VIẾT VÀ NÓI. Trong chuyến đi ngắn, tại Đà Lạt, - TopicsExpress



          

VIẾT VÀ NÓI. Trong chuyến đi ngắn, tại Đà Lạt, giúp tôi nghĩ về ba vấn đề thú vị: viết và nói, cảnh và người, Đà Lạt và không Đà Lạt. Để tiện theo dõi và trình bày suy nghĩ mình, tôi xin phép tách nó thành ba kì riêng biệt. *** Ta biết, ngôn ngữ luôn có trước văn tự, viết có trước nói. Hai hình thức viết và nói đều là những dạng thức chuyển thể tư duy của con người ra ký tự, một thứ ẩn mã để người khác giải mã nó. Bản chất, ngôn ngữ và văn tự là ký hiệu (symbol). Thế nhưng, hiệu quả của hai hình thức này thì khác nhau hẳn. Ngôn ngữ, tiếng nói, thường kém thuyết phục hơn văn tự và viết. Bởi lẽ, khi nói, bao giờ cũng nhanh hơn viết. Do đó, nói là sự tiêu hóa không kịp của tư duy, nên, thường, nói bao giờ cũng dễ gặp vấp váp, trùng lập vấn đề nếu không có sự chuẩn bị văn bản hay dàn ý trước. Nói, bao giờ cũng lúng túng bởi nó đối diện trực tiếp môi trường người nhận, sự đón nhận hào hứng hay thờ ơ đều làm cho người nói dễ chùng bước. Nói còn lệ thuộc vào bản chất giọng nói, một người có giọng trầm hùng không thể diễn tả một thứ văn thơ lãng mạng, kẻ sở hữu giọng nói yếu ớt thì bao giờ cũng kém thuyết phục, người xử lý ngôn ngữ chậm chạp luôn nói ấp ứ và tối nghĩa, người không quen không khí chốn đôn người thì ngập ngùng ngựng ngịu. Do đó, nói thường kém thuyết phục, bởi nó gặp rắc rối việc xử lí tư duy bằng ngôn ngữ nói. Hiển nhiên, không phải ai cũng hào sảng, hùng hồn như Socrate rao giảng triết lí giữa thành phố Athen; hay, nói hay đến mức người nghe lo sợ kẻ thuyết giảng ngừng nói như Francis Bacon; hoặc giả, tài hùng biện lão luyện, châm biếm của Voltaire hay đến mức đủ mang triết gia này vào ngục thất Bastille. Ở Á Đông, không thiếu biện giả, trong sách Chiến Quốc có kể đến hai kẻ biện giả Trương Nghi, Tô Tần với kế hợp tung - liên hoành, khiến cho, Tô Tần thành tể tướng sáu nước, Trương Nghi thì một bước trở thành thừa tướng nước Tần. Hoặc như câu chuyện về Gia Cát Lượng khua lưỡi bẻ bọn Nho trong truyện Tầu Tam Quốc. Việc nói dẫu biết là kém thuyết phục, nhưng hầu hết triết thuyết cổ sơ của nhân loại đều xây dựng trên nền tảng là nói. Nói, với người xưa đáng tin cậy trong việc thuyết phục đám đông, đến mức, đức Phật nghiêm cấm việc viết lại lời giảng của ngài. Đức Ki-tô cũng sử dụng chủ yếu là thuyết giảng hơn là viết. Khổng Tử, Plato, Aristotle cũng chọn việc mở trường giảng dạy để truyền bá học thuyết của mình hơn là viết. Họ chỉ viết, khi, họ muốn lưu giữ lại tư tưởng của mình. Thật ra, tất cả họ dễ nhầm. Tư tưởng của họ thật ra truyền lại bằng thể viết nhiều hơn là nói. Nói, thường đi kèm giải nghĩa để mọi người đạt sự đồng thuận với nhau. Nhưng, có những vấn đề siêu hình hay đi sâu vào tận cùng vấn đề, nói không thể giải quyết. Vì não bộ người nghe lẫn nói không đủ thời gian để tiêu hóa những thông tin khi nói. Do đó, phải dùng đến viết. Viết, đến đây, nó không những xóa đi mọi khuyết điểm của nói, ngược lại, nó còn mở rộng tính kích thước và diện tích của tư duy con người. Với tính kích thước, nó mang sự sâu sắc cho ngôn ngữ, nó nâng con chữ lên tận thiên đường, vùi cảm xúc con người vào địa ngục, mang người đọc vào tận Hỏa Tinh trong chốc lát rồi trở lại với chị Hằng bằng vài câu chữ. Từng câu, từng chữ, từng dấu chấm, phẩy, thang đều có sức mạng của nó mà nói không thể diễn tả hết được. Viết bao giờ cũng là sự đọ sức từng con chữ với nhau trong trang viết, mọi con chữ đều được trang bị những vũ khí riêng cho mình, viết là sự bày binh bố trận sau cho từng ý tứ, âm thanh, nhạc điệu vang lên đồng nhất như bản giao hưởng mang cảm xúc độc đáo cho người đọc lẫn truyền tải tư tưởng người viết. Với tính diện tích, viết mở rộng cảm xúc người. Nó mang mọi cảm giác vui buồn đến rồi đi nhanh chóng hoặc đọng lại thời gian. Khi đọc, người ta có thể mơ màng theo thế giới của mình; có thể vui buồn với từng nhân vật theo cách riêng của mình; có thể hạnh phúc hoặc khổ đau nếu đồng cảm với từng con chữ. Chính khi viết, con người mới trở nên là con người và khác hẳn con vật. Nó cho thấy, làm con người phải nhiều thi vị hơn những giống loài xung quanh. Viết bao giờ cũng bao hàm nói, mỗi khi đọc, người ta vang trong đầu một thứ âm thanh vô chừng. Âm thanh đó, được điều chỉnh qua từng ngòi bút nhà văn, thi nhân để trỗi lên từng kiểu nhạc điệu khác nhau thấm vào tim óc kẻ đọc nó. Không cần ai hò hét bên lỗ tai với những âm thanh khó chịu, mà viết là thứ âm thanh đi vào não bộ không cần qua lỗ nhĩ. Do đó, nó không chịu sự phản kháng của cơ thể. Viết là giọt âm thấm vào cơ thể lâu dần khiến người ta thay đổi, và ngày càng thay đổi. Theo chiều hướng... nhân văn hơn. Nghệ thuật nói do vậy mà luôn kém cạnh hơn nghệ thuật viết. Nên, đừng ngạc nhiên, nếu nhà văn, nhà thơ nào giữa đám đông thường ăn nói hàm hồ, đôi khi là nhảm nhí. Chuyện bình thường, vì họ giỏi viết hơn là nói. Chỉ cần, thu vén cho họ một không gian yên tĩnh, ngồi trực diện với họ. Khi đó, ta là trang sách, họ sẽ viết nên những vần thơ dệt vào tư tưởng. Tuy nhiên, kinh nghiệm của tôi, đọc vẫn tốt hơn nghe. Và, thú thật, tôi vẫn thích đọc văn hơn là phải nghe nhà văn nói chuyện. Nghe, trong nghệ thuật ngôn từ, là chuyện chẳng đặng đừng mới phải dùng tới. Phải vậy không? Que Phuong
Posted on: Sun, 28 Jul 2013 18:37:59 +0000

Recently Viewed Topics




© 2015