WORLD EXPO THƯỢNG HẢI 2010 (Phần 2) 31 tháng 10, - TopicsExpress



          

WORLD EXPO THƯỢNG HẢI 2010 (Phần 2) 31 tháng 10, 2010 Mỹ Châu, trừ USA Gian hàng ấn tượng nhất của Mỹ Châu theo tôi, là quán Canada, một toà nhà với hình dạng sáng tạo và bắt mắt, lát bên ngoài bằng thép và gỗ cedar (một loại tùng mọc khắp nơi ở miền Tây Canada, có khả năng chịu được nước). Đây là một trong những quán lớn nhất hội chợ (trừ quán Trung Quốc), nhưng từ xa quán có vẻ còn bề thế hơn diện tích thực của nó, vì tòa nhà phình ra để bao quanh một khoảng sân ở giữa. Vách của sân là những bức “tường sống” (living wall), một khái niệm trong kiến trúc sinh thái trồng cây theo chiều thẳng đứng của tường để che ánh sáng mặt trời và tăng khả năng cách nhiệt của toà nhà. Các chương trình biểu diễn trong quán được phụ trách bằng Cirque du Soleil, nhóm xiếc Canada nổi danh thế giới. Vài quán khác của Nam Mỹ cũng bề thế, chẳng hạn như quán Á-Căn-Đình (Argentina) với một màn ảnh LED lớn chiếu phim diễn tả những đặc sắc của văn hoá xứ này: điệu nhảy tango trữ tình, đội bóng đá đã từng mấy lần vô địch thế giới với danh thủ Maradona; quán Ba-Tây (Brazil) bề ngoài trông như lát bằng cỏ hay sậy của châu thổ sông Amazon; quán Peru phô trương văn hào Mario Vargas Llosa vừa thắng giải Nobel văn chương trước đó chỉ chừng một tuần. Tôi để ý nhất đến quán Cuba vì đôi chút gắn bó do chuyến đi thăm xứ này năm 2003. Không biết vì Cuba ít tiền để thuê khu đất tốt, hay vì Trung Quốc bây giờ giàu có muốn lánh xa những cựu “anh em xã hội chủ nghĩa” nghèo, quán này nằm tuốt phía bià hội chợ, xa những quán lớn của Mỹ Châu. Bề ngoài rất tầm thường, một gian nhà tiền chế sơn lên với những hình ảnh của quốc gia. Bên trong, tôi tưởng sẽ gặp những hình ảnh tuyên dương cách mạng Cuba và những người hùng cách mạng như Fidel hay Che Guevara. Nhưng không! Hai phần chính của quán là một quầy bán xì-gà và quầy khác bán rượu rum và mojito (rum pha với nước chanh và húng). Bây giờ ngoại tệ là nhu cầu chính, hãy thực tế và giữ các lãnh tụ ở nhà! Cạnh quán Cuba là quán Venezuela, thiết kế sáng tạo dựa trên con số 8, con số quan trọng với cả quốc gia khách lẫn chủ (cờ Venezuela có 8 sao; ở Trung Quốc, con số 8 phiên âm là “pa” gần giống như chữ “phát”). Trên mái “trồng” những vật đỏ mà tôi không rõ biểu tượng cho gì – có thể một loại thảo mộc của xứ đó. Venezuela và Cuba là hai nước coi như là “ba gai” nhất xóm, ít ra là theo quan điểm của Mỹ, nên nằm cạnh nhau rất hợp lý (Trung Quốc cũng chơi khăm!) Phi Châu và các quốc gia lạc lõng Vài quán Phi Châu gây nhiều ấn tượng: Angola, với bề ngoài sặc sỡ như y phục của thổ dân Phi Châu; Ai Cập, có vẻ một vật thể khoa học giả tưởng hơn là kiến trúc của nền văn minh cổ xưa; Algeria với bức tranh tường (mural), vẽ cảnh một thành phố biển, có lẽ là Algiers hay Oran; Tunisia sử dụng phương pháp tương tự, nhưng để biểu hiện kiến trúc truyền thống của xứ này. Một vài quốc gia lạc lõng: Slovenia và Lithuania là hai nước nhỏ ở Bắc Âu, nhưng không hiểu vì sao “lạc” vào khu Mỹ Châu và Phi Châu? Chắc là chỗ tốt các nước lớn dành hết rồi; các tiểu quốc đành nhét đâu chịu đấy. Âu Châu Khu đáng viếng nhất hội chợ là khu Âu Châu và quán sáng tạo nhất, không thể chối cãi được, là của Anh Quốc. Không như phần lớn các quán khác, Anh Quốc không giới thiệu gì đến lịch sử hay văn hoá quốc gia. Dường như, họ rất tự tin để dám nói: “bạn chắc hẳn biết đến xứ chúng tôi rồi chứ, khỏi giới thiệu dài dòng nữa? Hãy vào đây và chuẩn bị thưởng thức vài khái niệm thật mới mẻ…” Thiết kế bởi Thomas Heatherwick và có tính cách của một tác phẩm điêu khắc hơn là kiến trúc, tòa nhà được dựng lên bằng 60.000 thanh acrylic (plastic trong), tủa ra như bộ lông nhím. Hình dạng trừu tượng và khó nắm bắt được; chỉ biết nó rất “hiện đại”, hao hao giống một sản phẩm hi-tech như cái i-pod. Khi gió từ sông Hoàng Phố thổi vào, những “lông nhím” này di chuyển và chạm lạch cạch vào nhau, như cả toà nhà đang chuyển mình. Ban ngày mang ánh sáng mặt trời vào trong tòa nhà, ban đêm mỗi thanh là một nguồn đèn LED, loại đèn có tính cách tiết kiệm năng lượng cao. Không gian trong tòa nhà luôn chan hòa ánh sáng. Ở đầu mỗi thanh lại trữ một hạt giống mang đến từ Ngân Hàng Hạt Giống ở Côn Minh, một trong những nỗ lực của chính phủ Anh để duy trì hạt giống của tất cả loại cây cỏ của thế giới. Vì thế, toà nhà còn được gọi là Thánh Đường Hạt Giống (Seed Cathedral). Team Anh Quốc xuất sắc không chỉ về mặt sáng tạo, mà còn trên phương diện kỹ thuật. Xây tòa nhà này đòi hỏi trình độ thi công rất cao, và họ đã thành công trên mọi phương diện. Các cường quốc Âu Châu khác cũng gây nhiều ấn tượng. Lạ lùng nhất đối với tôi, có lẽ là quán Nga. Tôi bị thu hút ngay bởi hình dáng và sắc thái của quán, nhưng lúc đầu phân vân không hiểu là quốc gia nào. Nhìn giống như một ngôi thành màu trắng, trang điểm bởi những hoa văn màu vàng kim tựa như nghệ thuật Trung Á, nhưng lại chễm chệ ngay khu Âu Châu. Sau tôi hiểu được là những ngọn “tháp” của thành tượng trưng cho các nhà chọc trời trong những đô thị mới ở Nga, trong khi hoa văn biểu hiện kiến trúc truyền thống cũng như văn hoá các sắc tộc khác nhau của xứ này. Đây là lần đầu sau 30 năm Nga tham gia xây quán tại hội chợ quốc tế và họ đã không lãng phí cơ hội. Nước Đức cũng dựng một quán không kém bề thế, với chủ trương hao hao tương tự như quán Canada. Bề ngoài quán lát bằng gỗ và một lớp lưới bằng kim loại. Toà nhà cũng bao quanh một khoảng sân có sân khấu. Tôi thấy trên sân khấu đang có chương trình tập cho khách người Hoa nói tiếng Đức – các huấn luyện viên Đức rất kiên nhẫn lập lại mỗi từ nhiều lần và sửa giọng cho khách. Quán này có một hàng ăn cả trong lẫn ngoài trời, khách ngồi uống những ly bia lớn và ăn xúc-xích như bên Đức. Rất hấp dẫn, nhưng tôi không còn nhiều thời giờ vì trời đã về chiều. Thiết kế của quán Pháp tương đối giản dị nhưng không thiếu sáng tạo. Bề ngoài là một cấu trúc như một mảng lưới vĩ đại màu trắng bằng bê-tông (nhưng tôi đoán không phải, vì xây bê tông kiểu này rất mất công và tốn kém; chắc là kim loại được sơn lên). Toà nhà nằm phiá sau mảng lưới, dường như lơ lửng trên một hồ nước với diện tích lớn hơn chính toà nhà. Theo tôi đoán, công dụng của hồ nước là để giảm nhiệt cho toà nhà dựa trên chu trình bốc hơi của nước. Triển lãm trong quán gồm những tác phẩm hội hoạ và điêu khắc của các nghệ sĩ danh tiếng nước Pháp, mượn từ viện bảo tàng Orsay ở Paris. World Expo 2015 kế tiếp sẽ tổ chức ở Milan, Ý, nên quán Ý có tầm quan trọng đặc biệt với cả hội chợ. Điểm đặc sắc nhất là quán này sử dụng một vật liệu hoàn toàn mới: xi-măng trong suốt (transparent concrete), có thể nhìn xuyên được như kính. Một công ty Ý sáng chế ra vật liệu này đặc biệt để dùng cho quán ở hội chợ Thượng Hải và công thức bào chế vẫn còn trong vòng bí mật. Thoạt nhìn tưởng là thủy tinh, nhưng những mảng này dày bằng cả một bức tường kiên cố. Quán được thiết kế giống như trò chơi “nhặt que” (pick-up sticks) vì tiếng Ý gọi trò chơi này là Shanghai - Thượng Hải. Tòa nhà gồm 20 “khối”, tượng trưng cho 20 địa phương khác nhau của xứ giầy bốt này. Bên ngoài là một tác phẩm điêu khắc của Arnaldo Pomodoro tựa như những tác phẩm của nghệ sĩ này tôi đã từng thấy trong bảo tàng viện bên Ý. Nội dung của triển lãm nhấn mạnh vào công nghệ của nước Ý hiện đại nhưng cũng trưng bày vài kiến trúc cổ điển kể cả một kiểu khải hoàn môn thời La Mã. Tôi nghe nói là đây là một trong những quán được ưa chuộng nhất hội chợ (có thể vì khách Trung Quốc thích hàng hiệu Ý - giầy Ferragamo, ví Gucci, v.v.). Quán Bồ Đào Nha (Portugal) phảng phất nét của láng giềng Tây Ban Nha, nhưng bên ngoài lát bằng một lớp làm bằng vỏ cây cork (xem từ điển thấy dịch cork là “bần”). Phần lớn sản phẩm cork của thế giới xuất xứ từ Bồ, và vỏ cây này được coi là một vật liệu rất sinh thái, vì có thể cắt lớp vỏ đi mà không hại đến cây. Vài năm sau cây mọc ra vỏ mới và chu trình khai thác lại tiếp tục. Một vài quán nổi bật sắc thái quốc gia. Ích Lan (Iceland - tiếng Trung gọi là Băng Đảo) mới nhìn đã thấy ngay là một khối nước đá. Quán Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey) không cần giải thích cũng biết tượng trưng cho những hang ở vách đá dùng làm nhà ở miền cao nguyên Cappadocia. Đặc biệt của quốc gia Hồi Giáo này là lãnh thổ bắc ngang cả châu Âu lẫn châu Á, nhưng ở đây họ được coi là một nước Âu Châu. Bên trước quán treo một tấm bảng mà đầu tiên tôi cho là “nói khoác”: Cradle of Civilizations (Nôi Của Các Nền Văn Minh), nhưng sau đọc tài liệu mới biết là một trong những di tích định cư đầu tiên của loài người được tìm thấy ở đây. Quán Na Uy (Norway) được lát bằng gỗ ép (glue-laminated-wood), nhìn như một sản phẩm bàn ghế theo kiểu Bắc Âu; mái trắng tinh tựa như tuyết phủ trên mái nhà ở xứ này. Có những hơn 90 quán trong hội chợ, chưa kể những gian tập thể quy tụ các quốc gia không có quán riêng và hàng đứng chờ để vào nhiều quán rất dài. Vì thế, tôi chỉ thăm viếng những quán nào mình thích mà không phải chờ quá lâu. Quán đầu tiên trong khu Âu Châu tôi vào là quán Ái Nhĩ Lan (Ireland). Lựa chọn này chính ra do một sự hiểu lầm ban đầu. Nhiều quán Âu Châu rất “khiêm nhường” trong cách ghi tên quốc gia mình và có khi nhìn mãi vẫn không biết là thuộc về nước nào. Tôi thấy một vuông vải treo trên cao đề tên quốc gia mà tôi chỉ đọc được mấy chữ cuối “…land” vì phần trên bị mái hiên che khuất. Đinh ninh là quán của Phần Lan (Finland) vì kiến trúc rất hiện đại và giản dị theo kiểu Bắc Âu, tôi sắp hàng để vào (có một người bạn hiện cư ngụ ở Phần Lan, nên tôi muốn thăm để rồi “báo cáo”). Khi vào trong mới biết mình đã lầm. Tuy thế, tôi cũng có thiện cảm với quán này. Khu đất chung quanh toà nhà được “nặn” như một tác phẩm điêu khắc, với những lối đi dốc, những mảnh vườn trồng cỏ hình tam giác và toà nhà hầu như mọc lên từ bức tượng cỏ này, tượng trưng cho quan hệ gắn bó giữa thiên nhiên và nhân tạo. Toà nhà được lát hòan toàn bằng kính bên ngoài, có chỗ nhìn xuyên được vào nội thất có chỗ không vì có tường chắn sau màn kính. Suốt tòa nhà là một hành lang dốc (ramp) dài, ngoặt qua ngoặt lại. Từ dưới đi lên những hình ảnh bằng tranh hay phim thay nhau miêu tả lịch sử và lối sống của xứ họ, bắt đầu bằng thời đồ đá 6.000 năm trước. Càng đi lên những hình ảnh càng mới mẻ hơn - thời La Mã, Trung Cổ, Cách Mạng Công Nghệ và hiện đại. Dọc hành lang trưng bày cách sống của những thành phần xã hội khác nhau: một gian nhà kiểu truyền thống ở miền quê, một căn hộ thời nay ở thủ đô Dublin, v.v. Khi lên đến tột cùng, ta cảm thấy đã có một cái nhìn tổng quát của hòn đảo Ái Nhĩ Lan, nhỏ nhưng đa dạng. Quán thứ hai tôi vào cũng do tò mò muốn biết nó thuộc quốc gia nào. Bên ngoài, chỉ thấy đề tên tiếng Trung, mà tôi thì “mù chữ”. Sắp hàng độ 15 phút, mới thấy cái bảng dưới bức tượng ghi tên rất nhỏ Luxembourg (Lục Xâm Bảo). Quán không lớn, nhưng bề thế và đẹp hơn quán của nhiều quốc gia có kích thước hàng mấy chục hay mấy trăm lần. Vật liệu chính là thép corten (một loại thép với nhiều chất đồng, có khả năng tạo nên lớp sét bên ngoài để chống thấm cho lõi thép bên trong; khi sét thì đổi màu tùy theo tỷ lệ kim loại) và những vật liệu tái sinh khác. Vào trong, tôi thấy những con mắt gắn hai bên tường đăm đăm nhìn du khách và bên trên, lá cây rũ xuống tượng trưng cho những khu rừng (Lục Xâm Bảo, tiếng Trung có nghĩa là Rừng Và Thành, rất hợp với địa lý thật của quốc gia nhỏ bé này). Chủ đề của quán tập trung vào vấn đề sinh thái và đồng thời chiêu dụ đầu tư của các công ty Trung Quốc. Sau cùng là một cái “vườn dọc” (vertical garden), với nhiều loại hoa mọc trong những hộp trồng cây cũng làm bằng thép corten. Ra khỏi quán, một bà cụ người Hoa chặn tôi lại để hỏi quán của quốc gia nào. Tôi cố uốn lưỡi để phát âm bằng tiếng Trung “Lủ Shân Bảo”. Bà ta gật gù hiểu ngay nên tôi cũng đắc chí là tuy người nước ngoài, tôi cũng có khả năng chỉ dẫn lại cho người địa phương. Sau đó, tôi vào quán Đan Mạch (Denmark), một toà nhà trắng tinh, thiết kế theo đường xoắn ốc đôi, một đuờng cho khách đi bộ, đường kia dành cho xe đạp. Giữa là một hồ nước hình tròn, với người đẹp đuôi cá ngồi phơi nắng trên tảng đá. Cô gái là cư dân của thủ đô Copenhagen và “dọn” sang đây ở tạm trong thời gian hội chợ (Tượng The Little Mermaid này dựa trên truyện cổ tích của Hans Christian Andersen, văn thi sĩ Đan Mạch của thế kỷ 19). Dường như chủ đề duy nhất là: bạn nên đi bộ và đi xe đạp. Thật mỉa mai khi niềm mơ ước của hàng trăm triệu người địa phương đã bao năm không có phương tiện nào ngoài xe đạp là được sở hữu một cái xe hơi, xứ Âu Châu tân tiến và trù phú bậc nhất này lại khuyên họ chỉ nên cuốc bộ hoặc đạp xe! Ít ra trong định nghiã về sự tiến bộ và quan niệm về môi trường, đây là một tương phản giữa Đông và Tây của thế kỷ 21.
Posted on: Wed, 04 Dec 2013 06:15:43 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015