Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm 1491, mất năm 1585, thọ 94 - TopicsExpress



          

Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm 1491, mất năm 1585, thọ 94 tuổi. Như vậy, ông sống gần trọn thế kỷ XVI, xuyên suốt thời các ông vua cuối Lê sơ. (Uy Mục, Tương Dực) ở đầu thế kỷ, tiếp đó là cuộc xâu xé trong nội bộ giới thống trị dẫn đến việc Mạc Đăng Dung lập ra triều Mạc (từ 1527), rồi Nguyễn Kim dựng lên cái gọi là “triều Lê trung hưng”. Năm 1545, Nguyễn Kim mất, Trịnh Kiểm thay bố vợ nắm quyền. Mạc và Trịnh, mỗi dòng họ cai trị một vùng (Bắc triều, Nam triều), xung đột nhau dẫn đến nội chiến ác liệt kéo dài hơn nửa thế kỷ. Đồng thời, mầm mống của một cuộc xung đột mới giữa Trịnh và Nguyễn cũng đã bắt đầu từ năm 1558, sau khi Trịnh Kiểm diệt em vợ là Nguyễn Uông, buộc Nguyễn Hoàng phải tìm cớ chạy vào Thuận Hóa tránh tai họa trước mắt. Nguyễn Bỉnh Khiêm là Trạng nguyên, là quan tam phẩm của triều Mạc nhưng chỉ tại chức 8 năm. Năm 45 tuổi, ông xin từ chức sau vụ dâng sớ hạch tội 18 lộng thần không hiệu quả, mặc dù nhà Mạc vẫn muốn lợi dụng uy vọng của ông để tạo thế lực, và đã phong cho ông lên cực phẩm triều đình (chức Thái phó). Bàn về thời đại của Nguyễn Bỉnh Khiêm, gần đây có vài nhà sử học cho rằng: không thể nói thế kỷ XVI đánh dấu chế độ phong kiến chuyển nhanh sang tình trạng suy đốn, trái lại nó đang trên đà phát triển đầy sinh lực. Chúng tôi chưa có tham vọng tìm hiểu tính chất xã hội thời Mạc. Vấn đề này xin dành cho những chuyên gia về “Phương thức sản xuất châu Á” và về hình thái kinh tế - xã hội Việt Nam cổ, trung đại nói riêng. Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ muốn thông qua một số thơ văn của Nguyễn Bỉnh Khiêm, hy vọng tìm hiểu tâm sự đích thực của một ông trạng - chứng nhân của ngót một thế kỷ đầy biến cố - tuy rằng chính Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thận trọng dặn lại hậu thế: “Đâu dám bảo thơ tức là sử” (Cảm vân thi tức sử - Cảm hứng). I. NỖI ĐAU VÌ ĐẠO LÝ ĐẢO ĐIÊN Dưới mắt ông Trạng Trình, xã hội thời Mạc bày ra đủ mọi thứ tiêu cực: cương thường suy sụp, lễ nghĩa ngang trái, địa vị đảo ngược, quan hệ vua tôi, cha con… hết sức lộn xộn. Người đời chạy theo cái lợi tầm thường, chỉ biết nịnh bợ kẻ lắm tiền, nhiều của: “Thớt có tanh tao ruồi đậu đến Sanh không mật mỡ kiến bò chi” Đồng tiền là trên hết, đè bẹp tất cả: “Đời nay nhân nghĩa tựa vàng mười Có của thì hơn hết mọi lời (…) Người, của lấy cân ta thử nhắc Mới hay rằng của nặng hơn người” Hễ nghe tiếng đồng tiền kêu leng reng, “thinh thỉnh” thì mọi lý sự về đạo đức cũng trở thành vô nghĩa: “Đạo nọ nghĩa này trăm tiếng bợn Nghe thôi thinh thỉnh lại đồng tiền” Chà đạp lên đạo lý, con người đối xử với nhau tàn nhẫn, hiểm ác, nhất là khi nắm quyền hành trong tay: “Thịt chó, chó ăn, loài chó dại (…) Cá cả mong ăn con cá con” Dối trá, gian manh, tham lam không đáy: “Lận thế, treo dê mang bán chó Lập danh cỡi hạc lại đeo tiền” Đã tham lam thì phải giành giật, tráo trở, nghĩa là phản trắc. Và đây không chỉ là tâm địa của những kẻ “tiểu nhân” hay những tên gian thương, mà điều Nguyễn Bỉnh Khiêm đau xót là lũ này lại thường thuộc hàng áo mũ cân đai: “Bình thường có khi hợp nhau, Vào triều đình quay ra ghen ghét nhau”.(1) (1) Bình cư hữu tương quy, Nhập triều phản tương kị. (Cảm hứng tam bách cú) Vì đâu mà đạo lý suy đồi đến như vậy? Theo Nguyễn Bỉnh Khiêm, một khi rường mối “trị bình” đã ruỗng nát thì người ta cũng dễ dàng vứt bỏ liêm sỉ, nói gì đến đạo đức: “Trị nhật ô du hạ Nhân tự vô liêm sỉ” (Cảm hứng) Đối với bọn người xun xoe, nịnh hót, Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ khinh bỉ mà còn ghê tởm: “Mềm gối cóc khô mềm gối mãi Uốn lưng rùa mốc uốn lưng dài Hãy còn ghê đứa anh hùng nữa Thớt mặt nên ngay mới gớm ghê” Vẫn theo Nguyễn Bỉnh Khiêm, còn một nguyên nhân không kém quan trọng, đó là khi bọn người chia bè kéo cánh chỗ nào cũng có, suốt ngày chỉ lo hãm hại nhau, thì làm sao mà xã hội tránh được nguy cơ tan rã: “Nhà dột bởi đâu, nhà dột nóc, Nếu nhà dột nóc, thế chon von” Nguyễn Bỉnh Khiêm thật sự chua chát về nhân tình thế thái, có khi mất niềm tin vào cái gốc “chân, thiện” trong mỗi con người: “Không còn gì hiểm bằng đường đời Không cắt đi thì chỉ toàn gai góc Không gì nguy bằng lòng người Buông ra là thành quỷ quái ngay”.(1) (1) Hiểm mạc hiềm thế đồ, Bất tiễn tiện kinh cức, Nguy mạc nguy nhân tâm, Nhất phóng tiện quái quắc. (Trung tân ngụ hứng) Thế nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn nuôi hy vọng, như ông viết trong bài “ký” trên Bia quán Trung tân: “May là trong lòng người điều thiện chưa hề mất hết”. Mà “tính thiện” chưa mất hết thì phong tục còn có cơ trở lại thuần hậu. Và một khi chính sự được tu chỉnh, thế đạo được hưng thịnh thì nhân tâm tự khắc được thấm nhuần (Cảm hứng). Chỉ tiếc rằng cho đến khi Nguyễn Bỉnh Khiêm qua đời, hy vọng của ông chưa trở thành hiện thực, và nỗi đau của ông về đạo lý đảo điên vẫn chưa hề lắng dịu. II. NỖI ĐAU VỀ TỆ THAM NHŨNG Hình như hồi ấy bộ máy quan chức triều Mạc rất tệ hại, nhất là nạn tham nhũng. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dùng những lời nghiêm khắc nhất khi lên án tệ nạn này trong bài thơ Tăng thử (Ghét chuột): “Thạc thử hồ bất nhân, Thảo thiết tư âm độc”. Lũ người này thường dựa vào chức quyền, thường nhân danh “xã tắc” để làm điều gian ác. Và chính đó là một nguyên nhân làm cho người dân bất bình với triều chính, cả thần lẫn người đều “oán chứa đầy bụng”(1). Kẻ trị nước, đã kém chước thuật mà lại để cho lòng tham ngự trị thì còn gì mà nói nữa: “Kinh quốc tiếu vô thuật, Dục thắng lý tự tiêu” (Cảm thời cổ ý). Tham nhũng bao giờ cũng đi đôi với xa hoa, đồi trụy, tàn hại của cải mồ hôi nước mắt của dân mà không hề chùn tay: sữa người đem cho heo uống, thức ăn toàn là loại cao lương mỹ vị (canh chim sẻ vàng, nem gà gô…), những món đáng giá hàng vạn quan tiền cũng chưa buồn nhúng đũa!(2). Bọn tham nhũng có hàng trăm thủ đoạn tránh nấp, cái mà ngày nay ta gọi là tệ “ô dù”, còn Nguyễn Bỉnh Khiêm thì gọi đó là “cáo mượn oai hùm (…), Ruồi nương đuôi ký” (3). Ông đã từng cảnh cáo: “Được một cách phũ phàng thì cũng mất một cách phũ phàng” (4), nhưng hình như những câu răn đe đại loại như vậy không ăn nhằm gì đối với lũ người đục khoét tài sản của dân của nước một cách lì lợm. Đã có lúc Nguyễn Bỉnh Khiêm không kìm chế được sự căm ghét đến cực độ: “sớm muộn chúng mày cũng sẽ bị tiêu diệt, xác phơi cho quạ, diều rỉa thịt”(1). Nhưng ông cũng hiểu rằng quét sạch bọn tham nhũng không phải là việc đơn giản, vì: (1) Dân mệnh vi chí trọng, Tàn hại hà thái khốc, Thành xã ỷ vi gian, Thần nhân oán mãn phúc. (Tăng thử) (2) Nhận nhũ ẩm thoát thỉ (…) Vu tiến hoàng tước canh, Trở căng giá cô xị, Vạn tiền vô hạ trợ. (Cảm hứng) (3) Ký: một giống ngựa tốt. (4) Bạo đắc tùy bạo thất (Cảm thời cổ ý). (1) Ký thất thiên hạ tâm (…), Ô diên khiết nhi nhục (Tăng thử) “Vuốt mặt còn chừa qua mũi nọ, Rút giây lại nệ động rừng chăng” Cuối cùng, tin ở tấm lòng trong sáng của mình, Nguyễn Bỉnh Khiêm dũng cảm dâng sớ hạch tội những tên lộng thần: “Lòng nhân nghĩa như son khi dâng tờ sớ can ngăn vua…”(2) (2) Nhân nghĩa như đan thương gián tiên (Chỉ thi) Nhưng kết quả thật đáng buồn, và ông quyết định từ quan giữa lúc mới 45 tuổi, mang theo một kết luận chua chát về tệ nạn danh lợi, chức quyền: “Ở triều đình thì tranh nhau cái danh (…). Ở chợ búa thì giành nhau cái lợi” (Bi ký quán Trung tân), vì “Lòng tham chưa no chán, Chỉ cốt thân mình béo” (Đến quán xem cá). II. NỖI ĐAU VÌ CHIẾN TRANH “NỒI DA XÁO THỊT” Nỗi bất hạnh lớn của Nguyễn Bỉnh Khiêm có lẽ là: gần suốt cuộc đời, ông phải chứng kiến chiến tranh liên miên, tàn khốc. Nhưng đây lại không phải là loại chiến tranh bảo vệ đất nước hay giải phóng dân tộc của những thời “Nam quốc sơn hà…”, “Hịch tướng sỹ” hay “Bình Ngô đại cáo”. Chiến tranh của thời Nguyễn Bỉnh Khiêm đều là những vụ xâu xé đổ máu giữa các thế lực, làm cho thiên hạ rối bời, đất nước cắt chia: “Tiếu tha thù tặc hỗ tương tranh Thiên hạ phân phân hận vị bình” (Cảm hứng) Điều đáng quý ở Nguyễn Bỉnh Khiêm là: tuy thân phận ông gắn với triều Mạc, nhưng cuộc chiến giữa nhà Mạc với các thế lực đối địch, theo ông, cũng chỉ là hành vi tranh ăn lẫn nhau, không hơn không kém, gây cảnh sông núi máu xương, thật đáng hổ thẹn: “Hỗ chiến giao tranh tiếu lưỡng thù Xuyên huyết sơn hài tùy xứ hữu” (Ngụ ý) Trong bài Cảm hứng (tam bách cú), ông nói thẳng ra rằng: “Vì trả đũa nhau mà máu chảy thê thảm, Vì tranh ăn mà tay bị hủy thương”, đã chẳng đem lại lợi ích gì cho dân, mà rút cục mỗi bên kình địch đều bị tổn hại. Nguyễn Bỉnh Khiêm dành những câu thơ - có khi trọn cả một bài thơ dài - để nói lên nỗi nhức nhối của mình trước cảnh “Gươm giáo đầy mắt, khổ nỗi chưa ngớt”(1), đất nước ly loạn, khắp nơi là chiến trường: “Đồng ruộng biến làm chiến trường. Làng xóm khắp là lũy giặc”(2) Một ấn tượng đau xót hằn sâu trong đời Nguyễn Bỉnh Khiêm là cảnh nhân dân ly tán, già trẻ dắt díu nhau chạy loạn chẳng biết kêu ai, chỉ biết ôm nhau mà than thở: “Giáo và mộc tua tủa đầy ra trước mắt Nhân dân trốn chạy muốn tìm nơi an toàn Khốn đốn dắt dìu nhau, thở than không có đất…”(3) (1) Mãn cục can qua khổ vị hưu. (Tự thuật) (2) Nguyên dã tác chiến trường, Tỉnh ấp biến tặc lũy. (Cảm hứng) Điên liên huề bão ta vô địa… (Cảm hứng thi) (3) Lạc lạc can qua mãn mục tiền, Nhân dân bôn thoán dụ cầu tuyền. và biết đến bao giờ mới chấm dứt cảnh này: “Tùy xứ lưu dân hoài tỉnh ấp, Hà thời chiến sĩ tức can qua?” (Tức sự) Càng đau xót hơn, vì cuộc chiến tương tàn đã phá hủy biết bao tài sản: “Nhà ở bẻ làm củi Trâu cày mổ làm thịt Cướp đoạt tài sản không phải của mình…”(1) Khắp nơi đồng ruộng bỏ hoang, nỗi khổ của dân lên đến cực điểm: “Một vùng từ đông sang nam Ruộng lúa không cấy hái Chiến tranh tiếp liền nhau Họa hoạn đến thế là cùng cực”. (2) Phe phái đâm chém nhau, lính tráng chết như rạ: “Hỗ chiến giao tranh bán sát thương” (Cảm hứng thi) Trong một bài thơ Cảm hứng, Nguyễn Bỉnh Khiêm lên án gay gắt tính chất phi nghĩa phi nhân của cuộc chiến: “Xưa nay người có nhân không ai địch nổi Việc gì cứ phải khư khư theo đuổi chiến tranh!”.(3) (1) Cư ốc chiết vi tân, Canh ngưu đồ nhi thục, Nhược đoạt phi kỷ hóa. (Thương loạn) (2) Nhất chu đông nhị nam Điền hòa thất giá sắc Chiến tranh hỗ tương tầm Họa loạn chí thử cực. (Thương loạn) (3) Cổ lai nhân giả tư vô địch Hà tất khu khu sự chiến tranh. (Cảm hứng) Mang nặng nỗi ưu tư về vận nước, bạc trắng cả mái đầu, nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm cảm thấy khó có hy vọng xoay trở tình thế: “Nghèo hèn lại gặp thời loạn lạc Khăng khăng lòng lo nước, mái tóc thành tơ”.(1) IV. BẤT LỰC TRƯỚC NỖI ĐAU CỦA NHÂN DÂN. Cũng như những bậc đại trí, đại hiền trong lịch sử, Nguyễn Bỉnh Khiêm ý thức sâu sắc vai trò của nhân dân đối với sự tồn vong của một quốc gia: “Xưa nay nước lấy dân làm gốc Được nước là nhờ được dân”.(2) Ông mượn câu Kinh Thi (Dân nham khả úy) để răn nhà cầm quyền: “Biết sợ cái ghềnh hiểm của dân thì không lo còn kẽ hở”(3). (1) Bần tiện trùng phùng thử loạn ly Khu khu ưu quốc mãn thành ty. (Trung tân quán ngụ hứng) (2) Cổ lai quốc dĩ dân vi bản, Đắc quốc ưng tri tại đắc dân. (Cảm hứng) (3) Cố úy dân vô khích khả đầu. (Quá Quy Hóa trú doanh) Vả chăng, theo Nguyễn Bỉnh Khiêm, nguyện vọng của người dân cũng rất đơn giản: niềm vui lớn nhất của dân là được sống dưới một chính thể tốt đẹp: “Ướm hỏi dân ta lấy gì làm vui? Vui khi được gặp chính sự tốt”.(1) Vậy thì phép trị nước trước hết là giúp đỡ dân, yêu thương kẻ có đức, dùng lòng nhân mà trị bất nhân(2). Tóm lại, theo Nguyễn Bỉnh Khiêm, ai tranh thủ được lòng dân, kẻ đó thành công: “Lòng người là bất tử Lẽ trời không bao giờ mất Đó là đầu mối của đạo nhân Là tột mực của trị bình”.(3) Thế nhưng cục diện đất nước và chính sự triều Mạc đã xô đẩy nhân dân vào bước đường cùng, “chẳng khác chim bị mất tổ, giống hệt cá bị máu dồn xuống đuôi” (4). Lại thêm chiến tranh liên miên vắt kiệt sức dân sức nước: “Liền năm chinh phạt, quân nhà vua mỏi mệt, Bao đời xâu thuế vận chuyển, của nước kiệt quệ”.(5) (1) Tá vấn ngô dân hà dĩ lạc? Lạc phùng lập chính bố ưu ưu. (Thu xã) (2) Hựu dân quyên hữu đức, Dĩ nhân phạt bất nhân. (Thương loạn) (3) Bất tử giả nhân tâm, Bất dẫn giả thiên lý, Nhân đoan thị sở suy, Chí trị thị sở chỉ. (Cảm hứng tam bách cú) (4) Bất thí điểu phần sào, Đãi đồng phường trinh vĩ. (Cảm hứng) (5) Liên niên chinh phạt vương sư lão Lũy thể chinh thâu quốc dụng dàn. (Cảm hứng thi) Đau xót hơn cả vẫn là hàng triệu người nông dân vốn gắn bó số phận mình với ruộng đồng: “Vất vả nghèo khổ, người nông phu than vãn Đói khát gầy guộc, kêu khóc trên ruộng đồng”.(1) Gặp năm mất mùa đói lớn thì trẻ già dắt díu bồng bế nhau bị gậy lưu vong: “Năm nay lại gặp tai họa đói cơm đói rau, Khốn đốn trôi giạt, biết dung thân nơi đâu!”(2) cuối cùng chết dần mòn: mẹ phải vứt bỏ con, người già ốm lăn xuống rãnh, xác chết la liệt cổng thành, như đàn chim cháy tổ(3). Chứng kiến cảnh cay cực của nhân dân, Nguyễn Bỉnh Khiêm ước mong có ngày xã hội được ổn định, đất nước trở lại thanh bình: “Bao giờ được thấy lại cảnh thịnh trị Trời đất trở lại thái hòa như xưa”.(4) (1) Lao bần nông phu thân, Cơ tích điền dã khốc… (Tăng thủ) (2) Thử tuế hựu tao cơ cận ách Lưu ly hà địa khả dung thân? (Cảm hứng thi) (3) Lưu ly khí đồng trì Lung lão chuyển câu hác Ngã biểu chúc lư lý Bất xỉ điểu phần sào. (Cảm hứng tam bách cú) (4) Hà thời tái đổ Đường Ngu trị Y cựu kiền khôn nhất thái hòa. (Cảm hứng) Ông ước mong sớm xuất hiện những bậc đại nghĩa cứu dân ra khỏi cảnh lầm than: “Quá thương dân mọn mắc nạn đói rét Ai nêu đại nghĩa diệt lũ hung tàn?”(1) Thương xót “Người dân vô tội gặp cảnh cay cực độc ác”, ông hy vọng sẽ có bậc “nhân từ không ham giết chóc”(2) “giúp vua đem lại cảnh thái bình” , thỏa lòng dân “ngước mắt mong chờ nền chính sự mới”.(3) Mạnh dạn hơn, trong bài Hạ ngự giá thướng kinh, Nguyễn Bỉnh Khiêm đặt thẳng yêu cầu đối với vua: “Người dân còn sót lại lâu nay điêu đứng, Mong nhà vua ban lòng khoan dân để dân được ủi an, cứu vớt”.(4) (1) Thâm mẫn tiểu dân ly đống nỗi Thùy dương đại nghĩa thủ hung tàn? (Cảm hứng thi) (2) Bất sát thùy năng úy hễ tô? (Cảm hứng thi) (3) Dân giai thức mục quan tân chính Thùy vị quân vương trí thái bình? (Trung tân quán ngụ hứng) (4) Di dân cửu dĩ ly điêu tụy Nguyện bổ khoan dân úy hễ tô. Ở thế kỷ XVI, vua “ban ơn” cho dân thì cũng là hợp lẽ. Nhưng phải chăng đã có lúc Nguyễn Bỉnh Khiêm vượt qua hạn chế thời đại, đòi hỏi nhà vua phải có “trách nhiệm” đối với dân: “Quan trọng nhất là bậc đế vương phải nêu cao nhân nghĩa”.(1) Tiếc thay, “muốn cứu nước buổi nguy nan, thẹn mình không có tài”(2), “ước một tôi hiền, chúa thánh minh”, ước mãi mà chẳng thấy, Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ còn biết gửi vào ý thơ tiếng kêu than xé ruột, cũng là mong được chia sớt niềm thương xót với nhân dân. Những câu thơ đại loại như “Thời buổi đến thế là cùng cực”(3), “sinh dân quá ư tiều tụy”(4), “tiều tụy đến thế là quá chừng”(5) được ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Nhưng rút cục Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thất vọng, vì các phe phái vẫn không ngớt xung đột tranh giành, vẫn tiếp tục chà đạp lên sinh mạng người dân: “Sinh mệnh của dân là rất trọng Cớ sao tàn hại thảm khốc đến thế?”(6) (1) Tối thị đế vương nhân nghĩa cử. (Liệt Khê trú doanh) (2) Nguy thì hoàng đế quý phi tài. (Trung tân quán ngụ hứng) (3) Thử thời tư vi cực. (Cảm hứng tam bách cú) (4) Sinh dân thậm tiều tụy. (Cảm hứng tam bách cú) (5) Tiều tụy tư vi thậm. (Thương loạn) (6) Dân mệnh vi chí trọng Tàn hại hà thảm khốc? (Tăng thử) Bất lực và thất vọng, Nguyễn Bỉnh Khiêm đi tìm lối thoát trong chữ “nhàn”. V. “SỐNG NHÀN” CÀNG NHỨC NHỐI NỖI ĐAU Trong ngót 200 bài thơ lưu lại đến ngày nay, có thể thống kê được hàng trăm câu chữ Nguyễn Bỉnh Khiêm trực tiếp hoặc gián tiếp đề cập quan niệm “sống nhàn”. Có nhà nghiên cứu giải thích “chữ nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm gắn liền với quan niệm về một “phẩm chất cao khiết”, một “thái độ tự chủ”, một bản lĩnh trước thế tình điên đảo, một ý thức “tự trọng” của người trí thức tâm huyết nhưng bất lực… Thực ra, qua nhiều bài thơ, bài văn, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đã nói rõ lý do ông lui về chọn cuộc sống “nhàn”: - không muốn dấn thân vào nguy cơ của sự giàu sang. (Bất ư phú quý lý nguy ky - Ngụ hứng). - Ngại lòng người trắc trở: “Sự thế cuộc cờ đâu miễn được Lòng người sóng bể cạn thì sâu Nói nên chăng chớ làm chi nữa…” - Ngán danh lợi, chán thói đời ô trọc: “Chông gai biếng đến đường danh lợi Mặn lạt đã no mùi thế tình…” và: “Yếm khan trọc thế đấu phù vinh” (Ngụ hứng). Tuy nhiên, lý do vẫn chỉ là lý do. Vả chăng, ngay trong những lý do, hình như Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tự mâu thuẫn với chính mình. Làm sao có thể “sống nhàn” một khi: “Tấm lòng lo trước thiên hạ đến già chưa thôi Cùng, thông, đắc, táng, Ta có lo chi cho riêng mình!”(1) Làm sao có thể “rượu say đùa giỡn với bóng chiều”(2) một khi thơ ông cứ da diết nỗi lòng ưu thời mẫn thế! Nguyễn Bỉnh Khiêm chán ghét, khinh bỉ, ghê sợ, thậm chí kinh tởm “nhân tình thế thái”, nhưng ông không khinh bạc cuộc đời, trái lại ông ông đau nỗi đau của đời, nói đúng hơn là đau nỗi đau của dân, của nước. Đã vậy thì làm sao có thể lẩn tránh thế tình phiền toái, “rũ không thay thảy chẳng hề chi”(!), làm sao có thể: “Còn một tấm lòng phó chốn trăng Họa là thanh tỏ ít nào chăng?” Người xưa thường đi tìm sự thanh thản trong cuộc sống “nhàn”. Nhưng qua thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm, người ta chỉ thấy ông càng cố tỏ ra “nhàn” thì lòng ông càng rối bận. Ông lao vào rượu và thơ với tâm trạng một kẻ “cuồng si”, như chính ông đã thú nhận trong những bài Ngụ hứng. Ông tự nhận mình là “cuồng si” hay ông đang cố gắng tự huyễn hoặc thì cũng thế. (1) Lão lai vị ngải thiên ưu chí Đắc táng cùng thông khởi ngã ưu. (Tự thuật) (2) Tùy ý cao lâu lộng tịch dương. (Ngẫu hứng thi) Đã có lúc ông cảm thấy không thể sống mãi với ảo tưởng. Tâm trạng này được Nguyễn Bỉnh Khiêm diễn đạt tế nhị trong một bài thơ: “Nói là giữ trong sạch tấm thân thì e tiếng tăm to quá”(1) tuy trong một bài thơ trước đó, ông đã tuyên bố với đời rằng: “Hưởng cảnh nhàn trong quán Trung Tân, riêng ta trong sạch”(2). (1) Khiết thân chỉ khủng thanh danh đại. (Ngụ hứng) (2) Tân quán thâu nhàn ngã độc thanh. (Ngụ hứng) Vậy thì phải chăng Nguyễn Bỉnh Khiêm càng ra sức nhấn mạnh chữ “nhàn” thì nỗi đau của ông về tình đời, vận nước càng thêm nhức nhối. NPQ. _______ Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 259 (tháng 11,12-1991).
Posted on: Wed, 21 Aug 2013 03:08:49 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015