NHÂN VỊ VÀ NHÂN CÁCH Qua khái niệm “nhân quyền”, - TopicsExpress



          

NHÂN VỊ VÀ NHÂN CÁCH Qua khái niệm “nhân quyền”, các văn bản pháp lý quốc tế không những khẳng định rằng con người có một phẩm giá cao quý (khác với thú vật), nhưng còn đòi hỏi cho mỗi người cần được đối xử ngang hàng với nhau. Điều này giả thiết rằng mỗi người là một chủ thể biệt lập của quyền lợi và nghĩa vụ, chứ không phải chỉ là một con số trong đoàn lũ. Triết học cổ truyền diễn tả điều này qua thuật ngữ persona (thường được dịch là ngôi vị, nhân vị); từ ngữ đã thay đổi ý nghĩa trải qua thời đại và cũng được sử dụng trong thần học và pháp luật. Tâm lý học thực nghiệm sử dụng một thuật ngữ cùng một gốc nhưng với ý nghĩa hơi khác personality (dịch là nhân cách, tư cách, bản lĩnh). Chúng ta hãy tìm hiểu nội dung và những hệ luận của chúng. I. Nhân vị (persona) Trong tiếng Việt không có danh từ nào tương đương với persona trong tiếng Latinh (hoặc personne tiếng Pháp, person tiếng Anh). Nó được dịch là ngôi trong sách Giáo lý (mầu nhiệm một Chúa “Ba ngôi”)[1], và trong sách văn phạm khi nói đến các “nhân xưng đại danh từ” (pronom personnel): ngôi thứ nhất, ngôi thứ hai, ngôi thứ ba; còn trong ngôn ngữ thường ngày, nó được dịch là: nhân vật, nhân vị, nhân cách, tư cách, bản thân, bản vị, vv.. Thực ra danh từ persona mang nhiều ý nghĩa trong lịch sử triết học và thần học Âu Tây. Trong tác phẩm tựa đề Personality xuất bản tại New York năm 1937, ông Gordon W. Allport nhận xét rằng không có một định nghĩa chính xác về personality bởi vì ông đếm được 50 định nghĩa khác biệt nhau. Theo nguyên gốc Latinh, persona ám chỉ mặt nạ diễn tuồng. Diễn viên đồng hóa với nhân vật trong vở kịch; vì thế persona có nghĩa là căn cước của một nhân vật, vai trò mà ta đóng không những trên sân khấu và trên trường đời nữa. (Trong tiếng Hán Việt, vai trò có nghĩa là “vai” nghĩa là việc làm, được giao đảm nhiệm trong một “tuồng trò”). Các nhà triết học và pháp luật đã tìm cách xác định ý nghĩa của từ này, bởi vì nó được áp dụng vào nhiều lãnh vực: thần học, pháp luật, nhân học. A. Triết học Hy-Lạp và La-tinh Các nhà triết học Hy-Lạp và Rôma phân tích những yếu tố gói ghém trong hạn từ persona. Nói cách khác, họ chú trọng đến bản tính siêu hình của persona. 1/ Theo ông Aristote, ý niệm persona[2] bao gồm hai yếu tố: a/ bản thể (substantia) chứ không phải là “tùy thể” (accidens); b/ dành riêng cho loài người (chứ không áp dụng cho đất đá hay động vật). Nơi con người, yếu tố cấu tạo persona là linh hồn (anima) được hiểu như là subsistentia (cái tự lập, đứng riêng được). Nhờ có linh hồn, con người hiện hữu như một cá nhân, làm chủ thể các hành động. Mặt khác, chính qua các hành động mà căn cước của con người được biểu lộ. 2/ Ông Boetius, một triết gia Kitô giáo (k.470-525), đã để lại một định nghĩa cổ điển về persona như là: “bản thể cá nhân thuộc lý tính” (rationalis naturae individua substantia[3]). Câu định nghĩa này muốn nêu bật hai đặc điểm: - a) persona chỉ áp dụng cho con người (lý tính, nghĩa là loài có lý trí: rationalis natura) chứ không áp dụng cho loài động vật mặc dù chúng cũng là “substantia”[4]; - b) persona là yếu tố phân biệt cá nhân này với cá nhân kia (individua), tạo nên căn cước của mỗi người. Ngoài ra ta cũng có thể thêm hai đặc điểm nữa như là hệ luận: - c) Xét vì persona chỉ áp dụng cho loài người, cho nên nó hàm ngụ một chủ thể có ý thức và tự do. - d) Tuy mỗi người ý thức mình khác biệt với người khác, nhưng điều này không có nghĩa là nó hoàn toàn cách biệt với tha nhân. Vì cùng chung một bản tính nhân linh cho nên con người có khả năng đối thoại thông đạt với người khác nữa. Từ đó nảy sinh những mối tương quan liên vị. 3/ Ý niệm persona không chỉ lưu hành trong triết học, nhưng mang tính cách thực dụng trong pháp luật: persona là chủ thể quyền lợi và nghĩa vụ. Nên biết là trong cổ luật Rôma, persona ám chỉ con người tự do, khác với súc vật và nô lệ. Dần dần người ta nhìn nhận tính cách persona không những cho các cá nhân (gọi là “thể nhân”: persona physica) mà còn cho các đoàn thể hiệp hội nữa (gọi là “pháp nhân”: persona moralis, persona iuridica). 4/ Các nhà thần học Kitô giáo đã sử dụng định nghĩa persona của ông Boetius không những trong các khảo luận nhân học, nhưng nhất là để giải thích hai chân lý căn bản của đức tin Kitô giáo, đó là: mầu nhiệm Thiên Chúa (chỉ có một Thiên Chúa nhưng có ba persona) và mầu nhiệm đức Kitô (với thiên tính và nhân tính kết hợp trong một persona). Vì thế khái niệm persona được hoàn chỉnh thêm, nhờ Richard de St Victor (+1173) và thánh Tôma Aquinô. - Richard de St Victor nhận thấy rằng ở nơi Thiên Chúa hai ý niệm “substantia” và “persona” không trùng hợp với nhau (bởi vì chỉ có một substantia nhưng với ba persona), cho nên ông đã sửa lại định nghĩa của persona thành rationalis naturae individua existentia (như vậy, yếu tố substantia được thay thế bằng yếu tố existentia; ex-sistere, nghĩa là đứng vững được một mình mà không dựa vào ai khác). Áp dụng vào Thiên Chúa thì persona (divina) được hiểu như là: “divinae naturae incommunicabilis existentia” (De Trinitate lib. IV,22). Persona ám chỉ yếu tố đặc hữu tạo nên căn cước của mình, khác biệt với kẻ khác, và không thể chuyển nhượng cho kẻ khác. - Thánh Tôma Aquinô đưa ra một công thức khác, đó là thay thế hạn từ substantia bằng hạn từ subsistentia, và giải thích sự khác biệt như thế này: substantia (bản thể) là cái gì tự lập và chống đỡ (sub-stare) các phụ thể (accidens), do đó nó mang tính cách phổ quát (universalis); còn subsistentia thì áp dụng cho một cá thể (bản thể cụ thể) làm chủ thể hoạt động. Vì vậy yếu tố cấu thành persona là một “subsistens distinctum”[5]; bởi vậy persona được định nghĩa như là: “subsistens in rationali natura”[6]. Thiên Chúa là Đấng tự hữu (Esse subsistens), con người vì là persona cho nên cũng được thông dự vào sự hiện hữu của Thiên Chúa: con người hiện hữu vì Thiên Chúa, chứ không vì một hữu thể nào khác. Persona tạo nên phẩm giá cao quý nhất của con người: con người là mục tiêu, chứ không thể bị sử dụng để đạt một mục tiêu khác. Ngoài ra, cũng nên ghi nhận rằng khi bàn về mầu nhiệm Thiên Chúa, các nhà thần học đã nêu bật rằng sự phân biệt giữa ba ngôi nằm ở trên bình diện tương quan (relationes). Nói khác đi, ý niệm persona bao hàm không những sự hiện hữu tự lập mà còn kèm theo mối tương quan với các persona khác. Con người không phải là một hữu thể đơn độc, nhưng sống trong tương quan với tha nhân. B. Triết học cận đại Triết học kinh viện xét persona ở cấp độ siêu hình như là “subsistentia distinctum”: một chủ thể hiện hữu tự lập. Với công thức “Cogito ergo sum”, Descartes đã đánh dấu một khúc quặt trong định nghĩa về persona[7]. Điều cấu tạo nên chủ thể là ý thức tâm ly, và như vậy đặt nặng khía cạnh ý thức và tự do. Thậm chí John Locke khẳng định rằng “nếu không có ý thức thì chẳng có persona”. Khái niệm này đề cao hoạt động trí tuệ của con người, nhưng có thể mang theo nguy cơ là những người tàn tật, những thai nhi sẽ không được tôn trọng như persona, với hệ luận là có thể bị xã hội khai trừ. Thực tế cho thấy rằng nguy cơ ấy đã xảy ra. Dù sao, vào thời cận đại, khái niệm persona bị rơi vào quên lãng bởi vì khoa học thực nghiệm không muốn đả động đến các thực tại siêu hình. Không lạ gì mà David Hume cho rằng đời người chỉ là một chuỗi những diễn biến kế tiếp nhau chứ không có một chủ thể nào nhất định. Điều trớ trêu là cũng vào thời cận đại, nổi lên các phong trào tranh đấu cho tự do cá nhân để chống lại các chế độ chuyên chính. Trong bối cảnh này người ta nhận thấy cần phải tìm một cơ sở để tranh đấu cho nhân quyền. Vào đầu thế kỷ XX, nảy lên một luồng triết học mang tên là personnalisme (tựa đề cuốn sách do ông Charles Renouvier xuất bản tại Paris năm 1903) thường được dịch là “thuyết nhân vị” với nhiều suy tư về nhân vị. Trào lưu này gồm nhiều triết gia Do thái (Franz Rozenzweig, Ferdinand Ebner, Martin Buber, Emmanuel Levinas, Abraham Heschel) và Kitô giáo (Romano Guardini, Gabriel Marcel, Emmanuel Mounier, Maurice Nédoncelle và Jacques Maritain). So sánh với đường hướng cổ điển, ta thấy rằng một đàng họ nhấn mạnh đến persona như chủ thể của các quyền lợi con người, nhưng đồng thời họ cũng nhấn mạnh đến sự tương quan, thông hiệp, trao đổi giữa các persona. Con người ý thức mình là persona khi đối thoại với các persona khác. Giả như tôi sống một mình trên hoang đảo giữa loài cỏ cây và thú rừng thì chẳng cần khẳng định persona làm chi. Vấn đề được đặt lên khi chung đụng với những người khác. Mặt khác, chính nhờ tiếp xúc với các persona khác, nghĩa là qua các mối tương quan liên bản vị (relations inter-personnelles) mà persona của tôi (nghĩa là: nhân cách, bản lĩnh) được phong phú hơn. Theo Martin Buber (1878-1965), cha đẻ của thuyết đối thoại (Ich und Du, 1923), ý thức về persona nảy sinh từ mối tương quan liên bản vị giữa “tôi” với “bạn”: nhờ “bạn” mà tôi khám phá ra “tôi”, cái bản ngã của “tôi” thì khác với bản ngã của “bạn”. Emmanuel Lévinas (1906-1995) tố cáo một khuyết điểm của triết học cận đại (khởi sự từ Descartes) là quá đề cao “ý thức cá nhân”: mỗi người tìm cách khẳng định tự do của mình. Vì thế người ta tìm mọi phương thế để chiếm đoạt quyền lực, sinh ra những tranh chấp với tha nhân. Đây là một sự sai lầm, bởi vì nó sẽ đưa chỗ coi những người khác như những đối thủ cần phải loại trừ. Ngược lại, quan điểm đúng đắn về persona giả thiết một mối tương quan lành mạnh đối với tha nhân. Tôi có ý thức chân thật về chính mình khi tôi khám phá ra chính mình đồng thời với việc khám phá ra người khác, nghĩa là khi tôi biết mở mắt nhìn nhận sự hiện hữu của người khác, đặc biệt là những người thường bị lãng quên. Tôi phải cư xử với những người khác như con người, chứ không như đồ vật. Như vậy, persona không phải là một khái niệm siêu hình và trừu tượng, nhưng có tính cách năng động: nó đòi hỏi một cuộc thay đổi não trạng ngõ hầu có thể nhìn nhận sự hiện hữu của tha nhân. C. Tổng hợp Trải qua lịch sử, tuy có nhiều định nghĩa persona nhưng ta có thể gom vào hai đường hướng chính: siêu hình và hiện sinh. 1/ Quan điểm siêu hình. Nền tảng của nó là các “cá vị” của xã hội loài người, chủ thể của quyền lợi và nghĩa vụ. Lịch sử nhân loại đã chứng kiến một cuộc tranh đấu cam go ngõ hầu hết mọi người được nhìn nhận như là “persona”, được đối xử bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, không phân biệt phái tính (nam nữ), chủng tộc (trắng đen), kinh tế (chủ nhân và nô lệ, giàu nghèo v.v…) 2/ Quan điểm hiện sinh. Nhằm tranh đấu cho sự bình quyền, người ta nhấn mạnh sự khác biệt giữa cá nhân: mỗi cá nhân là một persona. Điều này cũng cần thiết để chống lại các chủ nghĩa toàn chế coi con người như là một đơn vị trong tổng thể. Tuy nhiên, việc đề cao cá nhân đưa đến nguy cơ tách rời cá nhân ra khỏi xã hội. Vì thế, thuyết nhân vị nêu bật yếu tố “tương giao” nằm trong khái niệm persona: nó là yếu tố tạo nên thông hiệp, hướng đến các persona khác. Tuy persona ý thức về bản ngã của mình, nhưng nó không thể nào khép mình trong ốc đảo của bản ngã. Thiết tưởng cần phải kết hợp cả hai quan điểm để có một cái nhìn toàn diện về persona: một đàng cần phải khẳng định tự do và trách nhiệm của cá nhân, đàng khác phải duy trì mối tương quan với cộng đoàn xã hội. Nếu chỉ nhấn mạnh đến tự do thì sẽ dẫn đến cá nhân chủ nghĩa; đối lại, việc đề cao xã hội sẽ có nguy cơ đè bẹp tự do cá nhân. Nên lưu ý là điều này không chỉ áp dụng trong lãnh vực tương quan giữa cá nhân với cộng đồng mà thôi, nhưng ngay cả trong tương quan giữa cá nhân với nhau, thậm chí ngay trong tình yêu vợ chồng: có bao nhiêu vợ chồng thực tình “yêu nhau” (chứ không phải là yêu sắc đẹp, tiền tài, địa vị) của họ? Đó cũng là tiêu chuẩn phân biệt giữa tình yêu vị tha và tình yêu vị kỷ: yêu người khác vì quý mến họ chứ không phải vì thấy họ có lợi cho mình; yêu ai là đối xử họ như là “nhân vị” chứ không phải là đồ vật hưởng thụ. II. Nhân cách (personality) Triết học cổ truyền bàn về persona dưới khía cạnh siêu hình và pháp lý như là chủ thể của quyền lợi và nghĩa vụ, và thường được dịch là “nhân vị”. Các khoa học nhân văn thực nghiệm (tâm lý học và xã hội học) bàn về persona một cách năng động, và đôi khi dùng thuật ngữ personality, personhood, thường được dịch là “tư cách, nhân cách, bản lĩnh”, và được giải thích theo nhiều chiều hướng khác nhau tuỳ theo môi trường văn hóa xã hội. Nên biết là theo nguyên ngữ Latinh persona là một danh từ cụ thể, còn personalitas là một danh từ trừu tượng (tính chất làm nên nhân vị); nhưng ngày nay việc sử dụng hai từ ngữ đó bị tráo ngược. Cái gì làm nên nhân cách? Câu hỏi này hàm chứa nhiều nội dung và cũng có nhiều lối trả lời. Chúng tôi xin tóm lại vào ba lối nhìn: nhân vật, cá tính, bản lĩnh. A. Nhân cách và nhân vật Bên Đông phương cổ đại, câu hỏi về nhân cách có thể hiểu thế này: thế nào là con người lý tưởng, đâu là mẫu mực nên người? Luân lý Khổng Mạnh đã trình bày lý tưởng đó nơi chân dung của các bậc quân tử, hiền nhân, đại nhân. Nói chung, người ta kính trọng các “vĩ nhân” nổi bật cả tài lẫn đức. Tuy nhiên, bên cạnh đó, không thiếu lần dư luận cũng dựa theo các tiêu chuẩn khác để đề cao các “nhân vật” hoặc “anh hùng”, tựa như: sức mạnh, quyền thế, danh giá, địa vị, hoặc cái gì có sức thu hút (danh ca, cầu thủ, tài tử, v.v…). Cũng nên biết là danh từ “nhân vật” thường được dùng để dịch personnage. Dù sao, phải nhận rằng “người tài đức” hay “nhân vật” chỉ xuất hiện nơi một vài người, chứ không gặp thấy thường xuyên nơi hết mọi người. B. Nhân cách và cá tính Ngay từ thời xa xưa, người ta đã ý thức rằng tuy cùng thuộc về dòng dõi loài người, nhưng mỗi người mang một cá tính độc đáo (bá nhân bá tính). Cái gì làm nên tính tình của một người? Quan niệm bình dân đã thu tích nhiều nhận xét về tính tình dựa theo nét mặt, hình dung, cách đi đứng (được truyền lại nơi nghề tướng số, chỉ tay). Dưới phương diện khoa học, người ta đề ra những tiêu chuẩn khách quan hơn, dựa trên sự phân tích và quan sát của các cuộc thống kê. 1/ Một sự phân loại được lưu hành lâu đời bên phương Tây do ông Hippocrate danh y người Hy-Lạp (460-356 trước CN) đề ra. Ông dựa vào bốn chất nước để phân chia bốn loại khí chất: a) “máu” ở tim có đặc tính nóng; b) “nước nhờn” ở não bộ có thuộc tính lạnh lẽo; c) “nước mật vàng” ở trong gan thì khô ráo; d) “nước mật đen” trong dạ dày thì ẩm ướt. Tùy theo chất nước nào chiếm ưu thế mà cá nhân có loại khí chất tương ứng: - “hăng hái” (sanguin, máu) thích xã giao hoạt động, - “bình thản” (phlegmatique, nước nhờn) thiên về tình cảm, phản ứng chậm chạp, - “nóng nảy” (cholérique, mật vàng) nhanh trí, phản ứng mau lẹ, dễ bị ấn tượng, - “ưu tư “ (mélancolique, mật đen) bi quan yếm thế. 2/ Với sự phát triển của khoa học thực nghiệm, người ta sử dụng nhiều tiêu chuẩn khác để phân loại tính tình, dựa theo quan sát các đặc điểm hình thái, chức năng sinh lý, di truyền, bệnh lý, v.v… Chúng tôi chỉ sơ lược vài thí dụ: - Claude Sigaud (1862-1921) và Léo Mac-Auliffe lấy tiêu chuẩn nơi 4 bộ phận cơ thể tương ứng với 4 chức năng sinh lý cơ bản: a/ loại hình hô hấp (tim phổi chiếm ưu thế, lồng ngực nở): nhu cầu thể chất và tình cảm mãnh liệt; b/ loại hình cơ bắp (chân tay chiếm ưu thế): con người năng động, ý chí cao; c/ loại hình trí não với hoạt động tư duy và quan hệ xã hội chiếm ưu thế; d/ loại hình tiêu hóa (phần bụng và chậu chiếm ưu thế): nhu cầu ăn uống cao. - Dựa theo công trình của G. Heymans (1857-1930), ông René Le Senne đưa ra tiêu chuẩn khác, chuyển từ hình thái thân thể sang các nét tâm lý (Traité de caractériologie, 1945). Ông kết hợp 3 đặc điểm cảm xúc (émotivité), năng động (activité), phản ứng (retentissement), đưa đến 8 loại tính tình sau đây: nóng tính (colérique, exubérant), nhiệt tình (passionné), mẫn cảm (nerveux), đa tình (sentimental), nông nổi (sanguin, réaliste), lờ đờ (amorphe, nonchalant), ủ rũ (apathique), lãnh đạm (flegmatique). - Carl Gustav Jung nhận thấy hai xu hướng nơi con người là hướng nội (introversion) và hướng ngoại (extraversion). Mỗi xu hướng chi phối lối nhận thức và đánh giá thực tại cũng như lối sống. Thuyết của ông được bổ túc bởi Isabel Myer và Katherine Briggs với 4 tiêu chuẩn phân loại được đặt tên là MBTI (Myers Brings Type Indicator): a/ xu hướng tự nhiên (hướng nội / hướng ngoại); b/ cách thức tìm hiểu và nhận thức thế giới bên ngoài (trực giác / giác quan); c/ cách thức quyết định và lựa chọn (lý trí / tình cảm); d/ cách thức hành động (nguyên tắc / linh hoạt). Sự phối hợp 4 tiêu chuẩn này đưa đến 16 nhóm nhân cách. Những lối phân loại tính tình mang theo nhiều ứng dụng trong ngành sư phạm và tu đức cũng như trong đời sống hằng ngày. Trong tiếng Việt, đôi khi thuật ngữ “tâm lý” được hiểu theo nghĩa là “tính tình, cá tính”, chẳng hạn: tâm lý phụ nữ, tâm lý khách hàng, tâm lý bệnh nhân, v.v… C. Nhân cách và bản lĩnh Trong bối cảnh huấn luyện, “nhân cách” mang tính cách thực tiễn, cách riêng trong việc rèn luyện cho ta “nên người”: điều này không chỉ nhằm tạo nên một hình ảnh tốt đẹp trong xã hội, nhưng còn giúp cho ta đạt được cuộc sống ổn định. Trường phái tâm lý nhân cách (personality psychology, tiêu biểu nơi các ông Gordon W. Allport, Henry A. Murray, Wilhelm Stern) đặt việc đào tạo nhân cách như mục tiêu của giáo dục. Người có nhân cách là người thành đạt, người trưởng thành, người có bản lĩnh, tư cách. Quan niệm về “nhân cách” như vậy mang tính cách năng động, theo nghĩa là nó được thủ đắc sau một tiến trình rèn luyện lâu dài (“rèn nhân cách”) chứ không thành hình ngay từ lúc sinh ra. Nhân cách là tổng hợp của nhiều khía cạnh: trong đời sống nội tâm, trong cách giao tiếp với xã hội. Tục ngữ Việt Nam có câu “cha mẹ sinh con, Trời sinh tính”: chúng ta không ra đời với hai bàn tay trắng, nhưng đã mang trong mình một gia sản vật chất và tinh thần (tế bào, gen, khí chất, tính tình và kể cả bệnh lý) cùng với hoàn cảnh xã hội (gia đình, quê hương, khí hậu, môi trường địa lý, trường học, giải trí, v.v…). Tuy nhiên, có thể ví đó như là những thực phẩm đã mua ở chợ về, và đến lượt ta phải trổ tài nấu nướng để dọn ra những đặc sản của mình. Đây mới thực là nhân cách do ta nhào nặn lên, chứ không thụ động do hoàn cảnh đưa đẩy. Hiểu như vậy, ta chỉ hy vọng đạt được “nhân cách” (hay bản lĩnh) vào độ tuổi ba mươi (tam thập nhi lập). Trường phái tâm lý nhân cách[8] mô tả những nét chính của người có bản lĩnh như thế này: - Trong đời sống nội tại, đó là người có một lý tưởng tốt đẹp và kiên trì theo đuổi vì ý thức các động lực của nó, một người có óc phán đoán lành mạnh (chứ không xu thời), một người làm chủ cảm xúc và lời nói. - Trong cách giao tiếp với xã hội, đó là người thân thiện hoà đồng với tha nhân, không chỉ nghĩ đến ích lợi cá nhân. - Có người muốn liệt kê thêm cả chiều kích tín ngưỡng tôn giáo nữa. Có lẽ những người vô thần sẽ không chấp nhận điều này. Tuy nhiên, thiết tưởng ta đừng nên giới hạn tôn giáo vào những cộng đồng tôn giáo (Thiên Chúa giáo, Phật giáo), nhưng nên hiểu theo nghĩa rộng như là một lý tưởng siêu việt. Do đó một người sống cho một lý tưởng vị tha cũng kể như người “có tín ngưỡng”, bởi vì họ không đóng khung trong cái “bản ngã” ích kỷ. Dù sao nên ghi nhận rằng đôi khi người “trưởng thành” cũng được gọi là người “bình thường”, nghĩa là có đời sống quân bình, (đối lại với những người bất bình thường, thiếu quân bình). Trên thực tế, đề tài “khủng hoảng nhân cách” cũng trở thành đối tượng cho ngành tâm lý trị liệu. Ngoài ra trong ngôn ngữ thường ngày, kẻ “thiếu bản lĩnh” hoặc “mất tư cách” hàm ngụ ý chê bai. [1] Trước đây, sách Giáo lý viết là mầu nhiệm “Thiên Chúa nhất thể tam vị”. Thường chữ “ngôi” được thêm chữ “vị”: ngôi vị, nhân vị. “Ngôi” là khu đất cao, chỗ cao (ngôi thứ, lên ngôi); “Vị” có nghĩa là chỗ đứng (vị trí, vị thế, địa vị. “Ngôi vị” là chỗ đứng hay ngồi ở nơi cao. [2] Từ ngữ tương đương trong tiếng Hy-Lạp là prosopon (khuôn mặt, dung nhan). Có người lưu ý rằng persona trong tiếng Latinh gợi lên âm thanh (per-sonare, sonitus); còn prosopon trong tiếng Hy-Lạp gợi lên hình ảnh, dung nhan. Nên biết là trong bản văn Kinh thánh tiếng Hy-Lạp, prosopon được dùng để dịch từ ngữ “dung nhan Chúa” (chẳng hạn Xh 33,8-11.18-23) trong Cựu ước, và “dung nhan của đức Giêsu” trong Tân ước (2Cr 4,6; Kh 22,3-5). Về sau, thần học Kitô giáo dùng danh từ Hy-Lạp hyposthasis khi bàn về persona. [3] Liber de persona et de duabus naturis contra Eutychen et Nestorium, cap.3: PL 64, 1343. [4] Khi viết truyện, muốn cho thảo vật hay động vật nói chuyện, thì chúng được “nhân cách hóa” (personnifier). [5] Cũng có tác giả gọi subsistentia là “substantia prima” (cụ thể), để phân biệt với “substantia secunda” tức là essentia (mang tính phổ quát). [6] “Persona significat id quod est perfectissimum in tota natura, scilicet subsistens in rationali natura” Summa Theologica I, q.29, a.3. Xc Summa Contra Gentiles IV,35: “Omne subsistens in natura rationali vel intellectuali est persona”. Áp dụng vào Thiên Chúa, persona divina được định nghĩa là: “distinctum subsistens relatione in essentia divina” (De Potentia, q.9 q.4). [7] Theo quan niệm cổ điển, hữu thể đi trước hành động (Ego sum, ergo cogito). Descartes đảo lộn thứ tự: hành động đi trước hữu thể (Cogito, ergo sum). [8] Xc. Benito Goya, Vita spirituale tra psicologia e grazia, EDB Bologna 2001, p.27-47. Nên biết là có nhiều quan điểm về nhân cách, C.S. Hall – G. Lindzey – J.B. Campbell, Theories of Personality, John Wiley and Sons, New York, 1998 (4 e - See more at: lamhong.org/2011/09/16/ph%e1%ba%a9m-gia-con-ng%c6%b0%e1%bb%9di-nhan-v%e1%bb%8b-va-nhan-cach/#sthash.FfT7UBj6.dpuf
Posted on: Thu, 12 Sep 2013 23:40:45 +0000

Trending Topics



ght:30px;"> BIRTHDAYS FOR THURSDAY 7TH AUGUST 2014 E kaale o Our
dibaca ya.. mengharukan ... MAAFKAN SAYA .. (KISAH SEORANG

Recently Viewed Topics




© 2015