PHỤ LỤC 1: KHI NÓI, VIẾT PHẢI BÌNH TÂM SUY NGHĨ CHO - TopicsExpress



          

PHỤ LỤC 1: KHI NÓI, VIẾT PHẢI BÌNH TÂM SUY NGHĨ CHO KỸ (ĐƯỜNG VỀ XỨ PHẬT 6 - THẦY THÍCH THÔNG LẠC) Bài viết của Diệu Quang Hằng ngày, tôi thường mở hộp thư trên mạng để đọc thư các bạn bốn phương gửi về tu viện Chơn Như. Hôm nay, tôi nhận được nhiều lá thư gửi vào hộp thư của chúng tôi nói về Thầy Thông Lạc. Sau khi đọc những bài viết về Thầy Thông Lạc của bạn Ng. H.[1]trên trang thư viện Hoa Sen, tôi có đến trình và thưa hỏi Thầy Thông Lạc, có nên trả lời những bài viết này không? Thầy Thông Lạc bảo: “Phải im lặng như Thánh, chúng ta tu tập theo Phật giáo là để cầu giải thoát, chứ không phải để tranh luận hơn thua, phải trái, đúng sai với ai cả. Nơi đâu có dựng lại chánh pháp của Phật, tu hành có giải thoát thì nơi đó chúng ta nên theo mà học hỏi và tu tập, còn nơi đâu có lý luận hơn thua thì nên tránh xa”. Lời Thầy Thông Lạc khuyên như vậy, nhưng tâm chúng tôi tu hành chưa tới đâu nên nghĩ đến nhiều người khác, nghĩ đến bạn Ng. H. Khi họ đọc những bài viết của bạn Ng. H thì họ hiểu Phật giáo một cách lệch lạc (hiểu theo kiểu xưa nay của kinh sách phát triển). Nếu những bài viết của bạn Ng. H đưa lên trang thư viện Hoa Sen mà không được chỉnh đốn, làm sáng tỏ lại thì rất tội nghiệp cho bạn Ng. H, vì bạn ấy không thấy được cái sai; cái cố chấp của bạn, mà còn có một số bạn bè hùa theo, a dua với những lập luận nhai lại bã mía của bạn. Những lập luận a dua nhai lại bã mía của bạn đã làm cho bạn không còn sáng suốt thấy sự vô minh của bạn nữa, do đó bạn sinh ngã mạn cho mình là am tường, thông suốt Phật pháp. Bằng chứng bạn ấy đã bỏ nhiều thì giờ để bình luận những lời tựa của bộ sách Đường Về Xứ Phật theo những kiến giải, tưởng giải của các vị Tổ sư. Trong khi đó, tâm bạn ấy sống chưa ly dục ly ác pháp ở giai đoạn của người cư sĩ giữ gìn 5 giới, thì còn nói chi đến tâm bạn ấy bất động trước các ác pháp và các cảm thọ; thì còn nói chi đến bạn ấy nhập được Tứ Thánh Định. Cho nên, bạn ấy chưa thực hiện được Tam Minh; chưa làm chủ được sự sống chết; chưa chấm dứt được sự tái sanh luân hồi; chưa biết khi chết bạn ấy sẽ đi về đâu. Nhất là một điều dễ làm mà bạn ấy còn chưa biết, chưa làm được, đó là một ngày sống đúng Phạm hạnh như Phật, như chúng Thánh Tăng như ngày Thọ Bát Quan Trai đúng chánh pháp. Thế mà, những bài viết của bạn ấy đưa lên trang Thư Viện Hoa Sen để chứng tỏ cho mọi người trên thế giới biết bạn là người am tường, thông hiểu Phật Pháp, nhưng cái thông hiểu của bạn giống như con chim nói tiếng người, có nghĩa là bạn chưa làm được những gì bạn đã nói. Vậy mà bạn luận cái sai, cái đúng về sách Thầy Thông Lạc thì tôi e rằng bạn là người háo danh và nông nổi, bạn không biết lượng sức mình chẳng khác gì người mù rờ voi, người đứng dưới chân núi mà nói chuyện trên đỉnh núi. Nếu bạn muốn luận về sách Thầy Thông Lạc thì bạn phải sống đúng Phạm hạnh của Phật, tâm phải ly dục ly bất thiện pháp, lúc nào cũng ở trong trạng thái bất động tâm và phải nhập cho được Tứ Thánh Định và thực hiện Tam Minh thì chừng đó bạn mới đủ khả năng luận về bộ sách Đường Về Xứ Phật của Thầy Thông Lạc. Bạn đâu biết rằng rất nhiều tín đồ Phật giáo hiện giờ đang chịu ảnh hưởng tinh thần bệnh hoạn mê tín, kiến chấp lý luận ảo tưởng và bệnh rối loạn thần kinh của Phật giáo phát triển; những người bệnh này nhiều lắm bạn ạ! Cho nên, những bậc tu hành chân chánh như Thầy Thông Lạc gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh, để mọi người tự cứu lấy mình, chứ không còn có cách nào, hay người nào khác tháo gỡ cho họ thoát khỏi những bệnh hoạn này. Trong khi đó những bài viết của bạn đưa lên trên trang Thư Viện Hoa Sen luận về sách Thầy Thông Lạc thì cũng giống như những người đã bị nọc của loài rắn độc mà lại được tiếp thêm chất nọc độc nữa. Và từ đó về sau bệnh nọc độc kiến chấp ảo tưởng mê tín của kinh sách phát triển càng trầm trọng hơn và không thể nào còn có thuốc nào cứu trị được. Thật đáng thương vậy! Những lối lý luận của bạn Ng. H là lối lý luận vay mượn của những nhà học giả Phật giáo xưa và nay, cứ dựa theo lối mòn đó, dò dẫm lại, chứ bạn Ng. H. không có sự nghiên cứu kỹ về kinh sách Phật giáo Nguyên Thủy. Do đo, bạn ấy không có sự hiểu biết của riêng bạn, vì thế cái hiểu biết này của bạn về Phật giáo mà tôi bảo thụ động bước theo lối mòn của người khác. Những bài viết của bạn dễ đưa dắt những người chưa hiểu biết về Phật giáo vào thế giới mê tín ảo tưởng của kinh sách phát triển, trừu tượng của Thiền Đông Độ, nhất là những người không có thì giờ nghiên cứu kinh sách Phật giáo Nguyên Thủy, vì thế họ dễ bị ảnh hưởng tà kiến của những loại kinh sách phát triển này. Thưa các bạn! Nếu trong tất cả những bài viết của bạn Ng. H nói về bộ sách của Thầy Thông Lạc, các bạn hãy chọn một bài nào, một đoạn nào, dù bất cứ ở chỗ nào trong những bài viết ấy đưa ra, thì tôi sẽ chỉ cái sai của bạn Ng. H cho các bạn xem, chỉ vì “mọi điểm của những bài viết” của bạn Ng. H không có điểm nào luận đúng, nói đúng về Phật giáo, về Thầy Thông Lạc cả, toàn là luận sai, vì bạn ấy quá xem thường kinh sách Phật giáo Nguyên Thủy. Ở đây tôi không chọn bài nào, đoạn nào cả mà chỉ ngay bài đầu, đoạn đầu rất ngắn của bạn ấy để vạch ra cho các bạn xem bài viết của bạn ấy đã có rất nhiều cái sai với Phật giáo, vừa theo lịch sử, vừa theo giáo pháp, vừa theo giới luật. Không có bộ môn nào của Phật giáo mà bạn Ng. H luận đúng cả. Nếu chịu khó luận hết những bài viết của bạn Ng. H, thì sẽ cho thấy cái sai của bạn ấy vô số kể bên cạnh còn có tội phỉ báng kẻ chân tu. 1- Theo lập luận của bạn Ng. H cho Thầy Thông lạc viết không đúng lịch sử Phật giáo mà chỉ do suy đoán của riêng Thầy: “Điều trên ghi không đúng theo lịch sử Phật Giáo, hoặc là chỉ do suy đoán riêng của Thầy Thông Lạc”. Theo sự nghiên cứu của chúng tôi và qua lời dạy của Thầy Thông Lạc, thì nên căn cứ vào tuổi thọ của ông A Nan để tìm ra Phật giáo Nguyên Thủy nguyên gốc tồn tại được bao nhiêu năm trên thế gian này. Ai cũng biết ông A Nan đến với đạo Phật vào khoảng 20 tuổi [2](tuổi tỳ kheo) cho đến khi thị tịch là 120 tuổi. Ông là người đệ tử thị tịch cuối cùng của đức Phật. Ông A Nan còn sống là người đại diện cho Phật giáo Nguyên Thủy và cũng là người giữ gìn mạng mạch của Phật giáo chánh tông. Ông A Nan mất là Phật giáo chân chánh mất. Tại sao vậy? Vì hiện tượng báo cho biết Phật giáo mất, mất trước khi ông A Nan tịch, là do tu sĩ Phật giáo bấy giờ hiểu sai lời Phật dạy, tu học theo kiến giải tà kiến của một số Thầy Tổ của họ. Trong những năm cuối đời, chính ông A Nan đích thân chỉnh đốn lại những điều sai đó, mà các tu sĩ bấy giờ đều không nghe. Nên ông tự than phiền và cho rằng: “Chúng sanh đời sau không còn đủ duyên với chánh pháp của Phật”. Để chứng minh điều này, tôi xin ghi lại một đoạn sử về ông A Nan trong bộ Thập Đại Đệ Tử Sử Chuyện: “Đến năm tôi già tròn đủ 120 tuổi, một hôm nọ trên đường đi nghe một thầy Tỳ Kheo tụng một bài kệ “Nếu người sống trăm tuổi, Không thấy thủy lão hạc Chẳng bằng sống một ngày Mà thấy được hạc ấy” Ông A Nan nghe qua bài kệ tụng bị sai lầm một cách tệ hại, thật là râu ông nọ cắm cằm bà kia, Tôn giả bèn lập tức cải chính. Bài kệ phải tụng như thế này: “Nếu người sống trăm tuổi Không hiểu pháp sanh diệt Chẳng bằng sống một ngày Mà được hiểu rõ ràng” Tỳ kheo kia nghe ông Anan dạy xong, trở về thưa lại với sư phụ, chẳng dè sư phụ nổi sùng nói rằng: - Ông đừng nghe ông A Nan nói bậy, năm nay ông A Nan đã già cả, lú lẩn rồi, Ta dạy ông không sai đâu. Thầy tỳ kheo trở lại đem lời sư phụ nói lại với ông A Nan. Tôn giả A Nan định đi tìm ông ta để hỏi: - Tại sao lại nói những lời ngu si như vậy? Nhưng suy đi nghĩ lại, con người đã thốt ra lời ấy có nói chưa chắc đã chịu nghe, nên thôi. Một vị Trưởng lão ôn hoà như ông A Nan thống lãnh giáo đoàn đương thời, nắm trong tay giáo quyền tối thượng, nhưng vẫn áp dụng lối xử sự nhún nhường”. Qua câu chuyện trên chúng ta xác định Phật giáo tồn tại tính Nguyên Thủy chỉ có một trăm năm. Một trăm năm ấy tính theo tuổi thọ của Ông A Nan. Ông A Nan vào đạo lúc 20 tuổi, đến khi thị tịch 120 tuổi. Như vậy ông A Nan có 100 tuổi đạo và 20 tuổi đời lúc trẻ. Còn tính theo năm đức Phật tu chứng quả đến khi về nước là 10 năm nhưng mất hết 7 năm mới tu chứng. Khi tu chứng xong ba năm sau mới về nước. Như vậy tính theo năm tu chứng đạo của Đức Phật và ông A Nan thị tịch là 103 năm. Nhưng ít nhất ba năm sau cuối đời của ông A Nan thì tu sĩ đã tu sai lệch theo kiến giải Thầy Tổ của họ. Như vậy Thầy Thông Lạc nói: Phật Giáo Nguyên Thủy chỉ có tồn tại 100 năm là đúng, vì Thầy có nghiên cứu và căn cứ vào sử sách hẳn hoi, chứ không phải Thầy suy đoán như bạn Ng. H nói. Các bạn có chấp nhận điều này không? Đó là cái sai thứ nhất của bạn Ng. H luận về Thầy Thông Lạc. 2- Lại nữa, theo bạn Ng. H nói: “Phật giáo Nguyên Thủy giữ đúng theo hình thức tu hành thời Phật, vẫn tồn tại vài trăm năm sau khi đức Phật Thích Ca nhập diệt, sau đó mới chia thành nhiều bộ phái mà Thượng Tọa Bộ, Đại Chúng Bộ sau này tập hợp thành Nam Tông và Bắc Tông”. Theo sự hiểu biết chung của mọi người, cũng như bạn Ng. H, Phật giáo vẫn tồn tại vài trăm năm sau khi đức Phật Thích Ca nhập diệt, sau đó mới chia thành nhiều bộ phái mà Thượng Tọa Bộ, Đại Chúng Bộ sau này tập hợp thành Nam Tông và Bắc Tông. Thưa các bạn! Sự phân chia bộ phái không phải đợi đến vài trăm năm sau khi đức Phật nhập diệt, mà ngay khi đức Phật còn tại thế đã có sự phân chia thành hình hai bộ phái rõ rệt. Đó là: 1- Một bộ phái do Đức Phật lãnh đạo. 2- Một bộ phái do Đề Bà Đạt Đa lãnh đạo. Nhờ sự lãnh đạo khéo léo của Đức Phật nên bộ phái Đề Bà Đạt Đa bị chìm, chứ không bị diệt mất, chỉ chờ có cơ hội thuận tiện là phát triển ngay liền. Như vậy, bạn Ng. H hiểu biết sự phân chia Phật giáo thành bộ phái là theo lối mòn của các Tổ như trên đã nói, chứ không phải bạn ấy hiểu biết qua trí tuệ tu chứng. Do đó, đây là điểm sai thứ hai của bạn Ng. H luận về Thầy Thông Lạc. 3- Lại nữa, theo bạn Ng. H nói: “Theo lịch sư, Phật chỉ giảng pháp trong 49 năm, không phải 100 năm (tại thế) như TL viết”. Đoạn luận trên của bạn Ng. H. cho thấy cái hiểu của bạn ấy lờ mờ không biết Thầy Thông Lạc nói 100 năm Phật giáo trụ thế, hay 100 năm thuyết pháp, do đó Ng. H. đưa ra hai giả thuyết: a. Giả thuyết thứ nhất:Vẫn tồn tại vài trăm năm sau khi đức Phật Thích Ca nhập diệt, chứ không phải 100 năm. b. Giả thuyết thứ hai:Theo lịch sử, Phật chỉ giảng pháp trong 49 năm, không phải 100 năm (tại thế) như TL viết. Qua lời luận trên các bạn thấy rõ bạn Ng. H rất vội vàng, đọc sách Đường Về Xứ Phật mà không hiểu gì về văn của Thầy Thông Lạc viết. Ở đây, Thầy Thông Lạc viết rất rõ ràng: “Đạo Phật chỉ có tồn tại được 100 năm” mà bạn ấy lại lý luận bảo: “Phật chỉ giảng pháp 49 năm, không phải 100 năm như TL viết”. Như vậy bạn Ng. H đã đồng hoá nghĩa của chữ “tồn tại”và chữ “giảng pháp”. Có lẽ bạn Ng. H. là người tu học theo kinh sách sách phát triển và bạn đã đạt được trí vô phân biệt! Đến đây các bạn đều biết lời luận của bạn Ng. H là dựa theo lối mòn của các Tổ thuộc kinh sách phát triển, chứ bạn Ng. H không tự nghiên cứu Phật giáo như tôi đã nói, nên sự hiểu biết của bạn ấy không có gì mới mẻ, riêng biệt. Vậy mà cầm bút phê bình kết luận Thầy Thông Lạc viết sai, không đúng. Thầy Thông Lạc viết một điều gì, điều ấy có căn cứ rõ ràng, chứ không phải tự dự đoán riêng đặt ra, mà cũng không theo lối mòn của các Thầy Tổ học giả xưa và nay. Thầy viết theo trí tuệ do tu tập, chứ không phải viết theo trí tuệ kiến thức học giả phàm phu. Ông A Nan là hiện thân giáo pháp của đức Phật, ông A Nan mất là giáo pháp Phật mất, ông A Nan còn là giáo pháp Phật còn. Ai cũng biết khi ông A Nan còn sống mà không chỉnh được những cái sai trong Phật giáo bấy giờ, thì thử hỏi khi ông A Nan chết thì còn ai chỉnh những cái sai này được. Với khả năng ghi nhớ của ông A Nan được đức Phật cho là đệ tử đa văn đệ nhất, thế mà còn không thể cứu nguy Phật giáo được, nên ông đành thị tịch. Giờ đây chúng ta hãy đọc lại đoạn sử Phật giáo rất não lòng này: “Tuy vậy một bậc Trưởng lão Thánh Tăng đã sống 120 tuổi đối với việc đời không còn chút lưu luyến, sau khi gặp chuyện trên lại còn chán ngán thế gian hơn. Tôn giả nghĩ: “cái cõi đời này thật hết ý kiến, đức Thế Tôn nhập diệt chưa bao lâu mà có người hiểu sai Phật pháp như vậy, sau này trong giáo đoàn lại có những điều tà kiến kể sao cho xiết. Ta vì Phật tụng lại giáo pháp mà mọi người chấp chặt vào kiến chấp tà kiến của họ không chịu theo đúng pháp mà tu hành. Ta còn ở lại đây làm gì? (Thập Đại Đệ Tử Sử Chuyện) 4- Thưa các bạn! Tôi chỉ dẫn vài đoạn luận ngắn trên đây để các bạn thấy rõ khả năng hiểu biết về Phật pháp của bạn Ng. H còn tùy thuộc, cần phải tu học nhiều hơn nữa để thực chứng tự trí tuệ thấy hiểu biết như thật, chứ không phải nhai lại bã mía của người xưa như vậy, chẳng có lợi ích gì cho bản thân, mà còn làm cho mọi người hiểu biết lệch lạc về Phật giáo, làm mất chánh pháp của Phật khiến người sau chẳng biết đường lối nào tu hành đến nơi đến chốn. Thật tội ấy không thể tha thứ được. Như các bạn đã thấy kinh sách phát triển không thiếu, nhiều như rừng, như biển, nhưng tìm một vị tu sĩ Phật giáo sống đúng Phạm hạnh giới luật thì không tìm thấy, huống là tìm một tu sĩ Phật giáo tâm ly dục ly bất thiện pháp và bất động trước các ác pháp và các cảm thọ thì làm sao tìm có. Phải không các bạn? Một rừng kinh sách phát triển như vậy mà không tìm ra một bậc tu hành sống đúng Phạm hạnh giới luật thì làm gì tìm được một bậc nhập Tứ Thánh Định, thể hiện Tam Minh, làm chủ sự sống chết, chấm dứt luân hồi tái sanh được Thưa các bạn! Rừng kinh sách phát triển vĩ đại như thế mà chỉ thấy những bộ giới cấm ít ỏi, lơ thơ, còn giới đức, giới hạnh, giới hành thì không có một bộ nào cả. Vậy lấy giới luật gì? Ở đâu? Mà bạn Ng. H dám đem giới luật ra đây nói: “Có hay không có, phạm hay không phạm”. Dựa vào mấy bộ giới cấm của các Tổ mà luận về giới luật thì tôi e bạn ấy không biết lượng sức mình. Khi bạn viết ra câu này chứng tỏ bạn là người không có nghiên cứu và học hỏi về giới luật: “Vì làm sao gọi là phạm giới khi không hay chưa có giới”. Thưa các bạn! Các bạn có biết giới luật của Phật bắt nguồn từ đâu mà có? Từ Phạm Thiên đấy các bạn ạ! Thưa các bạn! Phật có trước Phạm Thiên hay Phạm Thiên có trước Phật? Trong kinh sách Nguyên Thủy, Phật thường nhắc nhở các tỳ kheo nên sống một đời sống Phạm hạnh. Vậy Phạm hạnh là gì? Phạm hạnh là đức hạnh của Phạm Thiên. Đức hạnh của Phạm Thiên là giới đức, giới hạnh các bạn ạ! Phạm Thiên có trước Phật, như vậy giới luật có trước Phật thì làm sao bạn Ng. H bảo rằng: “Vì làm sao gọi là phạm giới khi không hay chưa có giới!”. Như vậy, bạn Nguyễn Hòa thật là đáng thương. Phải không các bạn? Khi nói, khi viết phải suy nghĩ kỹ. Đối với Phật giáo hiểu biết thì phải hiểu biết cho thật rành rẽ (chứng đạo), thì có lợi ích cho mình cho người, còn biết theo kiểu như những nhà học giả (chưa chứng), sự hiểu biết ấy như con dao hai lưỡi, biết mà im lặng như Thánh thì tốt; đã không biết mà tưởng là biết lại nói ra là một tai họa cho mình, cho người, cho Phật giáo. Các bạn có thấy điều này không? Kinh pháp Cú dạy: “Người ngu nghĩ mình ngu Nhờ vậy thành có trí Người ngu tưởng có trí Thật xứng gọi chí ngu” Trường hợp bạn H. Tr và bạn Ng. H, và một số vị nữa đều là những người viết bài cho trang Thư Viện Hoa Sen. Trang Thư Viện Hoa Sen tiêu biểu tiếng nói chân chánh, đúng đắn của Phật giáo, vì thế các bạn không nên viết sai phạm như thế này. Viết sai phạm thì trang Thư Viện Hoa Sen sẽ mất uy tín đối với các độc giả khắp nơi trên thế giới. Tiếng nói của Phật giáo mà không chân thật, không đúng đắn, lệch lạc, nghiên cứu không thấu đáo là khinh thường độc giả, xem độc giả thiếu hiểu biết về Phật giáo, vì thế mới muốn nói xuôi, nói ngược như thế nào cũng được. Tôi nghĩ các bạn đã lầm, muốn nói một điều gì về Phật giáo, về Thầy Thông Lạc thì các bạn hãy tu chứng đầy đủ trí tuệ Tam Minh, chứ đừng đem chút học thức ra khoe khoang. Các bạn đừng tưởng rằng độc giả toàn là những người dễ tin; rồi đây sẽ có những độc giả sẽ vạch trần những cái sai trong những bài viết của các bạn, khi Thầy Thông Lạc ẩn bóng. Như vậy, đay là cái sai của bạn Ng. H luận về Thầy Thông Lạc gây ảnh hưởng làm mất uy tín cho trang Thư Viện Hoa Sen nữa. Theo tôi nghĩ trang Thư Viện Hoa Sen là một thư viện Phật giáo chuyển tải những kinh sách Phật, những tiếng nói chân chánh của Phật giáo, chứ không phải là một tiệm sách hỗn tạp chưng bày nhiều thứ ô hợp. 4- Bạn Ng. H còn một lỗi về phẩm hạnh nữa. Thầy Thông Lạc là một người lớn tuổi (dù bài viết của bạn Ng. H vào năm 2002 hay 2003 thì Thầy Thông Lạc năm đó cũng đã 75 hay 76 tuổi), vậy mà bạn Ng. H viết trống không và viết tắt như vầy “TL”: “Theo lịch sử, Phật chỉ giảng pháp trong 49 năm, không phải 100 năm (tại thế) như TL viết” (còn nhiều nơi khác nữa!).Cách thể hiện của bạn như vậy tôi cho là thiếu văn hóa lịch sự, kém đạo đức, không lễ độ. Có đúng như vậy không các bạn? Dân tộc Việt Nam là một dân tộc có một truyền thống văn hoá kính trên, nhường dưới, sống có đạo đức lịch sự, lễ độ, cung kính, tôn ti, trật tự rất tuyệt vời. Vì thế, ngôn ngữ nước ta có đầy đủ những danh từ xưng hô phân biệt tôn ti trật tự mà trên thế giới không dân tộc nào có những danh từ xưng hô nhiều như vậy. Thế mà bạn Ng. H quên mình là dân tộc Việt Nam, quên nguồn gốc đạo đức của Tổ Tiên ông bà, vì thế không chút e dè coi Thầy TL như bạn bè đồng trang lứa, hay bậc trưởng thượng đối với hàng ti thuộc vậy (cho dù bạn Ng. H trên 70 tuổi đi nữa thì lại càng thủ lễ hơn để làm gương cho con cháu) trong khi Thầy Thông Lạc là một cụ già, còn ba năm nữa bằng tuổi Đức Phật nhập diệt. Đó là nói về tuổi tác của Thầy Thông Lạc đáng là cha, là ông của không ít người. Còn giả dụ cho bạn Ng. H hấp thụ văn hoá Âu Tây nên có lối xưng hô như thế thì tôi cũng cho bạn ấy sai nốt, vì chỉ khi nào bạn Ng. H thường giao dịch và thân thiết mới gọi người đó bằng tên trống không và hấp thụ như vậy là mất gốc. Chắc nhiều bạn không biết rằng về phần đức độ và tu hành của Thầy Thông Lạc khó mà tìm thấy trong thế gian này: Đời sống giới luật rất nghiêm chỉnh, không hề vi phạm những lỗi nhỏ nhặt, thiền định nhập Tứ Thánh Định, làm chủ sự sống chết, chấm dứt tái sanh luân hồi, thể hiện Tam Minh, tâm thường bất động trước các ác pháp và các cảm thọ, thường trú trong trạng thái thanh thản, an lạc và vô sự. Người như vậy trên đời này dễ gì thấy, phải không các bạn? Thưa các bạn! Có sống gần bên Thầy Thông Lạc mới nhận thấy được điều này. Thấy được điều này thực đáng cho chúng ta cung kính, tôn trọng! Có đáng cho chúng ta quỳ xuống đảnh lễ dưới chân Người không các bạn? Như vậy, cách ứng xử của bạn Ng. H là rất đáng trách. Phải không các bạn? Chỉ mới vào đầu một đoạn ngắn bài tiểu luận của bạn Ng. H mà đã có nhiều cái sai không đúng với Phật giáo. Nếu đem hết các bài của bạn Ng. H ra luận thì cái sai của bạn ấy còn biết bao nhiêu mà kể! Nhưng thôi, luận kể ít nhiều mà đi đến đâu! Chỉ mong chúng ta giúp cho nhau có được nhận thức đúng để tránh được cái đã sai. Và như vậy, xin hãy bình tâm mà học, bởi vì chỉ khi tu chứng quả A La Hán thì mới đủ sức bình luận được sách của Thầy Thông Lạc. Thưa các bạn! Diệu Quang quá tất bật vì nhiều công việc, chỉ xin góp ý với bạn Ng. H trong một đoạn tiểu luận nhỏ để làm một hạt cát xây dựng lại mái nhà Phật giáo mà Thầy Thông Lạc ngày đêm miệt mài dựng lại những gì của đức Phật đã bị các Tổ ném bỏ. Mong bạn Ng. H thông hiểu cho. Nếu tôi có nói điều gì làm bạn không bằng lòng, xin bạn tha thứ và từ đây về sau xin được xem bạn và các bạn khác như là những người bạn thân. Bạn Ng. H đồng ý nhé! Diệu Quang có lời thăm và chúc bạn dồi dào sức khoẻ. Kính ghi Diệu Quang Tháng 5-2004 [1] Xin phép cư sĩ Nguyễn Hòa cho tôi được xem cư sĩ là một người bạn, để cùng nhau trao đổi những sự hiểu biết về Thầy Thông Lạc, những gì bạn chưa hiểu biết, tôi giúp bạn hiểu biết. Mong bạn vui lòng nhé! [2] Có thuyết cho rằng tuổi ông A Nan bằng tuổi Phật, thuyết này không đúng, vì một ông già 80 tuổi phục vụ hầu hạ cho một ông già 80 (Phật) (Lúc sắp Niết bàn Phật đau lưng, ông A nan trải tăng già lê cho Phật nằm hoặc đi xuống suối lấy nước cho Phật uống). https://facebook/thichthonglac
Posted on: Fri, 19 Jul 2013 03:14:09 +0000

Trending Topics




© 2015