Nhân đọc truyện kiều phát hiện thấy: Những câu - TopicsExpress



          

Nhân đọc truyện kiều phát hiện thấy: Những câu Kiều bị hiểu sai và dịch sai không thể ngờ! Quyển Kim Vân Kiều truyện của Nguyễn Du đã được Trương Vĩnh Ký phiên âm sang quốc ngữ lần đầu tiên vào năm 1875(1). Trong Lời mở đầu ông đã viết: “Nous avons mis toute notre attention à en faire une transcription rigoureuse et l’orthographe précise que nous avons observée dans les accents comme dans les finales des mots…” (Chúng tôi đã đặt tất cả sự chú ý vào việc phiên âm bản Kim Vân Kiều truyện cho được thật chính xác và cũng chú trọng vào việc viết chính tả cho phân minh như chúng tôi đã nhận xét về các dấu giọng cũng như các vần cuối của mỗi chữ…). Tuy ông đã cho biết như vậy nhưng qua hai lần tái bản về sau có sửa chữa quyển ấy vẫn còn nhiều sai lầm đáng tiếc. Sau đó, Abel des Michels cũng là người đầu tiên đã dịch quyển Kim Vân Kiều truyện(2) của Nguyễn Du sang tiếng Pháp vào năm 1884. Có thể ông đã tham khảo bản của Trương Vĩnh Ký nên có nhiều chữ ông cũng bị sai theo. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ xin nêu ra một vài thí dụ để dẫn chứng. 1. Bụi hồng Câu 250: “Bụi hồng liệu nẻo đi về chiêm bao”. Trương Vĩnh Ký đã phiên âm câu này là: “Bụi hồng lẻo đẻo đi về chiêm bao” và đã chú thích như sau: “Lúc gặp tại bụi hồng thế nào thì lẻo đẻo chiêm bao thấy hoài”. Văn Hòe trong quyển Truyện Kiều chú giải(3) cũng giảng “Bụi hồng là bụi hoa hồng” và cho rằng: “Khi gặp Kim Trọng thì Kiều và Vân nấp ở dưới hoa không thấy nói hoa gì nhưng theo câu này thì “dưới hoa” chắc là “bụi hoa hồng” cho nên Kim Trọng mới chiêm bao lẽo đẽo đi về chỗ bụi hồng là nơi Kiều ngồi nấp hôm nọ”. Giảng như vậy chỉ là suy diễn, không căn cứ vào các bản Nôm đã viết chữ 培 (bụi: cát bụi, bụi bặm) với bộ 土 (thổ) chứ không phải chữ 蓓 (bụi: bụi cây) viết với bộ 艹(thảo). J.F.M.Génibrel trong quyển Dictionnaire Annamite - Français(4) đã hiểu chữ “bụi hồng” theo nghĩa bóng là “les souillures de ce monde - Poét. Jeune fille”. Vì cho rằng “bụi hồng” là người con gái nên ông đã dịch sai câu thơ trên là: “La jeune fille (lui) revient constamment en rêve” (Người con gái luôn trở về trong mộng của chàng). Abel des Michels cũng hiểu sai như vậy nên đã dịch là: “Il ne cessait de parcourir en rêve les champs où il avait rencontré (la jeune fille)” (Chàng không ngừng dõi tìm qua các cánh đồng trong mộng nơi chàng đã gặp người con gái). Qua các nhận xét trên, chúng tôi nhận thấy câu 250 có thể dịch đúng như Paul Schneider là: “De son monde de poussière rose, il s’y dirigeait en songe” (Từ cõi hồng trần chàng đi vào giấc mộng). 2. Dải là hương lộn Câu 454: “Dải là hương lộn, bình gương bóng lồng”. Trương Vĩnh Ký đã phiên âm câu này là:“Dải là hương lụn bình gương bóng lồng” và đã chú thích như sau:“Dải là: đồng tâm kiết - Hương tàn đèn lụn - Đã khuya lắm”. Ông đã hiểu lầm chữ “dải” là dải đồng tâm kết. Ông cũng hiểu lầm chữ “hương” là nén hương thắp đã tàn. Ông đã viết sai chính tả chữ “lộn” ra thành chữ “lụn” nên đã hiểu “lụn” là đèn lụn. Hiểu như vậy thì sai hẳn nghĩa của câu thơ. Ông lại hiểu sai bóng lồng là bóng trăng lặn xuống nên ông mới giải nghĩa là “Đã khuya lắm”. Như vậy thì câu thơ lại càng sai nghĩa thêm nữa. Abel des Michels chắc đã dựa vào bản Trương Vĩnh Ký nên đã dịch sai câu thơ ấy như sau: “Telle qu’ un parfum, la causerie s’épuise; l’astre des nuits à l’horizon descend” (Cũng như mùi hương, câu chuyện tàn dần; mặt trăng lặn xuống ở chân trời). Câu này phải dịch như Nguyễn Văn Vĩnh mới đúng:“La ceinture de soie de Kiều répandait un parfum subtil et la glace du paravent reflétait leurs deux visages énamourés” (Dải lưng bằng lụa của Kiều tỏa ra một hương thơm dịu nhẹ và tấm gương ở bức bình phong phản chiếu khuôn mặt của hai người đầy vẻ âu yếm nhau). 3. Thang lan Câu 1309-1310: Trương Vĩnh Ký đã phiên âm hai câu này là: “Phòng là phải buổi thong dong, Than hương nưng bức trướng hồng rạch hoa”. Câu 1310, các bản Nôm cổ đều khắc là: 湯 蘭 愈 幅 帳 紅 浸 花 (Thang lan rủ bức trướng hồng tẩm hoa) Trương Vĩnh Ký đã viết sai chính tả chữ thang thành than và đã chú thích câu 1310 là: “Bỏ than hương xông, ngồi mà thêu”. Chữ 湯 (thang) viết với bộ 氵(thủy) ở câu này là nước đun nóng để tắm chứ không phải là 炭 (than) mà Trương Vĩnh Ký hiểu là than hương (tức trầm hương). Ở câu này, Nguyễn Du tả Thúy Kiều lấy nước đun với lá thơm để tắm chứ không phải bỏ trầm hương vào hỏa lò cho thơm để ngồi thêu. Vì viết sai chính tả mà Trương Vĩnh Ký đã hiểu sai tệ hại như vậy! Bản Nôm của Abel des Michels đã chép như sau: 炭 香 能 幅 帳 紅 瀝 花 Ông đã phiên âm câu trên là: “Than hương nưng bức trướng hồng rạch hoa” và đã dịch là: “Aux moments où, dans sa chambre élégante, elle jouissait de quelque loisir, Kiều brûlait des parfums; ou bien, prenant une étoffe rouge, (avec son aiguille) elle y traçait des fleurs” (Vào những lúc nhàn nhã, ở trong phòng lịch sự, Kiều đốt trầm thơm; hay là, cầm một tấm vải hồng, (với cây kim) thêu những bông hoa). Dịch như vậy thì cũng sai hẳn. Chắc ông đã theo Trương Vĩnh Ký mà cho đổi chữ 湯 (thang) ở bản Nôm thành chữ 炭 (than). Trong quyển Kim Vân Kiều tân khảo(5), Paul Schneider đã dịch đúng hai câu trên là: “Dans la chambre, par une belle journée de loisir, elle fit tomber les rideaux roses pour baigner son corps de fleur dans une décoction d’orchidées” (Trong phòng, vào một buổi đẹp trời thong thả, nàng buông rủ bức màn hồng để tắm tấm thân hoa bằng nước lá lan thơm). 4. Quyên nhặt… nhạn thưa Câu 566: “Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa”. J.F.M.Génibrel đã hiểu sai chữ thưa là đáp lại, trả lời (répondre) nên đã dịch cả câu là: “Le coucou chante, perché sur une branche, l’oie sauvage lui répond du haut des airs où elle plane” (Chim cu gáy, đậu trên cành, chim nhạn kêu đáp lại từ trên trời cao khi đang bay lượn). Đúng ra thì chữ thưa phải hiểu thưa thớt và phải dịch là clairsemé. Chữ thưa nghĩa là đáp lại, trả lời viết chữ Nôm phải có bộ 口(khẩu). Câu này phải dịch như Nguyễn Văn Vĩnh mới đúng: “Au bout d’une branche d’arbre, la poule d’eau jetait ses cris précipités; à l’horizon, un vol clairsemé d’oies” (Ở đầu cành cây, chim quyên kêu mau liên tiếp; ở chân trời có những con nhạn bay thưa thớt). 5. Thuyền trà Câu 1991: “Thuyền trà cạn nước hồng mai”. J.F.M.Génibrel đã hiểu sai chữ thuyền là chiếc thuyền, chiếc ghe nên đã dịch thuyền trà là barque de thé. Chắc ông đã theo Trương Vĩnh Ký vì trong quyển Kim Vân Kiều truyện in năm 1875, Trương Vĩnh Ký đã giảng:“Thuyền trà là chén trà có đĩa dài làm cong cong con Túy Kiều pha trà hồng mai mà đãi”. Đúng ra chữ thiền hoặc thuyền 禪 đã được phiên âm từ chữ Phạn. Dhyana (thiền na) mà ta quen gọi tắt là thiền hoặc thuyền. Thiền đã được dùng để chỉ cảnh chùa vì đạo Phật lấy sự thanh tĩnh mà xét tỏ chân lý làm tôn chỉ. Vậy thiền trà hoặc thuyền trà phải hiểu là chén trà của nhà chùa và có thể dịch như M.R(6) là: “Ils vidèrent quelques tasses d’infusion de hồng mai qui tient lieu de thé aux pagodes” (Hai người uống cạn vài chén nước pha với lá hồng mai thường được dùng làm trà ở trong chùa). 6. Cỏ non Câu 41: “Cỏ non xanh tận chân trời”. J.F.M.Génibrel đã hiểu sai non là núi non (montagne) nên đã dịch là: “De vertes montagnes s’étendent jusqu’ à l’horizon” (Những ngọn núi xanh trải dài tới tận chân trời). Hai chữ cỏ non phải hiểu là cỏ xanh tươi (herbe tendre) và câu 41 có thể dịch như Nguyễn Văn Vĩnh là: “Le tapis vert d’herbe tendre s’étendait jusqu’à l’extrême horizon” (Tấm thảm cỏ xanh non trải dài tới tận chân trời xa thẳm). 7. Lưng túi Câu 143: “Đề huề lưng túi gió trăng” J.F.M.Génibrel đã hiểu chữ lưng là cái lưng (le dos) nên đã dịch là: “Porter dans les bras et sur le dos le sac du vent et de la lune” (Mang trên tay và trên lưng túi gió trăng) . Chữ lưng ở đây phải hiểu là không đầy, chỉ có một nửa nên phải dịch như Nguyễn Văn Vĩnh mới đúng: “Portant sur lui un sac à moitié rempli de lune et de vent” (Mang trên người một cái túi vơi nửa gió trăng). Qua phần trình bày ở trên, chúng tôi chỉ xin nêu ra một vài thí dụ về việc phiên âm sai, chú thích sai và dịch sang tiếng Pháp sai. Chúng tôi cũng nghĩ rằng, với những người đi tiên phong trong việc phiên dịch thì cũng khó tránh khỏi có những sai lầm nhưng tiếc rằng các sai lầm ấy lại quá nặng nề, thật đáng tiếc. Chúng tôi sẽ có bài viết tiếp theo để nhận xét về việc phiên âm, chú thích và dịch các câu Kiều sang tiếng Pháp của các nhà nghiên cứu tân học sau này trong thế kỷ XX.l _______ (1) Kim Vân Kiều truyện. Trương Vĩnh Ký phiên âm và chú thích. Bản in Nhà nước. Saigon. 1875. Bản in lần thứ hai. Claudes et Cie. Saigon. 1898. Bản in lần thứ ba. F.H.Schneider Éditeur Saigon. 1911. (2) Kim Vân Kiều tân truyện. Abel des Michels dịch sang tiếng Pháp. Ấn phẩm của Trường Sinh ngữ Đông phương. Ernest Leroux ấn hành (3 tập). Paris. 1884-1885. (3) Truyện Kiều chú giải. Văn Hòe. Hà Nội. 1952. Ban Tu thư Ziên Hồng tái bản. Sài Gòn. 1959. (4) Dictionnaire Français - Annamite. J.F.M.Génibrel. Missionnaire apostolique. Deuxième édition. Saigon. Imprimerie de la Mission à Tân Định. 1898. (5) Kim Vân Kiều tân khảo. Paul Schneider. Paris. 1981. (6) Kim Vân Kiều. Nouvelle traduction française. Hanoi. Éditions Alexandre de Rhodes. 2è édition. 1944.
Posted on: Wed, 03 Jul 2013 01:50:02 +0000

Trending Topics



>
Pronunciamento Presidente da Multi Click Brasil - Sobre
President Mahama: "I will serve Ghana selflessly" -
LA MISION (The Mission) music by gerry weil & di donna is a
The wind is keeping temperatures warm along the front range! Its

Recently Viewed Topics




© 2015