YÊU NƯỚC, ĐÂU PHẢI HỄ CỨ HÉT TOÁNG LÊN LÀ - TopicsExpress



          

YÊU NƯỚC, ĐÂU PHẢI HỄ CỨ HÉT TOÁNG LÊN LÀ ĐƯỢC? (bài viết do Hoa Phượng Đỏ sưu tầm trên fb Trần Kiều Nhung) Gần đây, thông tin Truyền thông Nhật quyết định tẩy chay một loạt ngôi sao xứ kim chi vốn rất được yêu thích và mến mộ tại quốc gia mặt trời mọc như Bae Yong Joon hay nhóm nhạc nữ Girls’ Generation sau khi họ bày tỏ quan điểm về hòn đảo đang tranh chấp giữa hai nước khiến nhiều bạn trẻ xôn xao. Nên nhớ, những ngôi sao Hàn Quốc kể trên có lượng fan khổng lồ tại Nhật Bản và bản thân những ngôi sao này cũng giúp cho Đài truyền hình Nhật Bản kiếm bộn tiền. Tuy nhiên, Đài truyền hình Nhật Bản vẫn ra sức kêu gọi các fans tẩy chay những sản phẩm của các ngôi sao này. Nhìn lại Việt Nam, khi báo chí chỉ trích sự cuồng nhiệt quá đáng dành cho các ngôi sao Hàn Quốc, trên các diễn đàn, fans Việt hùng hồn tuyên bố: “Nếu thế giới chống lại các anh, chúng tôi sẽ chống lại thế giới”. Nhiều người còn đùa rằng: “Nếu Hàn Quốc muốn xâm lược Việt Nam, khỏi cần gửi quân đội mà chỉ cần gửi mấy Ù Pa của họ sang là lớp trẻ bây giờ nhanh chóng đầu hàng”. Nghe sao mà chua xót. Những người bạn của tôi từng làm việc với người Nhật, người Hàn và cả người Trung Quốc cho biết, ở các nước kể trên, dù có hâm mộ cỡ nào đi nữa thì giới trẻ vẫn luôn để lòng tự tôn dân tộc lên trên hết. Tôi xin nói chuyện ngoài lề, tôi chưa từng đi Nhật Bản, nhưng đã từng đi Trung Quốc. Nghe nói ở Nhật Bản cũng như Trung Quốc, nếu không biết đường tốt nhất đừng... ra đường, bởi ở đó người dân không nói tiếng Anh, mà tên đường cũng chỉ viết bằng thứ chữ tượng hình đặc trưng của họ. Thành ra du khách chỉ biết... khóc ròng mỗi khi muốn tìm đường. Mà không chỉ tìm đường, những khách sạn lớn cỡ 3, 4 sao ở Trung Quốc lễ tân cũng không nói tiếng Anh, không phải vì họ không thể học mà cơ bản là người ở đó không muốn nói. Chỉ một thứ tiếng duy nhất mà họ muốn sử dụng, đó là tiếng mẹ đẻ. Tôi có thắc mắc với cậu bạn người Nhật của mình về chuyện này, cậu ta cho biết nhân viên văn phòng người Nhật đa số đều có thể nói được tiếng Anh, tuy nhiên họ chỉ sử dụng khi thực sự cần thiết, bắt buộc... như là đàm phán với đối tác nước ngoài. Còn lại họ sẽ chỉ nói tiếng Nhật vì... lòng tự tôn của mình chứ họ hoàn toàn có thể sử dụng được thứ ngôn ngữ quốc tế đó. Ngược lại ở Việt Nam, không chỉ thích gắn thêm tên nước ngoài vào mà một số bạn trẻ ngày nay thích “pha” cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt cho... “sành điệu”. Dĩ nhiên, ở những từ mới mà không có trong tiếng Việt, bạn hoàn toàn có thể dùng từ tiếng Anh thay thế. Tôi không nói rằng chúng ta không nên học tiếng Anh mà ngược lại, rất cần thiết vì đó là hành trang của cuộc sống, nhưng hãy sử dụng nó đúng lúc, đúng nơi. Bạn có thể chỉ trích tôi là cố chấp, không chịu “hoà nhập với thế giới”, nhưng với câu chuyện có thật về hai bạn trẻ nói chuyện trong quán cafe mà tôi từng chia sẻ trên Facebook cách đây khá lâu như sau: Một người than thở với cậu bạn ngồi cùng bàn: “Cậu biết không, Huy rất bực mình khi he biết rằng mình success hơn him. Bạn bè gì mà unfair quá”. Bạn sẽ nghĩ gì? Đâu rồi câu: “Hoà nhập mà không hoà tan?” Nếu tôi đặt câu hỏi, bạn có yêu nước không? Chắc chắn 100% câu trả lời sẽ là có. Ai mà không yêu, không tự hào về đất nước mình? Chúng ta không bao giờ ngần ngại nói ra điều đó, thậm chí khi Trung Quốc có những động thái xâm lấn nước ta, có không ít bạn trẻ sẵn sàng cho một cuộc biểu tình bày tỏ lòng yêu nước. Tôi nghĩ, biểu tình cũng tốt thôi, nhưng nếu không sáng suốt đôi khi còn bị kẻ xấu lợi dụng, kích động. Tôi nhớ câu nói của Bác Hồ vĩ đại, “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tuỳ theo sức của mình”. Ai cũng có cơ hội để góp sức, nhưng hãy làm theo khả năng mình có thể. Có một thực tế là trong khi chúng ta đang kêu gào lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, kêu gào những chuyện “đao to búa lớn” thì chúng ta lại quên mất những điều rất nhỏ nhoi. Ví dụ như trong lĩnh vực văn hoá, giải trí của tôi chẳng hạn. Thú thật là mỗi khi đi làm về, tôi “không dám” mở TV bởi đơn giản là nhiều khi tôi bị bội thực phim... Trung Quốc hoặc Hàn Quốc. Từ kênh trung ương tới địa phương, kênh nào cũng ra sức chiếu phim... Trung Quốc, Hàn Quốc nhìn mà phát ngấy. Chúng ta vẫn thường nói giới trẻ bây giờ không quá tệ, thuộc rõ lịch sử Trung Quốc hơn lịch sử Việt Nam trong khi ngày nào chúng ta cũng xem lịch sử Trung Quốc qua... phim ảnh. Tôi cho đó là một kiểu “xâm lăng văn hoá”, tuy nhẹ nhàng, tự nguyện, thậm chí... hấp dẫn nhưng cũng cực kỳ nguy hiểm. Khi nam ca sĩ Deasung đâm chết người tại Hàn Quốc, một loạt các bạn trẻ lên diễn đàn để bày tỏ sự phẫn nộ dành cho... cảnh sát vì đã bắt anh ta, để bày tỏ sự ủng hộ dành cho thần tượng. Trong khi có không ít lần báo chí phải lên tiếng vì tình trạng vô cảm, đã không giúp đỡ nạn nhân mà thậm chí còn “hôi của” mỗi khi xảy ra tai nạn. Là người làm báo, tôi từng phỏng vấn một bạn trẻ đã rất hồn nhiên thú nhận rằng mình nói dối bố mẹ, trốn học để bay từ Hà Nội vào TP HCM dự một đêm nhạc có sao Hàn. Bạn ấy sẵn sàng bỏ gần chục triệu đồng tiền vé máy bay, ăn ở, vé xem buổi diễn nhưng lại thú nhận rằng mình sẵn sàng phủi tay trước một người tàn tật cầu xin vài ngàn đồng. Còn nhiều, chiều chuyện nữa mà tôi không thể kể hết. Nếu chúng ta theo dõi báo chí, chắc hẳn sẽ biết Ngô Văn Thuận, chàng trai từng khiến nhiều người xúc động bởi hành trình đạp xe 300 km từ Nghệ An ra Hà Nội dự thi và vừa được đặc cách vào trường Sĩ quan Tăng - Thiết Giáp. Thuận chưa từng nói mình yêu nước, nhưng tôi tin đó là một người yêu nước đích thực. Nhiều khi tôi “trộm nghĩ”, chúng ta ai cũng kêu gào rằng mình yêu nước, rằng mình sẵn sàng làm mọi việc vì đất nước, nghe sao mà vĩ đại. Nhưng nếu chúng ta thực sự yêu nước, thật ra chỉ cần làm những việc nhỏ nhặt, thường ngày thôi. Hãy thử bắt đầu bằng việc biết yêu thương đồng loại, thương bạn bè, bố mẹ, biết học thật giỏi, biết nghe những điều hay và bảo tồn văn hoá truyền thống... Tôi biết, nói nghe thì có vẻ lý thuyết hão, nhưng tôi cho đó là hành động yêu nước thiết thực nhất. Yêu nước, đâu cần cứ phải hét tướng lên là được?
Posted on: Fri, 28 Jun 2013 12:08:26 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015