Trong cuốn tiểu luận “Một cuộc gặp gỡ” của - TopicsExpress



          

Trong cuốn tiểu luận “Một cuộc gặp gỡ” của Milan Kundera (Nguyên Ngọc dịch), có một tiểu luận rất ngắn nhưng đặc sắc nói về cái thói sang trọng cầu kỳ, cái phù phiếm như một “phẩm chất không thể tách rời của con người” ngay cả những phút hấp hối, trong sự so sánh với cái vẻ đẹp trác tuyệt của một con chó cái khi chết. Thấy đời càng ngày càng lắm kịch sĩ đại tài, đặc biệt là từ truyền thông đến mạng xã hội, chép tặng các bạn (có lược bỏ một vài đoạn ngắn). Cái chết và sự sang trọng cầu kỳ (Louis-Ferdinand Céline: Từ lâu đài này đến lâu đài khác) Trong tiểu thuyết “Từ lâu đài này đến lâu đài khác”, có câu chuyện một con chó cái; nó đến từ những vùng băng giá Đan Mạch, nơi nó đã quen với các cuộc chạy rông nhiều ngày trong rừng. Khi được đưa đến Pháp cùng với Céline, là hết những cuộc chạy rông. Rồi đến một ngày, ung thư: “… tôi muốn đặt nó nằm trên lớp rơm… ngay lúc bình minh lên… nó không muốn tôi đặt nó nằm… nó đã không muốn… nó muốn ở một nơi khác… ở phía lạnh nhất trong nhà và nằm trên lớp sỏi… nó nằm dài khoái trá… nó đã bắt đầu thở khò khè… kết thúc đến rồi…, người ta bảo tôi như vậy, tôi không tin thế,,, nhưng đúng là vậy, nó nằm theo hướng ký ức, nơi từ đó nó đã đến đây, từ phương Bắc, từ Đan Mạch, mõm đặt về Bắc, quay về phương Bắc… con chó cái rất trung thành theo một cách, trung thành với những khu rừng nơi nó vẫn chạy rông, Krosor, ở trên kia… trung thành với cuộc sống khắc nghiệt… khu rừng Meudon chẳng là gì cả đối với nó… nó chết trong hai… ba hơi thở dốc nhẹ… ôi, rất kín đáo, tuyệt không hề rên rỉ… có thể nói… trong tư thế thực sự là tuyệt đẹp, như đang đà lao lên, trong cuộc chạy rông... “Ôi tôi đã từng chứng kiến biêt bao nhiêu cơn hấp hối… ở đây… kia… khắp nơi… nhưng không có cơn hấp hối nào đẹp đến thế, kín đáo, trung thành… đều làm hỏng cơn hấp hối của con người là cái sang trọng cầu kỳ… con người bất kể lúc nào cũng đóng kịch… cho đến người bình thường nhất…” Có ai không nhớ đến cái cảnh hài kịch chết chóc của “những lời nói cuối cùng” thốt lên lúc lâm chung? Đúng như vậy đó: ngay cả khi thở dốc, con người vẫn còn đóng kịch. Và “ngay cả người bình thường nhất, ít phô trương nhất, bởi vì không phải bao giờ cũng đúng là con người tự mình đóng kịch.Nếu anh ta không tự mình đóng, thì người ta sẽ đóng cho anh. Đấy là số phận làm người của anh. Rất nhiều nhà văn lớn thuộc thế hệ Céline, cũng như ông, đã biết đến trải nghiệm của cái chết, của chiến tranh, khủng bố, nhục hình, biệt xứ. Nhưng những trải nghiệm khủng khiếp ấy, họ đã sống với chúng ở phía bên kia ranh giới: ở phía những người chính nghĩa, những người chiến thắng trong tương lai hay những nạn nhân được đội vầng hào quang của bất công phải chịu đựng, tóm lại, ở phía của vinh quang. Cái “thói sang trọng cầu kỳ”, sự tự thỏa mãn muốn được trưng ra kia, là quá đương nhiên trong hành xử của họ đến nỗi họ không thể nhìn thấy nó, cũng không thể phán xét nó. Nhưng suốt hai mươi năm Céline đã phải nằm trong số những người bị kết tội và những người bị khinh bỏ, trong sọt rác của Lịch sử, là tội phạm trong những tội phạm; ông là người duy nhất cấp được một tiếng nói trải nghiệm đặc biệt kia: trải nghiệm của một cuộc sống đã bị người ta tịch thu mất hoàn toàn cái thói sang trọng cầu kỳ. Trải nghiệm đó đã cho phép ông nhìn thấy cái phù phiếm không phải như một tật xấu mà là một phẩm chất không thể tách rời của con người, không bao giờ rời bỏ con người, ngay cả trong thời khắc hấp hối; và trên cái nền của thói sang trọng cầu kỳ không thể rứt bỏ đi được của con người đó, sự phù phiếm đã cho phép ông thấy được vẻ đẹp trác tuyệt của một con chó cái.
Posted on: Fri, 30 Aug 2013 04:30:22 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015