Tôi vốn dự tính không dây vào mấy chuyện thị phị - TopicsExpress



          

Tôi vốn dự tính không dây vào mấy chuyện thị phị xung quanh 2 quyển sách của em Chip Huyen, phần vì nghĩ thời gian đó nên để mà viết về những chuyến đi mình đã trải qua thì hơn, phần vì nghĩ là chuyện thị phi đó phần lớn đều bắt nguồn từ những forum mà người viết chả biết cái quái gì về việc đi lại, cũng chả hứng thú gì việc đi lại cả, nên việc họ tán nhảm về chuyến đi của người khác không đáng phải quan tâm. Thế nhưng, khi tôi chợt thấy là ngay cả trên phượt – là cộng đồng của dân đi và ngay cả một số bạn bè tôi biết - cũng có những ý kiến ra vào khác nhau thì tôi cho là mình cũng nên góp một ý kiến giúp phần đánh giá các chuyến đi và sách của HC: 1. Chuyến đi 25 nước khởi đầu từ 700 USD: nhiều bạn nghi ngờ là không được? Tôi xin khẳng định với các bạn là có thể được. Nếu bạn chọn cách đi rẻ nhất là ngủ nhờ, vẫy xe đi nhờ, ăn ít ( mà vẫn chũm chĩm như em HC ) thì du lịch với một vài đô / ngày là hoàn toàn có thể. Trước HC, người Việt ta đã có một vài người đi như vậy rồi ( một cô bạn tôi đi từ năm 2000 với mức như vậy – các bạn hãy tìm trên google “ du lịch bụi 1 đô la / ngày “ sẽ tìm ra các bài báo … về cô này- từ năm đó, với số học bổng ít ỏi tiết kiệm được sau khi đi học ở Sing, cô ấy đã đi qua các nước châu Á trong vòng 9 tháng, tới tận Pakistan lúc còn đang căng thẳng với Ấn. Dù là tít của bài báo có thể hơi quá một chút nhưng vài đô một ngày là có thể). Chưa kể là vừa đi vừa làm thì dù ít dù nhiều cũng kiếm được vài chục đô một tháng – đủ sống để đi tiếp. Ở nhiều nước việc các bạn trẻ làm thêm kiếm tiền đi tiếp là khá phổ biến. Ở các nước mà tâm lý “ quý tây “ kiểu như VN ta, việc một ông tây làm ở quán phở ( ví dụ thế ) là khá lạ lẫm và có thể thu húc khách hàng nên nhiều lúc người ta cũng thích thú và sẵn sàng giúp đỡ - Ai cũng có thể kiếm việc kiểu vậy. Hay bạn thử xem, nếu có một ông Tây về làng mình, về xóm mình, bạn có sẵn lòng cho ông ấy ở nhờ nhà và thêm bát thêm đũa không? – tôi tin rằng có – có khi còn hãnh diện với xóm làng xung quanh ấy chứ.Với các nước phát triển như Úc, Mỹ, Châu Âu, kiếm việc kiếm chỗ ở cũng không quá khó. Ở khá nhiều hostel họ chăng biển mời dân du lịch bụi làm việc ở hostel, đổi lại được chỗ ở miễn phí. Hôm tôi ở Newzealand, gặp một cô người nam phi, cô này sáng làm việc cho hostel 2 tiếng ( dọn dẹp, phục vụ ), trưa và chiều đi trượt tuyết, tối thì làm dọn bàn ở quán ăn, kế hoạch của cô ấy là làm một vài tháng nữa, đủ vài ba ngàn thì đi châu Á ( trong đó có đến VN ). Trên thế giới thì có vô vàn các bạn trẻ đang đi kiểu như HC. Các bạn ấy hầu hết là chỉ học hết phổ thông, rồi bắt đầu đi chừng vài ba năm trải nghiệm cuộc sống rồi mới quay về học tiếp hoặc đi làm. Nhưng cũng có những bạn đi rồi ngấm vào và đi luôn một lèo tới 5- 7 năm. Phần nhiều các bạn trẻ này đều từ các nước phương Tây, nhiều bạn nghĩ là vì các nước đó giàu, có điều kiện… không hẳn thế. Tôi cho là vì văn hoá của họ gốc là văn hoá du mục, máu đi ngấm vào người từ huyết quản, họ cũng sẵn sàng chấp nhận rủi ro , phần vì cha mẹ khuyến khích con cái làm việc mình thích và khác với VN ta, cánh cửa đại học không phải là cánh cửa tốt duy nhất, phần khác các bạn đó khá là tự lập từ bé. 2. Visa Visa không bao giờ là cánh cửa quá khó. Trên thế giới này có khoảng 190 nước thì chỉ có chừng 30 – 40 nước sẽ khắt khe để xin visa, còn lại thì ít cũng phải là 100 nước visa là khá dễ dàng với người Việt ta. Visa có giá trung bình khoảng 25-30 đô gì đó cho 15-30 ngày. Cứ theo thế thì đi 100 nước cũng đủ mệt rồi! Và chuyện xin visa, kể cả ở những nước phương Tây, Âu, Mỹ, thì nó cũng phụ thuộc vào những hoàn cảnh cụ thể, con người cụ thể chứ không quá máy móc như các bạn tưởng đâu ( chả thế mà Mỹ vừa mới bắt cái anh công chức phụ trách Visa ở tp HCM về vụ “ tham nhũng visa” đấy thôi). 3. Chuyện viết sách : Sách của HC không phải là một cuốn sách hướng dẫn du lịch nên không thể đòi hỏi nó cung cấp những thông tin chính xác như LP, hay thậm chí khó có thể so sánh với những bài viết của Backpacker. Nếu bạn viết, bạn sẽ phải lựa chọn các phong cách viết khác nhau, một là ghi chép lại chính xác thông tin đã xảy ra để làm một dạng cẩm nang du lịch, hai là viết nhiều về những cảm xúc của cá nhân mình, ba là hướng theo cách dựa trên những trải nghiệm của mình để viết với mục đích khơi gợi những cảm hứng của bạn đọc…hay còn nhiều cách khác, kể cả hư cấu ( một trong những quyển sách hư cấu nhảm nhí nhất là quyển Mật mã Tây Tạng đang được rất nhiều bạn tìm đọc) Sách của HC là sự pha trộn của khá nhiều những yếu tố kể trên, nên đôi khi ta thấy như hoang đường trong lúc ta muốn tìm kiếm một sự chính xác. Và đôi khi bạn lại thấy sự chi li trong cái bay bổng, chuyện này dễ hiểu vì bản chất một chuyến đi nó là vậy. Nó cần sự bay bổng hoang dã để thu hút ta, thúc đẩy ta, nhưng cũng cần sự chi li để có thể thực hiện được hành trình ấy. Về mặt tạo cảm hứng ( dù thế nào cũng có khá nhiều yếu tố tích cực ) thì tôi tin là sách của HC đã thành công, còn về việc cung cấp thông tin như đi lại thế nào, xin visa ra sao… thì nó không phải là quyển sách đáng đọc, mà thật sự, về mặt này thì sẽ không có một quyển sách nào vượt được LP. Tôi là một trong những người được HC nhờ đọc sách đầu tiên, từ khi còn đang ở dạng bản thảo. Với tư cách là một người đọc đã đi nhiều, tôi thấy, sách của HC hơi tản mạn, thiếu một cái mạch lạc, hay là một sợi chỉ có tính triết lý xuyên suốt, và nặng về những xúc cảm nhất thời của tuổi trẻ. Nhưng sao có thể đòi hỏi một quyển sách mang tính trải nghiệm như vậy có đủ sức mạnh thâm thuý của một nhà hiền triết, và lại từ một cây bút trẻ? Nhưng cũng phải nói rằng , quyển hai đã chín chắn hơn quyển một, dù rằng cũng vẫn những phong cách viết như vậy. Mặt khác, tôi rất trân trọng và đánh giá cao nỗ lực viết sách và chia sẻ của HC và những bạn viết khác. Người đi nhiều vô cùng nhưng “hầu hết những kẻ lữ hành đều là những kẻ ích kỷ” – câu này trích một topic cùng chủ đề trên box du lịch hồi xưa nhé !- họ không sẵn lòng mất thời gian công sức để chia sẻ lại những trải nghiệm cho người khác, họ thà dành thời gian đó kiếm tiền, đi tiếp… Bất luận ai đó có thể đánh giá thế nào đi nữa, ta vẫn phải thấy rằng, 2 quyển sách của HC đều thành công, nó thu hút một lượng dư luận, độc giả, sự quan tâm lớn lao. Và tại sao chúng ta lại không thấy vui vẻ, tự hào là ít nhất cũng có một em trẻ đại diện cho giới phượt của mình trở thành “ hot girl “ nhỉ ? 4. Chuyện liệu có một ekip nào xung quanh không Tôi không tin đứng đằng sau HC là một ekip nào cả, từ quá trình ra sách quyển 1, tôi có biết những khó khăn và trăn trở của em này và những ngờ nghệch khi làm việc với nhà xuất bản đầu tiên. Đương nhiên, cuốn sách chỉ là điểm kết tụ của những bài viết trước đó đã đăng trên báo. Không chỉ là các bài viết mà còn là sự ủng hộ và theo dõi của khá nhiều báo chí khác, điều này cũng là một quá trình lâu dài. Nhưng bạn đừng đánh đồng điều đó với hàm ý là có một ekip truyền thông đứng đằng sau. Cũng dễ hiểu sau một loạt các chuyện ngớ ngẩn kiểu như “ trai đẹp bị trục xuất “, bạn có quyền nghi ngờ. Nhưng tôi tin chắc là không ai mất công mất của xây dựng nên một kịch bản cho một cá nhân rồi chạy theo kịch bản ấy từ năm 2009 chỉ để ra một quyển sách, tạo ra một nhân vật. Cộng đồng phượt của VN ta còn quá nhỏ bé để có thể kinh doanh. Chuyện sự kiện được xây dựng trong giới đi lại khám phá cũng đã có nhiều, ta thì có những chuyện cuộc đua kỳ thú, leo Everest, tây thì có Men vs Wild… nhưng không ai đặt kịch bản này vào một cá nhân – như HC – nếu có - vì nó quá rủi ro về mặt thời gian và kinh doanh. Ngoài ra, với cá tính chung của dân “ phượt “, tôi không tin là chúng ta muốn chuyến đi, sự trải nghiệm của cá nhân chúng ta bị ảnh hưởng của bởi những kế hoạch, lịch trình của các “ sự kiện “, và HC cũng vậy. Tóm lại, tôi tin là chuyến đi của em được xây dựng và thực hiện bởi chính bản thân em, không có sự chống lưng của ai khác, còn việc tận dụng được những sự giúp đỡ trong cả hành trình bằng các cách khác nhau thì chuyện đó là đương nhiên. 5. Cá nhân Huyền Chip Tôi gặp HC lần đầu trước khi em ấy ra sách ( quyển 1 ) chừng vài tháng. Ấn tượng của tôi là híc, như một cô bé học cấp 3, trông trẻ con, nhanh nhẹn, láu táu, nhưng HC rất hoà đồng, rất cởi mở. Trước đó, tôi cũng thầm tò mò xem một cô bé đi lang thang vậy thì trông chắc cũng phải ngầu lắm, và thật sự ngạc nhiên khi gặp một cô bé còn trẻ con đến vậy. Cho đến giờ, tôi vẫn thấy rằng rất khâm phục một cô bé mới có 23 tuổi mà đã làm được cho mình nhiều thứ đến vậy. Bạn hãy tự hỏi xem, ở tuôi 23 bạn đã làm được gì cho mình? Đã có ước mơ chưa, đã bắt đầu bước nào để thực hiện ước mơ của mình chưa ? Tôi tin là trong số chúng ta ở đây, có không ít hơn một nửa chưa trả lời hai câu hỏi trên được. Vậy câu chuyện của HC cho chúng ta bài học gì? - Sự dấn thân của tuổi trẻ - Lòng dũng cảm cả trong những chuyến đi và cả sau chuyến đi ( viết sách – bị ném đá – hứng đá ) - Sự chia sẻ với mọi người - Những kỹ năng, phương thức ( kể cả bán sách lấy tiền đi ), xây dựng các mối quan hệ… để đạt được kế hoạch của mình Những sai lầm/ thiếu sót trong viết sách, trong bán sách và ứng xử với một cộng động “ hằn học”, “gạch đá”, đang lăm lăm tấn công mình thì ai cũng có thể mắc phải – giống như tình huống bạn gì gài bẫy về việc có nhớ ký sách lần trước không, tôi cho rằng đó là một thủ đoạn không đáng mặt. Nhưng tổng thể, những lỗi lầm nhỏ bé đó không đáng phải để ý. Và buộc ta phải nhớ lại một bài hát của Trần Lập viết từ nhiều năm trước – tiếc là đã nhiều thế hệ trôi qua kể từ khi anh viết và hát bài này, mà vẫn còn quá nhiều “ Con số không “ : Ai đã đi tới hết chân trời Ðầy ắp sóng gió, chênh vênh bến bờ Mà đã thấu hết, thấu hết chuyện đời Ai dấn thân thấm đẫm bụi hồ Ngầu đắng khoé mắt, oằn cong lưng trần Mà đã thấu hết, thấu hết chuyện đời Có những con người mới đôi ba tuổi đời Cuộc sống mới bắt đầu đã cho rằng mình thấu hết Làm được gì, và đã có gì? Chỉ học đòi thói chê bai Đời vật vờ, chẳng biết thân mình Hình hài chỉ là con số 0 Hình hài chỉ là con số 0 Con số 0 Hãy nuốt đi thuốc đắng dã tật Này hãy gắng sống biết ta biết người Ðời chưa thấu hết thôi hãy kiệm lời Ai đã qua phút sống chân thành Vị đắng đã thấm sẽ thấy vị ngọt Ðời chưa thấu hết thôi hãy kiệm lời Có những con người mới đôi ba tuổi đời Cuộc sống mới bắt đầu đã cho rằng mình thấu hết Làm được gì, và đã có gì? Chỉ học đòi thói chê bai Đời vật vờ, chẳng biết thân mình Hình hài chỉ là con số 0 Hình hài chỉ là con số 0 Con số 0 --- 6. Các bình luận trái chiều khác nhau: - Đương nhiên, bất kể một chuyện gì thì cũng dẫn đến những quan điểm trái chiều nhau. Chúng ta tôn trọng sự trái chiều đó. Tiếc là, có nhiều quan điể mà tôi cảm thấy được đưa ra không trên những căn cứ khách quan nào mà chỉ dựa trên những suy đoán cỏn con và đầy ác ý. Nhiều ý kiến khác thì như kiểu ếch ngồi đáy giếng. Tôi thấy tiếc và buồn, vì thấy nhiều người có lòng đố kỵ lớn quá, họ không vượt qua được cái tôi của mình để cùng suy nghĩ , diễn giải hiện tượng một cách tích cực và tìm ra bài học dù tốt dù xấu cho chính bản thân mình, mà chỉ tìm cách hùa theo đám đông để thoả mãn cái tôi xấu của bản thân mình. - Chắc có đến phần lớn những người chê bai, phê bình, phản bác đều “ chưa từng và không có ý định đọc sách của HC “. Vậy thì các bạn ấy phê bình cái gì, phản bác cái gì, chưa kể là các bạn ấy chắc cũng chả bao giờ ra khỏi nhà để tham gia một chuyến đi! Bạn thấy có nực cười không nếu một gã Tây bảo là PHỞ không ngon vì tao chưa từng ăn nó! - Tôi không nghĩ là mọi bạn trẻ đều nên đi du lịch như HC, cái đó tuỳ mỗi người nhưng từ câu chuyện của HC, tôi nghĩ đó là bài học lớn lao của sự dấn thân và chấp nhận thách thức của tuổi trẻ. Nếu bạn yêu thích một lĩnh vực nào đó, bạn hãy coi nó như một con đường phải khám phá và trải nghiệm như câu chuyện HC đã kể. - Có nhiều bạn phản biện lại HC với tư cách là những người đang sống / đã sống ở nước ngoài. Các bạn cũng đừng quá bị ảnh hưởng bởi những người này, có khối bạn ở nước ngoài nhưng không phải là dân đi lại nhiều thì cũng chả biết gì bằng các bạn trong nước đâu. Kinh nghiệm du lịch nước ngoài của họ cũng nhỏ nhoi thậm chí còn ít hơn và sợ sệt hơn các bạn “ phượt cụ “ trong nước! 7. Nếu sau này con tôi lớn tới 19 tuổi, như HC, tôi có ủng hộ đi vòng quanh thế giới không. - Con trai tôi, năm nay 14 tuổi từ năm trước, tôi đã cho phép cu cậu tự bay một mình giữa Úc và VN. Nhưng một ngày tôi và vợ tự hỏi, nếu con mình 19 tuổi và cũng đòi đi như HC thì sao. Tôi nghĩ là sẽ ủng hộ nó. - Trong các phượt tử, tôi biết có nhiều bạn cũng đang là các phụ huynh, vậy thì, tôi thấy là các phụ huynh của mình đang bao bọc con cái một cách quá đáng, và không cần thiết. Hãy để bọn trẻ trải nghiệm nhiều hơn, trưởng thành nhanh hơn, chấp nhận thách thức. Đành rằng, đằng sau những thách thức ấy sẽ là rủi ro lớn lao. Nhưng đổi lại là sự trưởng thành mà tôi nghĩ ở tuổi 23 của HC, không nhiều bạn thanh niên có được. 8. Cuối cùng, nếu bạn không thích thú, cũng không thấy có gì đáng học hỏi từ các chuyến đi của HC, cũng không đồng cảm thì tốt nhất là đừng đọc, đừng phản bác, và cũng đừng hùa theo đám đông ném đá hội đồng một cách thiếu văn minh như những gì bà con đang làm! Thà dành thời gian đó cho chuyến đi của mình còn hơn! Tóm lại, khó nhất là làm ra một con người mà chị em còn làm được thì chả có gì là không thể!
Posted on: Sat, 21 Sep 2013 09:38:00 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015