[Trung Thu dân gian 2013] Tái hiện những trò chơi tuổi - TopicsExpress



          

[Trung Thu dân gian 2013] Tái hiện những trò chơi tuổi thơ của 1 thời gian khó “Chơi chuyền, đánh đáo, bắn bi. Nhảy dây, lia dép, tạt lon, trốn tìm …”. Những trò chơi giản đơn và … “thiếu thốn” đó, hẳn vẫn còn đậm sâu trong ký ức, hoài niệm về 1 thời tuổi thơ đã xa của không ít những người dân Việt Nam thuộc thế hệ 7X, 8X ngược về trước, mãi mãi không thể phai mờ … Để rồi hôm nay, khi nhìn vào thực tại tuổi thơ của lứa tuổi thiếu nhi trong thời kỳ đất nước hơn 20 năm sau ngày mở cửa, giữa thời đại hòa bình, no đủ và phát triển, khẽ thoáng đâu đây nghe như có tiếng thở dài đầy nuối tiếc! “Chạnh lòng và xót xa, ngậm ngùi và lo lắng”. Hẳn đó là những gì mà những “đứa trẻ” thế hệ 7X, 8X năm xưa – nay không ít người đã trở thành những ông bố, bà mẹ của “trẻ con” – đều nhất trí có cùng suy nghĩ, trước thực trạng những chiếc Ipad, Iphone, điện tử, đồ chơi hiện đại đang dần “công nghệ hóa” tuổi thơ của đám trẻ nhỏ. “Ít vận động, thừa cân, béo phì, cận thị, tự kỉ, thiếu kĩ năng sống …” song lại “bấm bấm, chạm chạm, điều chỉnh các thiết bị công nghệ thông tin nhoay nhoáy” cũng là những nhận định đầy quan ngại của rất nhiều các bậc phụ huynh, trong những lần “bà tám, dưa lê, ca cẩm” về các tiểu thư, công chúa, hoàng tử nhà mình. Nói nhiều, nghe nhiều, riết có lẽ cũng đã thành quen. Dần dà chép miệng coi nó như 1 sự vật, hiện tượng tất yếu phải xuất hiện trong tiến trình đổi mới của xã hội. Song đâu đấy trong thâm tâm, không phải là không có những nỗi niềm đau đáu “ước muốn cho thời gian trở lại”. “Trẻ con ngày đó vui lắm. Mọi thứ không sẵn có như bây giờ. Vậy mà hóa lại hay. Đấy như cái lồng đèn, nào có đẹp đẽ hiện đại, dễ mua dễ bán như hôm nay. Cứ kiếm vỏ lon rỗng, hay xin hộp đựng xà phòng hết, mà phải là loại của hãng Daso mới đúng chất nha, bỏ thêm cây nên (đèn cầy), buộc lấy sợi dây đeo vào quai, 1 đầu quấn vào cái đũa rút lõi trong chạn nhà, tối đến thắp sáng lên, vậy là nguyên đám trẻ con trong xóm í ới gọi nhau rồng rắn lên mây đi rước đèn khắp phố. Rồi thì đốt đèn ông sao bằng hạt bưởi, đổ mực vào chậu nước để soi bóng trăng thêm tỏ. Nhiều thứ nữa. Nói chung là vui lắm, vui lắm …”. Không ít lần, tôi được nghe những câu chuyện từa tựa nhau với cùng 1 ngữ điệu hào hứng, phấn khích “như trẻ con” như thế, từ những người bạn đồng niên, từ những người anh, người chị mà tôi quý mến, giữa những cuộc hàn huyên tâm sự cận ngày Tết Trung Thu, khi vô tình hỏi han về chuyện chuẩn bị “đón Tết trông Trăng” cho “sấp nhỏ” của họ ở nhà. Và sau mỗi lần như vậy, trong tôi lại nhen nhóm thêm ngọn lửa ý tưởng “phải làm 1 cái gì đó”, có ý nghĩa hơn, cho bạn, cho tôi, cho tất cả chúng ta, đặc biệt là, những đứa trẻ, thay vì cứ vẫn mãi chỉ ngồi yên, than phiền, tiếc nuối, nhất là khi, những ngày “giữa tháng Tám âm”, cứ năm này qua năm khác, lại về. Nhưng có lẽ, “Thu này sẽ khác những Thu qua”, khi mà giờ đây, ước mơ nhỏ nhoi ngày nào của tôi đã, và đang có cơ hội rất lớn để trở thành hiện thực. Thành đoàn Hà Nội đã chỉ đạo, Cung Thiếu Nhi Hà Nội đã phê duyệt cho đề án tuần lễ vàng – Lễ hội Trung Thu dân gian 2013 - mà đội ngũ iLIGHTIS chúng tôi phối hợp cùng Cung Thiếu Nhi phối hợp xây dựng, được phép “hành động”. Vậy là, trong 5 ngày kể từ ngày 14/09 đến 18/09/2013 (tức 10-14/08 âm lịch) tới đây, tại Cung Thiếu Nhi Hà Nội (36 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm) tuần lễ vàng - Lễ hội Trung Thu dân gian 2013 mà chúng tôi kỳ vọng sẽ mang đến cho hàng ngàn thiếu nhi Thủ đô 1 ngày hội Trăng Rằm, 1 ngày Tết Trung Thu nhiều màu sắc, những trải nghiệm thú vị, thấm đượm phong vị của Tết Trung Thu cổ truyền - sẽ chính thức được diễn ra,với rất nhiều hoạt động, mà hứa hẹn là, 1 thời tuổi thơ gian khó, thiếu thốn nhưng đầy dấu ấn khó phai, sẽ lại 1 lần nữa, được tái hiện. Với sự đóng góp về mặt tài chính của các nhà tài trợ: Nanakids, Ovaltine, May Sông Hồng, Hà Nội Academy, Lala Studio …, cùng sự trợ giúp về mặt nội dung, ý tưởng của các bạn trẻ đến từ “Dự án truyền thông thúc đẩy các hoạt động về văn hóa, du lịch cho người trẻ”: Tôi Xê Dịch, dù rằng chắc hẳn sẽ còn nhiều những thiếu sót, chưa được như ý, nhưng tôi vẫn mong rằng, Chiếc đèn kéo quân khổng lồ; 12 gian trại tranh tre, nứa lá; Triển lãm Tranh và Hiện vật đồ chơi Trung Thu xưa; Thi kể các tích chuyện cổ về Rằm Tháng Tám, Hội đấu vật, Các trò chơi thủ công, vận động như: tập vẽ mặt nạ, nặn tò he, làm đèn lồng, đập niêu, nhảy lò cò … sẽ phần nào làm nguôi ngoai nỗi nhớ, về tuổi thơ của thế hệ 7X, 8X, cũng như đem tới cho các em nhỏ, của ngày hôm nay, 1 thế giới trò chơi, “tự nhiên” hơn, ý nghĩa hơn. Lễ hội mở cửa tự do, từ 09h00 sáng đến 22h00 đêm, tất cả các ngày trong tuần. Đặc biệt, chương trình nghệ thuật “Đêm Hội Trăng Rằm – Vầng Trăng Yêu Thương”, có sự tham dự, thể hiện sự quan tâm, chăm sóc và trách nhiệm của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Thành phố đối với lứa tuổi thiếu nhi, cùng nhiều cơ quan thông tấn báo chí, truyền hình, tổ chức vào tối ngày 18/09/2013 (tức ngày 14/08 âm), ngay sau màn Rước Đèn của 1000 em học sinh lần lượt qua các trường tiểu học, THCS trên địa bàn khu vực trung tâm thủ đô về tập kết tại Cung Thiếu Nhi Hà Nội, chắc chắn sẽ là 1 trong những sự kiện Phá Cỗ tâm điểm của mùa Tết Trung Thu năm nay. Quân Idea (Founder iLIGHTIS) P.S: tôi viết, cho những ai sẵn sàng mở lòng lắng nghe, đón lấy những hoài niệm tuổi thơ ko bao h trở lại , ko dành cho "lũ nhỏ" khoái "bấm bấm. chạm chạm", chỉ thích "tàu nhanh" (trích lại từ https://facebook/photo.php?fbid=3540052235514&set=a.1033635896672.4819.1698667071&type=1&theater)
Posted on: Fri, 13 Sep 2013 12:10:32 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015