TIẾT 1: HỘI LONG HOA LÀ GÌ ? Càn Khôn Vũ trụ đang - TopicsExpress



          

TIẾT 1: HỘI LONG HOA LÀ GÌ ? Càn Khôn Vũ trụ đang tiến hóa, vạn vật đang tiến hóa, và sự tiến hóa sẽ mãi mãi tiếp diễn không ngừng. Con đường tiến hóa thì vô tận, nhưng được chia ra làm nhiều chặng đường, nhiều giai đoạn, tương ứng với những thời kỳ mở Đạo để dạy dỗ nhơn sanh tiến hóa. Sau một giai đoạn tiến hóa thì Đức Chí Tôn mở ra một cuộc thi để phán xét trình độ đạo đức của nhơn sanh mà thưởng hay phạt. Từ trước tới nay, Đức Chí Tôn đã mở ra ba thời kỳ phổ độ nhơn sanh: Nhứt Kỳ Phổ Độ, Nhị Kỳ Phổ Độ và hiện nay là Tam Kỳ Phổ Độ. Sau mỗi thời kỳ phổ độ, Đức Chí Tôn mở ra một cuộc thi, gọi là Hội Long Hoa. 1. Nhứt Kỳ Phổ Độ có SƠ HỘI LONG HOA THANH VƯƠNG ĐẠI HỘI, Đức Nhiên Đăng Cổ Phật làm Chánh Chủ khảo. 2. Nhị Kỳ Phổ Độ có NHỊ HỘI LONG HOA HỒNG VƯƠNG ĐẠI HỘI, Đức Phật A-Di-Đà làm Chánh Chủ khảo. 3. Tam Kỳ Phổ Độ có TAM HỘI LONG HOA BẠCH VƯƠNG ĐẠI HỘI, Đức Di-Lặc Vương Phật làm Chánh Chủ khảo. Đạo ví Đời là một học đường vĩ đại, có đủ tất cả bài học từ thấp đến cao, từ ác đến thiện, từ trược đến thanh, để nhơn sanh học hỏi, chứng nghiệm, trau luyện tâm tánh để tiến hóa, mà Hội Long Hoa là Hội thi tuyển và đề thi là đạo đức. Đại Hội Long Hoa Kỳ Ba nầy rất quan trọng, vì là kỳ thi chung kết, chấm dứt Đệ Tam Chuyển, bắt qua Đệ Tứ Chuyển mà khởi đầu của Đệ Tứ Chuyển là Thượng Nguơn Thánh Đức. Cho nên Đại Hội Long Hoa Kỳ Ba nầy có một cuộc biến động dữ dội, để sàng sảy lọc lừa, tuyển chọn những người có trình độ đạo đức tối thiểu mà lập đời Thượng Nguơn Thánh Đức, loại bỏ những phần tử thiếu đạo đức, tức là những phần tử thi rớt. Hội Long Hoa loại bỏ họ bằng cách nào? - Loại bỏ bằng nhiều cuộc chiến tranh tương tàn tương sát dữ dội, rồi đến tai Trời ách nước như: gió bão, hồng thủy, núi lửa, động đất, rồi tới bịnh chướng sát hại. - Số người bị loại bỏ chiếm đến 9 phần 10 nhơn loại, chỉ chừa lại có 1 phần 10 là số người thi đậu để lập đời Thánh Đức. Do đó, ngay trước khi mở Đại Hội Long Hoa, một cuộc tang thương vĩ đại, biến đổi ghê gớm cục diện thế giới để loại bỏ số 9 phần 10 nhơn loại thiếu đạo đức đó, và cuộc biến đổi vĩ đại nầy được các tôn giáo tiên tri gọi là cuộc Tận Thế. Thật ra, không phải tận thế mà chỉ là Chuyển Thế. Đợt khảo thí chung kết nầy là kỳ Phán xét cuối cùng, xảy ra vô cùng dữ dội, vì người thi đậu mới được tồn tại để tuyển chọn người đủ bác ái và công bình, thiết lập một xã hội Đại Đồng của thời Thượng Nguơn Thánh Đức. Đại Hội Long Hoa Kỳ Ba nầy cũng là Đại Hội Điểm Đạo lần ba của Địa cầu 68, là cuộc Điểm Đạo vĩ đại và quan trọng mà tất cả chư Phật, Tiên, Thánh, Thần và những người tiến hóa đủ tiêu chuẩn đạo đức đều tham dự. Sau cuộc biến động dữ dội gọi là Tận Thế đó, địa cầu 68 trở lại yên tĩnh, thời tiết trở lại điều hòa tốt đẹp, trược khí tiêu tan, nhơn loại còn lại là những tân dân hiền lương đạo đức, với hình dung tốt đẹp, mạnh khỏe, sống lâu, tạo lập một xã hội Đại Đồng, cùng sống hòa bình với nhau trong tình bác ái và sự công bình. Chư Thánh Tiên Phật sẽ giáng trần tiếp tục hướng dẫn nhơn sanh tu hành tiến hóa cao thêm nữa. TIẾT 2: SAO GỌI LÀ MẠT KIẾP? Từ “Mạt Kiếp” trong kinh sách Phật giáo được dùng để chỉ thời kỳ cuối cùng của loài người hiện nay, trước khi họ bị huỷ diệt hầu hết. Đôi khi người ta còn đồng nhất từ đó với “tận thế” vốn có mặt trong Kinh Thánh, mặc dù từ này để chỉ thời điểm chấm dứt tồn tại vĩnh viễn sự sống trên Trái Đất nói chung. Các nhà hiền triết cố cũng đã đề cập tới ngày “tận thế“ của nhân loại. Rõ nhất là trong thần thoại Hy Lạp. Theo tín ngưỡng đa thần nay, loài người đã nhiều lần chịu thảm họa diệt chủng và từ đó đã tạo ra những giống người rất khác nhau. Sớm hay muộn thì nhân loại cũng sẽ đi đến giai đoạn phải gánh chịu những thảm họa không thể hình dung nổi. Các Kinh sách tôn giáo ở phương Đông cũng như phương Tây đều đã từng nói nhiều đến vấn đề “tận thế” - giai đoạn mà toàn bộ nhân loại trên Trái Đất đều sẽ gặp tai ương khủng khiếp nhất. Theo tín đồ Ba Tư giáo, mỗi thời đại có điểm khởi đầu và điểm kết thúc, đó là một chiến trường rộng lớn giữa cái Thiện và cái Ác. Đối với đạo Hồi, ngày “tận thế” cũng được coi đồng nghĩa với sự phán xét. Trong kinh Coran có viết: “Đó là ngày mà tiếng kèn đồng vang lên và bọn ác xanh mắt lên vì kinh hoàng”. Các tín đồ Hồi giáo cũng cho rằng, ngày “tận thế” sẽ được báo trước bởi một thời kỳ suy sụp của mọi giá trị đạo đức. Theo các đại sư, cứ sau một giai đoạn phát triển nhất định của nền văn minh nhân loại trên Trái Đất thì lại có một cuộc lọc sàng để phán xét sự tiến hóa của con người. Nhân loại chúng ta hiện nay đã trải qua 2 lần lọc sàng và sắp tới sẽ là lần lọc sàng thứ ba. Kể từ khi một lực lượng thần bí nào đó (tạm gọi là Thượng Đế) tạo ra loài người và để cho tiến hóa, thì loài người tiến hóa theo đường vật chất, quên mất nguồn cội và đạo đức tinh thần, vì vậy mà tội ác ngày càng chồng chất. Thượng Đế nhìn thấy chỉ có gia đình ông Nô-ê là còn giữ được đạo đức và công bình. Ngài ban ơn cho Nô-ê, bảo Nô-ê đóng một chiếc thuyền rất lớn, khi có nước lụt dâng cao thì đem tất cả gia đình lên, lương thực và các sinh vật mỗi loài một cặp trống - mái. Thượng Đế đã gây ra trận Đại hồng thủy, nước ngập mênh mông khắp mặt đất, tiêu diệt hết nhân loại và sinh vật, chỉ còn lại gia đình ông Nô-ê và các loài vật trên thuyền sống sót. Khi nước lụt rút hết, gia đình ông Nô-ê và các loài vật rời khỏi thuyền, lên mặt đất canh tác, tạo ra thực phẩm, tiếp tục sinh sống và phát triển. Từ đó vợ chồng Nô-ê trở thành thủy tổ loài người sau cuộc “tận thế” lần thứ nhất. Cuộc sàng lọc lần thứ hai có lẽ đã xảy ra với sự sụp đổ của châu lục Atlantide. Sau lần “tận thế” thứ nhất, loài người đã tiến triển qua nhiều thế hệ, dần dần khôn ngoan và tiến bộ hơn, nhưng cũng càng ngày càng hướng vào vật chất, xa lánh đạo đức tinh thần. Con người càng tiến bộ, khôn ngoan hơn thì càng tự kiêu tự đại, khinh rẻ hoặc phủ nhận các vị Thần, Thánh, Tiên, Phật và Thượng Đế. Dấu tích của nền văn minh Atlantide được ghi lại trong các Kim tự tháp ở Ai Cập. Đến kỳ phán xét lần thứ hai của Thượng Đế,. Đã xảy ra trận động đất cực kỳ dữ dội, làm sụp đổ châu Atlantide, tạo thành biển Đại Tây Dương ngày nay. Nền văn minh của châu lục đó đã bị nhấn chìm hoàn toàn xuống đại dương. Nhân loại trở lại thời kỳ phát triển hoang sơ. Như vậy, qua hai thời kỳ “tận thế” được biết đến nhờ các kinh sách cổ xưa, chúng ta thấy đó chỉ là những cuộc đại phán xét của Thượng Đế đối với nhân loại. Các chư Phật, Tiên, Thánh, Thần đã thi hành đúng theo Luật nhân quả đối với cả nhân loại sau những thời kỳ chuyển luân tiến hóa nhất định. "Mười hai muôn chín ngàn sáu trăm năm" tức là "một trăm hai mươi chín ngàn sáu trăm (129.600) năm," một thời gian kể ra cũng khá dài để cho nhân loại, chúng sanh tìm hiểu. Khoa học hơn một chút, dựa vào tự điển bách khoa của Mỹ, phần viết về những thời kỳ băng giá (Ice Ages), chúng ta không khỏi ngạc nhiên vì có ít nhiều trùng hợp. Theo các nghiên cứu của các khoa học gia, các nhà thiên văn thì khoảng 300 triệu năm giải Ngân Hà (Milky Way Galaxy) làm xong một vòng quay xung quanh trục của nó và có ít nhiều ảnh hưởng đến Thái Dương Hệ (Solar System), nên tạo ra các chu kỳ băng giá này. Nếu tạm gọi là Ngươn thì nhân loại chúng ta cũng có Tam Ngươn, xoay vần trong khoảng một trăm ngàn (100. 000) năm." Bằng toán học, đại khái, nếu lấy thời hiện đại làm mốc, thì gồm có: - Thượng Ngươn (First Ice Age) xảy ra 93.408 năm trước đây. - Trung Ngươn (Second Ice Age) xảy ra 41.000 năm trước đây - Hạ Ngươn (Last Ice Age) đã xảy ra vào khoảng 25.920 năm trước đây. Rồi, đi xa hơn một chút nữa, cũng lấy thời hiện đại làm mốc, chính trong phần Hạ Ngươn (Last Ice Age) này chúng ta mới có 3 ngươn nhỏ: - thời Thượng Cổ (từ 25.920 cho đến 2700 hay năm 700 trước Tây lịch, dựa vào điểm Kinh Cựu Ước được viết vào khoảng 700 năm trước khi Chúa giáng sinh). - Trung Cổ (từ 2700 cho đến ngày nay) - Hạ Cổ (tạm gọi ) tức là thời đại bây giờ. Ðặc biệt trong năm 11.000 (tức 9.000 năm trước Tây lịch), quả Ðịa Cầu đã đổi trục Nam Bắc ra Bắc Nam... Bởi... "lẽ tự nhiên, càng tranh đấu mới càng tấn hóa" nhưng "văn minh tiến triển mà đạo đức suy đồi," và bởi... lẽ "thiên thơ dĩ định," tức là đã đến chu kỳ để lập lại đời Thượng Cổ Thánh Ðức. Bởi... cũng chính vì "văn minh và đạo đức chẳng đi đôi" mà những người anh Kogi trên rặng Sierra, Nam Mỹ, những người phải học về tâm linh với 7-9 năm diện bích ở tuổi 20 trước khi học các thứ về vật chất, đã phải gởi thông điệp cho Ðại Hội Tôn Giáo Thế Giới tổ chức ở Chicago vào năm 1993. Bản dịch của Nguyên Phong từ bài viết của Alan Ereira, ký giả đài BBC, có những đoạn như sau: THÔNG ĐIỆP CỦA NHỮNG NGƯỜI KOGI, SIERRA, NAM MỸ Một vị Trưởng Lão cho biết: "Vũ trụ là một tấm gương lớn, phản ảnh tất cả mọi việc xảy ra trong đó. Biết rung động với vũ trụ là biết quán xét tấm gương kia, do đó người ta đâu cần phải đi đâu xa mà cũng biết được những điều cần thiết. Việc ngồi chín năm trong động đá đâu phải chỉ ngồi đó nhai vài lá cây, suy nghĩ vài câu nói, mà đòi hỏi người ta phải nổ lực tìm hiểu về mình, vì biết mình chính là biết được vũ trụ và biết được vũ trụ thì tất hiểu được các định luật thiên nhiên. Ðã hiểu được các định luật này một cách sâu xa thì làm sao có thể làm trái với nó được? Sở dĩ con người làm việc sai quấy vì họ không biết mình, chỉ sống hời hợt, quay cuồng và dựa trên những giá trị có tính cách giả tạo, những giá trị do tập đoàn tạo ra chứ không phải phát xuất từ những công phu suy gẫm sâu xa. Sống như thế không thể gọi là sống. Ðó là sống mà như chết, thân thể tuy sống mà đầu óc đã chết từ lâu rồi!" ... Vị Trưởng Lão khác nói: "Ðời sống là một sự mầu nhiệm. Nếu con người biết mài dũa THÂN và TÂM để ý thức đời sống một cách trọn vẹn thì người ta sẽ ý thức được những việc khác phi thường hơn." ...Một Vị Trưởng Lão lên tiếng: "Chúng tôi đã thảo luận rất kỹ về điều chúng tôi muốn nói. Chúng tôi muốn gửi một thông điệp cho các em trong gia đình nhân loại. Chúng tôi nói bằng trái tim, những lời nói chân thành nhất rằng hiện nay nhân loại sắp bước vào một thảm họa rất lớn mà từ trước đến nay chưa hề xảy ra. ... Nếu trái đất bị hủy hoại thì chúng ta sẽ sống ở đâu? Ðây là một vấn đề hết sức quan trọng và cần xét đoán một cách nghiêm chỉnh. Các anh không biết trong vòng vài năm nữa thế giới sẽ biến đổi như thế nào? Chắc không lấy gì tốt đẹp lắm đâu nếu các em cứ tiếp tục phá hoại mà không biết bảo trì môi trường sinh sống. Tại sao được thừa hưởng một gia tài tốt đẹp như thế mà chúng ta lại phá hoại nó đi vậy? Tại sao các em không nghĩ rằng trải qua mấy ngàn năm nay, thế hệ trước đã giữ gìn cẩn thận, đã trân trọng từng tấc đất, từng ngọn suối, từng khóm cây, ngọn cỏ mà ngày nay các em lại phá nát không hề thương tiếc? Làm sao các em có thể tự hào rằng mình "văn minh" khi nhân loại và mọi sinh vật mỗi ngày một khổ đau nhiều hơn xưa? Làm sao có thể nói rằng nhân loại đã "tiến bộ" khi con người ngày càng gia tăng thù hận, chỉ thích gây chiến tranh khắp nơi? Các anh biết vậy nhưng phải làm sao đây? Làm sao có thể nói cho các em biết rằng vũ trụ có những định luật vô cùng lớn lao, không thể vi phạm được? Lòng các anh vô cùng đau đớn vì các anh thấy rằng trái đất đã khô kiệt rồi, mọi sự sống đang lâm nguy và thảm họa diệt vong chỉ còn trong giây lát. Do đó các anh muốn kêu gọi khẩn thiết rằng hãy thức tỉnh, ngưng ngay những việc có tính cách phá hoại đó lại, nếu không thì trễ quá mất rồi!" Qua các phần trên, chúng ta tạm hiểu và tạm chấp nhận rằng, quả là chúng ta đang sống trong thời Mạt Kiếp! Nhưng, trở lại vấn đề vì sao có hội Long Hoa và hội này để làm gì, với mục đích gì? Mà suốt từ cả thế kỷ nay chúng ta thường nghe nhắc đến, đề cập đến? Ở nơi đây chúng ta thấy có sự hơi hơi trùng hợp giữa chu kỳ lập lại đời Thượng Cổ 10.000 năm trong kinh sách so với chu kỳ đổi trục quả Ðịa Cầu 11.000 năm (9000 năm trước Tây lịch) của các nhà khoa học. Xét cho cùng thì... có thể một trận Ðại Hồng Thủy sẽ xảy ra trong tương lai như đã xảy ra trong quá khứ, mới có thể lập lại đời Thượng Cổ. Và, xét cho cùng thì Long Hoa Ðại Hội đã diễn ra rồi mà ít người hay biết.. . (Theo Nguyễn Đăng Hưng) TIẾT 3: TÌM HIỂU HỘI LONG HOA QUA CÁC TÔN GIÁO - Phật giáo - Thiên Chúa Giáo - Cao Đài giáo - Sư Vãi Bán Khoai - Phật giáo Phái Phật Thầy Tây An hay Bửu Sơn Kỳ Hương - Phật giáo Hòa Hảo - Thông Thiên Học *** I. PHẬT GIÁO Triết lý Phật giáo nói đến định luật Thành, Trụ, Hoại, Không và bốn giai đoạn nầy cứ luân hồi mãi. Như vậy, giai đoạn Hoại, Không là thời ký cuối của chu kỳ thành lập Vũ Trụ, vạn vật. Muôn vật giữa đời, có thạnh tất có suy, dù cho đạo pháp của Phật cũng vậy. Nhưng động cơ chánh trong sự suy vong của nền đạo là do con người chớ không phải do giáo pháp. Như hiện thời có thể nói Tam-tạng Kinh-điển đầy đủ hơn xưa, nhưng sở dĩ gọi là mạt-pháp, vì con người kém đạo đức căn lành không giữ đúng theo lời dạy của Phật. Cho nên người xưa có câu: “Nhơn năng hoằng đạo, phi đạo hoằng nhơn”, chính là ý nầy, “Người hay mở mang cho đạo, không phải đạo mở mang cho người”, câu nầy chỉ có ý nghĩa phiến diện! Về đạo Phật, theo thuyết tam thời, thì hiện tại là thời mạt-pháp; theo thuyết ngũ thời, hiện tại chính nhằm thời đấu tranh. Từ đây về sau, cứ đúng theo thật tế mà nói, Phật-pháp có ở trong tình trạng tiệm suy, nếu có vùng dậy cũng chỉ trong giai đoạn tạm thời, hay hoặc chỉ có ảnh hưởng bên ngoài. Vậy, nhất là hàng Phật-tử, càng nên cố gắng thật học, thật tu, để duy trì pháp vận, lợi ích thế gian, và phải làm với hết sức của mình. Theo Kinh Phật thì Đức Thích Ca có tiên tri: Sau nầy vào thời Mạt pháp sẽ có Đức Phật Di Lặc ra đời, là một vị Phật thứ năm trong 5 vị Phật. Phật Di Lặc là một vị Bồ Tát (*)sẽ nối tiếp Đức Thích Ca lập ra Hội Long Hoa để hóa độ chúng sanh. Hết thạnh rồi suy, hết suy lại thạnh, Phật Thích-Ca đã nhập diệt, Ðức Di-Lặc sẽ kế tiếp giáng sinh, nên chung qui chánh-pháp vẫn là bất diệt. Từ khi Phật Tích Ca tịch diệt đến nay, theo Kinh Phật, chia ra làm ba thời ký: Chánh pháp, Tượng Pháp và Mạt Pháp 1. Thời kỳ Chánh Pháp : Là thời ký Đức Phật còn tận thế cho đến khi giáo lý của Ngài còn được phổ biến chân truyền. Phần đông ngươì tu được chứng quả, thời gian nầy khoảng năm trăm năm sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn. 2. Thời kỳ Tượng Pháp : Thời kỳ nầy khoảng một ngàn năm lúc chư vị đệ tử của Phật còn tại thế, nối nhau truyến Chánh giáo, nhưng vì không được chân truyền nên đồ chúng đắc quả ít hơn thời gian Chánh pháp. 3. Thời Mạt Pháp: Phật giáo suy vi vì thất chân truyền, thiên hạ thiên về vật chất mà không lo đến đường tinh thần nên rất ít người chứng quả. Theo Kinh Đại Tập, từ khi Phật tịch diệt về sau chỉ có 2.500, chia ra 5 thời kỳ: Mỗi thời kỳ 500 năm và 500 năm sau cùng là thời kỳ nhân loại xa lìa chánh pháp, theo tà thuyết, tìm đủ mọi mánh khoé để giết hại nhau. Thời kỳ nầy là thời kỳ Mạt Pháp, sẽ có Đức Phật Di Lặc ra đời giáo Đạo cho chúng sanh trở về Chánh pháp để lập đời Thượng Nguơn Thánh Đức, tạo một Chu Kỳ mới là cuộc sống sẽ vô cùng tốt đẹp. (*) Tiếng Phạn là Bodhisattva, nghĩa là cứu độ tất cả mọi người. Vị nầy còn một bậc nữa là thành Phật. Đức Di Lặc nay là vị Phật tá danh là "Long Hoa Giáo Chủ Đương Lai Hạ sanh Di Lặc Tôn Phật". Ngài là vị Phật mà vì lòng Tư Bi thương nhân loại nên Ngài hạ mình giáng sanh để tận độ chúng sanh. NHỮNG LỜI HUYỀN KÝ VỀ THỜI MẠT KIẾP Khi Ðức Thế-Tôn sắp vào cõi Niết-bàn, Ngài có huyền ký tình trạng trong đời mạt-pháp và lúc chánh-pháp sắp diệt. Xin dẫn ra đây ít đoạn để cho hàng Phật-tử xuất-gia tại-gia tự kiểm điểm, gạn bỏ điều ác, tu tập pháp lành. Trong kinh Đại-Bi, Đức Phật bảo: “Nầy A-Nan! Khi ta Niết-bàn rồi, trong thời gian 500 năm rốt sau, nhóm người giữ giới, y theo chánh-pháp, lần lần tiêu giảm; các bè đảng phá giới, làm điều phi pháp, ngày tăng thêm nhiều. Do chúng-sanh phỉ báng chánh-pháp, gây nhiều ác hạnh, nên phước thọ bị tổn giảm, các tai nạn đáng kinh khiếp nổi lên. Bấy giờ có nhiều Tỷ-khưu đắm mê danh lợi, không tu thân, tâm, giới, huệ. Họ tham trước những y, bát, thức ăn, sàng tòa, phòng xá, thuốc men, rồi ganh ghét tranh giành phỉ báng lẫn nhau, thậm chí đem nhau đến quan ty, lời nói như đao kiếm. Cho nên, A-Nan! Đối với những vị xuất-gia tu phạm hạnh, thân khẩu ý thực hành đạo từ bi, ông nên cung cấp những thức cúng dường cho đầy đủ. Vị nào đối với các phạm hạnh hoặc thấy, hoặc nghe, hoặc tin, hoặc làm, hoặc nhiều, hoặc ít, ông nên làm thế nào cho họ không khởi lòng não loạn, nên vâng giữ điều nầy! Tại sao thế? Vì trong cõi ngũ trược vào thời mạt kiếp, có nhiều sự khổ nạn như: đói, khát, giặc, cướp, nắng hạn, bão lụt, các loài trùng phá hại mùa màng, tóm lại có nhiều nhân duyên làm cho chúng-sanh bị xúc não. A-Nan! Lúc bấy giờ có các hàng trưởng-giả, cư-sĩ, tuy bị nhiều sự khổ não bức thiết, song vẫn sanh lòng tịnh tín, cung kính tôn trọng ngôi Tam-bảo, bố thí, giữ giới, tụng kinh, tu các công đức, khuyên người y theo Phật-pháp làm lành. Do thiện căn đó, khi mạng chung họ được sanh về Thiên-đạo, hưởng các điều vui. Còn các Tỳ-khưu ác kia, ban sơ dùng đức tin, tâm lành, bỏ tục xuất-gia; nhưng sau khi xuất-gia, họ lại tham trước danh lợi, không cố gắng tu hành, nên kết cuộc bị đọa vào ác đạo”... Kinh Đại-Tập nói: “Trong đời mạt-pháp, có những vua, quan, cư-sĩ ỷ mình giàu sang quyền thế, sanh tâm kinh mạn, cho đến đánh mắng người xuất-gia. Nên biết những kẻ gây nghiệp ấy, sẽ bị tội đồng như làm cho thân Phật ra huyết...” Trong kinh Pháp-Diệt-Tận, Đức Phật bảo: “Về sau, khi pháp của ta sắp diệt, nơi cõi ngũ trược nầy tà đạo nổi lên rất thạnh. Lúc ấy có những quyến thuộc ma vào làm Sa-môn để phá rối đạo pháp của ta. Họ mặc y phục như thế gian, ưa thích áo cà-sa năm sắc, ăn thịt uống rượu, sát sanh, tham trước mùi vị, không có từ tâm tương trợ, lại ganh ghét lẫn nhau. Bấy giờ có các vị Bồ-Tát, Bích-Chi, La-Hán vì bản nguyện hộ trì Phật-pháp, hiện thân làm Sa-môn, tu hành tinh tấn, đạo hạnh trang nghiêm, được mọi người kính trọng. Các bậc ấy có đức thuần hậu, từ ái, nhẫn nhục, ôn hòa, giúp đỡ kẻ già yếu cô cùng, hằng đem kinh tượng khuyên người phụng thờ đọc tụng, giáo hóa chúng-sanh một cách bình đẳng, tu nhiều công đức, không nệ tổn mình lợi người. Khi có những vị Sa-môn đạo đức như thế, các Tỷ-khưu ma kia ganh ghét phỉ báng, vu cho những điều xấu, dùng đủ cách lấn áp, xua đuổi, hạ nhục, khiến cho không được ở yên. Từ đó các Tỷ-khưu ác càng lộng hành, không tu đạo hạnh, bỏ chùa chiền điêu tàn hư phế, chỉ lo tích tụ tài sản riêng, làm các nghề không hợp pháp để sinh sống, đốt phá rừng núi làm tổn hại chúng-sanh không có chút từ tâm. Lúc ấy có nhiều kẻ nô tỳ hạ tiện xuất-gia làm tăng ni, họ thiếu đạo đức, dâm dật tham nhiễm, nam nữ sống lẫn lộn, Phật-pháp suy vi chính là do bọn nầy. Lại có những kẻ trốn phép vua quan, lẫn vào cửa đạo, rồi sanh tâm biếng nhác không học không tu. Đến kỳ tụng giới trong mỗi nửa tháng, họ chỉ lơ là gắng gượng, không chịu chuyên chú lắng nghe. Nếu có giảng thuyết giới luật, họ lược bỏ trước sau, không chịu nói ra hết. Nếu có đọc tụng kinh văn, họ không rành câu, chữ, không tìm hỏi bậc cao minh, tự mãn cầu danh, cho mình là phải. Tuy thế, bề ngoài họ cũng ra vẻ đạo đức, thường hay nói phô, để hy vọng mọi người cúng dường. Các Tỷ-khưu ma nầy sau khi chết sẽ bị đọa vào Địa-ngục, Ngạ-quỷ, Súc-sanh trải qua nhiều kiếp. Khi đền tội xong, họ thác sanh làm người ở nơi biên địa, chỗ không có ngôi Tam-bảo. Lúc Phật-pháp sắp diệt người nữ phần nhiều tinh tấn, ưa tu những công đức. Trái lại, người nam phần nhiều kém lòng tin tưởng, thường hay giải đãi khinh mạn, không thích nghe pháp, không tu phước huệ, khi thấy hàng Sa-môn thì rẻ rúng chê bai, xem như đất bụi. Lúc ấy, do nghiệp ác của chúng-sanh, mưa nắng không điều hòa, ngũ sắc hư hao, tàn tạ, bịnh dịch lưu hành, người chết vô số. Thời bấy giờ, hàng quan liêu phần nhiều khắc nghiệt tham ô, lớp dân chúng lại nhọc nhằn nghèo khổ, ai nấy đều mong cho có giặc loạn. Trong thế gian lúc ấy khó tìm được người lương thiện, còn kẻ ác thì nhiều như cát ở bãi biển, đạo đức suy đồi, chư thiên buồn thương rơi lệ. Nầy A-Nan! Lúc đạo pháp ta sắp diệt, ngày đêm rút ngắn, con người đoản mệnh, nhiều kẻ mới bốn mươi tuổi, tóc trên đầu đã điểm bạc. Về phần người nam, bởi nhiều dâm dật nên hay yểu chết, trái lại người nữ sống lâu hơn. Lúc ấy có nhiều tai nạn nổi lên, như giặc cướp, bịnh tật, bão lụt, nhơn dân hoặc không tin hiểu đó là nghiệp báo, hoặc vì sống quen trong cảnh ấy, xem như là việc thường. Bấy giờ nếu có bậc Bồ-Tát, Bích-Chi, La-Hán dùng bi tâm ra giáo hóa, do nghiệp ác của chúng-sanh và sức ngoại ma xua đuổi, cũng ít ai đến dự pháp hội. Còn bậc tu hành chân chánh, phần nhiều ẩn cư nơi núi rừng xa vắng, giữ đời sống an vui đạm bạc, được chư thiên hộ trì. Khi nhơn thọ giảm còn 52 tuổi, áo cà-sa của hàng Sa-môn đổi thành sắc trắng, kinh Thủ-Lăng-Nghiêm và Bát-Chu-Tam-Muội tiêu diệt trước, các kinh khác lần lần diệt sau, cho đến không còn văn tự. Nầy A-Nan! Như ngọn đèn dầu trước khi sắp tắt, ánh đèn bỗng bừng sáng lên rồi lu mờ và mất hẳn. Đạo-pháp của ta đến lúc tiêu diệt cũng có tướng trạng như thế. Từ đó về sau trải qua ức triệu năm, mới có Phật Di-Lặc ra đời giáo hóa chúng-sanh”. Lúc Ðức Di-Lặc thành chánh giác, Ngài ngồi nơi một gốc đại thọ, cành cây như mình rồng, hoa nở tủa ra bốn bên như những đầu rồng, nên gọi cây nầy là Long-Hoa-bồ-đề. Sau khi thành đạo quả, Phật Di-Lặc cũng ngồi nơi đây mà thuyết pháp, nên lại có danh từ Long-Hoa-pháp-hội. ( trích Phật học tinh yếu của HT Thích Thiền Tâm ) II. THIÊN CHÚA GIÁO Theo Thiên Chúa giáo, Đức Chúa Jesus đã cho biết trước những điều thống khổ xảy đến cho loài người. Làm sao biết được ngày Phán Xét đến? Chúa có đáp là nên để ý đến những điềm báo lần lượt hiện ra như: 1. Điềm Trời: trật tự thiên nhiên bị rối loạn, mùa tiết không còn điều hòa nữa và sẽ có những ngày Thiên ôn Địa ám. 2. Điềm đất: thường xảy ra những trận địa chấn kinh khủng. động đất cùng sóng thần, bão lụt sẽ hủy hoại sinh mạng, phá hại mùa màng, gia súc không biết cơ man nào kể xiết. 3. Điềm người: con người ngày càng hung dữ. Đức Jesus cho biết” nên biết rằng trong những ngày cùng cuối, sẽ là những lúc khó khăn. Vì rằng con người sẽ rất ích kỷ, tôi tớ cho bạc tiền; hay khóac lác, tự cao, phạm thượng, chống báng cha mẹ, bất nghĩa, vô thần…các người hãy lánh xa những hạng người đó. Nay thì những ai muốn sống hiền lành theo Chúa lại bị ngược đãi. Nhưng những người hung dữ và giả đạo đức cứ tiến mãi theo điều ác, làm lạc hướng người khác, đồng thời tự đánh lạc hướng mình.” (Timothée) Theo Kinh Tân Ước ( New Testament ) các Thánh Tông Đồ có ghi lại lời Chúa Giê-su, tiên tri Ngày Phán Xét Cuối Cùng. Trong ngày Phán xét nầy, có sự thưởng phạt: Những người có công (sống trọn tốt trọn lành) được gọi là tôi tớ của Chúa thì được thưởng, còn những người có tội lỗi (kẻ ác, những kẻ mưu đồ ám hại người đồng loại) thì sẽ bị huỷ diệt Trong ngày Phán xét sẽ xảy ra những cuộc xáo trộn trật tự thiên nhiên. Con ngươì trên trái đất rước lấy những sự bất hạnh, phải làm hết sức mình mới kiếm được miếng ăn và nạn khan hiếm thực phẩm bời hạn hán, côn trùng phá hoại mùa màng, bởi khủng hoảng nhiên liệu (dầu hỏa), nhân loại sẽ tàn tạ bởi bệnh tật: Bịnh dịch lan tràn, bệnh ung thư và những bệnh gây ra bời dùng sản phẩm hóa học phản thiên nhiên và cả bịnh mới khác. Ngày 13.7.1917 - tại Fatima, một làng nghèo vùng đồi núi của nước Bồ đào nha (Portugal), Đức Mẹ đã hiện ra nhiều lần. Dưới đây là thông điệp Fatima thứ III của Đức mẹ gửi cho bé Lucia (sau thành nữ tu Bernadette) và được đăng tải trong tờ báo Stop: “Cô bé ơi, đừng sợ hãi. Đây là Người Nữ Đồng Trinh đang nói chuyện cùng em và yêu cầu em phổ biến thông điệp này cho toàn thế giới. Hãy lắng nghe, và chú tâm vào những ǵì được tiết lộ. Nhân loại phải làm những thay đổi. Phải khiêm tốn ăn năn và xin được tha thứ cho các tội lỗi đã làm và những tội lỗi sẽ làm. Những ai đón nhận lời này muốn được bằng chứng, thì tôi gởi gấm qua em để nhân loại sẽ đón nhận. Mọi người dù có đạo Thiên Chúa hay ngoại đạo, hay người nông dân, thường dân, giáo sĩ, cảnh sát, linh mục, người thế tục đều chứng kiến hiện tượng phép lạ của mặt trời. Và hãy nhân danh tôi để tuyên bố rằng cuộc trừng phạt vĩ đại sẽ đổ lên mọi chủng tộc. Điều đó không xảy ra ngày hôm nay hay ngày mai, mà là của giai đoạn thứ hai của Thế kỷ thứ 20. Mọi trật tự sẽ biến mất trên toàn cầu. Sa Tăng cai trị khắp nơi, và là đầu mối, là đạo diễn của mọi sự kiện quan trọng xảy ra trên thế giới. Sa tăng sẽ thành công dành lấy ngai vàng của tôn giáo. Sa Tăng sẽ quyến rũ tận tâm hồn những người thông minh chế tạo vũ khí và chiến tranh có khả năng hủy diệt nhanh chóng trong vài phút, và hủy diệt một phần lớn nhân loại. Sa tăng có đủ quyền lực trên các lãnh đạo đang nắm giữ quyền hành cai trị quốc gia và điều khiển họ chế tạo hàng loạt vũ khí. Và nếu nhân loại không có những hành động thích đáng thì́ tôi không có thể cản ngăn cánh tay của con tôi giơ cao. Và Thượng Đế sẽ trừng phạt loài người thảm khốc nhiều hơn các trận hồng thủy đã xảy ra. Nếu nhân loại không thay đổi, thì́ đây là thời điểm mấu chốt quan trọng hơn hết mọi thời điểm, là ráo rốt của sự kết chung. Mọi việc sẽ trở nên tồi tệ hơn thời điểm này. Kẻ mạnh, kẻ đầy quyền lực sẽ chết giống như kẻ nhỏ yếu. Và rằng tôn giáo sẽ không tránh né được giờ phút đối diện sự thật. Nhóm Hồng Y này tranh chấp với nhóm Hồng Y kia, đoàn Giám Mục này chống đối đoàn Giám Mục kia. Sa Tăng sẽ trà trộn vào trong nhóm người đó và sẽ có nhiều thay đổi tại La Mã. Nhà thờ (tôn giáo) sẽ thành đống gạch vụn và thế giới sẽ ngụp lặn trong hãi hùng... Khói và lửa sẽ từ trời sa xuống, nước biển sẽ sôi sục và bọt biển tràn dâng chuyển động và nhận chìm thế giới. Hàng triệu triệu người sẽ đi đến giai đoạn ước ao được chết. Khắp nơi đều có những h́ình ảnh đầy khủng hoảng, đói khát, và điêu tàn. Thời gian đã gần kề, và sự đổ nát sẽ càng lún sâu thêm trong tuyệt vọng. Kẻ tốt người xấu, kẻ cao người thấp, các hoàng tử của giáo hội cùng tín đồ, các lãnh đạo cùng nhân dân... tất cả đều chết!. Nơi nơi đều có bóng dáng tử thần giống như là một hiện tượng tự nhiên xảy ra do nhiều lỗi lầm của những ai thiếu suy luận... “ (trích trong Date with God, Tác giả Charles Sylva. Xuất bản năm 1977) III. SƯ VÃI BÁN KHOAI Qua quyển "Sấm Giảng Người đời" của Sư Vãi Bán Khoai cho biết: Đời Hạ Nguơn sắp mãn và thời gian rất gần sẽ khai diễn Đại Hội Long Hoa. Từ đấu đến cuối quyển Sấm Giảng còn nhắc đi nhắc lại nhiều lần danh từ Hạ Nguơn : Hạ Nguơn Giáp Tý bằng nay, Cơ Trời đã khiến lập đời Thượng Lai. ............................................................ . Hạ Nguơn nay đã hết rồi, Minh Hoàng cầu Phật lập đời Thượng Nguơn. Hạ Nguơn Tuất, Hợi đổi đời, Ngọc Hoàng hội nghị lập đời Thượng Nguơn. Ông Sư Vãi cho biết Hội Long Hoa được mở ra để chọn người hiền đức và lập đời Thượng Nguơn vô cùng đẹp đẽ, một xã hội của người hiền, không còn kẻ ác, vì ở cuối đời Hạ Nguơn đa số con người tội lõi quá nhiều: Bởi trần lỗi quá muôn phần, Cho nên lập Hội Long Hoa chọn người. Hiền từ thì đặng thảnh thơi, Nghinh ngang khó trốn lưới Trời bớ dân ! Lưới hồng bủa khăp cõi trần, Chuyển luân Bát Quái còn trông nỗi gì ? Hội Long Hoa là một trường thi để chọn người hiền, vì trước khi đến Long Hoa Đại Hội thé giới phải trải qua nhiều giai đoạn ghê gớm để báo hiệu thòi Hạ Nguơn sắp chấm dứt. Hạ Nguơn nầy thể như bèo, Nay còn, mai mất hiểm nghèo thon von. Lớp thì bịnh tật gầy mòn, Lớp thì bão lụt nhân dân khốn nàn. Lớp thời sưu thuế đa đoan, Lớp kia lớp nọ khổ nàn biết bao ! Lớp thì tà, quỉ lao xao, Xui mưu làm loạn hại dân muôn ngàn. Trong quyển Sấm Giảng viết bằng thơ lục bát, Sư Vãi Bán Khoai tiết lộ những hiện tượng xảy ra cho thế gian vào thời Hạ Nguơn như: Chiến tranh nổi lên khắp nơi gây cảnh con lạc cha, vợ lạc chồng, nhà cửa tan nát, thây người chết như bèo trôi sông. Đa số là những người hung ác, không biết thức tỉnh lo tu tâm dưỡng tánh trong giai đoạn chuẩn bị dự Long Hoa nên bây giờ dù ăn năn cũng không còn kịp nữa. Ngoài cuộc tàn sát bởi chiến tranh gây ra, còn nhiều tai Trời ách nươc như nước lụt, bão tố, lửa cháy khắp nơi, ác thú xông ra ăn thịt ngưòi... Sư Vãi Bán Khoai còn cho biết rằng: Trong lúc chiến tranh hỗn loạn, giữa loài ngưòi thì điềm Trời xuất hiện: Trên Trời có sấm nổ, làm kinh thiên động địa (bom nguyên tử? ), nhiều hòn núi phá vở (những nước mới chế bom thí nghiệm bom nguyên tử dưới hang núi thay vì dưới đất sâu như trước), nhiều cù lao, đất liền phải sụp, quả đất thay hình đổ dạng, chôn vùi cả châu và nổi lên châu mới (giống như Đại Hồng Thủy chôn vùi châu Atlandtis dưới Đại Tây Dương). Lúc bấy giờ loài người sẽ kinh động tột độ, không còn bắn giết nhau nữa. Và lúc nầy là lúc Tiên, Phật lập Hội Long Hoa để chọn người hiền đức. Nhân loại còn lại không bao nhiêu: mười người chỉ còn hai người hiền đức sống sót mà thôi. Điều mà ông Sư Vãi Bán Khoai vui mừng là khi Thời Thượng Nguơn lập ra, nước Việt Nam sẽ là nước được diễm phúc nhất trên trái đất nầy. Sở dĩ nước Việt nam được diễm phúc là vì cơ Trời cho nước Nam là cõi Trung Ương, là Trung Tâm của nền Văn Minh thời Thượng Nguơn sau nầy. Chính vì vậy mà Tiên, Phật giáng trần ở nước Việt Nam và Sư Vãi Bán Khoai vâng lệnh Phật đi phổ hóa khắp nơi. Ông rất đau buồn vì thấy người đời không chịu nghe, không chịu tu, nên ông căn dặn: Nếu không tin, sau nầy mang hoạ thì đừng trách ông sao không có dạy trước. IV.PHÁI PHẬT THẦY TÂY AN - BỬU SƠN KỲ HƯƠNG Hoàn cảnh lịch sử khi ra đời của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương vào giữa thế kỹ XIX (1849) là trong hoàn cảnh đất nước và xã hội cực kỳ rối ren từ Bắc vào Nam. Trong khi đó xã hội suy thoái, vua quan ngu dốt, bất tài, lại thêm nạn tham nhũng, bóc lột, sưu cao thuế nặng, triều đình kỳ thị chém giết tôn giáo : cấm đạo Gia Tô, cấm lập chùa thờ Phật. Nạn mất mùa, đói kém, kinh tế phá sản, các bệnh dịch hoành hành đã khiến nhiều cuộc khởi nghĩa và bạo động nổ ra khắp mọi nơi. Người sáng lập ra đạo Bửu Sơn Kỳ Hương là ông Ðoàn Minh Huyên, đạo hiệu Giác Linh, sinh năm 1807 ở làng Tòng Sơn, tỉnh Sa Ðéc (Ðồng Tháp) trong một gia đình nông dân. Ông học bình thường, đọc sách Phật từ lúc cón nhỏ. Ông lập đạo từ năm 1849, lúc ông đã ngoài 40 tuổi và nơi truyền đạo đầu tiên là đình làng Kiển Thạnh, tỉnh Long Xuyên. Thời điểm ông truyền đạo là năm nông dân mất mùa đói kém, nhiều nơi có giặc cướp nổi dậy, bệnh dịch lan tràn, dân chúng điêu linh. Ông vừa giảng đạo, vừa chữa bệnh bằng thuốc và nhiều người đã khỏi bệnh. Họ tin vào pháp thuật của ông. Do đó, ngoài danh hiệu Sư Vãi Bán Khoai, dân chúng đã tôn ông làm Phật thầy Tây An vì khi ông chữa bệnh tại Tây An cổ tự ở Châu Ðốc, mọi người gọi ông là "Phật sống". Bửu Sơn có nghĩa là Núi Vàng hay Núi báu. Núi ấy ở trong miền Bảy Núi tức Thất Sơn. Nó được ông Sư vãi Bán khoai định vị và cho biết nhờ đâu nó trở nên quí báu trong một đoạn thơ như sau: Chừng nào Núi Cấm hoá lầu. Thì là bá tánh đâu đâu thái bình. Đến như hai chữ Kỳ Hương thì ông Ba Thới có giải nghĩa trong Kim cổ kỳ quan: Tiếng Kỳ Hương thơm nực biên thùy Thế thì Kỳ Hương có nghĩa là mùi hương lạ, tiếng thơm lan truyền ra ngoài cõi biên thùy. Nói tóm lại, bốn chữ Bửu- Sơn Kỳ- Hương có nghĩa là Núi báu, sau này sẽ làm rạng rỡ cho non sông nước Việt, tiếng thơm lạ bay nực ra ngoài cõi biên thùy báo tin một nguồn ân thánh triết ra đời tạo lập một kỷ nguyên mới, cõi đời Thượng nguơn an lạc. Danh từ Bửu- Sơn Kỳ- Hương đã trở thành danh hiệu một tông phái Việt Nam do Đức Phật Thầy Tây An khai sáng. Bài thơ khoán thủ "Tứ bửu linh tự" sau đây của Đức Phật Thầy Tây An sáng tác còn lưu truyền đến nay mà nhiều người được biết: BỨU NGỌC QUÂN MINH THIÊN VIỆT NGUYÊN. SƠN TRUNG SƯ MẠNG ĐỊA NAM TIÊN. KỲ NIÊN TRẠNG TÁI TÂN PHỤC QUỐC, HƯƠNG XUẤT TRÌNH SINH TẠO NGHIỆP YÊN. Đây là một bài thơ thuộc loại "tung hoành dọc", nghĩa là đọc bề dọc cũng có nghĩa mà đọc bề ngang cũng có nghĩa. Cứ theo chiều dọc đọc xuống, chúng ta sẽ có một bài thơ bảy câu bốn chữ: Bửu- Sơn Kỳ- Hương , Ngọc Trung Niên Xuất, Quân Sư Trạng Trình. Minh Mạng Tái Sinh. Thiên Địa Tân Tạo. Việt Nam Phục Nghiệp. Nguyên Tiền Quốc Yên. Mỗi câu đều có nghĩa, mặc dù trong đó chứa nhiều ẩn tự ẩn ngữ, cần phải hiểu cách chiết tự đảo cú mới khám phá được lý diệu mầu huyền bí. Nói tóm lại Đức Phật Thầy Tây An dùng bốn chữ Bửu- Sơn Kỳ- Hương làm tông danh, với ý nghĩa là để ghi dấu chỗ phát tích của tông phái do Ngài sáng lập và báo tin một chuyển biến lớn trong đời sống của dân tộc Việt Nam. Ngoài ra bốn chữ Bửu- Sơn Kỳ- Hương còn hàm súc những giáo pháp mà Ngài xướng xuất để hóa độ chúng sinh trong buổi Hạ Nguơn để kịp kỳ đi đến Hội Long Hoa và tạo lập đời mới. V. PHẬT GIÁO HÒA HẢO Đức Huỳnh Giáo Chủ hay Đức Huỳnh Phú Sổ mở Đạo năm Kỷ Mão (1939). Trong vòng mấy mươi năm mà tôn giáo mới đã hấp dẫn một số tín đồ rất lớn ở các tỉnh Miền Tây Nam Phần. Sự kiện nầy chứng tỏ Ngài phải có một sức mầu nhiệm nào nên mới thức tỉnh được một số tín đồ như thế. Những nguyên nhân của sự sùng tín và lớn mạnh của Phật Giáo Hòa Hảo là sự xuất chúng lỗi lạc của một người không có học cao mà xuất khẩu thành thi, hùng biện, giảng Đạo và diễn thuyết thao thao bất tuyệt, cách chữa trị bịnh kỳ diệu của Ngài cứu rất nhiều người bị bịnh nan y, những lời tiên tri, những pháp môn hành Đạo và nhất là những sự tiết lộ của ngài về Đại Hội Long Hoa lại trùng hợp với tư tưởng trong Sấm Giảng của Sư Vãi Bán Khoai. Chính tay Ngài viết về sứ mạng của mình như sau: “ Ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão ( 1939 ), vì thời cơ đã đến, Lý Thiên Đình hoạch định, cuộc nguy cơ thảm họa sắp tràn lan. Ta đây tuy không thể đem phép huệ linh mà cứu an tai họa chiến tranh tàn bạo do loài người tàn bạo gây nên; nhưng mà thử nghĩ: sinh trong đất Việt Nam nầy, trải qua bao kiếp trong địa cầu lăn lộn mấy phen, tùy cơ pháp chuyển kiếp luân hồi ở nơi hải ngoại để thu thập những điều đạo học kinh nghiệm huyền thâm, lòng mê si đã diệt, sự vị kỷ đã tan mà kể lại nguồn gốc phát sinh; trải bao đời giúp nước vùa dân cũng đều mãi sinh cư nơi đất Việt…Những kiếp gần đây, may mắn gặp Minh sư, cơ truyền Phật pháp, gội nhuần ân đức Phật, lòng đã quãng đại từ bi, hềm vì nỗi cảnh quốc phá gia vong,máy huyền cơ đã định, lòng thương trăm họ vướng cảnh đồ lao, chi xiết xót thương chúng sanh vạn khổ. Nghĩ lúc còn làm người trong biển tục, lăn lộn chốn mê đồ mà chẳng quản thân giúp cứu dân, vong thân vị quốc, huống chi nay cơ mầu đã thấu tỏ, sớm chiều hầu chơn Phật nghe Kinh, ngao du tứ hải, dạo khắp Tiên bang, cảnh an nhàn của người liễu Đạo, muôn ngày vô sự, lánh sạch phàm tâm, sao chẳng ngồi nơi ngôi vị hưởng quả bồ đề trường thọ mà còn len lỏi xuống chốn hồng trần đặng chịu cảnh chê khen? Vì lòng từ ái chứa chan, thương bách tính tới hồi tai họa. Phật Vương đã chỉ rõ máy diệu huyền chuyển lập Hội Long Hoa, chọn những đấng tu hành cao công quả để ban cho xứng vị, xứng ngôi; người đủ các thiện căn để giáo truyền Đại Đạo, định phân ngôi thứ gây cuộc hòa bình cho vạn quốc chư bang…” ( Bạc Liêu, ngày 18.5. Nhâm Ngũ – 1942) Khi nói về Tận Thế, Đức Huỳnh Giáo Chủ mở đầu quyển Sấm Giảng Khuyên Đời Tu Niệm như sau: HẠ NGUƠN nay đã hết đời, Phong ba biến chuyển đổi đời gia cang. Năm Mèo Kỷ Mão rõ ràng, Khắp trong thiên hạ nhộn nhàng xiết chi… Phật, Trời thương kẻ nhu mì Trọng cha, yêu Chúa kính vì tổ tông… Đời còn chẳng có bao lâu Rán lo tu niệm đặng chầu Phật, Tiên. Thế gian ít kẻ làm hiền, Nhiều người tàn bạo làm phiền Hóa Công. Thế gian chuyện có nói không, Đến hội Mây Rồng thân chẳng toàn thây… Cũng giống như các Tôn giáo khác, Phật giáo Hoà Hảo cho biết rằng Hội Long Hoa là một trường thi dể chọn ngưòi hiền đức: Long Hoa Tiên Phật đáo Ta bà. Lừa lọc con làng, diệt quỉ ma. Nếu mãi mê man mùi tục lụy. Linh hồn chìm đắm chốn Nê hà Lập Hội Long Hoa để sàng sảy mà biết người hièn đức còn lại bao nhiêu: Lập rồi cái Hội Long Hoa, Đặng coi hiền đức được là bao nhiêu. Gian tà hồn xác cũng tiêu, Thảm thương bá tánh chín chiều quặn đau. Sau cuộc sàng sảy, biến chuyển sẽ xảy ra, nào là cảnh của cải phút chốc tiêu tan, nào là cảnh giặc giã bốn phương nổi lên, nào là nạn đói xảy ra người người phải điêu linh, nạn đó kéo dài từ khi bắt đầu xảy ra biến cố đến ngày lập đời Thượng Nguơn mới dứt. “Sau lập Hội thì già hóa trẻ, Khắp hoàn cầu đổi xác thay hồn. Đức Ngọc Hoàng mở cửa thiên môn, Đặng ban thưởng Phật, Tiên với Thánh”… Nào là nạn quỉ vương gây tai họa cho dân chúng, vì Đức Huỳnh Giáo Chủ cho biết rằng trời đã mở cửa cho nó xuống: Thời kỳ nầy nhiều qủy cùng ma, Trời mở cửa quỉ vương xuống thế. Nào là nạn băng sơn huỷ diệt, nạn hồng thủy chôn vùi hằng triệu người dưới làn sóng đỏ. Các biến chuyển chấm dứt thì có tiếng nổ và Đức Huỳnh Giáo Chủ quả quyết rằng: Bấy giờ có phép lạ, Tiên Phật xuất hiện, chư bang hàng phục, không chiến mà thành, súng không thể nổ nữa. Ở Việt Nam có một vị Quân Sư thượng trí, có lục thông: thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, thần túc thông, tha tâm thông, túc mạng thông, lậu tận thông; ngồi một nơi mà mà thấy xa, nghe xa, biết cả ý muốn của con người. Cả 18 nước tham chiến phải phục tùng. Người hiền được thưởng, kẻ ác bị trừng phạt. Loài người còn sống sót sẽ thay hồn đổi xác nhờ phép Tiên, phép Phật. Địa hình, địa vật của trái đất đều đổi mới, cây cối tốt tươi, người hiền còn sống sót hưởng đời Thượng Nguơn Thánh Đức. Thời kỳ nầy sẽ có Minh Vương cai trị thì đời mới an cư: Đạo đời nào có tư riêng, Minh Vương sửa trị mới yên Ngôi Trời. Sứ mạng của Ðức Huỳnh Giáo Chủ hay mục đích của Phật Giáo Hòa Hảo là hoàn thành sự nghiệp cứu độ chúng sanh cho được sống còn trong đời Thượng nguơn an lạc. Nhưng muốn được sống còn trong đời Thượng nguơn an lạc, “làm dân Phật quốc, hưởng sự thái bình" thì trước hết phải đi qua ngưỡng cửa Hội Long Hoa để được chọn lựa. Ðiều kiện được dự Hội Long Hoa và được chọn lựa đưa qua đời Thượng nguơn phải là người Hiền, như Ðức Huỳnh Giáo Chủ đã cho biết: Lập rồi cái Hội Long Hoa, Ðặng coi hiền Ðức được là bao nhiêu… Trở chơn cho kịp Long Hoa, Long Hoa có mặt ấy là Hiền Nhơn… Phương pháp để cứu độ hạng thiểu căn thiểu phước, hạng chiếm đa số trong thời kỳ Hạ nguơn nầy là pháp môn Học Phật Tu Nhân. Vì theo Ðức Huỳnh Giáo Chủ thời cơ đã cấp bách căn khí chúng sanh lại bạc nhược, nếu đem giáo pháp có tánh cách lâu dài hay cao viễn ra giáo hóa thì không thể nào kịp, không sao tránh khỏi nạn hoại diệt của cõi đời Hạ nguơn. Chi bằng đào tạo nên hạng người Hiền Ðức đủ điều kiện dự Hội Long Hoa, khi được làm dân Phật quốc, hưởng cảnh lạc nhàn của cõi Thượng nguơn, sẽ tiếp tục tu hành để đạt quả vị giải thoát, thành Tiên thành Phật. Pháp môn Tịnh độ mặc dầu dễ tu dễ hành nhưng cho được vãng sanh về cõi Cực Lạc, chẳng phải ai ai cũng có thể làm được. Sở dĩ ít người làm được là vì ít có người thành tựu niệm Phật nhứt tâm tức niệm Phật tam muội mà Ðức Huỳnh Giáo Chủ gọi nôm là niệm rành như Ngài đã viết: Xưa nay sáu chữ lạnh tanh, Chẳng ai chịu khó niệm sành thử coi. Muốn cho được vãng sanh, người niệm Phật phải hoàn mãn về hai phương diện: nội nhân và ngoại duyên. - Về nội nhân là phải thành tựu niệm Phật nhứt tâm hay tam muội (chánh định) hay nói theo thuật ngữ của Ðức Huỳnh Giáo Chủ là niệm Phật cho sành. - Về ngoại duyên, theo Ðức Huỳnh Giáo Chủ, phải có 2 yếu tố khá quan trọng, rất khó thành đạt. Đó là 2 điều kiện mà người niệm Phật phải có là: được “trọn lành" và "trọn sáng". Cho được trọn lành, hành giả phải hoàn tất giai đoạn “chư ác mạc tác” và "chúng thiện phụng hành" (điều ác đừng làm; điều lành siêng làm) của Ðức Phật đã dạy, tức là hoàn thành đạo làm người. Và cho được trọng sáng, hành giả phải hoàn tất giai đoạn “tự tịnh kỳ ý” trong bài Tứ cú kệ "chư ác mạc tác" của Ðức Phật, nghĩa là đã đạt được sự tỏ ngộ tự tâm, tức là huệ tâm khai phát, như Ðức Huỳnh Giáo Chủ đã nhận: Nếu ai mà biết chữ tu trì, Tâm bình tịnh được thì phát huệ. Nhưng làm thế nào cho tâm được bình tịnh? · Mắt nhìn trần đỏ niệm Di đà, · Nguyện vái thân này khỏi đọa sa. · Muôn đạo hồng quang oai Ðức Phật, · Soi đường minh thiện đến Long Hoa… · Ngày tiêu diệt từ năm Bính Tý.(1876, 1936?) · Đến năm nay hao hớt đã nhiều. · Các ngoại bang đà nhuộm máu điều, · Sao trần thế không toan chẳng liệu? · Phật chẳng qua dụng chữ tín thành · Chớ nào dụng hương, đăng, trà, quả… · Đạo Quỉ Vương rất nhiều chi ngánh, · Khuyên dương trần sớm tránh mới mầu. · Để ngày sau đến việc thảm sầu · Rán nghe kỷ lời ta mách trước. ( trích Sấm giảng 1939 ) Ngài còn để lại bài kệ, dạy dỗ rất thâm thúy, xin trích một đọan như sau: · Lòng quãng ái xót thương nhân chủng, · Buổi lố lăng Phật giáo suy đồi. · Kẻ tu hành ai nở yên ngồi, · Mà sớm kệ chiều kinh thong thả. · Mình đã gặp con thuyền Bát Nhã, · Có lý nào ích kỷ tu thân? · Phật Tổ xưa còn ở nơi trần, · Ngài gắng sức ra công hoằng hóa. · Nền Đại Đạo lưu thông khắp cả. · Bực Tiên, Hiền đều trọng Phật gia. · Rèn dân bằng giáo thuyết bình hòa, · Giống bác ái gieo sâu vô tận. · Sau nhằm buổi phong trào tân tấn, · Đua chen theo vật chất văn minh, · Nên ít người khảo xét kệ kinh, · Được dắt chúng hữu tình thoát khổ. · Thêm còn bị lắm phen giông tố, · Lời tà sư ngoại Đạo gieo vào, · Cho nhơn sanh trong dạ núng nao, · Chẳng gìn chặt gương xưa mạnh mẽ. · Dụng thế lực dùng nhiều mánh khóe, · Cám dỗ người đạng có khiến sai. · Chúng nằm không hưởng của hoạnh tài, · Để khốn khổ mặc ai trối kệ. · Mắt thấy rõ những điều tồi tệ, · Tai thường nghe lắm giọng ru người. · Thêm thời này thế kỷ hai mươi, · Cố xô sệp thần quyền cho hết. · Người nhẹ dạ nghe qua mê mết, · Rằng nên dùng sức mạnh cạnh tranh, · Được lợi quyền lại được vang danh, · Bài xích kẻ tu hành tác phước. · Làn sóng ấy nhiều người đón rước, · Dục dân tâm sôi nổi tràn trề. · Cổ tục nhà phỉ báng khinh chê, · Cho tôn giáo là mùi thuốc phiện. · Ai nếm vào ắt là phải nghiện, · Chẳng còn lo trang võ đấu chinh. · Lấy sắc thân dẹp nỗi bất bình, · Bỏ đức tính của cân Nhơn Quả. · Dầu ai có bền gan sắt đá, · Cũng động lòng trước cảnh ngửa nghiêng. · Đạo diệu mầu gặp lúc truân chuyên, · Phận môn đệ phải lo vun quén…( 1941 ) Ðược coi Tiên Thánh tức là được sống đời Thượng nguơn là cuộc đời phàm Thánh đồng cư, nghĩa là người phàm sẽ sống lẫn lộn với Tiên Thánh trong cõi Thượng nguơn an lạc.
Posted on: Fri, 05 Jul 2013 13:15:32 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015