Trung Quốc ‘đè’ Ấn Độ, lấn Biển - TopicsExpress



          

Trung Quốc ‘đè’ Ấn Độ, lấn Biển Đông 06/08/2013 Trung Quốc ngày một thể hiện rõ ý đồ bành trướng trên cả Biển Đông và những vùng lãnh thổ tranh chấp với Ấn Độ khi cùng lúc ngăn cản New Delhi tuần tra khu vực thuộc quyền quản lý của họ và tuyên bố “không vội vàng” tiến tới COC – điều mà chính Ngoại trưởng Trung Quốc đề xuất trong vài ngày trước đề giải quyết các bất đồng tại Biển Đông. Theo Times of India đưa tin hôm 5/8, quân đội Trung Quốc đã ngăn cản, không cho binh lính Ấn Độ tuần tra tại khu vực Ladakh, nằm gần Đường kiểm soát thực tế (LAC) hiện do chính quyền New Delhi kiểm soát. Thậm chí, Hindu Times còn cho biết toán lính của PLA đã ngồi trên các xe quân sự cả hạng nặng lẫn hạng nhẹ và giơ cao biểu ngữ với nội dung đây là lãnh thổ của Trung Quốc, quân Ấn Độ không được phép tiến vào, đồng thời có những động thái uy hiếp khi binh lính Ấn Độ tiếp tục tuần tra vùng phía bắc Ladakh. Ngoài ra, truyền thông Ấn Độ còn tố Trung Quốc trước đó đã ngăn cản binh lính nước này 19 lần thực hiện nhiệm vụ tại những khu vực gần các căn cứ nằm sâu trong lãnh thổ của Ấn Độ, tính từ tháng 4/2013. Ngoài ra, Bắc Kinh còn lập hẳn một trạm quan sát để theo dõi nhất cử nhất động của quân Ấn Độ tại khu vực Ladakh. Tuy nhiên, đây không phải là cách duy nhất Bắc Kinh tạo sức ép lên New Delhi. Tờ Foreign Policy (Mỹ) hồi giữa tháng 7 bình luận rằng: Trung Quốc đang tạo ra thế cô lập đối với Ấn Độ bằng cách củng cố chiến lược “chuỗi ngọc trai”, đồng thời tạo ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực với các quốc gia láng giềng vốn được coi là “phạm vi ảnh hưởng” của Ấn Độ. Theo đó, việc thúc đẩy các mối quan hệ ngoại giao, quân sự, thương mại,… với Pakistan, Nepal, Bangladesh, Sri Lanka đang là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của chính quyền Bắc Kinh. Cùng với đó, hàng loạt các bến cảng bao quanh Ấn Độ từ đông sang tây đã và đang được Trung Quốc hoàn thành khiến giới phân tích quan ngại về khả năng Ấn Độ có thể bị Trung Quốc “bóp nghẹt”, sau đó, đây cũng có thể trở thành bàn đạp đe dọa các tàu sân bay của Mỹ, tờ Foreign Policy nhận định. Trong khi đó, trên Biển Đông, song song với các động thái quân sự rầm rộ và liên tục, Trung Quốc đã thể hiện sự bất nhất ngay trong tuyên bố của Ngoại trưởng nước này về việc tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử COC – điều được coi là cách giải quyết các bất đồng trong khu vực. Ngày 2/8 tại Thái Lan, chính ông Vương Nghị đã đề xuất 3 giải pháp cho các tranh chấp trên Biển Đông, trong đó “nhấn mạnh” tiến tới COC. Vậy mà trong ngày 5/8, ông Vương lại quay sang tuyên bố Bắc Kinh đánh giá không nên có những “kỳ vọng không thực tế” và “không nên vội vàng” ký kết thỏa thuận nào trên Biển Đông, theo Reuters. Điều này càng củng cố cho lập luận Bắc Kinh vẫn duy trì yêu sách tuyên bố chủ quyền đơn phương trên Biển Đông và tiếp tục muốn trì hoãn COC nhằm không muốn bị hạn chế những hành động quân sự trong khu vực. Trong một diễn biến khác, các tướng Trung Quốc ngày 4/8 đã lớn tiếng cho rằng: Bắc Kinh cần giành được Biển Đông!? Họ đã reo rắc các tư tưởng về cái gọi là “chủ quyền không tranh cãi” khi tham gia sự kiện của Ban Tuyên truyền Thành ủy Bắc Kinh tổ chức cùng ngày, theo Kinh Hoa thời báo. Thậm chí, thiếu tướng Khương Hán Bân thuộc đại học Quốc phòng Trung Quốc còn đưa ra quan điểm phi lý: giành Biển Đông là điều tất nhiên và không thể nhượng bộ! Trước những tình hình đó, Ngoại trưởng Ấn Độ Salman Khurshid hồi tháng 7 đã nhấn mạnh tầm quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa nước này và ASEAN. Ông cho rằng mối quan hệ đang được đẩy mạnh trên nhiều lĩnh vực, và ủng hộ các cách giải quyết căng thẳng trong khu vực bằng các biện pháp hòa bình. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ AK Antony từng khẳng định trên NDTV rằng New Delhi ủng hộ UNCLOS trên Biển Đông. Trong diễn biến gần nhất nhằm ứng phó trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, Ấn Độ đã quyết định “bắt tay” Myanmar – nước sẽ là Chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm sau. Theo đó, New Delhi sẽ giúp Myanmar chế tạo những tàu tuần duyên xa bờ và tiến hành những khóa huấn luyện, trao đổi quốc phòng thường xuyên. Không chỉ vậy, hai bên còn bàn thảo việc kiểm soát đường biên giới. Hiện nay, Trung Quốc đang thuê quần đảo Coco (nằm gần quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ) của Myanmar để thiết lập một căn cứ quân sự tại đây. Theo nhận định của EurAsia Review, từ lâu Trung Quốc vẫn coi Biển Đông như vùng biển của riêng họ, và điều này đã ảnh hưởng tới lợi ích của New Delhi trong khu vực. Chính vì thê, Ấn Độ sẽ “bảo vệ lợi ích của mình nếu cần thiết”. Tờ SCMP ngày 5/8 đưa tin trong cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario khẳng định nước này quyết theo đuổi vụ kiện trên Biển Đông tới cùng, và dù kết quả thế nào thì Manila đã làm đúng. Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius và Toàn quyền New Zealand Jerry Mateparae cùng ngày cũng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với các biện pháp giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng hòa bình, và ủng hộ các bên liên quan thực hiện đúng, đầy đủ DOC, nhanh chóng tiến tới COC.
Posted on: Tue, 06 Aug 2013 09:08:13 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015