vấn đề khác cũng vậy. Lúc soạn thảo nghị quyết thì chúng ta cân nhắc từng câu chữ, thảo luận kỹ càng, thông qua các cấp, mở hội nghị quán triệt, v.v. Nhưng khi thực hiện nghị quyết thì không đọc lại văn bản thấu đáo, có xem thì cũng qua loa, đại khái, thậm chí lãng quên. Khi kiểm điểm việc thực hiện thì không đối chiếu thực tế với văn bản, xem đã làm đến đâu, còn gì bất cập, có kế hoạch chấn chỉnh kịp thời, quyết liệt. Vì vậy, giữa nói và làm, giữa Nghị quyết và thực tiễn không gặp nhau, có độ vênh. Ðấy chính là căn bệnh lâu ngày của chúng ta. Ngành cơ khí non trẻ của chúng ta mai một dần. Phá đi thì nhiều mà xây dựng mới thì ít. Một hình ảnh mang tính biểu tượng là ở địa điểm Nhà máy cơ khí Trần Hưng Ðạo trước kia nay là Khu thương mại Vincom. Cũng ở Hà Nội, nhà máy cơ khí trung quy mô do Liên Xô giúp xây dựng trước đây nay chỉ còn lại là những cửa hàng phân phối sản phẩm đủ các loại. Tất nhiên các nhà máy, xí nghiệp phải di chuyển ra khỏi vùng nội đô. Nhưng dời đi nơi khác là để có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn, cả cơ khí nhẹ, cơ khí nặng, cơ chí chính xác, cơ khí lưỡng dụng dân sự và quân sự, v.v. Chúng ta có làm như thế không? Chủ trương xây dựng ngành cơ khí ô-tô kéo dài hàng chục năm, mặc dù có chính sách ưu đãi nhà đầu tư nước ngoài lớn, nhưng do định hướng chiến lược không đúng nên kết quả là tỷ lệ nội địa hóa thấp. Rút cục, chúng ta vẫn chỉ là những người gia công, lắp ráp đơn thuần. Chúng ta đặt hy vọng nhiều vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ cung cấp cho chúng ta các sản phẩm công nghệ cao. Nhưng mấy con số sau đây không đem lại cho chúng ta niềm lạc quan như mong đợi. Chỉ có 5 - 6% là công nghệ cao, 80% là công nghệ trung bình, 14% là công nghệ lạc hậu (Nguồn: Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết 25 năm đầu tư nước ngoài tại Hà Nội ngày 27-3-2013). Dĩ nhiên, trình độ của chúng ta hiện nay còn phải sử dụng công nghệ trung bình nhiều, nhưng tỷ lệ công nghệ cao như trên là quá thấp, quá chậm. Chiến lược kinh tế - xã hội 2011 - 2020 quy định phải đạt 45% sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao. Ðộ cách còn rất lớn. Chúng ta nhập khẩu thiết bị toàn bộ, máy móc, công nghệ trong nhiều trường hợp và vì nhiều nguyên nhân cũng không phải là thứ tốt, mà chủ yếu là trung bình và lạc hậu. Ðó là một số nhà máy điện, nhà máy sản xuất xi-măng lò đứng, các tàu đi biển, các ụ nổi cho tàu, v.v. quá cũ kỹ và giá đắt. Thiếu tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật chính xác làm căn cứ đánh giá, coi nhẹ việc tổ chức đấu thầu cạnh tranh chất lượng và giá cả, thiếu kiểm tra theo dõi chặt chẽ việc thực hiện là những nguyên nhân chính gây ra hậu quả. Nói đến việc xây dựng một số ngành công nghiệp nặng then chốt, người ta thường nói không làm được vì thiếu vốn đầu tư. Vấn đề mấu chốt là phải nhận thức sâu sắc ý nghĩa sống còn của nó đối với công nghiệp hóa, hiện đại hóa và định hướng xã hội chủ nghĩa, từ đó mới tìm được lối ra và cách khắc phục. Tại sao chúng ta có vốn đầu tư làm nhà hàng, khách sạn, khu thương mại, văn phòng cho thuê, sân gôn, sân bay, bến cảng, v.v. nhiều đến thế, trong đó không ít trường hợp quy hoạch thiếu chính xác, gây lãng phí (1). Vẫn biết trong đó có nguồn vốn của tư nhân, nhưng Nhà nước phải định hướng đầu tư và có chính sách phù hợp thì sẽ chuyển hướng dòng vốn vào chỗ cần thiết nhất. Cũng phải nói đến một số chủ trương kinh tế thiếu tầm nhìn, gây hậu quả xấu. Chẳng hạn có thời gian chủ trương chạy theo tăng trưởng kinh tế với bất cứ giá nào, nhưng chủ yếu biện pháp tăng trưởng là tăng vốn đầu tư, có khi chiếm đến 40 - 50% GDP. Kết quả là từ năm 2006 trở đi, chỉ số lạm phát năm này qua năm khác bao giờ cũng cao hơn chỉ số tăng trưởng kinh tế, hiện số ICOR thì nhích dần lên. Còn những năm trước đó thì ngược lại, kinh tế nhiều năm tăng trưởng lên đến 7% - 8%, nhưng lạm phát thấp. Chủ trương xây dựng tập đoàn kinh tế, Tổng công ty kinh doanh đa ngành nghề vừa phân tán vốn, vừa mất vốn, nợ đọng vốn. Cơn địa chấn bất động sản đã chôn vùi một đống khổng lồ tài sản lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng. Và còn những trường hợp khác nữa. Kết quả là dòng vốn không chảy vào mục tiêu ưu tiên. Mục tiêu chiến lược đến năm 2020 là cơ bản hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa liệu có thực thi không? Liệu có được 60 - 70% số lao động thủ công chuyển sang lao động bằng máy móc không, nếu chúng ta chậm thay đổi tình hình này? Liên hệ với Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) có thể coi đây là một biểu hiện của suy thoái tư tưởng - chính trị không? Nghĩa là có sự xa rời nền tảng lý luận, học thuyết Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh và Nghị quyết của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Nói đến sáng tạo, dám nghĩ dám làm là nói đến suy nghĩ và hành động trong khuôn khổ đúng đắn này. Ði chệch có hệ thống ngoài định hướng trên phải chăng là sự biểu hiện của suy thoái? 2. Ðịnh hướng xã hội chủ nghĩa về quan hệ sản xuất Khác với lực lượng sản xuất, tính định hướng xã hội chủ nghĩa quan hệ sản xuất rõ ràng hơn nhiều. Vì nó là cơ sở hạ tầng của thượng tầng kiến trúc, trong đó có chế độ chính trị xã hội. Nó là chỉ báo của các thời đại kinh tế (C.Mác). Vì vậy, chăm lo xây dựng quan hệ sản xuất có ý nghĩa cơ bản và trực tiếp để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa nền kinh tế thị trường và góp phần quan trọng củng cố thượng tầng kiến trúc. Trước Ðổi mới (1986), chúng ta cũng kiên trì định hướng này nhưng vận hành trong nền kinh tế phi thị trường. Vì vậy nó kìm hãm phát triển lực lượng sản xuất và bản thân quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa cũng có nguy cơ khủng hoảng. Từ Ðại hội VI chúng ta chuyển sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nói một cách ngắn gọn, đó là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cương lĩnh và các Nghị quyết Ðại hội chỉ rõ, đó là nền kinh tế có quan hệ sản xuất với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Trong đó, "Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân". "Ðẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức đa dạng mà nòng cốt là hợp tác xã" (2). Những định hướng lớn này cũng đã được đề cập ở các kỳ Ðại hội Ðảng trước đó và trong các văn kiện chính thức khác. Ðối với từng loại hình kinh tế cũng có những văn bản riêng quy định rõ. Từ sau đổi mới, các hình thức sở hữu và các thành phần kinh tế ở nước ta đã có sự phát triển đáng kể. Sự phân biệt và kỳ thị các thành phần kinh tế ngoài kinh tế nhà nước tuy vẫn còn đâu đó nhưng đã giảm khá nhiều. Ðảng và Nhà nước cổ vũ mọi người, mọi thành phần kinh tế làm giàu chính đáng. Và coi kinh tế tư nhân là một bộ phận của nền kinh tế quốc dân, là một trong những động lực của nền kinh tế. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh không chỉ trong nước, mà còn vươn lên tầm khu vực và thế giới. Kinh tế tư nhân hiện nay có mặt trong nhiều khu vực sản xuất, kinh doanh mà trước đây bị cấm đoán, nhưng trong một số ngành công nghiệp nặng, ngân hàng, vận tải đường biển, hàng không, thương mại và tín dụng quốc tế, đầu tư ra nước ngoài, v.v. Các hình thức kinh tế hỗn hợp giữa kinh tế nhà nước và tư nhân ngày càng mở rộng. Tuy vậy, vẫn còn những điều bất cập, nổi lên là việc tạo lập một sân chơi bình đẳng giữa các thành phần về mặt thể chế cũng như trong hoạt động thực tiễn sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, cũng cần tăng cường giáo dục, hướng dẫn, quản lý để kinh tế tư nhân làm ăn đúng pháp luật, bảo đảm hài hòa lợi ích công - tư, lợi ích của chủ đầu tư và người lao động. Trong định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta đặc biệt quan tâm củng cố, kiện toàn và phát triển các thành phần kinh tế là xương sống, rường cột của chế độ. Ðiều này không nên coi là sự phân biệt, kỳ thị. Trong lịch sử nhân loại, dù ở bất cứ chế độ chính trị, kinh tế - xã hội nào đều có hình thức sở hữu tư liệu sản xuất và theo đó là thành phần kinh tế chủ đạo, từ chế độ chiếm hữu nô lệ đến chế độ tư bản chủ nghĩa. Quan điểm phủ nhận vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong chế độ ta là hoàn toàn sai lầm, phi lịch sử và trái với thông lệ. Lý luận về hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác rất xa lạ với quan điểm này. Ðặc biệt, khi thành phần kinh tế nhà nước gặp khó khăn, mắc sai lầm thì một số người cơ hội hoặc thù ghét với chế độ ta lại lớn tiếng phê phán, đòi xóa bỏ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Nhưng chúng ta chăm lo phát triển thành phần kinh tế này không phải bằng bao cấp như trước đây, bằng ưu đãi tín dụng và các phương tiện sản xuất khác mà không tính toán hiệu quả kinh tế, không giao cho họ những dự án quá sức, không để doanh nghiệp nhà nước thua lỗ kéo dài, để xảy ra tình trạng "chết mà không được chôn", v.v. Ngược lại, phải để họ lớn lên trong cạnh tranh và bằng cạnh tranh bình đẳng. Kinh tế nhà nước phải là lực lượng vật chất góp phần quan trọng điều tiết và định hướng kinh tế thị trường, có tác dụng nêu gương cho các thành phần kinh tế khác. Phải nói rằng những yêu cầu nói trên hiện nay còn xa mới đáp ứng được, còn là mục tiêu phấn đấu quyết liệt và lâu dài. Một mặt, phải xây dựng thể chế đúng đắn, không ngừng đổi mới, bổ sung và hoàn thiện sát hợp với tình hình. Như hiện nay chúng ta đang làm là đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc các lĩnh vực như đầu tư công, ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước. Mặt khác, tăng cường công tác quản lý có hiệu quả từ bộ máy, cán bộ đến phương thức sản xuất, kinh doanh, kiểm tra, giám sát kịp thời, chặt chẽ... Vừa qua chúng ta đã phạm phải không ít sai lầm, khuyết điểm, làm tổn thương vai trò, uy tín, danh hiệu kinh tế nhà nước. Chẳng hạn, chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là hết sức đúng đắn. Nhưng do chỉ đạo thiếu chặt chẽ nên một số nơi càng cổ phần hóa công nhân càng trắng tay, mất quyền làm chủ, cổ phần cổ phiếu bị thu gom vào tay một số người có quyền lực. Tái cơ cấu ngân hàng chậm, chưa hiệu quả, phải đề phòng có nơi biến thành phương tiện thâu tóm ngân hàng vào tay các đại gia lũng đoạn. Các công ty, doanh nghiệp "sân sau" của họ đắc lợi được hưởng nguồn tín dụng giá rẻ do các ngân hàng mà họ chi phối đều đặn cung cấp. Việc thành lập các tập đoàn kinh tế nhà nước và công tác quản lý chúng cũng có không ít bê bối. Trong vòng năm, sáu năm trước kể từ năm 2006, đã cho ra đời gần chục tập đoàn kinh tế, trong đó có không ít tập đoàn ra đời bằng biện pháp hành chính sáp nhập, lắp ghép. Có nghĩa là không phải bằng con đường doanh nghiệp tự lớn lên đến mức tính tất yếu kinh tế, kỹ thuật chín muồi đòi hỏi tự thân phải thành lập tập đoàn. Hậu quả là chúng bị chết yểu hoặc hiệu quả kinh tế kém. Chủ trương cho tập đoàn kinh tế, tổng công ty kinh doanh đa ngành nghề lại giáng thêm một đòn nghiêm trọng vào các tổ chức này. Quả thật, ở các nước tư bản chủ nghĩa, các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia, các conglomerat, từ lâu kinh doanh đa ngành nghề do yêu cầu kinh tế, kỹ thuật đòi hỏi. Chẳng hạn, tập đoàn ITT của Mỹ làm điện thoại, viễn thông là chính, sau mở rộng sang kinh doanh khách sạn, ngân hàng, sản xuất đồ gỗ, v.v. Nhưng tập đoàn mạnh lên, không hề yếu đi. Bởi họ có công ty mẹ, có ngành chủ lực mạnh làm chỗ dựa, có nguồn lực tài chính dồi dào, có đội ngũ lãnh đạo, chuyên gia hùng hậu, có công tác quản lý ngang tầm với nhiệm vụ. Còn ở ta, các điều kiện chưa đạt trình độ đó. Vì vậy, hậu quả xấu cũng là đương nhiên. Những điển hình như Vinashin, Vinaline, Tập đoàn Sông Ðà, Ðiện lực... là những thực tế mọi người đều biết. Ðiều đáng nói là ở nước ta có một hệ thống các cấp quản lý, cao nhất là Chính phủ. Riêng đối với các tập đoàn kinh tế thì Chính phủ quản lý trực tiếp. Nhưng công tác quản lý đã bị buông lỏng, để sự vụ kéo dài, đến khi đổ vỡ không phương cứu chữa mới tìm cách xử lý thì đã quá muộn! Trong khi ở In-đô-nê-xi-a, tất cả các doanh nghiệp nhà nước giao cho một bộ quản lý có trách nhiệm rõ ràng, đó là Bộ Doanh nghiệp nhà nước. Hậu quả là gây tổn thất nặng nề, không chỉ thất thoát một khối lượng của cải to lớn, mà mất cả những cái không cân đong đo đếm được. Ðó là thanh danh, uy tín doanh nghiệp nhà nước. Những lực lượng xấu trong và ngoài nước nhân cơ hội này công khai bôi đen kinh tế nhà nước, đòi tư nhân hóa, kiến nghị vai trò chủ đạo của kinh tế tư nhân và "quả đấm thép" là kinh tế dân doanh. Ðối với kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã, con đường đi cũng gập ghềnh. Thực tế là kinh tế tập thể không ngừng bị suy giảm qua từng năm về tỷ trọng trong nền kinh tế. Hơn chục năm nay, tỷ trọng kinh tế tập thể dao động trong khoảng từ trên 3% đến 5% GDP. Công tác lãnh đạo và quản lý chưa đặt đúng tầm, có phần buông lỏng. Có khi hợp tác xã bị xếp vào loại hình kinh tế ngoài nhà nước như các thành phần khác. Trong khi đó ở các nước tư bản, điển hình là I-xra-en, hợp tác xã phát triển rất mạnh, có tác dụng to lớn với đời sống nhân dân. Trong một số nước ASEAN, phong trào hợp tác xã cũng đáng để chúng ta học tập. Ở Thái-lan, có Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã. Thực tế đang đòi hỏi chúng ta phải có một chiến lược dài hạn phát triển hợp tác xã với bước đi và chính sách cụ thể, phù hợp mới mong thay đổi được tình hình. Qua những điều trình bày trên đây chúng ta thấy giữa lời nói và việc làm, giữa nghị quyết và cuộc sống có khoảng cách quá lớn. Chúng ta phải có quyết tâm cao để khắc phục, để cho lời nói và nghị quyết không còn là những từ ngữ sáo rỗng mà là hiện thực sống động trong cuộc sống của nhân dân ta. -------------------- (1) Ngay khi đang viết bài này thì có đề án xây dựng cảng hàng không ở Phan Thiết trị giá hơn 5.600 tỷ đồng, trong khi cách đó không xa, phía bắc có cảng hàng không Cam Ranh (Khánh Hòa), ở phía nam dự kiến xây dựng sân bay quốc tế Long Thành (Ðồng Nai). (2) Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, tr.73 - 74, 208, Nxb CTQG, H.2011. GS LÊ XUÂN TÙNG ============= nhandan.org.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/20504702-.html
Posted on: Sat, 15 Jun 2013 11:58:52 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015