TÀI LIỆU CƠ BẢN CỘNG HOÀ XLÔ-VA-KI-A I. Thông tin cơ - TopicsExpress



          

TÀI LIỆU CƠ BẢN CỘNG HOÀ XLÔ-VA-KI-A I. Thông tin cơ bản: - Tên nước: Cộng hoà Xlô-va-ki-a (The Slovak Republic) - Thủ đô: Bra-tít-xla-va (Bratislava) - Ngày Quốc khánh: 1/9 (1992) - Vị trí địa lý: Nằm ở khu vực Trung Đông Âu: phía Đông giáp U-crai-na (98km), Tây giáp Séc (265km), Nam giáp Hungary (679km) và Áo (127km), Bắc giáp Ba Lan (597km) - Diện tích: 49.036km2 - Khí hậu: Ôn hòa, nhiệt độ trung bình năm là 10oC - Dân số: 5.477.038 người (tính đến tháng 7/2011) - Dân tộc: Xlô-vác (86%), Hungari (10%), Di-gan (1,7%), người Ucraina (1%) và một số dân tộc thiểu số không xác định khác (1,8%) - Ngôn ngữ: Tiếng Xlô-va-ki-a - Đơn vị tiền tệ: Euro (sử dụng từ năm 2009) - GDP: 127,1 tỷ USD (ước tính năm 2011) - Thu nhập bình quân đầu người: 23.400 USD (ước tính năm 2011) - Tôn giáo: Trên 60% theo đạo Cơ đốc La mã - Lãnh đạo chủ chốt: + Tổng thống: Ông I-van Gas-pa-rô-vích (Ivan Gasparovic) – giữ chức từ ngày 15/6/2004, tái đắc cửnhiệm kỳ 2009-2014 sau bầu cử năm 2009; + Thủ tướng: Bà I-ve-ta Ra-đi-chô-va (Iveta Radicova) - nhậm chức ngày 8/7/2010; + Chủ tịch Quốc hội hay còn gọi là Chủ tịch Hội đồng Quốc gia (National Council) ông Pa-vôn Hờ-ru-sốp-xki (Pavol Hrusovsky) - nhậm chức từ ngày 14/10/2011. + Ngoại trưởng: Ông Mi-cu-lát Du-rin-đa (Mikulas Dzurinda), nguyên là Thủ tướng nhiệm kỳ 2002-2006, nhậm chức ngày 9/7/2010; II. Khái quát lịch sử: Người Xlavơ đến lãnh thổ Xlô-va-ki-a hiện nay từ thế kỷ thứ 5-6 sau Công nguyên. Lịch sử Xlô-va-ki-a được hình thành qua nhiều thời kỳ phức tạp với các cuộc chiến tranh thôn tính lẫn nhau giữa các dân tộc trong khu vực miền Trung Châu Âu. Trong quá trình lịch sử, Xlô-va-ki-a đã bị thâu tóm bởi các Đế chế Samo, Đại Moravia, Vương quốc Hungary, Đế chế Áo – Hung. Trong suốt quá trình này, người Xlô-vác không giành được địa vị đáng kể. Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, Đế quốc Áo-Hung tan rã. Năm 1918, hai nhà nước Séc và Xlô-va-ki-a thành lập Liên bang Tiệp Khắc. Trong thời gian chiến tranh thế giới thứ 2, nhà nước Xlô-va-ki-a độc lập được thành lập trong một thời gian ngắn từ năm 1939-1944 và là nhà nước phụ thuộc của phát xít Đức. Từ năm 1945 Xlô-va-ki-a lại trở thành một phần của Tiệp khắc và trở thành nhà nước XHCN trong hệ thống các nước XHCN ở Đông Âu. Từ năm 1989 hệ thống các nước XHCN ở Đông Âu bắt đầu tan rã. Tại Séc và Xlô-va-ki-a đã diễn ra cuộc cách mạng nhung lụa, sự thay đổi chính thể đã diễn ra một cách hòa bình. Ngày 1/2/1993, Xlô-va-ki-a tuyên bố độc lập, chính thức tách khỏi Liên bang Tiệp Khắc và thành lập nhà nước Cộng hòa Xlô-va-ki-a. III. Thể chế nhà nước, chế độ chính trị, đảng phái chính trị, Lãnh đạo chủ chốt: Cộng hòa Xlô-va-ki-a theo chế độ dân chủ nghị viện, đa đảng. 1. Nguyên thủ quốc gia là Tổng thống, do dân bầu trực tiếp theo phổ thông đầu phiếu với nhiệm kỳ 5 năm. Tổng thống là người lãnh đạo trực tiếp của hệ thống hành pháp, tuy nhiên quyền lực hạn chế. Hầu hết quyền hành pháp thuộc về Chính phủ. 2. Quốc hội Xlô-va-ki-a (Hội đồng Quốc gia) – đơn viện, là cơ quan lập pháp cao nhất. Quốc hội gồm 150 đại biểu, do dân bầu trên cơ sở đại diện tỉ lệ theo danh sách đảng tại địa phương, nhiệm kỳ 4 năm. Bầu cử vào Quốc hội khoá 2010-2014 diễn ra ngày 12/6/2010, kết quả có 6 đảng lớn lọt vào Quốc hội là đảng Xã hội Dân chủ (SMER) với 34,8%, Liên minh Dân chủ và Thiên chúa giáo (SDKU-DS) - 15%, Tự do và Đoàn kết (SaS) - 12,1%, Hành động vì dân chủ và Thiên chúa (KDH) - 8,5%, Most-Hid(đại diện cho người thiểu số Hung) - 8,1%, SNS - 5,1%, các đảng khác - 16,2%. Số ghế trong Quốc hội được cho các đảng: Smer - 62, SDKU-DS - 28, SaS - 22, KDH - 15, Most-Hid - 14, SNS - 9. Đặc điểm của chính trường Xlô-va-ki-a là có nhiều đảng phái và các đảng phái chính trị đều nhỏ với một nước hơn 5 triệu người, do đó không có đảng nào nắm được quyền lãnh đạo tuyệt đối trong đời sống chính trị mà phải liên minh với nhau để lập ra Chính phủ. 3. Chính phủ: Thủ tướng Chính phủ do Tổng thống chỉ định, thường là Chủ tịch đảng thắng cử, các thành viên nội khác cũng do Tổng thống chỉ định theo giới thiệu của Thủ tướng. Sau bầu cử Quốc hội Xlô-va-ki-a năm 2010, đảng thắng cử là đảng SMER nhưng không lập được Chính phủ do không giành được số ghế quá bán (trên 75 ghế) và không liên minh được với đảng nào khác, đành trở thành đảng đối lập và chuyển quyền lập Chính phủ cho đảng giành được số phiếu ủng hộ nhiều thứ 2 là đảng trung hữu SDKU-DS. Đảng này đã liên minh với 3 đảng khác là đảng SaS, KDH và Most-hid lập Chính phủ liên minh với tổng cộng 79/150 ghế. Thủ tướng hiện nay là bà I-ve-ta Ra-đi-chô-va (thuộc đảng SDKU-DS). Ngày 11/10, Chính phủ liên minh đã không vượt qua được buổi bỏ phiếu bất tín nhiệm. Do đó, các đảng trong Quốc hội đã thống nhất đề nghị và được Tổng thống phe duyệt quyết định bầu lại Quốc hội trước hạn vào 10/3/2012, Chính phủ của bà I.Ra-đi-chô-va sẽ tiếp tục hoạt động với quyền lực hạn chế đến ngày bầu cử đã định. IV. Giới thiệu về kinh tế: So với các nước mới gia nhập EU, Xlô-va-ki-a là một nước có nền kinh tế thị trường tiên tiến, có thu nhập cao, có mức tăng trưởng nhanh nhất nhì khu vực châu Âu hiện nay (năm 2010 GDP tăng hơn 4%). Xlô-va-ki-a đã gia nhập khu vực đồng Euro ngày 1/1/2009. Sau khi thực hiện chính sách chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hoá XHCN sang kinh tế thị trường năm 1993, hầu hết các ngành lớn ở Xlô-va-ki-a đã được tư nhân hoá, trừ các ngành giáo dục, y tế, văn hóa, giao thông vận tải và bưu chính viễn thông. Năm 2004, Xlô-va-ki-a đã được EU công nhận là nước có nền kinh tế thị trường. Đầu tư nước ngoài vào Xlô-va-ki-a trong những năm gần đây tăng đáng kể. Trong thời kỳ khó khăn gần đây, Xlô-va-ki-a được biết đến là nền kinh tế tăng trưởng cao, khá bền vững. Từ năm 2003-2007, GDP đạt mức tăng trưởng trung bình liên tục trên 7%. Năm 2008, kinh tế Xlô-va-ki-a tăng trưởng chậm lại do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, nhưng vẫn đạt khoảng 4%. Ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất là công nghiệp sản xuất ô tô, đường sắt…. Đầu năm 2009, Chính phủ đã đưa ra các gói giải pháp cứu nền kinh tế (tiết kiệm chi tiêu hành chính công; tăng thuế VAT từ 19 lên 20%; hỗ trợ xuất khẩu, đầu tư nước ngoài; tái xuất hàng tồn kho,…) với mục tiêu giữ ổn định tăng trưởng kinh tế, giảm thất nghiệp, giảm lạm phát, tăng trưởng GDP của Xlô-va-ki-a đạt gần 5%. Năm 2010, kinh tế Xlô-va-ki-a bước đầu thoát khỏi trì trệ nhờ vào xuất khẩu, trở thành nước có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất nhì trong EU, lạm phát ở mức thấp (1%), nợ công thấp (41%GDP), tuy nhiên tỉ lệ thất nghiệp còn cao (13,5%). Tuy nhiên, sang năm 2011 kinh tế Slovakia suy giảm và không đạt được tỉ lệ tăng trưởng GDP như dự đoán (chỉ đạt khoảng 3,3% so với dự đoán là 4,5%) do ảnh hưởng từ các khó khăn trong khu vực đồng euro. Tỉ lệ lạm phát tăng (trên 3%), tỉ lệ thất nghiệp cao (13,4%). Tỷ trọng các ngành trong kinh tế (% GDP): - Nông nghiệp: 2,7% GDP. Sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là ngũ cốc, khoai tây, củ cải đường, hoa quả, lâm sản, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm. - Công nghiệp: 35,6%. Sản phẩm chủ yếu gồm luyện kim, máy móc, điện và năng lượng nguyên tử, thiết bị vận tải, hóa chất, giấy và bột giấy, dệt, gốm, sứ và chế tạo cao su, chế biến thực phẩm. - Dịch vụ: 61,8%. Các ngành dịch vụ chủ yếu gồm ngân hàng tài chính, bảo hiểm, du lịch, viễn thông, vận tải, và y tế. Lực lượng lao động: hơn 2,6 triệu người, trong đó làm trong lĩnh vực nông nghiệp là 3,5%, công nghiệp 27%, dịch vụ 69,4%. Các lĩnh vực thế mạnh của Xlô-va-ki-a: lắp ráp xe hơi, luyện kim, công nghiệp chế tạo máy, thiết bị điện, công nghiệp quốc phòng, năng lượng, công nghiệp hóa chất, y tế, công nghiệp chế biến da, sản xuất giầy da, giao thông vận tải, xây dựng, nông nghiệp, thực phẩm, du lịch. Xlô-va-ki-a là nước hấp dẫn đầu tư nước ngoài chủ yếu bởi lương thấp, thuế thấp và lực lượng lao động có đào tạo, đặc biệt gần đây Xlô-va-ki-a theo đuổi chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài. Các nước đầu tư nhiều vào Xlô-va-ki-a là Đức, Áo, Séc, Hà Lan, Pháp và Hàn Quốc. Các dự án chủ yếu tập trung vào ngành sản xuất xe hơi, các hãng xe hơi nổi tiếng trên thế giới đều có dự án sản xuất tại Xlô-va-ki-a. Kim ngạch xuất khẩu: 64,18 tỉ USD (2010). Các mặt hàng xuất khẩu chính là máy móc thiết bị điện tử, phương tiện vận tải, kim loại thường, hoá chất và khoáng chất, nhựa. Các bạn hàng xuất khẩu chính là Đức, CH Séc, Pháp, Ba Lan, Hungari, I-ta-li-a, Anh. Kim ngạch nhập khẩu : 62,43 tỉ USD (2010). Các mặt hàng nhập khẩu chính là máy móc thiết bị giao thông, sản phẩm khoáng chất, phương tiện vận tải, kim loại thường, hoá chất, nhựa. Các bạn hàng nhập khẩu chính là Đức, CH Séc, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hungary và Ba Lan. V. Chính sách đối ngoại: Xlô-va-ki-a gia nhập NATO ngày 29/3/2004 và EU ngày 1/5/2004. Ưu tiên hàng đầu của Xlô-va-ki-a là hội nhập sâu rộng vào các cơ cấu chính trị, an ninh và kinh tế của châu Âu. Trong chiến lược đối ngoại trung hạn đến năm 2015, Xlô-va-ki-a chủ trương kết hợp lợi ích quốc gia và quốc tế, với mục tiêu là bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bảo vệ công dân, tạo điều kiện tối đa cho phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường bền vững của Xlô-va-ki-a. Chính sách đối ngoại của Chính phủ mới hiện nay dựa trên quan điểm thực dụng, theo phương Tây của lực lượng trung hữu, nhưng về cơ bản vẫn tiếp tục những mục tiêu và đường lối đã đề ra trước đó, cụ thể là Xlô-va-ki-a chủ trương: - Đối với EU, Xlô-va-ki-a tiếp tục ưu tiên chính sách tăng cường hội nhập mạnh mẽ vào cơ chế EU, đóng góp và tham gia tích cực vào công việc chung của EU. Xlô-va-ki-a đã gia nhập khối Schengen vào tháng 12/2007, đã phê chuẩn Hiệp ước Lisbon về cải cách EU vào tháng 4/2008, sử dụng đồng chung EURO từ 1/2009. - Đối với các nước láng giềng Trung Đông Âu, Xlô-va-ki-a chủ trương tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị tốt đẹp với nhóm 3 nước Séc, Ba Lan và Hungari (Nhóm Visegrad – V4). - Xlô-va-ki-a kiên trì ủng hộ chính sách tăng cường và phát triển mối quan hệ đồng minh giữa các nước NATO và Bắc Mỹ. Xlô-va-ki-a coi Mỹ là đối tác chiến lược, là một trụ cột của an ninh trên phạm vi toàn cầu. - Khẳng định sẽ tiếp tục là đồng minh đáng tin cậy trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. - Là thành viên của EU, NATO và OECD, Xlô-va-ki-a cam kết hành động với các tổ chức này trước những thách thức toàn cầu và trong phạm vi hoạt động của các tổ chức này. Là thành viên không thường trực HĐBA LHQ khóa 2006-2007, Xlô-va-ki-a luôn đề cao vai trò của LHQ, ủng hộ cải cách LHQ nhằm đưa hệ thống LHQ hoạt động có hiệu quả hơn. - Với Châu Á, Xlô-va-ki-a chú trọng đến việc tăng cường quan hệ với các nước có lợi ích về kinh tế như Trung Quốc, các nước ASEAN. Xlô-va-ki-a tích cực tham gia các tổ chức và diễn đàn quốc tế nhằm nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế. Xlô-va-ki-a đã gia nhập nhiều tổ chức, diễn đàn, trong đó quan trọng và nổi bật nhất là các tổ chức: UN, UNESCO, UNCTAD, FAO, IMF, WHO, WTO, OSCE, OECD, NATO, EU, Visegrad (V4)… QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM Năm 1993, Xlô-va-ki-a tách khỏi Liên bang Tiệp Khắc. Việt Nam và Xlô-va-ki-a đã tuyên bố kế thừa các mối quan hệ giữa Việt Nam và Tiệp Khắc trước đây, lấy ngày 2/2/1950 là ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước. I. QUAN HỆ CHÍNH TRỊ: Từ năm 1993 đến nay quan hệ giữa ta với Xlô-va-ki-a phát triển tích cực, hai bên đều coi trọng mối quan hệ hữu nghị truyền thống đã được xây dựng từ trước đây. - Các chuyến thăm Xlô-va-ki-a của Lãnh đạo ta: Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (1995), Phó Thủ tướng Trần Đức Lương (1994), Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Văn Ngạnh (2001), Thứ trưởng Bộ Thương mại Lê Danh Vĩnh họp Ủy ban Hỗn hợp về Kinh tế (2001), Chủ nhiệm Ủy ban Ngân sách và Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên thăm và làm việc theo dự án của UNDP (2003), Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa (10/2005), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (12/2009). + Về phía Bạn có: Thủ tướng I-ô-dép Mô-ráp-chích (1994), Bộ trưởng Ngoại giao Ê-đua Cu-Can (8/2001), Tổng thống I-van Ga-xpa-rô-vích (10/2006), Tổng Vụ trưởng Vụ Chính trị Bộ Ngoại giao Rô-man Bu-zếch đã thăm tham khảo chính trị (12/2007), Tổng Vụ trưởng Vụ khu vực Bộ Ngoại giao Ma-ri-an Tô-ma-sích (7/2008), Chủ tịch Đảng Cộng sản Giô-dép Hờ-lích-va (7/2008), Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Đi-ana Sờ-trô-phô-va (8/2008), Thủ tướng Rô-bê Phi-sô (10/2008), Chủ tịch Quốc hội Pa-vôn Pa-sờ-ca (1/2010), Bộ trưởng Kinh tế Giu-rai Mít-sờ-cốp (4/2011). Hai bên phối hợp tốt, chặt chẽ trên diễn đàn quốc tế (Slovakia ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO, ứng cử ghế thành viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc khoá 2008 – 2009, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong việc xử lý các vấn đề tại Hội đồng Bảo an, ủng hộ Việt Nam trong vấn đề chống bán phá giá giầy mũ da vào thị trường EU,...). II. QUAN HỆ HỢP TÁC KINH TẾ: 1. Thương mại: Quan hệ kinh tế chưa đáp ứng tiềm năng và nhu cầu của hai bên. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Xlô-va-ki-a: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, giày dép các loại, hàng dệt may, cao su, cà phê... Mặt hàng nhập khẩu chính từ Xlô-va-ki-a : thức ăn gia súc và nguyên liệu. 2. Đầu tư: Đầu tư của Xlô-va-ki-a vào Việt Nam còn chưa nhiều, từ năm 2010 Xlô-va-ki-a mới có dự án FDI đầu tiên tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 100 triệu USD, đứng thứ 36 trên tổng số 92 quốc gia và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam. Năm 2011, Xlô-va-ki-a có dự án đầu tư trị giá khoảng 100 triệu USD xây dựng tổ hợp khách sạn văn phòng tại thành phố Hồ Chí Minh; dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp Lạc Thịnh, Hoà Bình với tổng giá trị 378 triệu euro. III. CÁC LĨNH VỰC KHÁC: 1. Giáo dục – đào tạo: Từ năm 2005, Chính phủ Xlô-va-ki-a đã cấp 2-3 học bổng đào tạo đại học và sau đại học toàn khóa cho ta. Năm 2009-2010, Chính phủ Xlô-va-ki-a cấp cho Việt Nam 2 suất học bổng sau đại học. Hiện nay hai Bên đang xem xét ký Thoả thuận hợp tác giáo dục – đào tạo giai đoạn 2010-2013. 2. An ninh - Quốc phòng: Quan hệ hợp tác Quốc phòng giữa hai nước rất tốt từ năm 1996 đến nay. 3. Lao động: Trong các năm 2007-2009 có khoảng 1000 lao động Việt Nam sang làm việc tại đây, chủ yếu làm việc trong các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2010 do tác động của khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới, một số chủ doanh nghiệp nhà máy Xlô-va-ki-a đã cắt giảm thuê lao động Việt Nam nên việc hợp tác trong lĩnh vực này tạm ngừng trong thời gian tới. IV. CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT Số người Việt Nam cư trú tại Xlô-va-ki-a có khoảng 5.000 người. Tại đây đã thành lập Hội người Việt Nam tại Xlô-va-ki-a, Hội Doanh nghiệp, Câu lạc bộ Cựu chiến binh, Câu lạc bộ người cao tuổi và Câu lạc bộ Phụ nữ. Việc kinh doanh của người Việt Nam tại Xlô-va-ki-a ngày càng gặp nhiều khó khăn do bị cạnh tranh, các quy định về thuế.... Quy chế nhập cảnh và cư trú của Xlô-va-ki-a đối với người nước ngoài ngày càng chặt chẽ hơn do Xlô-va-ki-a gia nhập EU. V. CÁC HIỆP ĐỊNH KHUNG ĐÃ KÝ GIỮA HAI NƯỚC - Hiệp định về Lãnh sự, ký ngày 14/2/1980. - Hiệp định Tương trợ Tư pháp, ký ngày 12/10/1982, tại Praha. - Hiệp định về đào tạo nghề cho công dân Việt Nam tại các trường trung học dạy nghề, ký ngày 27/1/1994, tại Bra-ti-xla-va. - Hiệp định hợp tác Y tế, ký ngày 9/7/1994, tại Hà Nội. - Hiệp định Hàng không, ký ngày 6/11/1997, tại Hà Nội. - Hiệp định về Hợp tác Văn hóa, ký ngày 21/3/1997, tại Hà Nội. - Hiệp định về nhận trở lại các công dân của hai nước, ký ngày 17/10/2005, tại Bra-ti-xla-va. - Hiệp định về Hợp tác kinh tế, ngày 16/10/2006, tại Hà Nội. - Hiệp định về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và tạo thuận lợi trong việc cấp thị thực cho người mang hộ chiếu công vụ, ký ngày 16/10/2006, tại Hà Nội. - Hiệp định về tránh đánh thuế hai lần, ký ngày 27/10/2008, tại Hà Nội. - Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực lao động-xã hội, ký ngày 27/10/2008, tại Hà Nội. - Quy chế của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Xlô-va-ki-a về hợp tác kinh tế, ký ngày 27/10/2008, tại Hà Nội. - Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư, ký ngày 17/12/2009, tại Bratislava. - Nghị định thư về hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao, ký ngày 17/12/2009, tại Bratislava. - Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực kiểm toán, ký ngày 17/12/2009, tại Bratislava.
Posted on: Fri, 12 Jul 2013 08:22:39 +0000

Trending Topics



r>

Recently Viewed Topics




© 2015