Đôi nét về tình hình chính trị Nhật Bản trong - TopicsExpress



          

Đôi nét về tình hình chính trị Nhật Bản trong những năm gần đây Đăng ngày: 17-10-2012, 12:20 Như chúng ta đã biết trong những năm gần đây chính trường Nhật Bản đã trải qua nhiều phen sóng gió, chỉ trong vòng chưa đầy 6 năm sau khi nhiệm kỳ của Thủ tướng Koizumi kết thúc (2001 – 2006), nước Nhật đã phải đối mặt với hàng loạt biến đổi chính trị với sự ra đi của 5 đời thủ tướng cùng nội các và liên tục thay đổi lãnh đạo của các chính Đảng cầm quyền. Mỗi người mới lên lại đưa ra cam kết cải tổ. Nhưng những đề xuất tuyên bố với hy vọng tạo ấn tượng lớn lại "bị chìm" trong hệ thống chính trị của Nhật. Nhiệm kỳ cuối cùng của đảng LDP do Thủ tướng Taro Aso nắm quyền đã hoàn toàn thất bại trong việc giải quyết ba vấn đề mà người dân Nhật Bản đặc biệt quan tâm là: kế hoạch cải cách hệ thống ngân hàng Tokyo; điều chỉnh địa ốc và cải tổ ngành bưu chính. Uy tín của ông giảm sút nghiêm trọng và cũng buộc phải rút lui khỏi chính trường trong vòng chưa đầy một năm tại nhiệm. Và rồi ngày 30 tháng 8 năm 2009 đã đi vào lịch sử Nhật Bản, người dân Nhật Bản và cả thế giới đã chứng kiến một cuộc thay đổi ngoạn mục tại xứ sở Phù Tang. Với 308 ghế trong tổng số 480 ghế của Hạ viện, đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Hạ viện, làm thay đổi cục diện chính trị vốn tồn tại nửa thế kỉ tại Nhật Bản với sự lãnh đạo của đảng Dân chủ Tự do (LDP). Nếu nói theo ngôn từ của những người lãnh đạo đảng cộng sản thì đây đúng là một cuộc diễn biến hòa bình. Nhưng người dân Nhật Bản lại rất hào hứng đón nhận diễn biến này vì họ muốn có một chính quyền tốt đẹp hơn. Dường như họ đã quá mệt mỏi với cái được gọi là “sự ổn định” đang tồn tại ở nước này, song thực chất đó lại là “sức ì” của cả nền kinh tế lẫn chính trị. Vì vậy, trọng trách to lớn đối với DPJ khi cầm quyền là phải vực dậy nền kinh tế đang trong cơn suy thoái trầm trọng, giảm tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Đồng thời, DPJ phải xây dựng các chính sách làm giảm khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Đây quả thực là một bài toán nan giải đối với DPJ. Chiến thắng của DPJ cũng là điều mà người ta có thể nhìn thấy trước khi kết quả cuộc bầu cử được công bố. Tuy nhiên, liệu rằng “cơn chấn động chính trị” sau 50 năm này có đủ mạnh để cuốn đi những cái vốn được coi là “cũ” để tiến hành một bước “lột xác” với nước Nhật hay không? Nhiều quan chức Nhật Bản đã bày tỏ mối quan ngại về khả năng thực sự của DPJ trong việc chèo lái nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lúc đó vượt qua những khó khăn nội tại vốn đã dẫn tới thất bại của đảng cầm quyền dân chủ tự do. Còn người dân Nhật Bản thì sao? Họ cũng có chung một cảm giác chưa yên tâm về khả năng điều hành đất nước của một đảng còn non trẻ và thiếu kinh nghiệm lãnh đạo như DPJ. Nhưng đa số họ đều có chung một mong muốn thay đổi chính quyền với hy vọng tình hình đất nước sẽ có chuyển biến tốt hơn so với thời LDP cầm quyền. Cho nên không còn cách nào khác là họ phải tiếp tục tin tưởng và mong chờ. Song những người đặt niềm tin vào sự kiện “gió đổi chiều” chưa được bao lâu đã phải buồn bã kết luận rằng “làn gió mới chưa hẳn đã mát lành”. Thời gian gần 1 năm không hẳn là dài nhưng với cử tri Nhật Bản dường như đã là “đủ” để chứng thực những lời hứa của đảng Dân chủ Nhật Bản khi tranh cử, với kế hoạch cải cách đất nước được đánh giá là “hay nhưng không dễ”. Hai lời hứa cơ bản nhất mà DPJ đưa ra cho cử tri là: thành lập một chính phủ trong sạch, chấn chỉnh lại những chi tiêu lãng phí của chính phủ tiền nhiệm; thứ hai là đưa căn cứ quân sự Futenma của Mỹ ra khỏi Okinawa đều đã không được thực hiện. Và Thủ tướng Hatoyama - người đặt bút ký bản thoả thuận cuối cùng với Washington, cho phép Futenma tiếp tục “ngự trị” ở Okinawa và Tổng thư ký Đảng Ozawa - người bị dính líu vào những cáo buộc mờ ám quỹ chính trị đã phải ra đi để nhận trách nhiệm cho hai sự “thất hứa” đó. Như vậy là một lần nữa dư luận Nhật Bản lại phải chứng kiến cảnh vị Thủ tướng thứ tư của mình ra đi chỉ trong thời gian vẻn vẹn 4 năm. Vậy điều gì đã và đang diễn ra ở đất nước mặt trời mọc? Câu trả lời thật rõ ràng. Chính phủ đã không đáp ứng được lòng tin của người dân, không đủ sức chèo lái con thuyền đất nước khỏi những cơn sóng lớn. Hậu quả của khủng hoảng kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và sức ép từ dư luận trong vấn đề căn cứ không quân Futenma, đã khiến chính phủ của Thủ tướng Hatoyama lùi bước. Thay thế ông Hatoyama là Bộ trưởng tài chính Nato Kan 63 tuổi, xuất thân từ một gia đình không có truyền thống làm chính trị. Lên năm quyền vào tháng 6 năm 2010 với sự thừa kế những di sản khá nặng nề từ người tiền nhiệm; gánh nặng về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; vực dậy lòng tin của cử tri Nhật Bản vốn đã bị xói mòn nghiêm trọng do sự sụp đổ liên tục trong nội các chính phủ. “Sau cơn mưa, trời liệu có sáng?”, câu trả lời này hoàn toàn phụ thuộc nhiều vào thái độ của người dân xứ sở hoa anh đào - những người đã bỏ phiếu bầu đảng Dân chủ Nhật Bản liệu có chấp nhận trao thêm cơ hội cho đảng này? Giới phân tích chính trị cho rằng, chính phủ DPJ của Thủ tướng Nato Kan khó có thể tại vị lâu nếu không khéo léo “tháo nút thắt” cho ba móc xích quan trọng là mối quan hệ “đồng minh Nhật – Mỹ”; “nền kinh tế trì trệ” và “con thuyền DPJ chòng chành”. - Trong quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ, thách thức đối ngoại đối với nhà lãnh đạo Naoto Kan cần phải vượt qua là cân bằng mối quan hệ với Mỹ, một đồng minh then chốt của Nhật Bản ở bên kia đại dương. Ông Takeshi Sasaki, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Gakushuin cho rằng, dư âm về cuộc ra đi chóng vánh của người tiền nhiệm sẽ không chỉ là bài học, mà hẳn sẽ còn ám ảnh ông Kan trong thời gian tại vị. Đặc biệt, trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên không ngừng "nóng lên" sau vụ đắm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc trên vùng biển Hoàng Hải, Tokyo dù muốn hay không cũng không thể từ chối sự có mặt của quân đội Mỹ ở đảo Okinawa. Do vậy, trong phát biểu trước cuộc bầu cử Chủ tịch đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ), ông Kan nhấn mạnh rằng quan hệ đồng minh với Mỹ vẫn là nền tảng trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Để cụ thể hóa chính sách của mình, ngay sau khi đắc cử Chủ tịch DPJ và Thủ tướng, ông Naoto Kan nhanh chóng điện đàm sang Washington để trấn an đồng minh. Dù khiến đồng minh “hài lòng” nhưng lại làm “mất lòng” người dân Okinawa. Chỉ vài giờ sau các cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội, chính quyền và người dân Okinawa lập tức lên tiếng kêu gọi tân Thủ tướng chấm dứt sự hiện diện của căn cứ Futenma trên tỉnh này. Và nếu ông Naoto Kan kiên quyết “trung thành” với Washington thì làn sóng phản đối của người dân trên đảo này còn mạnh mẽ hơn nữa. - Thách thức không kém phần quan trọng đối với ông Kan tiếp theo là phải chấn hưng nền kinh tế khi mà số dư nợ chưa trả của Chính phủ Nhật Bản ở mức cao kỷ lục đang là gánh nặng đè lên ông. Hai thập kỷ kích thích kinh tế mạnh mẽ trong khi nguồn thu thuế giảm để lại cho Nhật Bản “núi nợ” lớn hơn bất kỳ một nước công nghiệp nào khác. Trong năm 2010, tổng nợ công của Nhật Bản gần đến mức 200% GDP, tỷ lệ cao nhất trong các nước công nghiệp phát triển. Nhiều chuyên gia kinh tế thế giới lên tiếng kêu gọi Nhật Bản xem cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp là một bài học đắt giá để nhìn nhận vấn đề tài chính. Vì thế, Thủ tướng Kan sẽ hành động ra sao với món nợ khổng lồ kia là điều được cử tri Nhật Bản đặc biệt quan tâm. Dù là một cựu Bộ trưởng Tài chính với các quy tắc tài chính nắm rõ trong tay, ông Kan cũng đã phải chật vật trong cuộc chiến chống giảm phát và kiềm chế nợ công tăng vọt. Và như một vòng luẩn quẩn, sự bất ổn về chính trị có thể trì hoãn những cải cách kinh tế, một động thái sẽ không khuyến khích giới đầu tư, và việc kinh tế trì trệ lại là gánh nặng tâm lý đối với các chính khách quyền uy nhất đất nước. - Thách thức thứ ba đối với Thủ tướng Kan khi lên nắm quyền đó là gánh nặng chèo lái con thuyền DPJ: Để có cơ hội vượt qua hai thử thách trên, việc trước tiên ông Kan phải làm đó là đưa đảng DPJ “về đích” trong cuộc bầu cử thượng viện diễn ra vào tháng 7 năm 2010. Gánh nặng đặt trên vai nhà lãnh đạo mới, với nhiệm vụ phải nhanh chóng cải thiện hình ảnh không mấy sáng sủa của đảng cầm quyền sau một loạt lời hứa chưa được thực hiện của nhà lãnh đạo tiền nhiệm Hatoyama. Cuộc bầu cử này được coi là cuộc trưng cầu dân ý về cách điều hành Chính phủ của đảng Dân chủ kể từ khi giành chiến thắng ấn tượng trước đảng LDP hồi tháng 8 năm 2009. Do đó, ngay sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Chủ tịch DPJ, ông Kan khẳng định sẽ nỗ lực xây dựng DPJ trong sạch, “tạo ra môi trường chính trị không có các vụ bê bối tiền bạc” để giành lại niềm tin của cử tri đối với đảng này trước cuộc bầu cử Thượng viện. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh lãnh đạo trước đây của DPJ là cựu Tổng Thư ký Ozawa dính líu đến vụ bê bối quỹ chính trị. Chính vì vậy, chính phủ mới dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Kan cố gắng thoát khỏi ảnh hưởng của ông Ozawa. Để cụ thể hóa quyết tâm của mình, ông Kan đã bổ nhiệm cựu Quốc vụ khanh phụ trách chiến lược quốc gia Yoshito Sengoku, một người thuộc phe chống ông Ozawa, làm Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản. Bên cạnh đó, ông Kan dự định tái lập Hội đồng nghiên cứu chính sách của DPJ - một cơ quan bị ông Ozawa xóa bỏ sau khi DPJ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử hạ viện trước đó, nhằm tăng cường sự phối hợp chính sách giữa chính phủ và đảng cầm quyền. Tuy nhiên, đây không phải là một nhiệm vụ dễ thực hiện đối với vị tân Thủ tướng bởi ông Ozawa lúc đó đứng đầu một nhóm khoảng 150 nghị sĩ của DPJ và có quan hệ rất mật thiết với các lãnh đạo của đảng Quốc dân mới (PNP) và đảng Xã hội Dân chủ (SDP) - hai đảng nhỏ mới rút khỏi liên minh cầm quyền. Quả thực, con đường của ông Nato Kan không trải đầy hoa hồng. Những thách thức đặt ra chưa được giải quyết thì lại hứng chịu làn sóng chỉ trích dữ dội vì bị cho là không chứng tỏ khả năng lãnh đạo tốt sau thảm hoạ kép động đất và sóng thần ngày 11/3/2011 và cuộc khủng hoảng hạt nhân kéo dài sau đó. Uy tín của ông bị giảm sút và buộc phải quyết định rời chính trường sau chưa đầy 15 tháng nắm quyền. Một lần nữa chiếc ghế giành cho người đứng đầu chính phủ lại phải đổi chủ, và vị thủ tướng lần này được đảng cầm quyền chỉ định cũng là Bộ trưởng tài chính dưới thời ông Kan. Như vậy là trong vòng 3 năm kể từ khi DPJ cầm quyền đến nay, nước Nhật đã phải thay 3 vị thủ tướng và thủ tướng đương nhiệm Yoshihiko Noda là thủ tướng thứ 6 kể từ khi nhiệm kỳ của thủ tướng Koizumi kết thúc và là vị thủ tướng thứ 15 chỉ trong vòng 20 năm trở lại đây. Nếu đem so sánh với các cường quốc khác như Mỹ (4 tổng thống), Anh (4 thủ tướng), Nga (3 tổng thống), Pháp (3 tổng thống), Đức (thủ tướng) và Trung Quốc (2 chủ tịch nước) thì đó quả là điều hơi đặc biệt, nếu không nói là bất thường. Thách thức chờ đợi thủ tướng Noda cũng chính là nguyên nhân khiến cựu thủ tướng Nato Kan phải ra đi khi chưa thực hiện được lời hứa với cử tri đó là: Thứ nhất, núi nợ công khổng lồ, hiện ở mức trên 200% tổng GDP (5.000 tỉ USD/năm). Theo báo Mainichi, ông Y.Noda ủng hộ đề xuất tăng gấp đôi thuế tiêu thụ lên 10% từ nay đến năm 2015 và tạm nâng các loại thuế khác để giảm nợ công và có tiền đầu tư cho dịch vụ an sinh xã hội cũng như tái thiết đất nước sau thảm họa động đất - sóng thần. Thứ hai, đồng yên Nhật vẫn liên tục tăng giá, ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu của Nhật. Trong thời gian qua, chính sách tiền tệ của chính quyền Tokyo vẫn chưa có nhiều thay đổi. Ông Noda đã cam kết hành động, can thiệp vào thị trường để chặn đà tăng giá của đồng yên. Thứ ba, ông Y.Noda sẽ phải xây dựng một chính sách năng lượng đủ mạnh để vừa loại bỏ mối lo hạt nhân, vừa đảm bảo nguồn cung điện cho nền kinh tế. Cụ thể là ông muốn đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định bằng cách khôi phục các lò phản ứng hạt nhân ngay sau khi chúng được xác nhận đủ điều kiện an toàn. Tuy nhiên, với bóng ma rò rỉ phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 thì việc chính quyền địa phương và người dân sống gần các lò phản ứng có ủng hộ quan điểm của ông Noda hay không cũng là một bài toán nan giải. Thứ tư, ông Y.Noda sẽ phải tìm cách hàn gắn lại một DPJ đang rạn nứt, xây dựng một lực lượng lãnh đão ổn định và đáng tin cậy hơn. Thứ năm là, ngoài những thách thức nói trên thì vấn đề ngoại giao cũng là một thách thức không nhỏ đối với ông Noda. Các nỗ lực thắt chặt mối quan hệ với đồng minh Mỹ vốn bị đình lại kể từ sau khi đảng Dân chủ cầm quyền năm 2009 vẫn chưa có nhiều tiến triển do bế tắc chính trị tại Nhật. Mối quan hệ không mấy suôn sẻ với người láng giềng khổng lồ Trung Quốc trong năm qua do bất đồng về tranh chấp chủ quyền lãnh hải cũng sẽ là mối bận tâm không nhỏ đối với thủ tướng của Nhật. * * * Như vậy, trọng trách của người đứng đầu chính phủ Nhật Bản lúc này là rất lớn. Ánh hào quang sẽ vụt tắt khi niềm tin của cử tri giành cho DPJ bị lung lay. Để điều đó không xẩy ra, DPJ phải chứng tỏ được năng lực lãnh đão của mình trong việc giải quyết các vấn đề đang khiến người dân bức xúc. Hi vọng sau chiến thắng của Thủ tướng Y. Noda, chính trường Nhật Bản sẽ lặng sóng gió để các chính sách kinh tế, chính trị và ngoại giao được thực hiện một cách liên tục, giúp hồi sinh nền kinh tế xứ sở hoa anh đào, góp phần ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới. Trích một phần từ đề tài nghiên cứu cấp Viện năm 2010 : “Tác động của sự thay đổi tình hình kinh tế - chính trị Nhật Bản gần đây lên quan hệ Nhật Bản - ASEAN và vai trò của Nhật Bản ở Đông Nam Á trong thập kỷ tới”. Thực hiện: Ths.Trần Thị Duyên, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.
Posted on: Wed, 25 Sep 2013 13:02:50 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015