Thư gởi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Con chào chú ! Vừa - TopicsExpress



          

Thư gởi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Con chào chú ! Vừa qua con có đọc một bài báo trước đây phỏng vấn GS. Phạm Minh Hạc – Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT – bài báo có tiêu đề là “63% sinh viên thất nghiệp, chất lượng giáo dục có vấn đề ?” (nguồn giaoduc.net.vn, 20/09/2012). Trong bài báo, GS. Phạm Minh Hạc có nhận định là “Hiện nay chất lượng đào tạo đại học đang có vấn đề. Số sinh viên thực sự chăm học, tự rèn luyện tu dưỡng thì không nhiều, có trường chỉ dưới 10%. Đa số sinh viên mờ nhạt về lý tưởng, không có sự phấn đấu”. Trong một bài báo khác, TS. Lê Đông Phương – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giáo dục về Nghề nghiệp, Viện Giáo dục Việt Nam – cũng cho rằng sinh viên ngày nay ra trường thiếu định hướng, thiếu mục tiêu. Theo điều tra của Bộ Giáo dục năm 2011, có 63% sinh viên thất nghiệp vì thiếu kỹ năng, cũng theo một khảo sát khác, có 26,2% cử nhân đại học ra trường nhưng không có việc làm, 70,8% cử nhân ra trường làm việc trái nghề được đào tạo, chỉ có 19% cử nhân làm đúng ngành nghề được đào tạo. Theo những số liệu và nhận định trên thì câu hỏi chung được đặt ra là : NGUYÊN NHÂN TẠI SAO NHƯ THẾ ? Tại sao ngành Giáo dục ta phát triển nhanh hơn so với 40 năm trước mà tỉ lệ sinh viên thất nghiệp còn nhiều ? Tại sao sinh viên ra trường lại làm trái nghề trong khi nhiều ngành nghề đang khan hiếm nhân lực ? Tại sao nhiều trường đại học có tổ chức các khóa huấn luyện kỹ năng cho sinh viên nhưng để rồi lại có đến 63% sinh viên thất nghiệp vì thiếu kỹ năng ? Tất cả những vấn đề trên con xin phép được trao đổi với chú và đó cũng là lý do con viết lá thư này. Sống trong cuộc đời ai cũng có ước mơ và hy vọng, nhưng có người đạt được có người không. Con xin phép kể cho chú nghe 2 câu chuyện mà có thể trước đó chú đã từng nghe qua. “Câu chuyện đầu tiên kể về Nick Vujicic, sinh năm 1982 tại Brisbane, Úc. Mặc dù là một đứa trẻ khỏe mạnh nhưng từ khi sinh ra Nick đã không có 2 chi trên, chi dưới chỉ có 2 bàn chân nhỏ (một trong số đó có 2 ngón chân). Nên khi được đi học anh đã trở thành mục tiêu chế giễu của bạn bè, khiến anh rơi vào tình cảnh trầm cảm tồi tệ. Năm 8 tuổi anh có ý định tự tử và năm 10 tuổi anh đã cố dìm mình trong bồn tắm nhưng tình yêu đối với cha mẹ đã không cho phép anh làm đều đó. Cho đến một ngày Nick nhận ra rằng mình chẳng phải là trường hợp duy nhất phải chiến đấu với khuyết tật, anh bắt đầu chấp nhận khiếm khuyết và chiến đấu với khuyết tật đó vì anh biết sự thành công của mình có thể truyền cảm hứng cho nhiều người khác sống tốt hơn và cũng giúp anh biết trân trọng cuộc sống của mình. Anh bắt đầu học những kỹ năng đời thường mà người bình thường thực hiện dễ dàng : anh học cách tự đứng lên, học cách sử dụng máy vi tính, học cách chảy tóc, đánh răng, học cách ném bóng quần vợt …thậm chí anh học cách lướt ván và nhảy dù. Anh bắt đầu làm việc với hội đồng học sinh ở những sự kiện gây quỹ cho các tổ chức từ thiện ở địa phương và các cuộc vận động vì người khuyết tật. Năm 17 tuổi anh bắt đầu nói chuyện trong nhóm cầu nguyện của mình và sau đó sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Life Without Limbs (cuộc sống không chân tay). Anh bắt đầu đi khắp nơi để diễn thuyết, truyền động lực sống cho mọi người và ngày nay trở thành diễn giả nổi tiếng trên thế giới. Không những thế anh còn cưới được một người vợ bình thường vô cùng xinh đẹp”. “Câu chuyện thứ 2 kể về cậu bé có tên Ben Underwood, đó là một thiếu niên khỏe mạnh, bình thường về mọi mặt. Cậu thích làm tất cả những gì mà mọi thiếu niên khác thích làm : cậu chạy quanh nhà đùa giỡn với anh em và các bạn, cậu chạy xe đạp, trượt ván, trượt pa-tin, chơi bóng rổ và dĩ nhiên cậu cũng thích chơi trò chơi điện tử Nintendo. Nếu chỉ quan sát vẻ bề ngoài, rất khó để chúng ta biết được bên trong cậu bé là một bí mật không thể tin được. Một bí mật mà khi bất cứ ai biết sẽ đập tan tất cả mọi quan niệm của họ về những gì không thể hoặc có thể, đó là : cậu không có mắt. Cái mà chúng ta nhìn thấy (trong ảnh) chỉ là mắt giả, hoàn toàn mang tính thẫm mỹ. Tuy nhiên, thật phi thường, Ben Underwood tự dạy cho bản thân mình cách nhìn. Ben sống với gia đình ở ngoại ô Sacramento. Khi được 2 tuổi, mẹ cậu, bà Aquanetta để ý thấy con ngươi trong hai mắt cậu chuyển sang màu trắng đục. Chỉ trong vài ngày, hai con ngươi cậu bé đã trắng dã. Dấu hiệu này cho thấy Ben bị một khối u ác tính hiếm có, tỉ lệ là 6 trên 1.000.000 trẻ em mắc phải, gọi là ung thư nguyên bào võng mạc (Retinoblastoma), bác sĩ giải phẫu mắt cho Ben, tiến sĩ Jame Ruben giải thích rằng : “Nếu cứ để yên thế này, bệnh có thể gây ra tử vong. Căn bệnh sẽ giết chết cậu bé. Bệnh sẽ di căn ra khắp cơ thể và chắc chắn rằng cậu bé không sống nổi”. Nếu Ben không được chữa trị, khối u sẽ theo dây thần kinh thị giác di căn lên não. Lập tức Ben được chữa trị bằng phương pháp hóa trị và xạ trị với nỗ lực cứu lấy đôi mắt của cậu. Nhưng sau 12 tháng chữa trị, khối u vẫn không hoàn toàn biến mất. Mẹ Ben đứng trước một quyết định khó khăn nhất trong đời : tiếp tục chữa trị với nguy cơ khối u sẽ di căn lên não của Ben, cũng có nghĩa là cầm chắc cái chết, hoặc cho phép bác sĩ múc bỏ đôi mắt Ben và cứu sống cậu nhưng buộc cậu bé phải sống một cuộc sống chìm trong bóng tối vĩnh viễn. Bà đã lựa phương án hai. Khi Ben thức giấc sau ca phẫu thuật, cậu nghe tiếng mẹ nói ở bên tai và cậu nói với mẹ “Mẹ ơi, con không nhìn thấy được nữa, con không nhìn thấy được nữa. Ôi mẹ ơi, con không nhìn thấy gì hết”. Nhưng Aquanetta đã trấn an cậu “con có thể nhìn thấy. Ben à, con có thể nhìn thấy bằng đôi tay của con”, rồi bà áp hai bàn tay của cậu lên mặt của mình, “con có thể nhìn thấy bằng mũi của mình” và bà đặt tay mình lên mũi cậu bé, rồi bà lại nói “con có thể nhìn thấy bằng tai của mình. Con yêu, con nghe mẹ nói rồi đấy”. Từ khoảnh khắc đó, Aquanetta không cho phép con trai nghĩ mình là một người mù. “Con không còn đôi mắt nữa”, bà nói với con, “nhưng con còn đôi tay, mũi và hai tay con vẫn có thể nhìn thấy được”. Mẹ của Ben quyết tâm rằng đứa con nhỏ của mình sẽ được sống cuộc sống bình thường nhất có thể. Đôi khi, bà tự nhốt mình trong phòng và khóc, nhưng khi bước ra ngoài bà không bao giờ để Ben biết là bà tiếc thương cho con đến nhường nào. Bà nói “Bởi tôi không muốn cháu thương hại chính bản thân mình. Tôi luôn tiếp thêm cho con sự tự tin, lòng dũng cảm và sức mạnh. Đó là tất cả những gì mà tôi đã làm”. Một năm sau khi Ben mất đi đôi mắt, một đều đã xảy ra làm sửng sốt mẹ của cậu. Khi bà đang lái xe thì Ben hỏi “Mẹ, mẹ có thấy tòa nhà to ở đằng kia không ?”, Aquanetta sững sờ. Cả hai vừa chạy ngang qua một tòa nhà lớn. Bà nói “Mẹ thấy một tòa nhà lớn ở đó nhưng con có thấy không ?”. Ben đã làm được một đều mà cho đến gần đây, hầu hết các nhà khoa học vẫn tin là không thể. Cậu đã tự học cách nhìn mà không cần đôi mắt. Cũng giống như lời người mẹ đã trấn an cậu, Ben có thể nhìn thấy thế giới xung quanh … bằng âm thanh”. Đọc xong 2 câu chuyện trên có lẽ chú đang thắc mắc “hai câu chuyện trên thì có liên quan gì đến ngành Giáo dục Việt Nam ?”. Xin thưa là có. Cả hai câu chuyện trên đều nói lên một vấn đề đó là “sự khát khao và niềm tin mạnh mẽ”. Như con đã nói, ước mơ ai cũng từng có, nhưng người thì đạt được, kẻ lại không. Nếu Nick Vujicic không có khát khao vượt qua số phận, không có khát khao vượt qua khiếm khuyết để truyền cảm hứng sống cho người khác thì giờ có lẽ anh đang nằm một chỗ có người chăm sóc từng li từng tí như bao người khuyết tật khác, nếu Nick không có niềm tin mạnh mẽ sẽ vượt qua tất cả mọi khó khăn thì giờ có lẽ không ai biết đến anh là ai, nếu anh không có niềm tin vào tình yêu thì anh sẽ không bao giờ có được một người vợ xinh đẹp như thế. Câu chuyện thứ 2 cũng thế, nếu mẹ của Ben không có một khát khao cho con mình được sống một cuộc sống bình thường thì sẽ không có những lời động viên quý giá đó và nếu bà không truyền niềm tin cho cậu vượt qua khó khăn , mặc cảm thì có lẽ giờ Ben đã là một người đang dò từng bước đi với cây gậy của mình. Và bây giờ, tất cả những câu hỏi ở trên đã có câu trả lời, đó là : sinh viên Việt Nam ta đang thiếu sự KHAO KHÁT và NIỀM TIN mạnh mẽ. Đôi khi tệ hơn, nhiều bạn sinh viên ra trường thiếu đi mục đích sống. Không biết mình sẽ làm gì, khả năng mình ra sao và sau này mình sẽ trở thành như thế nào. Sống không mục đích giống như con thuyền ra khơi mà không biết đi về đâu, cứ thả trôi theo dòng nước, may thì cập được vào bến, xui thì gặp đá ngầm, nước xoáy. Chúng ta hay nói rằng ngành Giáo dục nên định hướng cho sinh viên. Nhưng theo con thiết nghĩ, định hướng không vẫn là chưa đủ, bởi vì ở trường định hướng các bạn thấy đúng, về nhà ba mẹ định hướng khác cũng phải nghe theo, ra ngoài gặp người thân, bạn bè định hướng khác nữa thấy hợp lý. Cuối cùng các bạn trẻ không biết định hướng nào là tốt, phù hợp với mình và chạy theo xu thế “nghề nào đang hot, đang tuyển nhiều” thì thi vào, cuối cùng tạo ra sự dư thừa ngành này mà thiếu nhân lực ngành khác (như có thời gian mọi người đổ xô học điều dưỡng rồi cuối cùng cung vượt cầu rất nhiều). Vì thế, ngoài định hướng (mục tiêu) thì các bạn trẻ cần có thêm sự khao khát và niềm tin mạnh mẽ, như thế định hướng nào có sự khao khát, đam mê mạnh mẽ hơn thì sinh viên sẽ theo đuổi định hướng đó. Nếu có khao khát và niềm tin đôi khi các bạn trẻ còn tạo ra những nghề mới cho XH, cho chính mình chứ không phải ngồi chờ để xin việc. Rất nhiều bạn trẻ lúc còn học phổ thông đã có biết bao nhiêu hoài bão, muốn trở thành kỹ sư, bác sỹ, kiến trúc sư…v.v..nhưng cuối cùng đành bỏ đi những ước mơ đó bởi thiếu đi sự khao khát mà chạy theo xu thế. Có rất nhiều lý do để các bạn từ bỏ ước mơ : cha mẹ ép buộc, người thân khuyên bảo, cuộc sống khó khăn, cho rằng năng lực không đủ . .v..v..tất cả cũng chỉ vì thiếu đi niềm tin nên dễ bị lung lây bởi hoàn cảnh, bởi ý kiến khác, sợ hết đều này đều nọ rồi cuối cùng theo học ngành không thích, học cho có, không phấn đấu, không mục tiêu. . .con cũng đã từng rơi vào trường hợp như thế. Nếu thế hệ trẻ ngày nay được tiếp thêm niềm tin, khơi dậy sự khao khát đang ngủ quên thì những ước mơ của họ có thể thực hiện được, lớp trẻ sẽ sống tốt hơn, học tập hăng say hơn. Nhiều người cho rằng kiên trì cũng là đều không thể thiếu, nhưng hãy thử nghĩ xem có ai kiên trì cho một đều mà họ không mong ước ? nếu có khát khao và niềm tin thì kiên trì sẽ xuất hiện. Có khát khao và niềm tin sẽ giúp cho con người vượt qua nhiều khó khăn, thất bại, như một chàng trai yêu say đắm cô gái (sự khao khát), để gặp được cô gái chàng trai sẽ không ngại đường xa, nắng gắt hay mưa bão, xe hư…thậm chí là nguy hiểm để đến gặp. Nếu cô gái đó là một cô bạn bình thường (không có sự khao khát) thì chàng trai sẽ dễ dàng quay về (bỏ cuộc) khi mưa bão, xe hư…xảy ra. Tất nhiên, con không chắc rằng khi có đủ khao khát và niềm tin thì mọi ước muốn sẽ đạt được, nhưng con dám chắc rằng không có khao khát và niềm tin thì sẽ không bao giờ có được ước mơ nào cả. Ngày nay, nước ta có rất nhiều công ty tổ chức các buổi hội thảo nâng cao kỹ năng mềm, có rất nhiều diễn giả nổi tiếng và nhiều trường đại học cũng đã tổ chức nhiều khóa học kỹ năng mềm cho sinh viên, thế nhưng vẫn còn đến 63% sinh viên ra trường không có việc làm vì thiếu kỹ năng, có rất nhiều sinh viên ra trường không đủ tự tin và nhiều sinh viên mất đi phương hướng. Lý do là hầu hết các công ty tổ chức hội thảo chỉ có thể khơi dậy ngọn lửa khao khát và hăng say ngay trong khóa hội thảo đó mà thôi, khi ra về sau một thời gian trở lại với cuộc sống thường ngày những ngọn lửa đó sẽ tắt hết. Hiện nay, theo riêng con được biết thì có một công ty có thể truyền lửa và giữ lửa khao khát lâu trong lòng các bạn trẻ, đó là công ty TGM Corporation của diễn giả Trần Đăng Khoa. Thưa chú, con không phải là người thân của anh Khoa, càng không phải là nhân viên của TGM nên sự quảng cáo của con nếu có đem lại lợi nhuận cho TGM thì con cũng không có một đồng. Con muốn giới thiệu TGM bởi vì con biết TGM có nhiều khóa học tuyệt vời và bổ ích cho các bạn trẻ, đã giúp cho nhiều bạn ở Tp.HCM và Hà Nội thay đổi một cách tích cực, truyền động lực sống, kỹ năng mềm, niềm tin và sự khao khát cho nhiều người, giúp nhiều người tìm ra mục đích sống tốt hơn. Các khóa học đó là : Tôi tài giỏi, bạn cũng thế ! (dành cho tuổi teen, thiếu niên, nâng cao và chuyên sâu); Thiếu niên siêu đẳng; Những mô thức thành công; …còn một lý do nữa mà con giới thiệu TGM bởi vì các khóa học này do chính anh Adame Khoo – triệu phú trẻ tuổi của Singapore (thành triệu phú lúc 26 tuổi), một diễn giả nổi tiếng và là Chủ tịch của tập đoàn giáo dục Adam Khoo Learning Technologies Group – sáng tạo nên. Nếu chú biết về tiểu sử của Adame Khoo chú sẽ phải ngạc nhiên : “Lúc nhỏ Adame Khoo là một học sinh lười biếng, dốt nát, không có chí phấn đấu, khoái rong chơi quậy phá hơn là chuyên tâm học hành. Đã từng bị đuổi học vào năm lớp 3 (lúc 9 tuổi), còn kết quả thi tốt nghiệp cấp 1 thì kém đến nỗi 6 trường cấp 2 mà cha mẹ anh xin cho con học đều từ chối. Cuối cùng anh được xếp vào một trường cấp 2 làng nhàng trong vùng, tiếp tục thi lại tất cả các môn học và “đội sổ” toàn trường. Năm 13 tuổi, tuyệt vọng với đứa con trai duy nhất, cha mẹ anh đành gởi anh vào trại hè tập huấn với hy vọng làm cho anh tỉnh ngộ mà tìm được mục tiêu sống của đời mình chăng. Cũng trong khóa học này, lần đầu tiên anh tiếp xúc với khái niệm Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy (Nero – Linguistic Programming – NLP) và các phương pháp học tăng tốc. Đến lúc ấy anh mới biết rằng khả năng con người là vô hạn, một khi được trang bị những phương pháp đúng đắn thì ai cũng có thể đạt được mục tiêu của đời mình. Thế là anh đề ra những mục tiêu to lớn mà nếu chúng ta biết được sẽ cho là chuyện không tưởng. Mục tiêu đầu tiên là trở thành học sinh suất sắc nhất tại ngôi trường đang học Ping Yi và anh đã đạt được với 7 điểm 10 tuyệt đối trong kỳ thi trung học cơ sở. Anh được nhận vào trường trung học Victoria (một trong những trường phổ thông danh giá nhất Singapore thời bấy giờ). Anh đặt ra 2 mục tiêu tiếp theo là thi đậu vào trường đại học danh giá nhất Singapore và nằm trong tốp 1% sinh viên suất sắc nhất trường. Anh đã đạt được 2 mục tiêu đó, anh đã thi đậu vào trường đại học Quốc Gia Singapore (trường luôn được tổ chức Giáo dục Time (Anh) xếp vào tốp 50 trường đại học tốt nhất thế giới). Anh được nhận vào học chương trình phát triển tài năng dành cho 1% sinh viên suất sắc nhất trường”. Đọc đến đây có lẽ chú đã hiểu vì sao con giới thiệu công ty TGM rồi chứ ạ ? Những khóa học của TGM không chỉ có lý thuyết mà còn có cả thực tế cho các học viên, tạo nên sự năng động, tự tin và đầy đam mê cho người học. Chính như thế sẽ giữ lửa nhiệt huyết lâu hơn so với các khóa hội thảo đơn thuần. Nếu những khóa học này được áp dụng cho tất cả các trường học ở VN (trường cấp 1, 2, 3 và đại học) thì con tin rằng ngành Giáo dục VN sẽ có chuyển biến mới, sinh viên ra trường sẽ tự tin hơn, khát khao hơn và có mục đích sống hơn. Đều đó cũng có nghĩa là góp phần làm giảm những tệ nạn XH, giảm bớt số người thất nghiệp và giảm bớt nguy cơ phạm tội của giới trẻ hơn. Những gì mà anh Adame Khoo đã làm được thì tất cả học sinh, sinh viên VN cũng sẽ trở nên tốt hơn bởi những khóa học của anh ấy, con tin như thế. Tất cả những chia sẽ và phân tích trên có thể không đúng so với toàn diện của ngành Giáo dục VN, nhưng xét về mặt nào đó thì đây là cách để giúp thế hệ trẻ VN sống tốt hơn, có hoài bão hơn và con biết rằng hơn ai hết chú là người mong muốn sinh viên VN sống tốt hơn. Sự tuyệt vời của các khóa học đã được minh chứng bởi những học viên từng tham gia, nếu chú còn phân vân sự ích lợi của nó xin hãy kiểm chứng. Mong muốn duy nhất hiện nay của con là có thể mang các khóa học này đến tất cả các trường để các bạn trẻ có được cơ hội tiếp xúc với những khóa học bổ ích và cũng để chứng minh cho mọi người thấy sự kỳ diệu của nó. Cám ơn chú rất nhiều vì đã dành thời gian đọc lá thư này, chúc chú cùng gia đình luôn khỏe mạnh và hạnh phúc !
Posted on: Thu, 25 Jul 2013 19:50:54 +0000

Recently Viewed Topics




© 2015