Triển khai Luật thuế Thu nhập cá nhân (sửa đổi): - TopicsExpress



          

Triển khai Luật thuế Thu nhập cá nhân (sửa đổi): Nhìn từ giác độ người nộp thuế Nội dung: Từ 1/7/2013, Luật số 26/2012/QH13 - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) số 04/2007/QH12 chính thức có hiệu lực thi hành. Các cơ quan quản lý Nhà nước đã khẩn trương hoàn thành các văn bản pháp quy hướng dẫn thực hiện Luật, còn người nộp thuế (NNT) lại đang náo nức chờ đón Luật thuế mới. Triển khai Luật thuế Thu nhập cá nhân (sửa đổi): Nhìn từ giác độ người nộp thuế Một trong những mục tiêu quan trọng khi ban hành Luật thuế TNCN là tăng cường công tác kiểm soát, phân phối thu nhập và điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Nguồn: Internet Niềm vui cho người nộp thuế Theo Luật Thuế mới, sẽ có hơn 2 triệu người đang nộp thuế TNCN từ tiền lương tiền công, từ kinh doanh ở bậc 1, bậc 2 sẽ không thuộc đối tượng nộp thuế TNCN; NNT ở bậc 3, bậc 4 cũng giảm số thuế nộp đáng kể. Dù biết rằng nộp thuế TNCN là nghĩa vụ của công dân đối với đất nước, nhưng giảm nghĩa vụ về thuế vẫn là tin vui với NNT. Việc giảm nghĩa vụ thuế cơ bản là do sửa đổi Khoản 1 Điều 19 của Luật số 26/2012/QH13 như sau: Điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh đối với bản thân NNT từ 4 triệu đồng/tháng (48 triệu đồng năm) lên 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng năm) và với mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng. Theo Luật hiện hành, nếu một cá nhân có thu nhập chịu thuế (sau khi đã trừ các khoản bảo hiểm theo quy định) là 16 triệu đồng/tháng thì cá nhân này sẽ được giảm trừ gia cảnh 7,2 triệu đồng, thu nhập tính thuế là 8,8 triệu. Tiền thuế TNCN nộp một tháng là 630 000 đồng. Trong đó tiền thuế ở bậc 1 là 250 000đ (5 triệu x 5%), bậc 2 là 380 000 đồng (3,8 triệu x 10%). Tuy nhiên, theo Luật sửa đổi thì cá nhân này sẽ được giảm trừ gia cảnh là 16,2 triệu đồng/ tháng, nếu thu nhập thực nhận chỉ 15 triệu đồng nên sẽ không còn nộp thuế như hiện hành. Điều này cho thấy, trong tình hình nền kinh tế còn khó khăn, việc giảm mức điều tiết thuế (sửa đổi thuế TNCN) thể hiện sự quan tâm và chia sẻ kịp thời của Nhà nước đối với người dân. Kỳ vọng của người nộp thuế từ những chính sách Thứ nhất, là sự rõ ràng, minh bạch khi xác định các khoản thu nhập chịu thuế, không chịu thuế, miễn thuế. Các văn bản pháp quy hướng dẫn thực hiện Luật sẽ hướng dẫn cụ thể cho NNT và cơ quan Thuế cách xác định thống nhất các khoản chịu thuế, không chịu thuế, như khoản tiền ăn giữa ca, công tác phí, tiền điện thoại, văn phòng phẩm, trang phục... Bởi trong thực tế các khoản lợi ích mà NNT nhận được từ cơ quan chi trả thu nhập rất đa dạng, nếu đưa vào tất cả các khoản lợi ích vật chất thì khó có thể quản lý thu đầy đủ. Nếu không thu được thì dẫn đến hậu quả cơ quan Thuế không hoàn thành nhiệm vụ, NNT không thực hiện đúng nghĩa vụ. Thứ hai, căn cứ, cơ sở tính thuế có cơ sở khoa học, thực tiễn, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện cụ thể của Việt Nam trong khuôn khổ Luật định. Người nộp thuế kỳ vọng rằng Luật thuế Thu nhập cá nhân sửa đổi, bổ sung sẽ đi vào đời sống kinh tế - xã hội, xứng danh là “Luật thuế Vua”, “Luật thuế Nữ hoàng” như một số nước trên thế giới đang trọng vọng . Cơ sở, căn cứ xác định thu nhập từ kinh doanh của các hộ kinh doanh cá thể không giữ sổ sách kế toán sẽ theo hướng đơn giản, dễ hiểu hơn và có sự bình đẳng với thu nhập từ tiền lương tiền công khi hai khoản thu nhập cùng áp dụng chung một biểu thuế lũy tiến từng phần. Luật sửa đổi lần này quy định: thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán có thể tính theo từng lần chuyển nhượng hoặc theo năm. Thực tế hiện hành nhà đầu tư hầu như không thể tính thuế theo năm (vì cá nhân chỉ có lưu giữ chứng từ của công ty chứng khoán mà không có sổ sách kế toán) dù tính thuế theo năm nhà đầu tư có thể bù trừ lỗ lãi giữa các lần chuyển nhượng và nếu lỗ thì không có thu nhập chịu thuế. Hoặc cách tính, nộp thuế đối với nhận, chuyển cổ phiếu thưởng cũng thực sự gặp không ít khó khăn; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản khi mua giá cao, khi bán thị trường đóng băng, bị thua lỗ... vẫn nộp thuế thu nhập 2% Thứ ba, có biện pháp quản lý thuế hợp lý, khoa học để đảm bảo thu đủ, thu đúng tiền thuế phát sinh vào ngân sách nhà nước, quản lý, kiểm soát thu nhập, không để gây bất bình đẳng trong thực thi. Một trong những nội dung liên quan đến quản lý thu thuế thu nhập là xác định số lượng đối tượng được giảm trừ gia cảnh và xác định đối tượng đó có thu nhập để trở thành người phụ thuộc hay không? Luật hiện nay không hạn chế số lượng người phụ thuộc và hiện chỉ mới cấp mã số thuế cho NNT( thực tế chưa cấp hết) nên việc đối soát xác định đối tượng giảm trừ gia cảnh còn phụ thuộc vào ý thức tự giác của NNT, dẫn đến có thể kê khai trùng đối tượng người phụ thuộc. Việc xác định mức thu nhập để làm căn cứ coi như không có thu nhập chịu thuế hầu như không có tính khả thi vì NNT chỉ tập trung kê khai tiêu thức có người phụ thuộc mà chưa chú ý đến mức có thu nhập là bao nhiêu vì văn bản chưa hướng dẫn biện pháp kiểm tra, đối soát. Bên cạnh đó thuế TNCN chủ yếu thực hiện biện pháp khấu trừ tại nguồn: cơ quan chi trả thu nhập khấu trừ thuế trước khi chi trả thu nhập đối với nhiều khoản thu nhập chịu thuế: Thu nhập từ tiền lương, tiền công, chứng khoán, đầu từ vốn.... tuy nhiên việc kiểm tra kiểm soát việc khấu trừ thuế chưa chặt chẽ cùng với thị trường tiền mặt khá phổ biến nên dẫn đến tình trạng chưa bình đẳng trong thu thuế. Các cá nhân làm việc tại các cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp, văn phòng đại diện... được cơ quan chi trả thực hiện khấu trừ thuế tương đối đầy đủ, nghiêm túc. Ngược lại các cá nhân hành nghề có thu thu nhập vãng lai nhiều nơi: bán hàng đa cấp, bán hàng qua mạng, ca sỹ, nghệ sỹ, người mẫu... vẫn chưa kiểm soát được thu nhập dẫn đến thiếu bình đẳng về nghĩa vụ thuế... Thứ tư, có quy định về nộp thuế, quyết toán thuế, hoàn thuế phù hợp, tránh lạm thu trước, hoàn thuế chậm. Hiện thuế TNCN từ tiền lương, tiền công được kê khai tạm nộp theo tháng, quyết toán năm: theo đó những tháng đầu năm, người lao động thường nhận được tiền thưởng tết, lễ, năm có thu nhập cao phải nộp thuế ngay .... tính thu nhập bình quân tháng, thu nhập năm lại chưa đến mức nộp thuế TNCN. Nhưng việc hoàn thuế được thực hiện vào cuối quý I năm sau, dẫn đến bị chiếm dụng tiền thuế, đôi khi gây phản ứng tiêu cực... Trường hợp cá nhân tự nộp thuế, quyết toán cần đơn giản hóa thủ tục nộp, quyết toán, hoàn thuế: ví dụ nộp thuế bằng thẻ ATM, cơ quan Thuế hoàn thuế vào tài khoản của cá nhân... Thứ năm, có quy định quản lý thu thuế TNCN kiểm soát chi tiêu của cá nhân. Một trong những mục tiêu quan trọng khi ban hành Luật thuế TNCN là tăng cường công tác kiểm soát, phân phối thu nhập và điều tiết vĩ mô nền kinh tế - xã hội. Giải quyết tốt các mối quan hệ giữa tiết kiệm, đầu tư và tiêu dùng, giữa tăng trưởng với công bằng xã hội và xóa đói giảm nghèo; khuyến khích làm giàu chính đáng với tuân thủ pháp luật. Theo đó các cá nhân có thu nhập cao, kinh doanh giỏi nộp thuế đầy đủ cho ngân sách nhà nước sẽ được tôn vinh, những cá nhân không tuân thủ nghĩa vụ thuế cần được xử lý nghiêm minh. Ngoài hành lang pháp lý của Luật thuế TNCN, Luật quản lý thuế cần có thêm quy định pháp lý về đối soát mức chi tiêu, tiêu dùng với nguồn thu nhập chịu thuế tương ứng và chứng minh thu nhập hợp pháp; ví dụ xác định nguồn chi tiêu về đầu tư kinh doanh, mua sắm bất động sản, tài sản, hàng tiêu dùng xa xỉ với thu nhập khai thuế... Tóm lại, với những nội dung sửa đổi của Luật thuế số 26/2012/QH13, với những nỗ lực của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế trong triển khai thực hiện và sự chung tay của các cơ quan truyền thông, sự đón nhận của NNT ... NNT kỳ vọng rằng Luật thuế Thu nhập cá nhân sửa đổi, bổ sung sẽ đi vào đời sống kinh tế - xã hội, xứng danh là “Luật thuế Vua”, “Luật thuế Nữ hoàng” như một số nước trên thế giới đang trọng vọng.
Posted on: Thu, 04 Jul 2013 20:01:47 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015