Nhạc sĩ Phú Quang “Đời tôi mua gì cũng phải trả - TopicsExpress



          

Nhạc sĩ Phú Quang “Đời tôi mua gì cũng phải trả giá đắt!” Bao lâu mới gặp lại, Phú Quang trông gầy đi, nhưng vẻ như nhờ thế, mà trông ông không bị già đi. Mũ cát két và áo sơmi tất nhiên sẫm màu, nhưng vẫn quyết phải có một chút “lé” (sáng màu hơn một chút) ở cổ. Mẫu câu không hẳn phong phú, nhưng lại rất biết nhấn nhá và “khoanh vùng trọng điểm”… Nói chung là một ca chắc chắn “tốn đàn bà” vì một hấp lực lẩn quất đâu đó trong cách ông chầm chậm phả khói hay khẽ chạm điếu thuốc vào cái gạt tàn, nhưng lại trả lời mọi câu hỏi nhanh như thể không cần suy nghĩ, mà vẫn đâu ra đấy, hoặc… trúng đâu thì trúng! Duyên! - Công nhận! Live show của ông hay có… dấu 3 chấm nhỉ? Hết “Phú Quang – Chuyện đời tôi… bây giờ mới kể” và giờ lại “Hà Nội ơi… Còn mãi một tình yêu” (10,11/8). Có quá nhiều điều để nói, hay đấy chính xác là “sến” kiểu Phú Quang? - Chả vì sao cả! “Sến siếc” gì ở đây! Từ đấy là tôi chúa ghét! Đơn giản là lúc nào cần 1 dấu chấm thì sẽ là 1, còn nếu cảm thấy cần 3 thì sẽ là 3, thế thôi… Một mình vẫn bán vé tốt, vậy vì sao lần này ông lại cần tới “lắm mình” đến vậy: hết Đoàn Chuẩn, Hoàng Dương…, đến Trịnh Công Sơn, Trần Tiến, Trọng Đài…? - Không phải tôi cần mà là Hà Nội cần, khán giả cần. Để thêm lần nữa gật gù với nhau rằng: Hiếm có mảnh đất nào có được nhiều bài hát hay viết về nó như vậy. Đến nỗi, nếu cùng đặt lên một bàn cân, hẳn sẽ rất khó biết bài nào hay hơn bài nào… Người trẻ nhất trong đây tôi thấy chỉ có Việt Anh và Trương Qúy Hải nhỉ? Ông từng nghe đến “Nồng nàn Hà Nội” của Nguyễn Đức Cường chưa nhỉ? - Dĩ nhiên là rồi chứ! “Đưa em đi qua phố phường bao sắc màu bao ánh đèn, ngồi ăn một quán ven đường… nhìn cụ già tập dưỡng sinh…” – Cái cách một người trẻ nhìn Hà Nội ở cự ly gần như thế, ông thấy sao? - Hay chứ! Hoài niệm là một cách, nhưng nhìn cuộc sống một cách thô ráp và trực diện như thế cũng là một cách! Thế nên, vừa rồi tôi cũng đã định đưa vào nhưng chưa tìm được chỗ thích hợp. Vẻ như phải là một chỗ khác, cùng kênh cùng giọng hay sao đó… Già - trẻ, với ông, là cả một vấn đề? - Không, chả bao giờ! Vì già cũng có thể có đầy người dở, và trẻ cũng có thể có đầy anh nhạt nhẽo, hay ngược lại… Hà Nội đã gọi được Phú Quang về nhưng khi nỗi nhớ đã được lấp đầy, thì vẻ như Phú Quang lại khó “có quà” cho Hà Nội? Ông có phật ý không nếu tôi hỏi rằng: Hà Nội thì mở rộng, còn Phú Quang thì không? (...) Những “biểu tượng đường phố” mà không vào được ông sao, hay vì ông vẫn thường “không nhớ nổi một con đường”? - Hip hop, không phải là không hay. Và người trẻ thì dĩ nhiên luôn có những cái lý riêng của họ. Nhưng giá kể mà họ chịu khó đọc sách hơn, thì chắc chắn họ sẽ còn hay hơn nhiều, thay vì suốt ngày lên mạng đọc báo. Mà báo mạng bây giờ chủ yếu là gì? Là cô này vừa tậu được siêu xe, cô kia vừa sắm được cái váy bạc tỷ… chứ gì? Tất nhiên không phải là không có những bài báo tử tế, nhưng để tìm được nó, phải bới qua không biết bao nhiêu cái áo con, quần lót… Đời sống mà là thế sao! Đời sống đâu chỉ cái váy và cái quần sịp! Và vì thế, điều tử tế ông có thể làm là cứ mỗi độ thu về - ít nhất là thế - là lại có một đêm nhạc tử tế về Hà Nội? - Tử tế hay không thì tôi chưa dám nói. Nhưng với tôi, một chương trình khiến được người ta “rưng rưng” là tôi thấy vui rồi! Chứ xem xong mà người ta cười như nghé thì nguy! (...) Gần đây ông có hay theo dõi các game show không? - Trước thì cũng có đấy, nhưng sau thì… chừa! Vì nhiều chương trình nó nhảm nhí quá! Nhảm nhí tới mức khiến mình chán luôn cả mình! Ô hay, can dự gì tới ông đâu nhỉ? - Thế tôi hỏi cô, một ngày cô phải đọc chừng 20 bài báo dở, thử hỏi cô còn yêu được cái nghề của cô nữa không? Nghệ thuật lại càng phải làm cho người ta cảm thấy sung sướng chứ! Sao lại có thể suồng sã đến thế: Bài hát thì chen đủ Tây đủ Tàu, người hát thì không rõ lời, nghe nhiều lúc chả biết hát bằng tiếng gì. Đến tên ca sĩ còn phải độn! Không lẽ tiếng Việt giờ nghèo nàn thế hay sao? Ông từng nói, không ép con học đàn khi phát hiện cháu không đủ tình yêu. Không tình yêu thì sẽ khó mà chạm được tới đỉnh cao, mà nghề này nếu thế thì khổ lắm. Vậy, đỉnh cao của Phú Quang là gì? - Tạm được thôi! Là có thể sống được bằng nghề. Nghĩa là chỉ mới “Quang” chứ chưa “Phú”? - “Phú” thì chưa bao giờ mà “Quang” thì cũng… vừa phải thôi! Chuyện này tôi đã đúc kết rồi: Thường cái tên rất hay ngược với người! Cái anh tên Hùng thì chính ra lại thường rất hay nhát... Tương tự, anh tên Phú thì thường nghèo và tên Quang thì đời cũng chưa chắc đã sáng. Tôi cũng nghiệm thấy đời tôi không biết sao mua cái gì cũng phải trả giá đắt, và chỉ có thể trả bằng sức lao động. Có chăng, như người ta vẫn nói, mất cái này thì được cái kia. Cuối cùng thì Thượng đế vẫn công bằng! Trong tình yêu thì sao? “Người trả giá” thường là ông hay “đối tác”? - Chả có ai phải trả giá cả! Trừ khi người ta quá ghê gớm hóa cái sự bỏ nhau, dừng lại… mà thôi! Kể ra thì mình đối với người ta như thế là cũng hết lòng rồi, còn một khi đã hết duyên thì phải chịu! Chẳng phải từng có câu răn này sao: Nếu phải sống với người không hợp với mình, thà lên non mà sống một mình… Nhưng tôi có thấy ông “lên non” bao giờ đâu nhỉ? Mà là… lấy vợ tiếp? - À thì là vì có thể tôi chưa đến mức phải sống một mình! Cái này thì chính tận tai tôi nghe nhé: Có ít nhất hai chị bạn của tôi đã tiết lộ rằng, cái câu “Bên quán nhỏ, em buồn nghe lá trút” là viết về… họ. Vậy, “họ” là… 2? - (cười) Thì tôi cứ viết ra thôi, còn người nào nhận thì là việc của họ! Chứ giờ mà tôi nói ra, chẳng may người ta đang yên ổn chồng con thì có phải… chết dở không? .... (Đọc bài PV toàn văn trên TTVHĐÔ 94, cả người được PV lẫn kẻ PV đều kẻ 8 lạng người nửa cân. Tung hứng tung trời). :p
Posted on: Tue, 30 Jul 2013 05:44:05 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015