Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa Thứ Hai Tuần XIX - TopicsExpress



          

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa Thứ Hai Tuần XIX Thường Niên Năm Lẻ (12/08/2013) - (Mt 17, 22-27) Nguyên văn Bài Tin mừng: Khi thầy trò tụ họp ở miền Ga-li-lê, Đức Giê-su nói với các ông: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy.” Các môn đệ buồn phiền lắm. Khi thầy trò tới Ca-phác-na-um, thì những người thu thuế cho đền thờ đến hỏi ông Phê-rô: “Thầy các ông không nộp thuế sao?” Ông đáp: “Có chứ!” Ông về tới nhà, Đức Giê-su hỏi đón ông: “Anh Si-môn, anh nghĩ sao? Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế? Con cái mình hay người ngoài?” Ông Phê-rô đáp: “Thưa, người ngoài.” Đức Giê-su liền bảo: “Vậy thì con cái được miễn. Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh ra biển thả câu; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra: anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan; anh lấy đồng tiền ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh.” _________________________________ Phân tích và Chia sẻ Mở đầu Bài Tin mừng Kinh thánh viết: ______ Khi thầy trò tụ họp ở miền Ga-li-lê, Đức Giê-su nói với các ông: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy.” Các môn đệ buồn phiền lắm. Đoạn Tin mừng này tường thuật lại sự kiện Đức Giêsu tiên báo lần thứ hai về cuộc khổ nạn của Ngài. Câu chuyện trong Tin Mừng hôm nay xẩy ra vào khoảng tháng 10, năm thứ hai cuộc đời rao giảng của Đức Giêsu, tức ít lâu sau biến cố Đức Giêsu biến hình trên núi Tabor, Đức Giêsu và các môn đệ trở lại Capharnaum. Lần tiên báo thứ nhất về cuộc Khổ nạn của Đức Giêsu, được tường thuật trong Thánh sử Matthêu (Mt 16, 21-23), trong đó Đức Giêsu nói: “Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại”. Ông Phêrô đã can gián Ngài và bị quở trách nặng nề: "Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người." Lần tiên báo thứ hai này chỉ khác lần tiên báo trước một điểm nhỏ, đó là: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời...”. Nếu lần thứ nhất Đức Giêsu nói: Ngài sẽ bị các kỳ mục, thượng tế và kinh sư giết chết, thì lần thứ hai Đức Giêsu cho biết Ngài sẽ chết vì người đời, tức nó có tính chất chung hơn, ngoài kỳ mục, thượng tế, kinh sư còn có các thành phần khác nữa. Tại sao trong lần tiên báo thứ hai này các môn đệ lại “buồn phiền lắm”? Xin thưa, vì ở lần tiên báo thứ nhất, Phêrô có lên tiếng can ngăn thì đã bị Đức Giêsu quở trách nặng nề, do đó ở lần thứ hai này, không có ông nào dám lên tiếng. Như vậy, đứng trước sự kiện Thầy sẽ bị giết mà không ai dám nói, thì tất nhiên các ông sẽ lâm vào tâm trạng buồn bã cực độ, các ông chỉ còn biết thở dài não ruột. Thế nhưng, ta thấy có một điểm lạ, ở cả hai lần các môn đệ chỉ chú ý đến vế đầu của lời tiên báo, mà không chú ý đến vế thứ hai, đó là ngày thứ ba Đức Giêsu sẽ sống lại. Tức đau khổ phải đi trước rồi mới đến vinh quang, các ông chỉ chú ý đến cái chết của Đức Giêsu, có lẽ đây là cú sốc thật mạnh làm các ông choáng váng và không còn biết gì nữa, không còn để ý lời Ngài nói: Ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại, đây mới là niềm vui, niềm hân hoan cực độ. ___________________________ Kinh thánh viết tiếp: _______ Khi thầy trò tới Ca-phác-na-um, thì những người thu thuế cho đền thờ đến hỏi ông Phê-rô: “Thầy các ông không nộp thuế sao?” Ông đáp: “Có chứ!” Phần chính của Bài Tin mừng hôm nay bàn về việc: Đức Giêsu có bổn phận nộp thuế Đền thờ không? Trước khi đi vào việc phân tích, ta hãy biết qua về thuế Đền thờ của người Do Thái. Thuế Đền thờ: Theo Sách Xuất Hành (Xh 30:13) ấn định: - Tất cả các đàn ông Do Thái, 20 tuổi trở nên, kể cả những người sống ngoài lãnh thổ Palestina phải đóng góp vào thuế Đền Thờ mỗi năm ½ shekel (khoảng lương của 2 ngày làm việc) để trang trải cho các chi phí của Đền thờ. - Phương pháp trả tiền được ấn định như sau: Mỗi năm vào tháng Ba (Adar), người có trách nhiệm trong các làng mạc sẽ ra thông cáo cho biết thời gian phải trả thuế Đền Thờ đã đến và các quầy đóng thuế sẽ được đặt các nơi để thâu nhận thuế. Nếu ai không trả thuế trước ngày 25 của tháng này, họ sẽ phải lên Jerusalem để trả. Ca-phac-na-um là một thành miền Ga-li-lê, nhà của ông Phêrô rất gần Hội đường Ca-phác-na-um nên không lạ gì các người thu thuế Đền thờ đến hỏi ông: “Thầy các ông không nộp thuế sao?”. Họ hỏi ông như vậy nhằm mục đích gì? Tại sao lại phải hỏi vì đã có thông báo dán khắp nơi, ai cũng biết? Nếu không trả trước ngày 25 tháng này thì lên Giêrusalem trả, có gì phải gấp gáp. Xin thưa: Họ hỏi như vậy nhằm một trong hai lý do sau: (1) Có thể hỏi theo thói quen. (2) Họ hỏi để có cớ tố cáo Đức Giêsu nếu Ngài không chịu nộp thuế. Trước câu hỏi của họ, ông Phêrô cũng trả lời theo thói quen: “Có chứ!” Vì đóng thuế Đền thờ là nghĩa vụ của mỗi người, hàng năm ai cũng phải đóng, thiếu cái gì thì thiếu chứ không thiếu thuế Đền thờ, vì trong tâm thức của mỗi người Do Thái, họ đều ý thức mình là Dân riêng của Chúa. ________________________ Cuối cùng Kinh thánh viết: _______ Ông về tới nhà, Đức Giê-su hỏi đón ông: “Anh Si-môn, anh nghĩ sao? Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế? Con cái mình hay người ngoài?” Ông Phê-rô đáp: “Thưa, người ngoài.” Đức Giê-su liền bảo: “Vậy thì con cái được miễn. Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh ra biển thả câu; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra: anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan; anh lấy đồng tiền ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh.” Ta thấy có điều lạ, khi vừa về tới nhà, Đức Giêsu đã hỏi đón Phêrô về chuyện nộp thuế Đền thờ? Tức Đức Giêsu đã biết chuyện và vờ hỏi (hỏi đón). Tại sao Ngài biết được chuyện này khi các người thu thuế chỉ hỏi riêng Phêrô? Ta có thể lý giải một trong hai cách sau: (1) Có lẽ các người thu thuế cố ý nói to để cho Ngài nghe thấy. Nếu điều này đúng, thì họ đang cố tình xỉa xói Đức Giêsu. (2) Có thể Đức Giêsu là Thiên Chúa nên Ngài biết rõ mọi ý nghĩ thầm kín trong con người Phêrô. Đức Giêsu hỏi Phêrô: “Anh Si-môn, anh nghĩ sao? Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế? Con cái mình hay người ngoài?” Ông Phê-rô đáp: “Thưa, người ngoài.” Đức Giê-su liền bảo: “Vậy thì con cái được miễn.” Đây là câu chuyện riêng tư giữa Đức Giêsu và Phêrô, không liên quan gì đến các người thu thuế. Đức Giêsu muốn giải thích cho Phêrô hiểu “Ai là đối tượng phải nộp thuế Đền thờ”. Ngài hỏi ông bằng một ví dụ: “Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế? Con cái mình hay người ngoài?”. Dĩ nhiên Phêrô sẽ trả lời là: “Thưa, người ngoài.” Ông đã trả lời hoàn toàn đúng, có lẽ câu hỏi này quá dễ. Đức Giê-su liền bảo: “Vậy thì con cái được miễn.” Nhưng không hiểu sao Đức Giêsu không giải thích tiếp cho Phêrô, vì câu hỏi và câu trả lời chỉ là trường hợp Đức Giêsu đưa ra làm ví dụ, tức con cái của vua chúa không phải nộp thuế cho cha của mình, chúng được miễn bởi vì chúng không phải nộp thù lao hay phải làm tạp dịch, để được bố chúng xem chúng là con. Tương quan phụ tử phát sinh từ một sự nhưng không mà tương quan chủ tớ không hề có. Vấn đề đặt ra là Đức Giêsu có bổn phận nộp thuế Đền thờ không, ta không thấy Ngài nói đến. Có lẽ với câu hỏi và trả lời trên, Phêrô đã hiểu được vấn đề. Đức Giêsu không phải nộp thuế Đền thờ vì hai lý do sau đây: (1) Lý do thứ nhất: Thiên Chúa là Cha Ngài. (2) Lý do thứ hai: Đền thờ là nhà Cha Ngài. Nếu Phêrô trả lời: “Thưa, người ngoài”, tức con cái của vua chúa không phải nộp thuế cho vua chúa, thì Đức Giêsu không phải nộp thuế Đền thờ vì Đền thờ là nơi Cha Ngài ngự. ____________________________ Cuối cùng Kinh thánh viết: ________ Chúa Giêsu nói tiếp: “Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh ra biển thả câu; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra: anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan; anh lấy đồng tiền ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh.” Tại sao Đức Giêsu nói “Nhưng để khỏi làm gai mắt họ”? Ta có thể đưa ra các lý giải sau đây: (1) Lý giải thứ nhất: Thánh sử Matthêu viết Tin mừng thứ nhất vào thời điểm Do Thái Giáo đã khai trừ các Kitô hữu, tức ngài viết trong giai đoạn Giáo hội sơ khai. Như vậy, trong thời điểm ngài viết Tin mừng này, các Kitô hữu không còn nghĩa vụ phải nộp thuế Đền thờ nữa. Nhưng Matthêu vẫn phải viết: “Nhưng để khỏi làm gai mắt họ” để cho người Do Thái không có cớ cho rằng các Kitô hữu bỏ bổn phận mình trước, vì họ vẫn chu toàn luật lệ cha ông họ một cách đầy đủ. Các kitô hữu gốc Do Thái luôn tự do trong việc nộp thuế Đền thờ. Họ luôn chu toàn bổn phận nộp thuế để tránh gây hoang mang vô ích cho đồng bào mình, bởi vì nếu không nộp thuế thì họ sẽ khiến cho đám người kia có cảm tưởng họ đã ly khai khỏi dân Israel. (2) Lý giải thứ hai: Vì các người thu thuế đang cố tìm mọi kẽ hở trong việc không nộp thuế Đền thờ để bắt bẻ Đức Giêsu, như vậy, Ngài không muốn tạo dịp cho họ. Nhưng lý do quan trọng để Đức Giêsu nộp thuế Đền thờ, đó là: - Xét về Bản tính Thiên Chúa, Đức Giêsu không phải nộp thuế vì Thiên Chúa là Cha Ngài, nhưng xét về Bản tính Nhân loại, Đức Giêsu cũng như mọi người khác, có nghĩa vụ đối với Đền thờ Thiên Chúa. - Ngài muốn nêu gương cho Phêrô về nghĩa vụ đối với Thiên Chúa, vì Ngài đã từng tuyên bố, Ngài đến không phải để phá hủy lề luật, nhưng là để kiện toàn nó. Kết luận, Đức Giêsu hoàn toàn đồng ý với việc nộp thuế Đền thờ. “Anh ra biển thả câu; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra: anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan; anh lấy đồng tiền ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh” Ta thấy ở đây có một điều lạ: Tại sao với một việc cỏn con như vậy có đáng gì, sao Ngài không bảo Giuđa xuất quĩ mà nộp, cũng không bảo các phụ nữ đạo đức dâng cúng, nhưng Ngài đã làm phép lạ để các môn đệ tin vào quyền năng của Ngài. Đây có lẽ là phép lạ “lạ” nhất trong Tin mừng, vì Ngài làm phép lạ cho bản thân mình và cho môn đệ. Ta có thể gặp một số vấn đề cần phải giải quyết trong đoạn Tin mừng này: (1) Đức Giêsu không muốn dùng tiền quỹ hay tiền của người ta dâng cúng để nộp thuế, nhưng Ngài muốn dùng chính đồng tiền Phêrô lao động làm ra. Đó mới là tiền có giá trị, vì có sự đóng góp công lao của con người. Mặc dù Phêrô đã lấy tiền trong miệng con cá đầu tiên câu được, nhưng ông phải ra biển, phải câu mới có con cá ấy, tức ông phải lao động. (2) Tại sao con cá có đồng tiền quan lại là con cá câu trước nhất? Qua những vấn đề được đặt ra chúng ta thấy Chúa Giêsu đang tỏ lộ dần Thiên tính của Ngài. Ngài như biết trước vận mệnh, những điều xảy ra trong tương lai. Ngài chứng tỏ mình có khả năng trên mọi vật, mọi sự kiện. Tất cả như đang tiến hành theo kế hoạch của Ngài. Ngài là Đấng điều khiển dòng lịch sử này. Ngài là chủ thế giới muôn loài, là chủ lịch sử. (3) Tại sao Phêrô chỉ có bốn quan tiền ở con cá đầu tiên, tức chỉ giải quyết việc nộp thuế cho Đức Giêsu và ông, còn phần cho các môn đệ khác ở đâu không thấy nói đến? Thực ra, việc nộp thuế Đền thờ vẫn xảy ra hàng năm, chuyện nộp thuế do các môn đệ tự giải quyết và nộp luôn phần của Đức Giêsu, nên Ngài không hề bận tâm về điều này. Nhưng năm nay có điểm đặc biệt, các người thu thuế Đền thờ muốn nhân việc nộp thuế cho Đền thờ để tìm cách bắt bẻ Ngài. Đức Giêsu muốn giải quyết vấn đề riêng của mình và cho cả Phêrô, phần còn lại của các môn đệ khác, các ông sẽ tự lo liệu. (4) Có nhiều nhà chú giải cho rằng, Thánh sử Matthêu đã dùng kiểu nói bóng bảy để trình thuật sự kiện Đức Giêsu nộp thuế Đền thờ. Họ cho rằng: thực ra Đức Giêsu bảo ông Phêrô ra biển câu cá (câu cá là nghề của ông mà!), và sau môt ngày lao nhọc, ông sẽ kiếm đủ tiền nộp thuế cho Đền thờ. Cách lập luận này có điểm hay như sau: 1/. Việc kiếm bốn quan tiền để nộp thuế Đền thờ cho Đức Giêsu và cho cả Phêrô là một việc cỏn con, không xứng để làm phép lạ, và việc ấy hoàn toàn trong tầm tay của Phêrô. Điều này hoàn toàn đúng, vì phép lạ chỉ xảy ra khi điều đó vượt quá khả năng của con người, nhưng ở đây vẫn nằm trong tầm tay của con người, nên không được coi nó là phép lạ. 2/. Việc Phêrô lao động vất vả, câu cá sau đó đem đi bán, thì đồng tiền nộp thuế kia mới có ý nghĩa, vì nó do chính con người lao động mà có. Ta có thể chấp nhận quan điểm này. _________________________ Ðức Giêsu chính là Con Thiên Chúa. Ngài là chủ Đền thờ. Lẽ ra Ðức Giêsu không phải nộp thuế cho Đền thờ. Nhưng việc Ðức Giêsu nộp thuế chứng tỏ Ðức Giêsu chu toàn lề luật, sống khiêm nhường như mọi người Do Thái bình thường. Còn chúng ta ngày nay thì sao? Ở các nước Tây phương và trong Giáo luật có quy định nghĩa vụ của mỗi tín hữu trong việc đóng góp phần của mình vào việc chung. Ở các nước Tây phương, có thứ thuế dành cho người Công giáo, đó là nghĩa vụ của họ cho Nhà Chúa. Riêng ở Việt Nam, không thấy nói đến thứ thuế này. Thật ra đóng góp vào việc chung của Giáo Hội là một bổn phận công bằng, vì ta được hưởng những ơn ích của Giáo Hội thì ta cũng phải góp phần vào đấy. Nhà thờ cũng cần phải có tiền để trang trải cho mọi chi phí, mọi tốn kém. Những đồng tiền đó sẽ đến từ việc đóng góp của mỗi tín hữu, nó sẽ là tiền lắc giỏ trong nhà thờ mỗi khi ta tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật, nó sẽ là tiền hưởng ứng, mỗi lần Nhà thờ vận động cho việc chung,... Ta đừng nghĩ khi đóng góp như vậy, ta đang làm từ thiện. Không, không phải, nhưng đó là sự công bằng, và cao hơn nữa đó là lòng nhiệt thành của ta đối với Nhà Chúa. Vì chính lòng nhiệt thành Nhà Chúa nung nấu ta, biến đổi ta thành con người mới, một con người quảng đại mở rộng lòng ra đối với Giáo hội. Amen. _______________ Tác giả: Nguyễn Viết Tâm
Posted on: Sun, 11 Aug 2013 22:37:04 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015