Paul Scholes, không cao nhưng ai cũng phải ngước - TopicsExpress



          

Paul Scholes, không cao nhưng ai cũng phải ngước nhìn Suốt một đời chinh chiến cho đến khi giải nghệ cuối tuần qua, Scholes luôn lặng thầm cống hiến và dù chưa từng giành Quả bóng Vàng hay có dáng người thấp bé, anh vẫn xứng đáng là tượng đài vĩ đại của Man Utd Sẽ thật khó để tìm ra một bài phỏng vấn độc quyền nào về Paul Scholes, dù anh đã là một ngôi sao của Manchester United và tuyển Anh trong gần hai thập kỷ qua. Song lại quá dễ dàng để được nghe những lời có cánh của các ngôi sao bóng đá khác về danh thủ này, như Zinedine Zidane, Ronaldinho, Lionel Messi hay Cesc Fabregas.... Chính điều đó đã làm nên sự đặc biệt cho chàng “hoàng tử tóc đỏ hoe” (cách gọi trìu mến của người hâm mộ MU với Scholes) khi anh không bao giờ tự phát biểu về những chiến tích lẫy lừng của bản thân mà để những màn trình diễn trên sân cỏ tự lên tiếng. Tài năng trẻ nở muộn Được một chuyên gia săn lùng tài năng của sân Old Trafford phát hiện và kí hợp đồng khi mới 14 tuổi, Scholes được đánh giá là một tiền vệ trung tâm giàu triển vọng. Tuy không nằm trong thế hệ những Beckham, Nicky Butt, Neville hay Ryan Giggs vô địch cúp FA dành cho lứa trẻ năm 1992 song một năm sau đó, Scholes cũng được góp mặt trong trận chung kết giải này. Dù thất bại song cầu thủ sinh năm 1974 đã được trao chiếc áo số 22 và được ký hợp đồng chuyên nghiệp vào ngày 23/7/1993 trước khi chính thức ra mắt đội một vào ngày 21/9/1994. Trong trận đấu tại League Cup , anh đã ghi cả hai bàn giúp Quỷ đỏ vượt qua Port Vale với tỉ số 2-1. Mùa giải kết thúc ấn tượng với Scholes khi anh được ra sân 17 lần và ghi 5 bàn thắng. Song tới mùa 1995-96, anh mới thực sự bùng nổ khi đàn anh Eric Cantona bị treo giò vì cú kungfu nổi tiếng, còn Mark Hughes bị bán cho Chelsea. Được đôn lên làm tiền đạo trong hai tháng đầu mùa giải, Scholes có 14 lần lập công trên mọi mặt trận và giúp MU trở thành đội đầu tiên trong lịch sử hai lần có cú đúp vô địch quốc nội Premier League và FA Cup. Một năm sau, Scholes lại tiếp tục có mặt trên bục nhận huy chương vô địch Anh và cũng là thời điểm anh chuyển sang khoác áo số 18 – con số biến tên tuổi anh trở thành huyền thoại trong 15 năm sau đó. Người Manchester trầm lặng So với các bạn đồng trang lứa tại MU, Scholes có lẽ là cầu thủ kín tiếng nhất. Anh không đẹp trai rạng ngời như David Beckham, mang lối chơi lãng tử như Ryan Giggs, sôi nổi như Gary Neville. Nếu so với những đội trưởng có sẵn máu thủ lĩnh từ thời trẻ như Eric Cantona hay Roy Keane, Scholes càng tỏ ra lép vế. Anh luôn chỉ chăm chỉ tới sân tập hàng ngày và nhanh chóng ra về với vợ và các con sau khi hết giờ chứ không la cà các quán bar cùng đồng đội. Không thường xuyên trả lời phỏng vấn, không scandal, cuộc sống của Scholes có thể bị coi như nhạt nhẽo nếu so với những cầu thủ khác sống tại Anh – nơi tràn ngập những tụ điểm ăn chơi. Song đó là điều khiến người hâm mộ Quỷ đỏ cảm thấy yêu mến Scholes, bởi anh chỉ tập trung vào chuyên môn với trái bóng và luôn biết bùng nổ những lúc đội bóng cần mình nhất. Xét về các kỹ năng chuyền bóng lẫn nhãn quan chiến thuật hay ghi bàn, Scholes có lẽ là tiền vệ trung tâm toàn diện bậc nhất lịch sử Premier League. Là một bậc thầy trong việc chuyền bóng và kiểm soát trận đấu, Scholes còn thường xuyên ghi trung bình 15-20 bàn thời trẻ nhờ khả năng tung ra những cú sút xa trái phá. Chứng kiến những cú phất bóng xa chuẩn xác từng milimet hay các pha chọc khe dọn cỗ cho Solskjaer, Nistelrooy và rồi là Rooney ghi bàn mới thấy anh tài ba đến nhường nào, và càng đáng khâm phục hơn nếu biết Scholes mắc chứng suy giảm thị lực và hen suyễn. Huyền thoại Zidane từng khẳng định Scholes “là đối thủ tôi ngại đối đầu nhất”, còn nhạc trưởng Xavi của lối chơi tiki taka được suy tôn mạnh mẽ cũng phải thừa nhận rằng “Scholes là tiền vệ trung tâm xuất sắc nhất trong 20 năm qua.” Hai lần lên đỉnh Châu Âu của Manchester United dưới thời của Sir Alex Ferguson đều gắn liền với những đóng góp của tiền vệ có lối chơi xông xáo này. Lần đầu tiên diễn ra vào năm 1999, năm mà bất cứ khi nào nhắc tới, các cổ động viên bóng đá đều đề cập tới trận chung kết giữa MU với Bayern và cú lội ngược dòng thần kỳ vào những giây cuối cùng mà quên đi rằng nếu không có những đóng góp của Scholes, Sheringham và Solskjaer có lẽ chẳng thể nào được đi vào lịch sử. Ở trận bán kết trước đó với Juventus, Scholes cùng Keane đã cống hiến hết mình để giúp MU vượt qua "Bà đầm già" ngay tại Turin với tỉ số 3-2, song chính họ đã tước đi cơ hội dự trận chung kết của mình khi nhận đủ quota thẻ vàng. Trong đêm Nou Camp huyền thoại ấy, người ta mải chú ý vào những người hùng phút bù giờ và bỏ qua chàng trai tóc vàng hoe đứng lặng lẽ trong bộ vest xám với ánh mắt đượm buồm ... Roy Keane không bao giờ còn cơ hội góp mặt trong một trận chung kết Champion League nữa do đã từ giã sân Old Trafford từ năm 2005, song Scholes vẫn miệt mài ở lại và làm người cận vệ già cho những tài năng trẻ như Ronaldo, Rooney tỏa sáng. Cơ hội lại một lần nữa đến vào năm 2008 khi MU tiếp Barcelona của Messi trên sân nhà Old Trafford ở trận lượt về sau lượt đi hòa 0-0. Ngay từ phút thứ 15 của trận đấu, Scholes đã làm nổ tung cầu trường Nhà hát của những giấc mơ khi tung ra một cú rocket, không cho Valdes lấy một cơ hội cản phá. Trận đấu kết thúc với chiến thắng 1-0 và ngài Alex Ferguson đã hân hoan tuyên bố Scholes sẽ là cái tên đầu tiên ông điền vào đội hình đá trận chung kết tại Moscow bởi anh “xứng đáng với điều đó”. Trong trận chiến đêm mưa tại sân Luhzniki với chiến thắng dành cho MU sau loạt luân lưu định mệnh, sự quan tâm lại đổ dồn cho Ronaldo và Terry sau những cú đá trượt song lần này Scholes đã có thể yên tâm ăn mừng khi anh đã góp phần quan trọng trong trận chung kết. CĐV Man Utd luôn dành cho Scholes sự trìu mến và ngưỡng mộ. Ảnh: AP. Huyền thoại số 18 Tại Anh, có lẽ Scholes là cầu thủ hiếm hoi không cần có người đại diện bởi anh chỉ chú tâm tới chuyên môn và có tình yêu mãnh liệt dành cho MU. Khi được hỏi về lí do anh tự làm người đại diện cho chính mình mà không cần những “siêu cò” khác để thương lượng cho mức lương cao ngất, Scholes đã trả lời: “Tôi chỉ yêu bóng đá. Tại sao tôi lại phải quan tâm đến tiền nhỉ?”. Sự nghiệp của Scholes không phải là không có những điểm trừ, khi lối chơi năng nổ và vào bóng mạnh mẽ quá mức cần thiết đã khiến anh phải nhận 120 thẻ trong mọi giải đấu, trong đó có 10 lần bị đuổi khỏi sân. Ngôi sao này cũng từng khiến người hâm mộ Anh thất vọng khi từ giã đội tuyển quốc gia vào năm 2004 đế cống hiến cho MU, bất chấp nhiều lần được các HLV Fabio Capello hay Roy Hodgson mời quay trở lại. Từng một lần giải nghệ vào năm 2011 trước khi bất ngờ quay lại nửa năm sau đó để giúp đội nhà trong cuộc đua tới chức vô địch Premier League (thất bại trước Manchester City), giờ đây đã đến lúc Scholes giải nghệ vĩnh viễn. Trận đấu cuối tuần qua với West Brom (vào sân thay Shinji Kagawa phút 69) là lần cuối người ta được chứng kiến tiền vệ số 18 này thi đấu trong màu áo đỏ. Mang vóc dáng quá nhỏ nhắn so với chuẩn của một tiền vệ trung tâm tại giải đấu khốc liệt như Premier League (chỉ cao 1m71) song về tầm vóc sự nghiệp, anh xứng đáng được xem như một người khổng lồ. 11 Premier League, 2 Champion League, 3 cúp FA cùng nhiều danh hiệu nhỏ khác ... cùng việc suốt đời chỉ khoác áo một đội bóng, Scholes là minh chứng điển hình, giống những Totti, Maldini, Raul ... về việc bạn không cần một Quả bóng vàng để trở thành huyền thoại.
Posted on: Sat, 29 Jun 2013 04:49:50 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015