xin chia sẻ bài viết của anh Tuấn Đạt trên hội - TopicsExpress



          

xin chia sẻ bài viết của anh Tuấn Đạt trên hội đồng hương : Tặng các bạn quê Điệp Nông bài viết này về quê hương trong ký ức tuổi thơ của minh! NHỚ QUÊ! Tôi sinh ra trong một làng quê nghèo của một tỉnh thuần nông ở đồng bằng Bắc Bộ. Làng tôi chạy dài theo chân đê của con sông Luộc. Cách làng tôi không xa là ngã ba sông có tên Tam Nông, nơi mà, nếu ai quan tâm một chút đến lịch sử nhà Trần hẳn sẽ biết truyền thuyết về nơi phát tích của vương triều lừng lẫy lịch sử Việt Nam hơn 200 năm này. Tôi sinh ra ở quê, nhưng sống ở quê không lâu, năm lên 6 đã rời xa quê. Dù vậy, ấn tượng về quê như dòng nước ngọt dịu êm vẫn âm thầm chảy trong tâm khảm, để thoảng khi bồi hồi với những kỷ niệm nhỏ bé nhưng thân thương cùng nỗi niềm như bâng khuâng, như tiếc nuối thật khó diễn tả. Nỗi niềm với quê hương, dù chỉ là những hình ảnh mờ nhạt, chắp vá của tuổi lên 6, không ngờ lại là tài sản tinh thần nâng tôi dậy trong không ít lần vấp ngã, trong không ít lúc ngã lòng. Nhiều khi, trong giấc mơ, tôi - đứa trẻ lên 6 được trở lại thăm quê, chạy chân trần trên triền đê, hít căng lồng ngực con gió quê và úp mặt vào con sông quê. Những lần thèm nhớ quê hương trở về thăm quê, lang thang tìm lại những dấu vết xưa cũ sót lại trong ký ức, còn lại trên mảnh đất quê, tâm hồn tôi được thanh tảy, gột bớt ưu tư để ngày mai lại tiếp tục guồng quay cuộc sống! Khi xa quê, trong miền ký ức, tôi nhớ ngôi nhà của mình, mảnh vườn nhỏ với cây trứng gà trước ngõ, với hình dáng bà tôi lành lành tần tảo. Và tôi nhớ con đê, như nhớ về miền cổ tích, nhớ mùa nước lũ, nhớ cánh diều cùng các trò chơi đánh đáo đánh khăng, trò chơi con quay, dù lúc đó tôi vẫn còn bé, chỉ theo chân các anh chị. Quê tôi nghèo lắm, bây giờ vẫn nghèo, lúc đó còn nghèo hơn. Làng tôi trước đây có nghề trồng đay. Mùa hè, con đê và đồng bãi là thiên đường đối với bọn trẻ chúng tôi. Chúng tôi chui trong những ruộng đay rợp bóng mặt trời tìm tổ ong vàng, tổ chim, săn các chú cánh cam nhiều vô kể. Con đê bây giờ, không biết do tôi lớn hơn, do nhìn thấy nhiều thứ to lớn hơn, hay do nó bị mòn đi, mà thấy thấp bé?! Trước kia lũ trẻ chúng tôi đứng trên đê cảm tưởng như đứng ngang trời, nhìn bờ bãi, làng mạc, thấy gác chuông nhà thờ bên kia sông vượt lên giữa màu xanh của cây lá. Những ngày trời trong, nhìn thấy cả rặng núi mờ xa, tha hồ cho trí tưởng tượng trẻ thơ bay bổng. Tuổi thơ tôi gắn bó lắm với con đê và đồng bãi. Con đê là cả một thế giới cổ tích. Từ nhà tôi lên đê không xa lắm, qua một con dốc với mấy bụi tre già và vài con trâu buộc chắn ngang đường. Mỗi lần lên đê, qua chỗ mấy con trâu tôi cứ phải lựa, rình lúc nó quay đầu vào trong mới dám chạy vội qua. Mặt đê rộng, con đường dành cho người đi bộ, đi xe đạp chỉ như sợi chỉ chạy ngoằn nghèo cùng 2 vết bánh xe bò, còn lại là thế giới của cỏ. Cỏ tràn trên mặt đê, triền đê với ngút ngàn cỏ may và rất nhiều cây trinh nữ. Mỗi lần lên đê quần áo tôi bám đầy hoa cỏ may. Cỏ may đâm vào chân nhoi nhói khiến đôi chân tung tăng chốc chốc lại phải dừng để nhặt cỏ. Nhặt cỏ may không thể nhanh bằng cách gạt hay rũ mạnh được. Cỏ may đâm qua lớp vải bám chắc ở đó, ta phải nhặt từng cái. Lúc đó tôi ghét nhất thứ cỏ nhiều phiền phức này. Nhưng sau này, khi học lớp 8 lớp 9 tôi lại lấy tên là HCM trong các bài lưu bút khiến bạn bè đoán già đoán non không dịch ra được. Có đứa bảo đấy là Hồ Chí Minh, cười đứt ruột. Tôi nhớ quê tôi, nhớ con đê là nhớ quán nhỏ chơ vơ vách liếp mái rơm nép dưới chân đê. Quán của một bà cụ sởi lởi, tốt bụng ở cùng đứa cháu gái. Trong quán chỉ có cái chõng và đôi ba ghế tre. Hàng không nhiều, chỉ vài bát nước chè xanh, vài gói thuốc lào, thuốc lá và kẹo vừng, kẹo lạc, kẹo dồi. Đến bây giờ, mỗi lần nhớ lại những thứ kẹo đó, như ngửi thấy mùi thơm ngậy còn lẩn quất đâu đây, như nghe thấy tiếng rạo rạo tan ròn và vị ngọt lịm chảy ra qua kẽ răng. Có lần tôi cất công tìm lại những thứ kẹo đó để ăn, nhưng không còn thấy ngon ngọt nữa. Có lẽ, như nhiều thứ khác, nó chỉ còn ngon thơm trong ký ức của mình? Chân đê phía ngoài là hàng tre chắn sóng với rất nhiều chim chóc. Tôi thường thấy các anh lớn mang súng cao su trưa hè bắn chim ở đây. Còn tôi, tôi không quan tâm đến bầy chim, đến những chú dế. Thứ ở triền đề tôi quan tâm là một loại cây cho đến bây giờ tôi vẫn không biết tên. Lá cây giống như lá cây lá đỏ, nhưng thân cây thấp hơn. Quả cây không ăn được với vẻ ngoài xù xì gai góc như quả dẻ. Tôi được nghe bà tôi kể về cô tiên trong hạt cây. Tôi thường hái quả khô, bóc thứ hạt nâu bóng to bằng hạt na đem gối đầu giường mong đêm được nghe tiếng hát của cô tiên và được gặp cô tiên từ trong hạt bước ra như nàng Tấm bước ra từ trong quả thị. Tôi chưa bao giờ nghe được tiếng hát của cô hay được gặp cô cả, mẹ tôi bảo do tôi ngủ say, nhưng mỗi tối đi ngủ tôi vẫn để hạt ở đầu giường, vẫn thấp thỏm về một bài hát, về một nàng tiên từ miền cổ tích chập chờn trong giấc ngủ. Trên con đê, chiều hè, dưới ánh hoàng hôn, lũ trẻ chúng tôi thường chân trần đuổi nhau, đùa nghịch với lũ trâu, bò, đâm diều cho những anh lớn kéo. Diều bay lên cao, tôi cứ phải nghển cổ nhìn, một lúc đã mỏi nên nằm lăn ra cỏ ngửa mặt ngắm diều, ngắm mây trôi. Cánh diều được gió chao liệng trên cao vi vu tiếng sáo. Chúng tôi tranh cãi xem diều ai bay cao, liệng đẹp, sáo diều ai hay nhất. Tôi bé quá, chẳng phân biệt được sáo diều nào với diều nào, chỉ thấy vi vu trong gió, chỉ thấy trong mắt mình cánh diều như nửa vầng trăng, như cánh con chim trên nền trời xanh thẳm, tâm hồn vút lên theo cánh diều tận tầng mây. Nhiều lần tôi cũng tranh giật dây diều với các anh, cảm nhận dây diều dật dật theo từng cơn gió, cánh diều như muốn lôi tôi bay lên theo. Khi diều đứt dây, các anh phải chạy đuổi theo, có khi phải bơi sang cả bên kia sông mới lấy lại được. Đã có lần tôi được anh con bác cho một cánh diều rất lớn có cả sáo đôi. Cánh diều này do anh làm, nó đã từng bị đứt dây, nhưng hình như nó không còn tốt nữa, sáo của nó cũng bị hỏng. Tôi còn bé nên không thể mang được cánh diều lớn thế, đành ngồi ngắm nghía xuýt xoa. Mùa hè là mùa thu hoạch đay, và đó cũng là mùa lũ. Những năm lũ lớn ngập trắng đồng bãi, ngập ngang ngọn đay, người dân quê tôi ơ hời nhìn nước oán trách trời xanh. Những năm lũ nhỏ, người lớn úp mặt xuống nước với tay chặt gốc đay. Khi lớn lên, có dịp đi đây đó, so sánh các nghề, tôi mới thấy không nghề nào vất vả cực nhọc bằng nghề trồng đay. Mùa thu họach, người dân quê tôi mặt xanh bủng beo vì ngâm nước, người ghẻ nở, bàn tay chai sần rớm máu vì bóc vỏ đay. Còn lũ trẻ chúng tôi chẳng đứa nào thoát cảnh ghẻ nở, bụng ủng da vàng, xưng vì muỗi, dãn đốt. Để có được sợi đay, người làng tôi phải mất mấy tuần ngâm vỏ đay. Khi đó cả làng bốc mùi thum thủm. Nguồn nước bị ô nhiễm với màu đen ngòm sánh ngang nước sông Tô Lịch. Cá chết nổi trắng bụng. Tuy nhiên, cái tôi nhớ nhất của mùa thu hoạch đay là không khí vào mùa rộn ràng, hối hả, là cảnh cả làng bóc đay trên đê. Thân cây đay trắng ngần được kéo ra khỏi vỏ lao xuống phủ kín triền đê. Nhớ lại quang cảnh ấy thấy đẹp và thơ mộng lắm, tiếc là không thể có được bức ảnh nào làm kỷ niệm. Khi nhớ quê, tôi cũng nhớ đến những ngõ xóm tre ken kín 2 bên cùng rất nhiều ao hồ. Làng quê bây giờ khác trước rất nhiều, cứ xơ xác tiêu điều làm sao với đường bê tông, tường bao san sát và nhất là không còn cây rối rậm rạp. Khi nhớ quê, trở lại thăm quê, nhiều lần tôi đã thất vọng. Làng quê ngày càng trù phú, đường đi sạch sẽ không còn ngập phân trâu, lép nhép bùn trong những ngày mưa, nhất là những tháng mưa dầm, cũng không còn cảnh nhà mái rạ, làn khói nhẹ vương vấn lúc buổi chiều hôm. Những thay đổi đó là tất yếu trong quá trình phát triển, đánh dấu sự sung túc trong đời sống vật chất của người dân quê tôi. Mặc dù mừng đó, nhưng lòng tôi cờn cợn nuối tiếc dáng vẻ cổ kính, nguyên sơ của ngôi đình, mái chùa, của cây đa, giếng nước không còn nữa, về cái hồn xưa cũ của làng quê đã mất. Ngậm ngùi hơn khi lối sống quê bây giờ cũng khác! Hồi tôi còn ở quê, làng vẫn chưa có điện. Đêm đêm leo lét cảnh đèn dầu. Mùa đông cả nhà rúc trong ổ rơm nằm sớm. Mùa hè chải chiếu ra đầu hiên hóng gió và ngắm sao đêm, nghe bà tôi kể chuyện ngày xửa ngày xưa và chuyện ma. Gần nhà tôi có một gò đất cao, quê tôi vẫn gọi những gò đất như thế là vú cô tiên. Trên gò đất có một cây đa chết khô từ bao giờ. Bà tôi bảo đêm đêm trên ngọn đa vẫn có bóng đèn treo lúc lắc. Nghe thế nhưng tôi chưa bao giờ gặp cả và dù tò mò nhưng chẳng khi nào có ý định xem thử. Bây giờ vú cô tiên không còn. Người ta đã lấy hết vú của cô làm gạch. Một cái lò gạch lớn đã mọc lên ở đây, ngày đêm nhả khí các bon. Ngõ sau nhà tôi được rào bằng mây và duối. Một cây duối to làm cổng đi lại. Quả duối chín bằng đầu ngón tay út màu vàng tươi, ăn ngọt ngọt. Tôi hay ra đó vặt quả ăn, bị doạ ăn buổi sáng rắn ban đêm ngậm sẽ độc. Tôi tin là thật, sợ nhưng vẫn cứ ăn. Bà tôi kể có đêm bà đi giải ở gốc duối dẫm lên tóc ma bị nó kéo ngã. Bà sợ chạy vào nhà, ma đứng ngoài gọi trêu. Bà dặn tôi đêm nghe tiếng gọi không được thưa kẻo ma nó bắt. Bà làm một cái roi dâu để sẵn đầu giường đánh ma. Ma sợ roi dâu nhúng nước giải. Có lần bị ma trêu bà lấy roi dâu đuổi đánh, chúng kêu nheo nhéo từ đó không dám trêu bà nữa. Tôi nghe sợ lắm đêm buồn tè mà không dám ra ngoài, cứ hé cửa sổ thò “vòi” câu ra. Cửa sổ khai mù, bị mẹ phạt mấy lần mà không chừa. Một chuyện ma khác bà kể mà tôi vẫn nhớ. Vào một đêm trăng sáng bà đi thăm người ốm về, qua ngõ sau có rặng nhãn rậm rạp, thấy bóng một người giữa đường, ngẩng lên nhìn cành nhãn vắt ngang qua đường thấy một người mặc áo trắng toát, nằm trên cành nhãn xõa tóc xuống. Bà bỏ cả dép chạy. Những chuyện ma ấy, nghĩ lại mới hay là cách bà tôi giữ chúng tôi buổi tối, buổi trưa vắng người ở nhà, tránh lang thang sa chân ngã xuống ao. Trong cuộc đời con người, mỗi ngày, mỗi giờ, trừ lúc ta ngủ, còn thì diễn ra bao nhiêu là chuyện. Có nhiều chuyện, nhiều sự việc tác động tri phối đến vận mệnh đời ta, có những sự việc tác động mạnh mẽ đến tình cảm của ta, như việc cha mẹ, ông bà mất, việc con cái ta sinh, việc ta thăng chức, mất quyền,... Cũng là dễ hiểu khi những sự việc như thế ăn sâu vào tâm thức ta khiến cả đời không quên. Vậy nhưng lại có những chuyện, những việc chẳng đâu vào đâu, chẳng có ý nghĩa gì, tưởng như rất vu vơ, thế mà có khi lại ăn sâu vào ký ức, vào tâm trí ta. Với tôi, chuyện như thế diễn ra vào một buổi trưa hè bỗng nhiên thức giấc, đứa trẻ 5 - 6 tuổi là tôi ra khỏi giường đến ngồi bệt trước ngưỡng cửa, lưng tựa vào tường nhìn ánh nắng vàng ườm, nhìn mẹ dưới sân đội nón lặng lẽ dũi thóc, nghe gà cục tác, nghe tiếng ve kêu thưa thớt. Đứa trẻ đó thấy buồn, cái buồn thật khó diễn tả xâm chiếm vào lòng, và nó khóc, khóc tỉ tê. Thật buồn cười, nhưng chuyện đó có thật và không hiểu sao thỉnh thoảng nó lại hiện về trong trí óc tôi cùng cái cảm giác buồn buồn vương vấn./. 12 tháng 8
Posted on: Tue, 10 Sep 2013 00:43:09 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015