THẾ KỶ XXI, TRẬT TỰ THẾ GIỚI, VÀ SIÊU CƯỜNG HOA - TopicsExpress



          

THẾ KỶ XXI, TRẬT TỰ THẾ GIỚI, VÀ SIÊU CƯỜNG HOA KỲ Trong bối cảnh Vùng Trung Đông Nới Rộng, các cuộc tấn công cùng lúc vào Libya và Somalia trong tháng 10-2013 — nhằm các thành viên al-Qaeda và một nhân vật nòng cốt của phong trào Hồi giáo al-Shabab đang lẫn tránh — không phải là dấu hiệu của quyền lực đáng sợ của Hoa Kỳ mà là hai biệt lệ nhỏ của một định luật đang manh nha. Nói rõ hơn, ảnh hưởng và khả năng định hình các biến cố của Hoa Kỳ trong trật tự thế giới mới, đặc biệt là trong Vùng Trung Đông Nới Rộng, đang ngày một suy sụp. Mười hai năm sau ngày Hoa Kỳ xâm chiếm Afghanistan nhằm lật độ phe Taliban và một thập kỷ sau cuộc xâm lăng vào Iraq — cả hai đã được thiết kế để củng cố và bành trướng ảnh hưởng trong khu vực qua việc loại bỏ các đối thủ — tư thế thực tế của Hoa Thịnh Đốn từ xứ nầy qua xứ khác, kể cả các đồng minh then chốt trong khu vực, chưa bao giờ yếu kém hơn. Mặc dù Tổng Thống Obama hầu như có thể gửi các lực lượng Hành Quân Đặc Nhiệm đến bất cứ nơi nào, và mặc dù tổng thống có thể tùy nghi tấn công ám sát các mục tiêu lựa chọn qua việc sử dụng các phi cơ không người lái Predator và Reaper, tổng thống đã trở thành một nhân vật chẳng mấy có uy tín trong vùng Trung Đông Nới Rộng. Không những không ai kính nể Hoa Kỳ, mà cũng chẳng có ai sợ hải hay quan tâm. NGUYÊN DO MẤT UY TÍN Có nhiều lý do tại sao bá quyền trước đây của Hoa Kỳ trong vùng Trung Đông Nới Rộng đã suy sụp nhanh chóng. Các cuộc xâm lăng Afghanistan và Iraq đã gây ra tai họa chống Mỹ bởi dân thường cũng như giới thượng lưu bản xứ. Khủng hoảng kinh tế 2008 đã thuyết phục nhiều người: Hoa Kỳ không còn có đủ tài nguyên cần thiết để duy trì sự hiện diện mang tính đế quốc. Mùa Xuân Á Rập, dù khi lên lúc xuống, đã gây nhiều bất trắc lớn lao và thách thức các nguyên trạng bất cứ ở đâu, cùng lúc đã tăng cường các lực lượng chính trị không sẵn sàng tuân thủ các chính sách của Hoa Thịnh Đốn. Ngoài ra, các quốc gia tiêu thụ dầu khí như Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã thắt chặt quan hệ với các xứ cung cấp năng lượng, kể cả Saudi Arabia, Iran, và Iraq. Hậu quả: vùng Trung Đông Nới Rộng ngày một nhanh chóng tách khỏi ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Hai đồng minh khắng khít nhất, Do Thái và Saudi Arabia, ngày một hờn dổi, đối nghịch, hay từ chối tuân theo các khuyến cáo của Obama, thậm chí còn công khai chống đối các chính sách của Mỹ. Iraq và Afghanistan, một trước đây đã từng bị chiếm đóng và một với các lực lượng quân sự Mỹ sắp triệt thoái, lãnh đạo bởi Thủ Tướng Nouri al-Maliki, thuộc phái Shiite liên kết chặt chẻ với Iran, và Tổng Thống Hamid Karzai, một lãnh đạo tham nhũng, đồng bóng, thỉnh thoảng hăm dọa sẽ đi theo phe Taliban. Ở Ai Cập, ba chế độ kế tiếp, do Tổng Thống độc tài Hosni Mubarak, Mohammad Morsi thuộc phe Huynh Đệ Hồi Giáo, và các tù trưởng thũ lãnh cuộc đảo chánh quân sự trong tháng 7-2013, đều dửng dưng coi thường ý muốn của Hoa Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ, rõ ràng là một đồng minh của NATO nhưng lại do một tín đồ Hồi Giáo kỳ quặc lãnh đạo, bất bình với chính sách bất nhất ở Syria và đã gây sốc cho Hoa Kỳ với quyết định mua hệ thống tên lửa tự vệ, không phải của NATO mà từ Trung Quốc. Libya, Somalia, và Yemen luôn xáo trộn, thậm chí không có được ngay cả một chính quyền. Cả ba quốc gia đang rơi vào tay một tập hợp hỗn tạp các nhóm võ trang, hầu hết đều chống đối Hoa Kỳ. Vòng xoáy trôn ốc suy sụp đã khá rõ rệt. Trong một bài nói chuyện gần đây trước Hội Đồng Quan Hệ Hoa Kỳ-Á Rập, Chas Freeman, nguyên đại sứ Hoa Kỳ ở Saudi Arabia, đã mô tả tình trạng với vài chi tiết. Freeman là người đã được Obama chọn làm chủ tịch Hội Đồng Tình Báo Quốc Gia trong năm 2009 nhưng đã bị Tổ Chức Vận Động Hành Lang Do Thái phá hỏng. Freeman đã đưa ra nhận xét: “Chúng ta đã đánh mất khả năng lãnh đạo tinh thần và kiểm soát thực tế trong nhiều tình cảnh diễn ra trong những xứ nói trên. Chúng ta phải xác nhận thực tế là chúng ta không còn, hay có thể, mong mỏi duy trì ảnh hưởng trước đây trong khu vực.”[1] Trong một bài xã luận ngày 29-10-2013, tờ New York Times đã kết luận một cách buồn thảm: “Không phải hàng ngày Hoa Kỳ đang phải đối diện với sự công khai nổi loạn từ phía các đồng minh, tuy vậy, đó chính là điều đang xẩy ra với Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, và Do Thái.”[2] Và trong câu chuyện về các cuộc thảo luận nội bộ của chính quyền đăng ở trang đầu, Mark Landler của báo Times đã tường trình, trong mùa hè, tòa Bạch Ốc đã quyết định giảm thiểu vai trò của mình ở Trung Đông vì lẽ nhiều đối tượng “nằm ngoài tầm với,” (lie outside [its] reach), và vì vậy, đã phải chấp nhận một “chiến lược khiêm tốn hơn” trong khu vực. Có lẽ điều oái oăm và mai mỉa sâu đậm nhất trong tình trạng khó khăn hiện nay ở Hoa Thịnh Đốn: Iran, tâm địa chấn chống chủ nghĩa Hoa Kỳ (anti-Americanism) trong khu vực, là nơi có lẽ Hoa Kỳ đang có cơ hội cuối cùng để cứu rỗi đia vị của mình. Nếu Hoa Thịnh Đốn và Tehran có thể thương thảo thành công một thỏa ước giảm thiểu căng thẳng trong quan hệ — và đó là một chữ nếu lớn lao nếu chúng ta ghi nhớ quyền lực của phe diều hâu trong chính trị quốc nội trong cả hai quốc gia — một thỏa ước như thế có thể là một bước khá dài hướng đến ổn định hóa tính khả tín của Hoa Thịnh Đốn trong khu vực. TAI HỌA LỚN LAO Ở SYRIA Thử thăm dò và thẩm định tính vô hiệu quả và thiếu trách nhiệm ở Trung Đông của Hoa Kỳ, bắt đầu với trường hợp Syria. Chính ở đây, nơi phong trào tìm cách truất phế Tổng Thống Bashar al-Assad đã biến thái thành một cuộc nội chiến, Hoa kỳ đã chứng tỏ hoàn toàn bất lực trong việc định hình các biến cố. Trở lại mùa hè 2011 — khi cuộc xung đột khởi đầu — Obama đã đòi hỏi Assad phải từ nhiệm. Lúc đó chỉ có một vấn đề: ngoại trừ một cuộc xâm lăng kiểu-xâm-lăng-Iraq, Obama đã không có cách nào khác để thực hiện mục tiêu. Assad đã nhanh chóng lật tẩy Obama, leo thang xung đột, và vận dụng hậu thuẩn của Liên Bang Nga và Iran. Lời kêu gọi Assad từ chức chỉ đổ thêm dầu vào lửa qua tác động thuyết phục các nhóm dấy loạn ở Syria là Hoa Kỳ sẽ hậu thuẩn họ. Một năm sau, Obama lại kẻ một làn ranh đỏ trên cát, gợi ý bất cứ một hành động sử dụng vũ khí hóa học nào của lực lượng Syria cũng sẽ thúc đẩy một phản ứng quân sự sớm sủa của Hoa Kỳ. Một lần nữa, Assad lại không quan tâm, và rồi hàng trăm thường dân đã phải thiệt mạng vì hơi độc qua những đợt sử dụng vũ khí hóa học. Tai họa lớn nhất trong chính sách Syria của Obama đã đến khi Tổng Thống đe dọa một cuộc tấn công hủy hoại các cơ sở quân sự của Assad, sử dụng các tên lửa tầm xa Tomahawk và nhiều vũ khí khác. Thay vì thiết kế một liên minh các quốc gia tự nguyện kiểu George W. Bush với hậu thuẩn quốc nội, Obama đã phải chứng kiến hàng ngũ các đồng minh rệu rã, kể cả một Anh Quốc thường đáng tin cậy và Liên Đoàn Á Rập. Bên trong quốc nội, hậu thuẩn chính trị cũng tan biến.Các cuộc thăm dò công luận đã cho thấy đa số áp đảo dân Mỹ đều chống đối một cuộc chiến hay tấn công vào Syria. Trong tuyệt vọng, khi tổng thống kêu gọi Quốc Hội thông qua một nghị quyết cho phép sử dụng quân lực trừng phạt Syria, Tòa Bạch Ốc đã phải ngạc nhiên khi Quốc Hội, thường khi thông qua các đề nghị tương tự một cách chiếu lệ, giờ đây lại không sẵn sàng hành động. Bị tê liệt và đang do dự giữa quyết định từ bỏ hay ra lệnh tấn công Syria, Obama đã được cứu nguy trong nhục nhã bởi Liên Bang Nga, đồng minh chính yếu của Syria, với đề nghị tháo gở và phá hủy kho vũ khí hóa học của xứ nầy. Như để xát muối vào vết thương, khi vội vã tổ chức một hội nghị hòa bình ở Geneva (đã bị trì hoản từ lâu) nhằm thương thảo một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến, Bộ Trưởng Ngoại Giao John Kerry đã phải đối đầu với một nghịch lý đáng buồn: trong khi chính quyền Syria đã đồng ý tham dự cuộc họp mặt ở Geneva, do Liên Bang Nga bảo trợ, các đồng minh của Hoa Kỳ — các nhóm dấy loạn chống lại Assad — lại ngang nhiên từ chối. TRÒ ĐÙA AI CẬP Chúng ta cũng không nên vội nghĩ: tính vô hiệu của Hoa Thịnh Đốn sẽ dừng lại với thất bại đang tiếp diễn ở Syria. Ngay bên cạnh, một xứ chính quyền đã do chính Hoa Kỳ dựng lên tiếp theo sau cuộc xâm lăng 2003, Obama rõ ràng cũng đã thất bại trong nổ lực thuyết phục người Iraq cho phép để lại phía sau một đội quân nhỏ sau khi triệt thoái vào năm 2011. Từ đó, Iraq cũng đã thay đổi lập trường, bước vào quỹ đạo Iran, và hầu như đã đoạn tuyệt với chính sách Syria của Hoa Thịnh Đốn. Kể từ khi cuộc nội chiến Syria bắt đầu, Iraq, do phái Shiite lãnh đạo, cùng với một Iran Shiite, đã hậu thuẩn cho Assad dưới sự lãnh đạo của phe thiểu số Alawite, một chi nhánh của giáo phái Shia. Theo tin tức báo chí, du kích quân Shiite thân Assad ở Iraq đã đến Syria, với sự hậu thuẩn, ít ra là âm thầm, của chính quyền Iraq. Làm lơ trước các thỉnh cầu của Hoa Thịnh Đốn, Iraq cũng đã cho phép Iran thiết kế một cầu không vận theo kiểu-Berlin-Airlift để tái tiếp vận các lực lượng Syria qua không phận Iraq. Trong tháng 10-2013, nhân dịp xuất hiện trước Hội Đồng Các Quan Hệ Đối Ngoại ở New York trong phiên họp của Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc, Bộ Trưởng Ngoại Giao Iraq, Hoshyar Zebari, đã cảnh cáo Obama một cách thiếu ngoại giao: chính quyền Iraq chống lại quyết định mật — từ tháng 4 và chỉ được công bố trong mùa hè vừa qua — của tổng thống Hoa Kỳ cung cấp vũ khí cho các nhóm dấy loạn Syria. Zebari tuyên bố: “Chúng tôi chống đối cung cấp viện trợ quân sự cho bất cứ các phe nhóm dấy loạn nào ở Syria.”[3] Trong lúc đó, với chính sách Ai Cập, chính quyền Obama cũng đã đặc biệt thiếu may mắn. Trong một hành động hiếm hoi, Hoa thịnh đốn đã làm mếch lòng và đánh mất thiện cảm của mọi phe nhóm trong một xứ sở chính trị đã sẵn phân hóa. Tháng 7-2013, khi giới quân sự lật đổ Tổng Thống Mohammad Morsi và mạnh tay đàn áp phong trào Huynh Đệ Hồi Giáo, chính quyền Obama đã tỏ ra lố lăng trước mắt người dân Ai Cập, và ngay cả đối với phần còn lại của Trung Đông, khi từ chối xem những gì đã xẩy ra như một cuộc đảo chánh, bởi lẽ theo luật pháp Hoa Kỳ sự kiện đó đã có thể có nghĩa phải ngưng viện trợ cho quân đội Ai Cập. Tuy nhiên, như đã xẩy ra, viện trợ Mỹ không mấy quan trọng trong các tính toán của giới lãnh đạo quân sự Ai Cập. Lý do khá đơn giản: Saudi Arabia và các xứ Á Rập trong vùng Vịnh Ba Tư, các đối thủ chua cay của chính quyền Morsi, đã hoan nghênh cuộc đảo chánh và đã rót vào ngân khố gần như trống rỗng của Ai Cập ít ra khoảng 12 tỉ mỹ kim. Cuối cùng, chẳng làm ai hài lòng, chính quyền Obama cũng đã phải cố gắng phân biệt trong phương cách đáp ứng: tuyên bố có thể ngưng chuyển giao vài loại trang bị quân sự lớn như vài trực thăng tấn công Apache, các tên lửa Harpoon, các bộ phận rời của xe bọc thép M1-A1, và các chiến đấu cơ F-16; nhưng vẫn tiếp tục cung cấp các loại viện trợ quân sự khác, kể cả viện trợ chống khủng bố và bán các trang bị cần thiết cho biên phòng. Một quyết định hàng hai và nửa vời như thế càng làm nổi bật tình trạng thiếu ảnh hưởng đối với Cairo. Cùng lúc, cũng đã có nhiều tường trình các lãnh đạo mới ở Ai Cập có thể ngang nhiên chuyển hướng mua vũ khí từ Liên Bang Nga, trái với ước muốn của một Hoa Thịnh Đốn kinh ngạc. BẤT BÌNH VỚI SAUDI ARABIA VÀ DO THÁI Tuy nhiên, sự từ bỏ liên minh thân Mỹ ở Trung Đông đáng ngạc nhiên nhất lại đến từ Saudi Arabia. Lối ứng xử thất thường của vương quốc Saudi một phần có lẽ đã bắt nguồn từ một trình độ thức tỉnh ngày một gia tăng trong hàng ngũ các hoàng thân cực kỳ bảo thủ, gian tham, những thành phần đang phải đối diện với một tương lai ngày một bất trắc. Tác phẩm mới của Christopher Davidson — After the Sheikhs: The Coming Collapse of the Gulf Monarchies (Sau Các Tộc Trưởng: Sự Sụp Đổ Của Các Vương Quốc Vùng Vịnh) — mô phỏng các áp lực ngày một lớn lao trong xứ nầy. Theo Davidson, một nguyên nhân quan trọng của bất ổn định là sự “hiện diện của các căn cứ quân sự quan trọng của Tây phương trên bán đảo Á Rập, [được xem như] một lăng nhục đối với Hồi Giáo và chủ quyền quốc gia.”[4] Trong nhiều thập kỷ, một sự hiện diện như thế của Hoa Kỳ trong khu vực đã đem lại một hình thức bảo đảm an ninh cho hoàng gia Saudi, biến xứ nầy hầu như thành một lãnh thổ bảo hộ của Hoa Kỳ. Ngày nay, giữa những xáo trộn tiếp theo cuộc chiến Iraq, Mùa Xuân Á Rập, và sự trỗi dậy của một Iran tự khẳng định, Saudi Arabia không chắc nên nghiêng về phía nào, và đã phải tự hỏi: Hoa Kỳ là bạn hay thù? Từ năm 2003, chính quyền Saudi ngày một chán ngán với chính sách của Hoa Kỳ. Riyadh, cường quốc Sunni chính yếu trong khu vực, đã sống với nguy cơ có thể “bị nhồi máu cơ tim” khi Hoa Kỳ lật đổ lãnh tụ Sunni Iraq, Saddam Hussein, mở cửa cho Iran gia tăng nhanh chóng ảnh hưởng của mình ở Baghdad. Năm 2011, hoàng gia Saudi đã cay cú chỉ trích Hoa Thịnh Đốn đã không dốc lòng ngăn ngừa sự sụp đổ của chính quyền bảo thủ và thân Saudi — Tổng Thống Mubarak ở Ai Cập. Hiện nay, người Saudi đang sẵn sàng hoàn toàn ly khai khỏi các chính sách của Hoa Thịnh Đốn đối với Syria và Iran. Như quốc gia hậu thuẩn các nhóm dấy loạn ở Syria, họ sửng sốt khi Obama từ chối oanh tạc các cơ sở quân sự chung quanh Damascus. Vì lẽ Saudi Arabia luôn xem Iran qua lăng kính đấu tranh Sunni-Shiite nhằm khống chế toàn khu vực, họ không kém kinh ngạc bởi sự khả dĩ hình thành một thỏa ước giữa Hoa Kỳ và Iran qua các cuộc thương thảo vừa được nối lại về chương trình nguyên tử Iran. Để biểu lộ sự bất bình của mình, bộ trưởng quốc phòng Saudi đã gây sốc cho đại diện các quốc gia thành viên khi đột ngột hủy bỏ bài phát biểu trước Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc trong tháng 9 vừa qua. Kế đó, như xát muối vào vết thương, Saudi Arabia cũng đã từ chối tư cách thành viên Hội Đồng Bảo An, một chiếc ghế đầy uy tín Saudi trước đó đã tích cực vận động trong một thời gian khá dài. Phóng viên hảng Reuters tường trình: “Lo ngại trước các chính sách của Tổng Thống Barack Obama đối với Iran và Syria, các thành viên trong hoàng gia Saudi Arabia đang đe dọa một rạn nứt với Hoa Kỳ, có thể đẩy quan hệ đồng minh giữa Hoa Thịnh Đốn và vương quốc xuống mức thấp nhất sau nhiều năm.”[5] Các hảng thông tấn cũng đã trích dẫn lãnh đạo ngành tình báo Saudi Arabia, Thái Tử Bandar bin Sultan, người đã cho biết xứ sở của ông đã sẵn sàng thể hiện một dịch chuyển quan trọng trong quan hệ với Hoa Kỳ. Người cầm đầu ngành tình báo trước đây, Thái Tử Turki al-Faisal, cũng đã tấn công chính sách Syria của Hoa Kỳ như sau: “Trò chơi chữ hiện nay về kiểm soát quốc tế đối với kho vũ khí hóa học của Bashar có thể khá buồn cười nếu không muốn nói xảo trá bội bạc. [Nó được] thiết kế không những để đem lại cho Obama một cơ hội rút lại lời đe dọa [tấn công quân sự], nhưng cũng để giúp Assad tàn sát dân của ông ta.”[6] Đây là điều gây sốc phát xuất từ đồng minh số hai đáng tin cậy trong khu vực. Riêng đối với đồng minh số một, Thủ tướng Do Thái, Benjamin Netanyahu, rõ ràng đã quyết định từ bỏ vai trò một đối tác khắng khít và luôn hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ trong khu vực, và là người đã thực sự gây nhiều khó khăn rắc rối cho Obama trong mọi tình huống hiện nay. Kể từ năm 2009, Netanyahu luôn hân hoan thách thức tổng thống Hoa Kỳ, bắt đầu với việc từ chối đóng băng chương trình xây các khu định cư trong vùng chiếm đóng ở Bờ Tây, như Obama đã đặc biệt yêu cầu ngay từ lúc khởi đầu nhiệm kỳ một. Trong lúc đó, hầu hết thế giới đã dành nửa thập kỷ vừa qua khuyến khích Hoa Kỳ thực thi ý định tấn công vào các cơ sở quân sự của Iran như đã nhiều lần đe dọa. Kể từ khi Hassan Rouhani đắc cử tổng thống Iran và tỏ rõ ý định tái định hướng chính sách đối ngoại, nhằm thành đạt một thỏa ước với các cường quốc Tây phương về chương trình hạt nhân, các lời tuyên bố của Do Thái lúc một trở nên cay chua. Chẳng hạn, trong một bài nói chuyện trước Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc, Neyantahu đã đưa ra nhiều tuyên bố cực đoan — luận điệu: Do Thái đang “bị thách thức bởi một Iran được trang bị vũ khí nguyên tử, đang tìm cách tiêu diệt chúng tôi.”[7] Trong khi thực tế đã chứng tỏ Iran không sở hữu vũ khí nguyên tử, không hề làm giàu uranium lên trình độ vũ khí, và có lẽ chưa nắm vững cả kỹ thuật sản xuất loại bom nầy. Theo các phúc trình tình báo của Hoa Kỳ, Iran vẫn chưa quân sự hóa chương trình nghiên cứu hạt nhân. Bài nói chuyện của Netanyahu chứa đựng toàn những lời lẽ cường điệu khiến các quan sát viên phải kết luận: Do Thái đang tự cô lập hóa đối với phần còn lại của thế giới. Theo Gary Sick, một quan chức cao cấp trước đây trong chính quyền Carter và cũng là một chuyên gia về Iran, Netanyahu “đã quá âu lo để tiêu cực hóa tối đa mọi sự đến độ ông ta đã thực sự vượt quá giới hạn khả tín. Ông ta đã tự hãm hại bởi những lời lẽ cực đoan.”[8] IRAN: MỘT ĐÈN HIỆU HY VỌNG ĐỐI VỚI OBAMA Cả Do Thái lẫn Saudi Arabia đều âu lo cán cân quyền lực ở Trung Đông có thể bất lợi cho cả hai, nếu Hoa Kỳ và Iran có thể thành đạt một thỏa hiệp. Tìm cách thọc gậy bánh xe đối với cuộc đối thoại giữa Iran, Hoa Kỳ, và nhóm đại cường P5+1 (năm hội viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc và Đức Quốc), Do Thái đã đưa ra một chuổi các đòi hỏi vượt quá những gì Iran có thể chấp nhận, hay các quốc gia khác có thể đồng tình. Trước khi ủng hộ xóa bỏ các chế tài kinh tế quốc tế đối với Iran, Do Thái muốn Iran phải ngưng mọi nỗ lực làm giàu uranium, đóng cửa các cơ sở hạt nhân, không xúc tiến các máy ly tâm làm giàu uranium, từ bỏ nhà máy nước nặng đang xây cất để sản xuất plutonium, đóng cửa vĩnh viễn các cơ sở được tăng cường dưới mặt đất ở Fordo, và chuyên chở số uranium đã làm giàu ra khỏi xứ. Ngược lại, nhiều người tin: Hoa Kỳ sẵn sàng cho phép Iran tiếp tục làm giàu uranium, duy trì một vài cơ sở hiện hữu, và giữ lại một số dự trữ uranium đã được làm giàu làm nhiên liệu, dưới sự thanh tra khắt khe và chặt chẽ bởi Cơ Quan Năng Lượng Hạt Nhân Quốc Tế — IAEA. Một sự thật oái oăm và mai mỉa, một hiệp ước thân thiện Hoa Kỳ-Iran (a US-IRAN entente) có thể đưa đến một sự xuống thang từng bước trong sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ trong vùng Vịnh Ba Tư, kể cả các lực lượng hải quân khổng lồ, các căn cứ quân sự, và nhiều cơ sở khác ở Qatar, Bahrain, và Kuwait. Ngay cả một sự kiện có thể quan niệm khác là Iran có thể được thuyết phục tham gia, bên cạnh các cường quốc cấp vùng và toàn cầu, tìm kiếm một thỏa ước công bằng và dài lâu giữa Do Thái và Palestine. Hoa Kỳ và Iran cùng có một số quyền lợi chung, kể cả chống khủng bố kiểu al-Qaeda và bài trừ tệ nạn buôn lậu nha phiến. Đã hẳn, đạt được một thỏa hiệp như thế là điều cực kỳ khó khăn, ngay cả khi không có lý do nào khác hơn là các thành phần ngoan cố trong cả hai xứ quyết tâm ngăn ngừa một thỏa hiệp như thế. Hiện nay, thử tưởng tượng chính quyền Obama như một đội xiếc đang giữ một tá các đĩa xoay tròn trên đỉnh các cây sào rung chuyển. Ngay vào thời điểm nầy trong vùng Trung Đông, các đĩa đang nghiêng ngã theo nhiều chiều hướng. Vẫn còn thời gian để ngăn ngừa các đĩa đó rơi xuống mặt sàn và vỡ vụn, nhưng cũng cần có một nỗ lực lảo luyện và trải nghiệm từ Tòa Bạch Ốc — nhưng thật khó lòng tìm được một diễn viên siêu việt và thích ứng. Khi Barack Obama tuyên thệ nhận chức tổng thống trong nhiệm kỳ đầu, trời cao là giới hạn trong vùng Trung Đông Nới Rộng. Xét cho cùng, Hoa Kỳ lúc đó hình như đã rơi xuống tận đáy vực sâu. Tổng Thống Bush đã đưa toàn vùng vào biển lửa, với sự thất bại điên cuồng ở Iraq, một cuộc chiến bất phân thắng bại ở Afghanistan, và cuộc chiến phi cơ không người lái cở nhỏ ở Pakistan… Tổng thống ra đi, George W. Bush, không còn được quần chúng ưa thích, và thật sự khó lòng tưởng tượng những gì chính quyền mới thể hiện có thể khiến cho tình hình tồi tệ hơn. Gần năm năm sau, chính quyền Obama đã hẳn đang ước mong có một phát minh khoa học — a time machine — có thể giúp Hoa Kỳ trở lại những năm tháng dưới thời Bush khi Iraq đang rối loạn vì nội chiến, cuộc xung đột ở Afghanistan phần lớn như đang chìm trong quên lãng, Ai Cập và Tunisia dưới nanh vuốt của các lãnh tụ chuyên quyền được Hoa Thịnh Đốn hậu thuẩn, Syria và Libya kiểm soát bởi các tên độc tài bị ghét bỏ nhưng còn ổn định. Mặc dù tình trạng lúc đó, chẳng mấy khác một địa ngục đẩm máu, cũng có thể được xem như những tháng ngày thanh bình êm ả đối với chính quyền Obama hiện nay, khi hàng ngũ an ninh quốc gia hình như đang bằng lòng với những bước đi khập khiểng trong suốt thời gian còn lại trong nhiệm kỳ hai của tổng thống, với hy vọng sẽ không vấp váp, loạng choạng, hay vô tình sa vào một tai họa mới trong chính sách đối ngoại trong khu vực. Thực vậy, chính quyền Obama hiện đang lênh đênh trôi giạt trong vùng Trung Đông Nới Rộng, đối đầu với nhiều chính quyền ngoài khả năng kiểm soát, ép buộc, hay tán tỉnh… của Hoa Thịnh Đốn. Quốc gia duy nhất trong vùng tương đương với thời tiền-Obama là Iraq, nơi bạo động đã tăng lên mức cao nhất trong nửa thập kỷ, các vụ nổ bom cảm tử, các vụ ám sát, bắt cóc … đã lên tới mức tương đương với kỷ nguyên George W. Bush. Một thực trạng đáng buồn đối với nhân loại nói chung, và nhân dân Hoa Kỳ nói riêng! 10-11-2013 ——————————————————————————– [1] We have lost intellectual command and practical control of the many situations unfolding there. We must acknowledge the reality that we no longer have or can expect to have the clout we once did in the region. [2] It is not every day that America finds itself facing open rebellion from its allies, yet that is what is happening with Saudi Arabia, Turkey, and Israel. [3] We oppose providing military assistance to any [Syrian] rebel groups. [4] …the existence of substantial Western military bases on the Arabian Peninsula, [which are considered] an affront to Islam and to national sovereignty. [5] …Upset at President Barack Obama’s policieson Iran and Syria,members of Saudi Arabia’s ruling family are threatening a rift with the United States that could take the alliance between Washington and the kingdom to its lowest point in years. [6] The current charade of international control over Bashar’s chemical arsenal would be funny if it were not so blatantly perfidious. [It is] designed not only to give Mr. Obama an opportunity to back down [from military strikes], but also to help Assad to butcher his people. [7] …challenged by a nuclear-armed Iran that seeks our destruction. [8] [Netanyahu] was so anxious to make everything look as negative as possible he actually pushed the limits of credibility. He did himself harm by his exaggerations.
Posted on: Fri, 22 Nov 2013 12:35:59 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015