Tin Cập Nhật Thứ Hai 9/12 Tin Thế - TopicsExpress



          

Tin Cập Nhật Thứ Hai 9/12 Tin Thế Giới 1. Người biểu tình ở Ukraine kéo đổ tượng Lenin Những người dân Ukraine biểu tình phản đối chính phủ đã kéo đổ bức tượng người sáng lập nhà nước Xô viết Vladimir Lenin, trong trung tâm thủ đô Kiev, trong đợt biểu tình rầm rộ mới nhất phản đối chính phủ của Tổng thống Viktor Yanukovych. Hàng trăm ngàn người phất cờ Liên hiệp Âu châu và cờ Ukraine trong khi tập hợp tại Quảng trường Độc lập ở Kiev để phản đối quyết định của chính phủ không ký một thỏa thuận thương mại với Liên hiệp Âu châu để ủng hộ Mốcw. Trong một bức thư gửi cho con gái, nhà lãnh đạo đối lập từng là Thủ tướng Ukraine, hiện đang bị tù, bà Yulia Tymoshenko viết, ông Yanukovych đã mất tư cách chính danh là tổng thống và kêu gọi lật đổ ông. Bà viết: “Ông ấy hiểu rằng chỉ một ngôn ngữ duy nhất. Đây là ngôn ngữ của sức mạnh đầy uy lực và hòa bình. Và chúng ta nên sử dụng nó để nói với ông ấy. Chúng ta phải loại ông ấy ra khỏi quyền lực ngay bây giờ.” Trước đó, nhà lãnh đạo đối lập Arseniy Yatsenyuk nói rằng ông sẽ chỉ thương thảo với Tổng thống Yanukovych khi nào ông ấy chỉ định một chính phủ mới sẽ tạo mối quan hệ chặt chẽ với Âu châu. Hôm Chủ nhật, cơ quan an ninh nhà nước loan báo họ đã mở cuộc điều tra các nhà lãnh đạo đối lập vì tình nghi mưu toan tiếm quyền. Trong khi đó, Ủy ban Âu châu ra một tuyên bố nói rằng Chủ tịch Ủy ban Jose Manuel Barroso đã điện đàm với ông Yanukovych hôm Chủ nhật, kêu gọi ông nhanh chóng tìm cách đối thoại với phe đối lập và tôn trọng các dân quyền. Ủy ban cũng cho biết trưởng ban chính sách đối ngoại của EU, bà Catherine Aston sẽ đi thăm Kiev trong tuần này để hỗ trợ việc tìm giải pháp ra khỏi cuộc khủng hoảng. Hôm thứ Sáu ông Yanukovych đã gặp nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin để đàm phán về một hiệp định mà phe đối lập xem như một nỗ lực nhằm tạo lại Liên Xô. (VOA) | 2. Cuộc thanh trừng công khai ở Bắc Hàn là dấu hiệu chuyển tiếp lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã xác nhận người chú và cũng là người đỡ đầu của lãnh tụ Kim Jong Un, ông Jang Song Thaek đã bị lật đổ trong một cuộc thanh trừng công khai. Các chuyên gia phân tích chính trị nói việc bãi chức được quảng bá rầm rộ ngụ ý như một lời cảnh cáo để bảo đảm sự trung thành vào lúc nhà lãnh đạo trẻ tuổi củng cố thế lực. Các cơ quan truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên hôm nay xác nhận các bản tin tình báo nói rằng ông Jang Song Thaek đã bị tước hết quyền lực và chức vụ vì tội tham nhũng và bè phái. Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên KCNA nói ông Jang và những người đồng bọn đã lạm dụng quyền thế trong các hành động chống lại đảng cộng sản và làm lơ trước các mệnh lệnh của lãnh tụ Kim Jong Un, là cháu rể của ông. Ông Jang đã bị bãi chức phó chủ tịch Uỷ ban Quốc phòng nhiều thế lực của Bắc Triều Tiên, và bị cáo buộc sử dụng ma tuý, cờ bạc, chơi gái và ăn uống xa hoa. Ðài truyền hình trung ương Triều Tiên chiếu các hình ảnh ông Jang bị binh sĩ mặc quân phục bắt đi tại một cuộc họp tại văn phòng chính trị của Ðảng Lao động với sự tham dự của ông Kim Jong Un. Việc ông bị bãi chức cũng được đưa lên trang nhất của tờ báo chính thức Rodong Sinmun. Ông Andrei Lankov là giáo sư môn sử Triều Tiên tại trường đại học Kookmin. Ông nói tuy việc thanh trừng chính trị ở Bình Nhưỡng không có gì là khác thường, mức độ quảng bá trong trường hợp này là điều chưa từng thấy trước đây. “Trước đây, hàng trăm và có thể là hàng ngàn giới chức cấp cao đã từng bị thanh lọc. Một số bị hành quyết, một số bị gửi đi sống lưu vong hoặc vào tù. Một số cuối cùng lại quay trở lại chức vụ. Tuy nhiên, với rất ít truờng hợp ngoại lệ ở Bắc Triều Tiên, các vụ thanh trừng vẫn luôn luôn cố định...họ không công khai hóa việc này. Và nêú có, thì cũng chưa bao giờ tới mức độ như lần này.” Chưa rõ điều gì sẽ xảy ra cho ông Jang hoặc liệu nhân vật 67 tuổi này có bị truy tố về tội hình sự nào hay không. Các chuyên gia phân tích chính trị nói các động thái dường như nhắm mục đích cảnh báo các giới chức chống lại lãnh tụ Kim Jong Un rằng ngay cả liên hệ gia cũng không bảo vệ được họ. Ông Cheong Seong-chang, một giảng viên kỳ cựu tại Viện Sejong của Nam Triều Tiên nói các hoạt động của ông Jang Song Thaek đã trở thành một vấn đề khi ông tìm cách xác lập quyền hành mạnh hơn ông đã có dưới thời ông Kim Jong Il. Hai trong số các trợ lý của ông đã bị hành quyết tại một tòa án binh, và ông đoán là ông Jang Song Thaek sẽ bị gửi đến một trại tập trung hay bị trừng trị nặng hơn nữa. Ông Jang Song Thaek đã bị thanh trừng một cách thầm lặng hai lần trước đây dưới thời cựu lãnh tụ Kim Jong Il, người anh em rể của ông ta. Nhưng ông Jang đã được giải cứu và phục chức với sự giúp đỡ của bà vợ và người dì của ông Kim Jong Un, là bà Kim Kyong Hui. Hai vợ chồng ông đã phụ giáo cho ông Kim Jong Un sau cái chết của thân phụ nhưng các cơ quan truyền thông Nam Triều Tiên nói bà Kim Kyong Hui đã bị đau ốm và mất ảnh hưởng. Phần lớn giới lãnh đạo cấp trung ương của Bắc Triều Tiên là từ thời ông Kim Jong Il và ở độ tuổi 60 và 70, khiến các chuyên gia phân tích đi đến chỗ tranh luận về mức độ trung thành của họ đối với ông Kim Jong Un mới có 30 tuổi. Kể từ khi lên nắm quyền cách đây 2 năm, lãnh tụ Kim Jong Un đã thay thế hơn 40% các giới chức cấp cao để củng cố sự cai trị của mình bằng một thế hệ trẻ hơn trung thành với ông ta. Cuộc cải tổ quyền lực đã gây quan ngại về sự ổn định chính trị tại quốc gia nghèo khó có vũ khí hạt nhân này. Ông Lankov nói rủi ro của việc bãi chức ông Jang có phần chắc mang tính tạm thời trong khi lợi ích về phía lãnh tụ Kim Jong Un mang tính dài hạn. “Tôi sẽ không đánh giá thấp tác động này bởi vì, cùng lúc, nó chứng tỏ cho giới quan liêu rằng người thanh niên này là một người đáng sợ và tốt hơn là chớ nên gây rắc rối với ông ta. Và rút cuộc thì sự sợ hãi đó có thể làm gia tăng sự ổn định trong nước.” Trước khi bị bãi chức, ngoài những chức vụ khác, ông Jang Song Thaek phụ trách các đặc khu kinh tế liên doanh với Trung Quốc. Ông Daniel Pinkston là phó giám đốc vùng Ðông Bắc Á của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế. Ông nói việc thanh trừng ông Jang có phần chắc sẽ không tác động đến bang giao với Bắc Kinh. “Với ông Jang bị gạt sang một bên, tôi không thấy có thay đổi nào quan trọng trong mối bang giao đó. Và Trung Quốc có động cơ giữ nguyên chế độ và bảo đảm là Bắc Triều Tiên được ổn định. Và theo tôi họ sẽ tiếp tục mức độ hỗ trợ mà chúng ta thấy trước đây.” (VOA) | 3. Thái Lan giải tán Quốc hội Khoảng 140,000 người xuống đường tại Bangkok đòi Thủ tướng Thái Lan từ chức. Bà Yingluck Shinawatra tuyên bố giải tán Quốc hội. Cử tri Thái Lan được kêu gọi đi bầu thời hạn vào đầu tháng 2/2014. Đảng Puea Thai đang cầm quyền tiếp tục do bà Yingluck lãnh đạo có nhiều triển vọng thắng cử. Vào sáng nay 09/12/2013, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra thông báo giải tán Quốc hội để chấm dứt khủng hoảng chính trị đã kéo dài từ một tháng qua. Quyết định trên chưa xoa dịu tình hình. Cảnh sát Bangkok cho biết khoảng 100,000 người biểu tình tại thủ đô Thái Lan vào hôm nay. Họ tiếp tục đòi trục xuất gia đình Shinawatra ra khỏi guồng máy quyền lực. Đối lập Thái đưa ra con số 140,000 người xuống đường chỉ riêng tại Bangkok. Lãnh đạo phong trào nổi dậy, ông Suthep Thaugsauban, tuyên bố mục tiêu cuối cùng vẫn là lật đổ nội các Yingluck. Lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập, cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, chưa lên tiếng sau việc bà Yingluck thông báo giải tán Quốc hội. Tuy nhiên, theo giới quan sát, đảng cầm quyền Puea Thai của bà Yingluck có nhiều triển vọng vẫn chiếm được đa số rộng rãi, do đảng này được thành phần cử tri ở các tỉnh thành và nông thôn ủng hộ. Trong khi đó, đảng Dân chủ chỉ có sức thuyết phục các thành phần trí thức và tầng lớp trung lưu chủ yếu sống ở thành phố. Theo phân tích của chuyên gia về Thái Lan Pavin Chachavalpongun, thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại đại học Tokyo, giải tán Quốc hội chỉ là một lối thoát tạm thời bởi không có gì bảo đảm là đảng Dân chủ sẽ tuân thủ luật chơi và chấp nhận kết quả cuộc bầu cử sắp tới. Cũng chưa ai biết là đảng đối lập sẽ tẩy chay cuộc bầu cử được dự trù vào đầu tháng 2/2014 hay không. Đòi hỏi bà Yingluck từ chức không còn tính thời sự, bởi vì Thủ tướng Thái Lan vừa thông báo giải tán Quốc hội. Thái Lan có 60 ngày để bầu lại Quốc hội. Phe đối lập chưa mãn nguyện và họ yêu cầu Quốc vương chỉ định một chính phủ lâm thời. Một Hội đồng nhân dân sẽ điều hành đất nước cho đến ngày Thái Lan bầu lại Quốc hội. (RFI) | Tin Hoa Kỳ 4. Bộ Trưởng Quốc Phòng HK hội đàm với Thủ Tướng Pakistan Chuyến đi của Bộ trưởng Hagel tới Islamabad hôm nay là chuyến đi thăm Pakistan đầu tiên của một giới chức đứng đầu Ngũ Giác Đài trong nhiều năm qua. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dự tính sẽ thảo luận về những mối đe dọa an ninh và việc phong tỏa một đường tiếp tế sang Afghanistan cho lực lượng NATO do một chính đảng Pakistan dẫn đầu như một hình thức phản đối các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái do Hoa Kỳ thực hiện nhắm vào những thành phần hiếu chiến tại Pakistan. Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đã gây căng thẳng nghiêm trọng giữa Washington và Islamabad. Bộ trưởng Hagel có mặt tại Afghanistan từ hôm thứ Bảy. Tại đây, Bộ trưởng Quốc phòng Afghanistan Bismillah Khan Mohammad đã trấn an ông rằng một hiệp định an ninh với Hoa Kỳ sẽ được ký kết đúng thời điểm, bất chấp thái độ miễn cưỡng của Tổng Thống Hamid Karzai. Hội đồng trưởng lão Afghanistan, còn gọi là Loya Jirga, đã kêu gọi ông Karzai hãy ký hiệp định này. Tổng Thống Karzai đã từ chối, không ký hiệp định an ninh với Mỹ, theo đó một số binh sĩ Mỹ sẽ ở lại Afghanistan sau năm 2014 để giúp huấn luyện các lực lượng Afghanistan trong cuộc chiến chống phe Taliban. Ông Karzai nói ông muốn người kế nhiệm ông quyết định về hiệp định an ninh với Mỹ sau cuộc bầu cử Tổng Thống vào tháng Tư sang năm. Hoa Kỳ trước đây nói rằng Tổng Thống Karzai phải ký hiệp định an ninh trước cuối năm nay, nếu không Washington không có lựa chọn nào khác hơn là phải triệt thoái toàn bộ các binh sĩ Mỹ ra khỏi Afghanistan. (VOA) | Tin Việt Nam 5. Chủ tịch nước CSVN ký lệnh công bố Hiến pháp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa ký lệnh công bố Hiến pháp mới đã qua sửa đổi mà truyền thông nhà nước ca ngợi là ý Đảng lòng dân. Lễ ký được tổ chức sáng Chủ nhật 8/12 tại Hà Nội với sự chứng kiến của một dàn lãnh đạo nhà nước và chính phủ Việt Nam. Việc ký lệnh công bố này chính thức khép lại toàn bộ tiến trình sửa đổi Hiến pháp 92 vốn đã gây nhiều tranh cãi trong suốt một năm qua. Các nhà chỉ trích nói bản hiến pháp mới không khác gì hiến pháp cũ, thậm chí còn có bước thụt lùi. Một số người còn lên án việc Quốc hội thông qua Hiến pháp sửa đổi hôm 28/11, cho đây là việc làm có tội với dân tộc. Trong bài viết công bố hôm thứ Hai 9/12 của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, người đồng thời là Chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp, ông Hùng ca ngợi quá trình xây dựng Hiến pháp mới đã được thực hiện công phu, nghiêm túc, khoa học và thật sự dân chủ. Ông Nguyễn Sinh Hùng không tiếc lời ca ngợi: Hiến pháp đã phản ảnh được ý chí và nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân. Ý Đảng lòng dân đã được thể hiện hòa quyện sâu sắc trong bản Hiến pháp. Bài viết dài gần 3,500 chữ chủ yếu ca ngợi các điểm tiếp tục được hiến định trong bản Hiến pháp mới, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2014. Ông chủ tịch Quốc hội khẳng định: Hiến pháp tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vai trò đó do lịch sử giao phó, nhân dân thừa nhận và được Hiến pháp xác nhận. (BBC) | 6. Tập hợp vì nhân quyền ở VN ‘bị phá rối’ Các hoạt động cổ súy cho nhân quyền ở Việt Nam hôm Chủ nhật 8/12 nhân Ngày Quốc tế Nhân quyền đã bị chính quyền tìm mọi cách quấy phá. Hành động này xảy ra trong lúc Việt Nam vừa trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc với nhiệm kỳ ba năm. Chính quyền Việt Nam xem đây là bằng chứng cho thấy cộng đồng quốc tế nhìn nhận thành tích nhân quyền của họ. Tuy nhiên, theo những hình ảnh được đăng tải trên các diễn đàn trên mạng thì có vẻ chính quyền trong nước không ủng hộ hành động cổ súy quyền con người mà các nhóm vận động trong nước thực hiện. Blogger Hoàng Dũng, một trong những người tham gia buổi sinh hoạt về nhân quyền ở Công viên 23/9 ngay tại trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận. Ngoài thành phố này, các nhà hoạt động nhân quyền mà chủ yếu là các blogger cũng tập hợp ở các địa điểm công cộng ở thủ đô Hà Nội và thành phố biển Nha Trang để tuyên truyền cho công chúng về giá trị của nhân quyền. Những người này được cho là đã phân phát bóng bay có dòng chữ ‘Quyền con người của chúng ta phải được tôn trọng’ và các bản ‘Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền’ và ‘Công ước quốc tế chống tra tấn’ cho người dân. Anh Dũng cho biết ‘những người có mục đích ngăn chặn rất đông’ đến ‘gấp hai gấp ba lần’ những người tham dự buổi kỷ niệm. Anh nói những người này bao gồm ‘an ninh chìm, hội phụ nữ và những thanh niên không xác định rõ nguồn gốc’. Blogger này mô tả những hành động phá rối như sau: “Họ quây những người tham dự lại để ngăn chặn những người mới đến gia nhập. Họ giả vờ là người mới đến để xin những tài liệu về nhân quyền và xin bóng bay nhưng lại chọc bóng cho thủng và giấu tài liệu đi còn an ninh ra mặt thì sẵn sàng giật tài liệu bỏ chạy chưa nói đến việc ném mắm tôm.” Anh cũng cho biết là bạo lực đã xảy ra khi một blogger có tên Châu Văn Thi bị đánh. “Khi đó tôi có ra nói với người đánh anh Thi rằng không nên sử dụng bạo lực như vậy,” anh kể, “Chính ngay lúc ấy anh ta quay lại tấn công tôi.” Tuy nhiên, anh Dũng cho biết những người hoạt động nhân quyền ‘không có hành động chống cự hay phản kháng’ vì ‘chúng tôi đã bảo nhau đây là đấu tranh bất bạo động’. Còn về những người nhận được những tài liệu phân phát, anh Dũng cho biết là họ ‘tò mò cầm đọc và bỏ đi ngay vì sợ sự dính líu’. “Cơ quan công quyền có pháp luật trong tay họ hoàn toàn có rất nhiều cách khác để làm,” anh chỉ trích hành động của cơ quan an ninh, “Thế mà họ không nghĩ ra. Không hiểu có phải có sự tư vấn nào đấy từ người trên chỉ đạo mà họ có hành động như vậy.” “Có nhiều cách chứ không phải dùng những cách tự làm xấu chính họ như dùng côn đồ đánh đấm hay ném mắm tôm.” Blogger này cho rằng những việc mà anh cùng những đồng sự làm là ‘tốt cho người dân’ và đặt vấn đề ‘tại sao chính quyền lại sợ bản Tuyên ngôn nhân quyền đến thế’. Anh Hoàng Dũng nói rằng mặc dù lực lượng an ninh ‘đã làm rất nhiều hành động’ ngăn cản nhưng nhờ đó những người tham dự buổi tập hợp cũng ‘đo đếm được phản ứng của nhà cầm quyền đối với những người hoạt động cho một xã hội tốt đẹp hơn’. (BBC)
Posted on: Mon, 09 Dec 2013 16:34:27 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015