Đi hai tay không! Về hai tay không !!! Xã luận bán - TopicsExpress



          

Đi hai tay không! Về hai tay không !!! Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 176 (01-08-2013) Chủ tịch nước CSVN Trương Tấn Sang vừa dẫn đoàn đại biểu cấp cao khoảng 200 người sang Hoa Kỳ, để tăng cường bang giao với chính phủ Mỹ. Tham dự đoàn đặc biệt có Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Công an Tô Lâm, Thứ trưởng Nội vụ kiêm Trưởng ban Tôn giáo Phạm Dũng, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cùng 5 đại diện tôn giáo. Khi đến một nước khác để thiết lập hay tăng cường bang giao, đại diện quốc gia thường đem theo một số thành tích về mặt chính trị, kinh tế, xã hội, nhân quyền…. cho dễ bề thương lượng và được đối tác nể trọng. Lấy ví dụ bà Aung San Suu Kyi, một thủ lãnh chính trị hàng đầu của Miến Điện. Khi đến thăm Tổng thống Mỹ hồi tháng 9 năm 2012, dù mới ra khỏi tù, nhưng bà đã mang theo mình nhiều thành tích đáng nể: Giải Nobel Hòa bình (chưa kể Giải Rafto, Giải Sakharov, Giải Jawharlal Nehru và Giải Simón Bolívar), 15 năm trời bị quản thúc tại gia vì đấu tranh cho dân chủ và nhất là dự án chính trị tương lai cho toàn dân Miến mà bà sắp thực hiện với Tổng thống Thein Sein. Chính vì thế bà đã được Tổng thống Obama và dân chúng Hoa Kỳ tiếp đón rất trọng thể, được mời phát biểu trước các dân biểu nghị sĩ, tại đây bà đã được trao tặng Huy chương Vàng Quốc hội, vinh dự cao quý nhất mà cơ quan lập pháp Hoa Kỳ dành cho một nhân vật dân sự. Hiện nay chính phủ Mỹ đang dốc toàn lực hỗ trợ Miến Điện khôi phục nền kinh tế và nền dân chủ. Dĩ nhiên dân Miến đã rất hãnh diện về vị nữ lãnh tụ này của họ. Người ta cũng nhớ lại chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm tháng 5-1957 mà hãnh diện cho một nước Việt Nam Cộng Hoà son trẻ ngày ấy. Dù là nguyên thủ một nước nhỏ, chưa mấy tiếng tăm trên thế giới, nhưng nhờ có 2 thành tích đáng nể là định cư cho một triệu đồng bào miền Bắc chạy trốn chế độ Cộng sản và thực hiện cuộc cải cách điền địa đầy thành công tốt đẹp (chứ không đẫm máu như cuộc cải cách ruộng đất của ông Hồ), Tổng thống Diệm đã được chính Tổng thống Eisenhower đón tận chân cầu thang phi cơ với đầy đủ lễ nghi. Trên đường về Toà Bạch ốc, hai vị đã được dân chúng thủ đô đứng chen nhau trên các đại lộ, trên các ban công nhà chọc trời tung hoa, vẫy cờ. Tổng thống Diệm còn được vinh dự đọc diễn văn tại Quốc hội Lưỡng viện Hoa Kỳ và sau đó nhận được sự viện trợ dồi dào của Mỹ để xây dựng đất nước an cư lạc nghiệp (điều mà lịch sử ngày càng công nhận). Với đoàn đại biểu hùng hậu gồm nhiều quan chức to lớn thuộc nhiều bộ nói trên, Trương Tấn Sang đã đem qua Mỹ những thành tích nào? Trên phương diện kinh tế, phải chăng là sự vỡ nợ của của các tổng công ty, đại tập đoàn, sự xóa sổ của hàng trăm ngàn doanh nghiệp, sự rỗng túi của các ngân hàng, sự đóng băng của ngành địa ốc, sự điêu đứng cuộc sống của hàng chục triệu người dân? Trên phương diện chính trị, thành tích đó phải chăng là sự đứng dậy đòi đất nhà của nông dân, đòi lương tiền của công nhân, đòi phản biện của các nhà trí thức, đòi dân chủ của các nhà đối kháng, đòi tự do của toàn dân hết thảy? Phải chăng là sự đàn áp ngày càng khốc liệt của bạo lực hành chánh và bạo lực vũ khí đối với giới đối kháng tố cáo tội ác chế độ, đối với giới tín đồ muốn tự do sống đức tin, đối với những công dân yêu nước chống quân xâm lược, đối với những tù nhân tuyệt thực để được tôn trọng quyền làm người? Trên phương diện an sinh xã hội, thành tích đó phải chăng là nạn viên chức ngang nhiên đòi hối lộ, nạn công an cướp bóc được thăng tướng tá, nạn côn đồ lộng hành phố phường, nạn thức ăn nhiễm độc tràn lan, nạn trẻ em chết vì vaccine tiêm chủng, nạn bệnh nhân chen chúc trong bệnh viện, nạn học sinh du đãng, nạn sinh viên bán thân, nạn thầy cô tống tiền và tống tình? Trên phương diện ngoại giao, thành tích đó phải chăng là 10 văn kiện đầu hàng Tàu cộng mà chính Trương Tấn Sang vừa ký còn chưa ráo mực; là Tuyên bố chung bày tỏ sự hợp tác toàn diện, thần phục trọn vẹn, đồng thuận mù quáng với kẻ thù truyền kiếp của Dân tộc; là thái độ dửng dưng bỏ mặc dân mình cho kiểm ngư Tàu cướp phá, công nhân Tàu quấy rối, doanh nhân Tàu chèn ép, thương lái Tàu lừa gạt?.... Với những “thành tích” ngược như thế, mà hành pháp Mỹ vừa tự mình biết rõ vừa được lập pháp và đồng bào tỵ nạn cho hay qua bao cuộc họp báo, bao thỉnh nguyện thư trước đó, chẳng lạ gì mà Trương Tấn Sang cùng bầu đoàn thê tử đã được Hoa Kỳ chào đón hết sức “đặc biệt”, đặc biệt chưa từng thấy! Không thảm đỏ, không hoa kèn, không duyệt đội quân danh dự, không đại bác chào mừng, không trưng cờ hai nước, không đông đảo dân chúng tụ tập hoan hô, không có chỗ để phóng viên đứng chụp hình, không viên chức cao cấp nào từ phía Hoa Kỳ ra nghênh tiếp ngoại trừ viên đại sứ Mỹ ở Hà Nội. Không được lưu trú nhà khách quốc gia (phái đoàn phải thuê khách sạn gần Sứ quán Trung Cộng), không được khoản đãi đại tiệc quốc yến (chỉ được ngoại trưởng John Kerry mời một bữa ăn xoàng). Đến Tòa Bạch ốc, vừa chẳng thấy cờ 2 nước bắt chéo như lẽ ra lễ tân phải thế, lại còn bị bọn “đế quốc chết tiệt” chơi khăm bằng cách cho phái đoàn đi ngang qua hàng ngàn đồng bào tỵ nạn Cộng sản đang “dàn chào” với cờ vàng ngạo nghễ trùng điệp, với biểu ngữ tố cáo giăng đầy, với tiếng hô phản đối vang dội (chưa kể việc bà Lý Lệ Hoa cầm băng-rôn biểu tình và trao đơn đòi đất ngay trong khách sạn phái đoàn thuê ở). Gặp Tổng thống Mỹ quá thời lượng ấn định khiến ông ta phải sốt ruột, lấy giấy gì đó ra đọc, kéo tay áo cho nhìn mặt đồng hồ. Gặp ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry trong buổi tiếp tân tại Bộ Ngoại giao, thì lại bị ông này dí dỏm so sánh tiểu sử bản thân với tiểu sử “quốc khách” từ 1966, 1969, 1984… cho tới nay, như thể ông ta mới là đồng vai đối tác với anh Tư chủ tịch. Cuối cùng, các hãng tin truyền thanh truyền hình hàng đầu thế giới như CNN, CBS, ABC cũng chẳng thèm loan tin, bình luận về “chuyến đi lịch sử” này! Với những “thành tích” âm như thế, nói trắng ra là đi với hai tay không, Trương Tấn Sang đương nhiên trở về tay không. Dù cả ông Chủ tịch và ông Tổng thống đã có một Tuyên bố chung, nhưng theo các nhà phân tích, đó chỉ là những ngôn từ ngoại giao, chẳng đem lại một kết quả gì đáng kể, đáng khoe, đáng tự hào. Chuyến công du Mỹ của người đứng đầu nhà nước CSVN đã hoàn toàn thất bại! Ngoài việc nhận được một lời hứa từ nguyên thủ cường quốc Hoa Kỳ sẽ xem xét cho VN gia nhập TPP (Hiệp ước Đối tác xuyên Thái bình dương) vào cuối năm nay, Trương chủ tịch không còn cái gì đem về khi Mỹ đã quá nắm rõ tình hình chính trị kinh tế xã hội VN hiện thời. Về kinh tế chỉ là một hứa hẹn sẽ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Nhưng hứa hẹn này còn lệ thuộc nhiều điều kiện về nhân quyền, những điều kiện mà đồng bào Việt tại Mỹ và các nghị sĩ dân biểu thân hữu của tự do đang ngày càng thôi thúc ông Obama phải áp đặt, còn lệ thuộc việc Hà Nội có tiếp tục o bế các công ty xí nghiệp quốc doanh làm ăn bết bát, triền miên thua lỗ, liên tục tham nhũng hay không. Về quân sự Mỹ không bán khí tài và quân cụ. Bán làm sao được khi Hà Nội vừa ký với Bắc Kinh (trong chuyến công du của Trương Tấn Sang) thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa hai bộ quốc phòng và hai bộ công an, giữa hai lực lượng công an và quân đội. Bán để Ba Đình chuyển giao kỹ thuật quân sự của Mỹ (đứng hàng đầu thế giới) cho Trung Nam Hải sao? Bán để công an và quân đội tiếp tục đàn áp nhân dân dễ dàng hơn sao? Ngoại trừ lúc lâm vào những khúc quanh lịch sử (cần vẽ lại bản đồ thế giới chẳng hạn), đời nào Mỹ chịu bán vũ khí chiến lược cho những đối tác tầm sàn lại đang là đối tác chiến lược tầm đỉnh của tay nuôi mộng bá quyền đồng thời là vua hàng nhái? Về quốc phòng, Mỹ không ký kết bất cứ văn kiện nào cam kết sẽ hỗ trợ VN khi Hà Nội mong muốn họ sẽ đảm bảo an ninh khu vực bao gồm Biển Đông và Biển Nhật Bản. Bởi lẽ Mỹ đã quá thấy rõ: đang khi Philippin dù nhỏ và yếu hơn, vẫn can đảm chống lại Tàu trên biển cả, kiện cáo Tàu ra quốc tế, còn Việt Nam thì bên ngoài chỉ biết chống Tàu bằng nước bọt, la làng nghe có vẻ ỏm tỏi, nhưng bên trong hoàn toàn đầu phục quỵ lụy vì khiếp nhược, thậm chí đồng lõa và hỗ trợ Tàu thực hiện giấc mộng Đại Hán, bá chủ hoàn cầu, để mình (tức đảng CS, cùng chung tổ Mác-Lê) cũng được trường tồn và hưởng lợi trong thân phận thái thú, bầy tôi. Vô số văn bản và sự kiện chứng tỏ điều này! Cái gọi là “quan hệ đối tác toàn diện” (nhắc lại 7 lần trong Tuyên bố chung, thay vì “quan hệ đối tác chiến lược” mà Việt Nam đã dại dột đặt ra trước với Tàu rồi) tưởng ngon lành, hóa ra chỉ là một thứ quan hệ chung chung, hời hợt, cái gì cũng dính chút chút trên mặt chính trị và ngoại giao, kinh tế và thương mại, khoa học và công nghệ, giáo dục và văn hóa, môi trường và y tế, quốc phòng và an ninh, du lịch và thể thao, bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền. Thật ra, người Cộng sản không phải không biết đi ra quốc tế cần phải có thành tích. Nhưng với não trạng bạo lực, đầu óc thống trị, tâm địa cường quyền, họ chỉ nghĩ thành tích đó chính là các chiến thắng về quân sự, các cuộc thôn tính bằng vũ trang, đang khi thế giới văn minh ngày càng dị ứng và khinh bỉ các thành tích cơ bắp và máu me đó. Đi đâu họ cũng tự hào đã “đánh thắng hai đế quốc sừng sỏ” trong khi nhân dân và nhân loại ngày càng thấy cuộc chiến chống Pháp chỉ là thủ đoạn tiêu diệt các lực lượng quốc gia yêu nước, cuộc chiến chống Mỹ chỉ là mưu đồ thôn tính một quốc gia tự do dân chủ nơi có đồng bào của họ. Não trạng “thành tích bạo lực” này còn mãi tới hôm nay, khi đảng và nhà cầm quyền CS không ngừng “chiến đấu” chống lại nhân dân mình bằng những luật lệ trấn áp (HP 1992 sửa đổi, Luật mới (như cũ) về đất đai, Nghị định 72 về internet, các điều 79, 88, 258 trong Bộ luật Hình sự…), bằng những tòa án bất công và bất chính (xử Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Hải, Đoàn Văn Vươn, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Xuân Nghĩa, Đinh Nguyên Kha, 14 sinh viên xứ Nghệ…), bằng những trò sách nhiễu, hăm dọa, đánh đập, cầm tù (đối với nông dân, công nhân, tín đồ, trí thức, nhà dân chủ…), bằng những chủ trương bóc lột đến tận xương tủy dân nghèo cách trắng trợn. Nhưng với bản tính con người và với văn minh hiện đại vốn dị ứng với gian dối và bạo lực, những chế độ sính “thành tích đàn áp” đó được ai chơi với và có tồn tại mãi chăng? BAN BIÊN TẬP *** Món quà kỳ lạ của ông Trương Tấn Sang Ngô Đình Thu Trong cuộc gặp gỡ ngày 25/7/13, chủ tịch nước CHXHCNVN Trương Tấn Sang đã trao tặng Tổng thống Mỹ Obama một bản sao của lá thư mà ông Hồ Chí Minh, trong vai trò chủ tịch nước VNDCCH, đã gởi Tổng Thống Mỹ Truman ngày 28 tháng 2 năm 1946, tức 67 năm trước. Thường thì các món quà trong những dịp này là những vật quí hiếm, đặc thù của nước nhà mà nước bạn chưa có, hoặc là một báu vật mang một giá trị chung nào đó mà cả 2 nước đều trân quí. hoặc một vật nhiều ý nghĩa và có tiềm năng gia tăng sự thân thiết giữa hai nước. Xét theo cả 3 tiêu chuẩn thông thường đó trong các quan hệ cấp quốc gia, người ta khó hiểu lý do tại sao ông Trương Tấn Sang - và các cố vấn của ông - lại chọn tặng bức thư nói trên. Nhưng trước hết, có lẽ cần ôn lại bối cảnh lịch sử quanh ngày ra đời bức thư của ông Hồ. Vào những tháng đầu năm 1946, mặc dù gọi là đã "cướp được chính quyền" trong Cách Mạng Tháng Tám năm trước đó, nhưng ông Hồ Chí Minh biết rõ đó chỉ là khoảng trống quyền lực sau khi quân đội Nhật rút đi. Cách Mạng Tháng Tám thực chất là nhiều cuộc biểu tình yêu nước của toàn dân mà một số cán bộ cộng sản lợi dụng tình hình giương cờ đỏ lên tạo ấn tượng do đảng cộng sản lãnh đạo. Và ông Hồ nhanh chóng trám mình vào vị trí cai trị đang trống đó. Lực lượng riêng của ông lúc đó rất mỏng manh nên ông quấn chặt vào mình lá cờ dân tộc để dựa vào sức và lòng yêu nước của toàn dân. Ông cũng biết sau thế chiến 2, đàn anh Liên Xô đang dồn hết tâm trí, nhân lực, vật lực vào vùng Đông Âu rộng lớn vừa nhuộm đỏ được và vào các trò đối đầu hàng ngày với Hoa Kỳ dọc theo đường ranh chia đôi nước Đức, nên không có hy vọng gì Liên Xô sẽ giúp ông ở nơi quá xa xôi. Chính vì vậy mà khi Tổng thống Pháp De Gaulle quyết tâm trở lại thuộc địa Đông Dương bằng vũ lực, ông Hồ Chí Minh đành viết thư cầu cứu Tổng thống Hoa Kỳ Truman. Bức thư có nội dung như sau: "Thay mặt cho chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi xin thông báo với ông rằng trong quá trình thảo luận giữa chính phủ Việt Nam và các đại diện nước Pháp, họ đòi tách rời Nam Kỳ ra và quân lính Pháp trở lại Hà Nội. Trong khi đó cộng đồng người Pháp và binh lính đang tích cực chuẩn bị để đảo chính tại Hà Nội và gây chiến. Vì vậy tôi khẩn thiết kêu gọi cá nhân ông và nhân dân Hoa Kỳ gấp rút can thiệp, ủng hộ nền độc lập của chúng tôi và giúp các cuộc thương thuyết đúng với các nguyên tắc của Hiến Chương Atlantic và San Francisco." Bức thư này hoàn toàn đi vào im lặng và quên lãng. Chính phủ Truman nhận được và chỉ cất vào văn khố, hoàn toàn không trả lời. Đến năm 1992, bức thư này nằm trong số các văn kiện đến hạn được giải mật và công bố cho công chúng tự do tham khảo. Chính với lai lịch đó của bức thư mà việc ông Trương Tấn Sang mang một bản sao sang Mỹ làm quà ở thời điểm 2013 đã làm nhiều người ngạc nhiên về sáng kiến kỳ lạ này -- có người còn xem là "quái lạ". Điểm kỳ lạ thứ nhất: bức thư này không phải là vật mà phía Hoa Kỳ chưa có hay chưa biết. Văn khố Hoa Kỳ đang giữ bản chính - chứ không phải bản sao mà ông Sang "tặng" - và dân chúng ai muốn tìm xem cũng được. Chỉ cần google vài chữ là ra hàng loạt các trang mạng đang đăng hình chụp bức thư này, thí dụ như tại đây: cvce.eu/obj/letter_from_ho_chi_minh_to_harry_s_truman_28_february_1946-en-63812c0e-9a33-400c-b53a-272fc7669d96.html Điểm kỳ lạ thứ hai: bức thư chẳng mang giá trị lịch sử quý báu gì trong quan hệ giữa 2 nước. Tệ hơn thế nữa, nó đánh dấu một thất bại ngoại giao hoàn toàn. Lịch sử cận đại còn ghi lại, trong những năm sau Thế Chiến 2, chính phủ Truman rất bực mình về chính sách tái lập thuộc địa của Pháp, đến độ Hoa Kỳ bỏ mặc cho Pháp sa lầy quân sự ở nhiều nơi, đặc biệt là tại Việt Nam và Algeria. Tuy vậy, Tổng thống Truman vẫn quyết định không đáp ứng lòi kêu cứu của Việt Nam qua bức thư của ông Hồ. Lý do đơn giản nhưng lại hệ trọng nhất là vì cái gốc "cộng sản quốc tế" của ông Hồ. Cái gốc này được ghi rất rõ trong hồ sơ mật thám Pháp, đầy đủ về những năm tháng ông Hồ được huấn luyện tại trường Quốc tế Cộng sản Đông Phương ở Moscow để trở thành một cốt cán cộng sản Đệ tam , và những năm tháng phục vụ cho Liên Xô tại Cục Phương Đông, v.v... Thời đó, nói tới cộng sản, nhân loại nghĩ ngay tới hung thần Stalin với hệ thống trại tù tập trung kinh hoàng, và những cảnh cố tình tịch thu thực phẩm để giết hàng triệu người dân Ukrana, cảnh giết trong từng đơn vị quân đội theo quota hàng tháng để chận trước phản bội, cảnh cai trị cực kỳ hung bạo của Liên Xô đối với các nước Đông Âu mà họ mới chiếm đóng, v.v... Nên chẳng có lý do gì ông Truman lại muốn tiếp tay dựng lên một chư hầu Liên Xô mới tại Đông Nam Á. Và vì thế ông chọn quyết định làm ngơ cả thư kêu cứu của ông Hồ Chí Minh vào năm 1946 và lời kêu cứu của Pháp vào năm 1953 khi trận Điện Biên Phủ đi vào giai đoạn quyết định. Điểm kỳ lạ thứ ba: với bức thư này ông Trương Tấn Sang nhắc nhở chính phủ Obama những lo ngại của Tổng thống Truman là đúng. Chế độ mà cán bộ cộng sản quốc tế Hồ Chí Minh dựng lên thành công đã trở thành tiền đồn và ngọn cờ đầu cho chủ nghĩa cộng sản tràn xuống Đông Nam Á, và chế độ đó đã cai trị dân tộc Việt Nam đúng theo mô hình phi nhân do Lênin và Stalin sáng tạo. Điều nhắc nhở thứ hai là chế độ mà ông Hồ dựng lên còn tồn tại đến ngày nay, mà hiện thân chính là ông Trương Tấn Sang. Kiểu cách cai trị độc tài, chà đạp nhân quyền, bức bách tôn giáo, bưng bít thông tin, v.v... vẫn còn nguyên. Và vì thế bức thư vô tình nhắc Tổng thống Obama và các trợ tá của ông phải lục lại lịch sử, phải tìm lại lý do dẫn đến các quyết định của Tổng thống Truman. Một cách ngắn gọn, bức thư này nhắc chính quyền Obama ĐỪNG đứng gần với lãnh đạo Hà Nội. Tổng thống Truman đã đủ khôn ngoan và đạo đức để không làm điều đó. Với những tác động "quái lạ" đó, khó cho người ta không đặt câu hỏi: những "cố vấn vĩ đại" nào đã thâm hiểm "chơi" ông Sang qua việc đề nghị cầm bức thư này đi làm quà? Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có dính tay vào cái "tối kiến" này không? Cũng có nhà phân tích thử biện bạch rằng việc đưa bức thư này cũng chẳng nham nhở gì hơn so với việc lãnh đạo đảng từ hồi mới nối lại bang giao với Mỹ năm 1994, đã bẻ lái 180 độ và khoe rằng Bác Hồ từng "mượn" nguyên câu trong Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ làm câu mở đầu cho Tuyên Ngôn Độc Lập Việt Nam. Vì vậy bức thư này cũng chỉ là nối tiếp đường hướng đó thôi, nghĩa là theo loại suy nghĩ "kẹt quá không có gì để làm quà thì dùng đỡ, chứ chẳng lẽ đi tay không?" Nhưng biện bạch này không có chân đứng và chỉ kéo theo những câu đùa như: "Chẳng thà cầm sang Mỹ tặng bà Obama cái nón lá như từng tặng bà Clinton còn hay hơn, và biết đâu nhờ thế mà được mời lại ăn bữa cơm trưa chăng." (Dĩ nhiên, còn chuyện Bác Hồ "mượn chữ nghĩa" của người khác thì nhiều lắm, từ những câu "Trăm năm trồng người", "Đoàn kết, đại đoàn kết", "Sông có thể cạn, núi có thể mòn..." đến bút danh Nguyễn Ái Quốc lúc sống ở Paris, đến tập thơ Ngục Trung Nhật Ký lúc ở bên Tàu, v.v.... Nhưng xin để dành cho một dịp khác.) Để tạm kết câu chuyện "đưa thư cũ làm quà mới", và trong tinh thần xây dựng, người viết xin hiến kế với ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang 2 điều: Thứ nhất, nếu còn cơ hội ra nước ngoài hội kiến với ai trước khi hết nhiệm kỳ, ông Sang cứ đi tay không. Chẳng sao cả! Thế giới bên ngoài không có truyền thống phong bì đâu. Nhất là khi phong bì lại chỉ đựng "bản sao" của một bức thư mà bản chính đã chẳng ai muốn nhận. Thứ nhì, ông Sang nên coi lại những kẻ đã "sắp xếp" chuyến đi kiểu này. Dĩ nhiên bức thư chỉ là một trong nhiều chuyện "sắp xếp" khác nữa mà chỉ có ông biết. Họ rắp tâm phá ông ngay từ lúc chưa rời Việt Nam. Liệu các “trợ lý” của ông có nhận "trợ giúp" từ nguồn nào khác nữa không?./. Nguồn: DienDanCTM -- Mời bạn ghé vào trang nhà của CTM để đọc và góp ý với nhiều bài vở phong phú tại: diendanctm.blogspot/
Posted on: Mon, 05 Aug 2013 04:24:29 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015